Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Báu vật

Cập nhật: 14:08 ngày 04/05/2018
(BGĐT) - Tôi đến tổ dân phố này không lâu khi mua đất, xây nhà ở đây để đưa vợ  vừa được chuyển lên thành phố. Vì là dân mới, tôi cố gắng để ý sinh hoạt đời sống của bà con xung quanh.
{keywords}

Minh họa: Thế Đại

Có một cụ già mà tôi thấy rất lạ. Cụ tên là Vải ít nói, ai chào chỉ gật đầu, ai hỏi chỉ ậm ừ một câu. Cụ thường mặc bộ quần áo ta thuở trước - quần ống rộng, áo xẻ cánh có hai túi áo bên vạt. Hầu như ngày nào cụ cũng ra ngồi chỗ quán sửa chữa xe đạp, xe máy ở ngay đầu ngã ba đường, cách nhà chừng ba chục mét, chả bắt chuyện với ai, chỉ nhìn ra đường không ngớt người và xe. Được cái, cụ khỏe mạnh và minh mẫn.

Một hôm, tại một quán nước đầu đường, ông Liệu - người gần nhà tôi - oang oang nói với chúng tôi đang ngồi xung quanh:

- Tôi đố các ông, ông già Vải có bí mật gì?

Thật là câu hỏi hóc búa. Chung chung quá. Mà cũng bí hiểm quá. Ai biết được chuyện riêng tư của ông già khi ông quê tít vùng biên, làm rể ở đây. 

- Ông già là người Tày ở Cao Bằng. Lạ gì - một người nói.

- Chuyện ấy thì ai chả rõ, có gì là bí mật - ông Liệu đốp ngay.

- Chắc là ông cụ nhà ta có vợ ở quê, về làng này lại lấy bà Lụa chứ gì?

Ông Liệu lắc đầu. Đúng là điều ấy không thể có. Nhiều người đã kể với tôi rằng, ông cụ là lính pháo binh giữa trận địa ở đây thời chống Mỹ vào giữa những năm sáu mươi. Hồi ấy cánh lính vẫn trêu khẩu đội trưởng Vải là cựu phòng không, tức là chưa vợ quá lâu. Lụa - vợ ông già bây giờ - là dân quân phục vụ chiến đấu. Trận địa chỉ tồn tại ít tháng rồi chuyển vào miền Trung. Có cuộc tổ chức tiễn đưa giữa dân quân xã với bộ đội.

Mọi người ngồi trong quán ầm ĩ bàn luận về câu hỏi lửng lơ thách đố của ông Liệu. Tất cả giả thuyết đưa ra đều bị ông Liệu bác bỏ. Cuối cùng thì ông Liệu dõng dạc:

- Ông già có cái hộp sắt tây luôn để trong túi áo hoặc túi quần, không bao giờ rời ra.

Ôi giời, tưởng là cái gì chứ hộp sắt thì đã sao. Nhưng ngẫm ra cũng thấy lạ. Đựng thuốc lào chắc là không phải vì ông cụ không nghiện thuốc. Còn thuốc uống hằng ngày chữa bệnh cũng không rồi. Ông cụ hầu như không bao giờ phải vào trạm xá, bệnh viện. Giờ tám mươi tư tuổi vẫn nhớ đâu ra đấy, từ chuyện thời trẻ con đến chi tiết các trận đánh. Người ta kể, lúc bảy mươi ba tuổi vẫn còn gánh băng băng hơn bốn mươi cân đi suốt chặng đường năm cây số. Nay vẫn ăn uống rất khỏe. Trông nước da cụ mà chính tôi cũng thèm. Nói thật, cụ mà nhuộm tóc đen, tôi bảo đảm ai cũng tưởng cụ chỉ ngoài tuổi bảy mươi. Ông Liệu bảo, lúc ông già vào tuổi bảy lăm, bà Lụa kém chồng hơn chục tuổi vẫn còn phát ghen.

Về cái hộp tròn sắt tây của cụ Vải, ông Liệu kể, một lần đã nắn túi áo cài kim băng của cụ:

- Cụ để cái gì trong túi áo đấy, cho cháu xem nào? 

Ông cụ trừng mắt, giữ chặt áo.

- Đúng là cụ giữ vàng rồi.

Ông cụ lắc đầu, bực bội đứng dậy khiến ông Liệu phải cuống quýt xin lỗi.

