Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhà thơ Trần Ninh Hồ: Né mình đi cho ánh sáng tràn vào!

Cập nhật: 10:46 ngày 09/03/2018
(BGĐT) - Tôi biết nhà thơ Trần Ninh Hồ dễ chừng tới 30 năm. Song thực ra với tôi, ông là "một người quen nhưng mà lạ" bởi tôi không biết nhiều về ông. Duyên tình cờ chỉ là thuở ấy mới ra trường công tác tại Đài Phát thanh tỉnh Hà Bắc, tôi rất thân với chị Trần Thị Chung, em gái ông.
{keywords}

Nhà thơ Trần Ninh Hồ tại buổi giới thiệu sách mới của nhà thơ Vũ Thanh Hoa.

Thường xuyên có mặt trong các sự kiện lớn nhỏ của gia đình, tôi biết các anh chị em của chị và luôn dành cho họ sự ngưỡng mộ bởi nền tảng văn hóa và năng khiếu văn chương.

Không mấy ngày bon bon đạp xe đi cơ sở, chị Chung không nhắc đến anh Hỉ (tên thật của nhà thơ Trần Ninh Hồ). Hay nghe chị kể chuyện nên phần nào những tình cảm thân thương của em gái nhà thơ cũng truyền sang tôi. Từ thời ấy, tôi đã luôn ngưỡng mộ và thấy ông gần gũi, cho dù chưa bao giờ đọc trọn vẹn một tập thơ của ông. Cảm xúc đầu tiên của tôi về thơ ông là những câu thơ viết về trận mạc, về mẹ, thời ông còn ở chiến trường: "Nghe đài tin thắng lớn/ Ở nơi này, nơi kia/ Mẹ thường hay lén bố/ Khóc thầm bao đêm khuya/ Thắng lớn thì đánh lớn/ Liệu còn đứa nào về?...". Tôi cũng có anh trai đi bộ đội thời chống Mỹ. Ngày ấy còn bé nhưng tôi nhớ mỗi lần nghe Đài báo tin thắng trận, mẹ tôi lại lật đật ra bàn thờ thắp hương, cầu mong anh tôi tránh được hòn tên mũi đạn và mẹ khóc. Kỷ niệm ấy cứ mãi ám ảnh nên tôi xúc động và thích những câu thơ của ông...

Ký ức về ông chỉ có vậy. Cuộc sống, công việc, những lối rẽ ngang bất ngờ. Những kỷ niệm thời con gái luôn đỏng đảnh, lãng đãng, nhớ rồi lại quên. Tình cờ, sau 30 năm gặp lại, tôi vẫn nhận ra ông. Vẫn nụ cười đôn hậu, vẫn ánh mắt hóm hỉnh và sắc sảo ấy. Vẫn phong cách, cử chỉ nói năng và những câu chuyện hài hước, dí dỏm luôn thu hút người khác, mà hình như các thành viên trong gia đình ông đều có cái nét giống nhau. Có điều, sau bao năm không gặp tôi đâu biết ông đã là một người nổi tiếng.

Sau buổi gặp ấy, tôi tìm đọc rải rác những bài thơ của ông in trên các trang báo và qua Internet. Vừa lo lắng vừa thích thú khi thấy mình giống như một đứa trẻ lần đầu dò dẫm tìm đường khám phá về thơ ông. 

Trần Ninh Hồ tên thật là Trần Hữu Hỉ, sinh năm 1943, tại làng Sen Hồ (thuộc thị trấn Nếnh, Việt Yên). Quê mẹ ông ở làng Mật Ninh (xã Quảng Minh, Việt Yên). Đó đều là những làng quan họ cổ nổi tiếng của bờ Bắc sông Cầu, trong đó làng Sen Hồ là một trong 5 làng quan họ cổ của Bắc Giang được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Mang theo niềm tự hào về quê hương, ngay trong những sáng tác đầu tay, ông đã lấy bút danh Trần Ninh Hồ (ghép tên hai quê nội, ngoại). 

Đang là cán bộ của Ty Văn hóa Hà Bắc, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông vào bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ. Sau năm 1975, ông xuất ngũ, chuyển về công tác ở Báo Văn nghệ Giải phóng, Tuần báo Văn nghệ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam. Từ quê hương Kinh Bắc vào chiến trường, trở thành người lính, rồi thành nhà thơ - hành trình đó chính là cái duyên cuộc sống đã trao ông, để ông đem vào thơ những trải nghiệm, vốn sống. Thơ là đời, đời là thơ và chính ông cũng không phân biệt được rạch ròi: "Khi vào thơ đời đã sách vở rồi/ Sao cứ mãi bàn thơ theo sách vở/ Sách chỉ là nơi thơ tạm ở/ Thơ lẫn vào đời như em và tôi".

