Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện về chữ tình

Cập nhật: 07:00 ngày 23/03/2018
(BGĐT) - Ngày xưa các cụ thường bảo: Chữ tình có ba, bảy chữ tình. Ngẫm thấy chí phải. Nào là tình nhân (giờ gọi là người yêu), tình thân, tình duyên. Nào là tình quê, tình đất nước… Chữ tình rộng quá, chỉ xin ngỏ đôi lời về tình yêu đôi lứa.
{keywords}

Minh họa: Hà Mi.

Thuở trước, các cụ gọi người yêu là tình nhân hoặc nhân tình, nhân ngãi. Trai gái yêu nhau gọi là “phải lòng”. Cái từ ấy thật bình dị mà nghe êm ái, thân thương. Tình yêu là đề tài vĩnh hằng và không bao giờ cạn trong các câu chuyện thường ngày, trong văn chương, nghệ thuật, không chỉ trong dân chúng làng quê, phố phường mà còn cả nơi cung đình nghiêm ngặt; không chỉ diễn ra nơi ồn ã, xô bồ mà còn cả trong đình thờ thành hoàng tôn kính. Ví như ở đình Phù Lão (Lạng Giang) dựng ở cuối thế kỷ XVII đã chạm khắc đôi trai gái tình tự. Luận về tình yêu tuy giống nhau về cốt lõi vẫn có những điều khác nhau ở mỗi thời đại, mỗi thế hệ. 

Tháng 6-1934 tại Học hội ở Quy Nhơn (Bình Định), nhà thơ Lưu Trọng Lư khi ấy mới 22 tuổi đã hùng hồn phát biểu: “Các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt… Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta nao nao vì tiếng gà lúc đúng Ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì ta cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng, cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu”.

Quả là những lời nói xô bồ, liều lĩnh nhưng phản ánh đúng tâm trạng của lớp trí thức trẻ hồi ấy - hồi văn hóa phương Tây (nước Pháp) tràn vào, chế độ phong kiến rệu rã, suy tàn. Ở thời đó - thời “đổi bút lông lấy bút chì” - xuất hiện những nhà thơ trú ẩn vào tình yêu để trốn tránh hiện thực đau đớn đất nước. Tình yêu dường như là cứu cánh cho họ. Bởi thế mới có hàng loạt nhà thơ ngợi ca cuồng nhiệt, tôn thờ sùng bái hết thảy tình yêu như Vũ Hoàng Chương, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… mà ngồi chễm chệ chất ngất là Xuân Diệu. Ông Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” đã kêu lên: “Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như buồn, người đều nồng nàn, tha thiết.” “Vội vàng” là một trong những bài thơ tiêu biểu minh chứng cho nhận định của ông: Ta muốn ôm/ Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn/ Ta muốn riết mây đưa và gió lượn/ Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/ Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/ Và non nước, và cây, và cỏ rạng/ Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng/ Cho no nê thanh sắc của thời tươi/ Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Đúng là ngày xưa các cụ “phải lòng” nhau chỉ để trong bụng không dám công khai hẹn hò, gặp gỡ, ôm hôn. Và rất nhiều trường hợp là “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”.

Vẫn có tình yêu thoảng qua, tình yêu sét đánh nhưng thường là không bền lâu. Trai gái phải biết lựa chọn tình nhân mình để mãi mãi là của nhau. Bởi thế mới “Con đường đến với người yêu/ Giật mình chợt thấy quá nhiều ngã ba” như tự sự của nhà thơ Vũ Duy Thông. Ai cũng hiểu:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên

(Thế Lữ)

Cái tình yêu trong sáng, thủy chung có sức mạnh ghê gớm, kỳ vĩ lắm. Gươm đao không khuất phục. Cường quyền không lay chuyển. Của cải không lùi bước. Mà van xin cũng bị chối từ. Cái tình yêu cao quý ấy luôn cất cao tiếng hát, luôn mạnh mẽ bước chân. Từ ngàn năm đến giờ, dẫu cho vật đổi sao dời, dẫu thời thế đổi thay tình yêu đó luôn ngọt ngào, da diết khắp đất trời.

Nào là:

Tình anh như nước dâng cao
Tình em như dải lụa đào tẩm hương

Nào là:

Anh còn son, em cũng còn son
Ước gì ta được làm con một nhà

Rồi:

Anh như táo rụng sân đình
Em như gái dở đi rình của chua

Và:

Yêu nhau, ruột héo, xương mòn
Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau.

Thơ ca tình yêu đi cùng năm tháng và là nguồn lực dồi dào, bất tận tới hôm nay, mai sau. Nhà thơ nào cũng đều có thơ tình và khá đông họ nổi tiếng, lưu danh từ những bài thơ, câu thơ đó. Ví như Vũ Cao với "Núi đôi". Giang Nam với "Quê hương". Ví như Đồng Đức Bốn với Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm; Hữu Thỉnh với Anh xa em/ Trăng cũng lẻ/ Mặt trời cũng lẻ/ Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn (Thơ viết ở biển)… Kể sao hết những cung bậc tình yêu, những phấp phỏng, bồn chồn, những giận hờn, lo sợ, những rạo rực đắm say. Mà cũng lạ, chỉ quẩn quanh các cung bậc đó mà thơ văn chẳng bao giờ cạn, chẳng bao giờ nhàm chán, lại luôn lôi cuốn, lay động hàng triệu triệu người, không chỉ lớp trẻ mà cả lớp già gần đất xa trời.

Lại nói, chữ tình quá rộng lớn. Ngoài tình yêu đôi lứa lại còn bao thứ tình cao quý, thiêng liêng khác, ví như tình cảm gia đình, tình trò thầy; ví như tình yêu quê hương, đất nước… Người ta sống đâu chỉ là tình yêu một thời trai trẻ…

Mùa xuân - mùa chim ca, hoa nở, mùa lên tiếng của đất đai, cỏ cây, cũng là mùa tình yêu. Hãy ca vang mùa xuân bất tận...

Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...