Đọc một mạch hơn 100 bài thơ in trong tập "Những dấu ấn chưa qua" - tập thơ thứ 9 cũng là tập thơ mới nhất của Trần Ninh Hồ xuất bản năm 2017, tôi thấy những dấu ấn cuộc đời đi qua những trang thơ của ông với rất nhiều đề tài: Những triết luận về thơ, về nhân tình thế thái, khắc họa chân dung các văn nghệ sĩ, thơ viết về những miền đất ông qua, về quê hương, bè bạn, người thân, thơ viết về tình yêu. Khác hẳn với phong cách dễ nhận ngoài đời, thơ ông khá đa chiều cảm xúc và đa sắc màu. 

Phần I tập thơ có tựa đề "Giấy như mây" chủ yếu là những triết luận về đời, về thơ. Ở phần II - "Phóng sự thơ" là những cảm xúc, ghi chép bằng thơ. Không đàm nhiều chuyện thơ, chuyện đời, chuyện những danh nhân, ông dành khá nhiều bài thơ viết về cha mẹ, về anh chị em ruột thịt, về ký ức tuổi thơ. Qua những chữ, những dòng ta gặp một Trần Ninh Hồ hồn hậu và tha thiết, đau đáu nỗi niềm về cha mẹ, quê hương. Tôi đọc, thấy mắt mình rưng rưng khi ông viết về mẹ: "Ôi làng quê của con/ Cánh đồng xưa có mẹ/ Bên quang mẹ đặt con/ Bên quang mẹ lèn cỏ..."; "Mẹ ơi quê còn đó/ Sao mẹ lại không còn/ Có lúc con chợt hỏi/ Từ nay còn quê không?" (Sao giờ con mới thấy). 

{keywords}

Nhà thơ Trần Ninh Hồ (ngoài cùng bên phải) cùng các văn nghệ sĩ, nhà báo thăm chùa Bổ Đà.  Ảnh: PV

Khác hẳn với những suy tư, trăn trở, những trải nghiệm thâm trầm ở hai phần thơ trước, trong phần III - "Em và tôi", qua những câu thơ bay bổng và mềm mại, tôi thấy một Trần Ninh Hồ rất trẻ, đắm say mà nền nã khi ông viết về tình yêu: "Đã bao ngày tôi đi dưới hàng cây/ Để tưởng tượng về em một bóng hình dịu mát/ Để tưởng tượng cùng sông soi bóng ai giây lát/ Để tin rằng rồi em sẽ qua đây" (Cây và sông ngày hai mươi tuổi). Có thể "em" là bóng hình có thực, có thể chỉ là một là cái cớ để tâm hồn ông ngân lên những nốt nhạc về tình yêu. Và rất có thể, tình yêu ông dành cho nhân vật trữ tình "em" không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà đó còn là tình yêu dành tặng cho tuổi trẻ tinh khôi, cho Nàng thơ, cho những gì tốt đẹp nhất. “Em” chính là hình tượng hóa của “Cây đời mãi mãi xanh tươi”. Phải chăng đó cũng là dụng ý khi nhà thơ quyết định đặt tên cho phần kết của tập thơ "Những dấu ấn chưa qua" như một lời cám ơn đối với cuộc đời. 

Có thể thấy rằng chính những cung bậc cảm xúc, những yếu tố đa sắc màu đã tạo nên một phong cách thơ Trần Ninh Hồ không thể lẫn, để người đọc không thấy nhàm chán và luôn tìm được những dòng ánh sáng chiếu trong thơ ông. Cái ánh sáng mà ông đã đón nhận và trở thành lẽ sống của đời mình: "Ấy là khi nhà thơ đã tự né mình đi cho ánh sáng tràn vào/ Đầy trang sách. Không một dòng khuất lấp/ Bởi cái bóng - nhà - thơ - thế - tục đã che đi” (Tiễn biệt nhà thơ).

Mùa xuân Mậu Tuất này nhà thơ Trần Ninh Hồ bước sang tuổi 75. Tôi mong thêm một lần được gặp lại ông trên quê hương Bắc Giang để được chúc ông mùa xuân này trẻ mãi như trong một lần đón nhận lời chúc năm mới ông đã viết: "Sau bao năm về chung sống cùng nhau/ Ai đó chúc ta xuân này trẻ lại!/ Tình yêu ơi có sống cùng mãi mãi/ Cho ta tin lời chúc ấy cho mình?" (Trước lời chúc mùa xuân).

Tôi và những người yêu thơ ông trên quê hương Kinh Bắc cùng mong tiếp tục trên hành trình những dấu ấn chưa qua, ông luôn tin: "Lời chúc ấy cho mình!".

Lê Huyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...