Dân xóm giờ gọi là tổ dân phố vẫn luôn khen vợ chồng ông bà Vải, Lụa. Ông già Vải binh nghiệp đằng đẵng mười mấy năm trời suốt từ năm sáu tư đến năm bảy tám, tính tổng cộng thời gian ở với vợ lúc chiến tranh không quá bốn năm. Mọi việc gia đình đều do vợ gánh vác. Bà mát tính, hay lam hay làm, thương chồng thương con. Một nách ba con đảm nhận năm sào ruộng lại dựng nhà dựng cửa quả là kỳ tích. Các con bà đều được học hành đến nơi đến chốn, nay đều có công việc ổn định.

Từ khi ông Liệu kể, tôi càng để ý đến cụ Vải. Đúng là một bên túi áo mỏng, ông cụ ghim bằng kim băng to tướng, lộ ra bên trong một hộp tròn màu đen giống như hộp xi đánh giầy. Chẳng hiểu cụ đựng gì mà cứ giữ khư khư trong người. Chả lẽ là vàng? Có khi thế thật. Ông cụ phòng thân. Nhưng cái hộp bé ấy thì đựng mấy chỉ. Mới lại là vàng thì cụ phải cất trong nhà chứ sao lại để trong người. Con trai, con gái đều có của ăn của để tất chẳng cần tiền cụ. Tôi nói với ông Liệu: “Em đã đến nhà cụ Vải bắt chuyện nhưng cụ chỉ nghe, ít nói lắm”. Ông Liệu chậc lưỡi: “Trước, ông cụ không thế đâu, chỉ sau khi bà Lụa mất mới sinh ra tính ấy. Tôi nói cho anh nghe…” 

Giữa lúc con cái làm ăn phát đạt, bà Lụa mắc bệnh nặng rồi mất. Ông cụ Vải suy sụp gần tháng trời. Ăn uống thất thường. Người gầy rộc. Cứ vài ba hôm ông cụ lại ra mộ vợ ngồi rõ lâu, giở hộp sắt ra, lầm bầm cái gì đó. Người làng tưởng cụ phát dở. Con cháu ông cụ phải cắt cử nhau bám riết ông cụ suốt ngày.

Đã nhiều lần ông Liệu hỏi ông Vững con trai cụ về cái hộp sắt lạ lùng của ông cụ. Ông Vững trầm ngâm: “Tôi cũng chẳng rõ. Ông cụ không kể mà cũng chẳng cho con cháu xem. Thời bà còn sống thi thoảng ông bà giở hộp ra, thì thầm trò chuyện.” “Hay là huân chương?”. “Ông cụ có nhiều huân chương để riêng một chỗ, bọn tôi đều biết”. Đúng là cái hộp bí hiểm. Có lẽ là báu vật.

Hai hôm không thấy ông cụ ra chỗ quán sửa xe. Thì ra cụ bị cảm khi trở dậy lúc đêm khuya. Cụ được đưa tới bệnh viện nhưng sau đó lại về nhà theo lời khuyên của bác sĩ. Nghe tin, bà con trong tổ dân phố kéo đến rất đông. Khi tôi tới, quanh giường cụ nằm đã có mười mấy người, đặc biệt có một cụ già gầy yếu, được biết đó là cụ Mấy, thời chống Mỹ là xã đội trưởng, sau giữ chức Chủ tịch xã. Cụ Vải nằm bất động nhưng đôi mắt vẫn sáng nhìn mọi người, hình như đều biết những ai đến. Cụ Mấy cất giọng vui vẻ:

- Chào ông bạn trung tá pháo binh. Cứ chịu khó thuốc thang đi để chóng hồi phục còn tham gia hội cựu chiến binh - cụ quay sang chúng tôi - Cụ này có mối tình đẹp lắm, y như trong phim vừa chiếu. Lúc đưa tiễn ông này vào mặt trận miền Trung hay miền Nam gì ấy, bà Lụa cắt mớ tóc mình trao cho ông với lời thề hẹn chờ đợi ông về. Ông cũng cắt ít tóc mình đưa bà Lụa để giữ niềm tin. Đúng là trời đất phù hộ, ông bà đã nên vợ nên chồng. Chẳng hiểu ông bà đến giờ còn giữ được tóc không chứ cách đây mấy năm, tôi biết ông vẫn cất kỹ lắm…

Tất cả chúng tôi lặng người. Ông Vững như sực nhớ ra vội tới đầu giường ông cụ nhấc ra chiếc hộp sắt tròn mà lúc nãy thay áo bố đã để ở đó. Tay ông Vững lập cập, mãi mới bật được nắp. Ngay ở trên là mấy sợi tóc, sau vuông giấy bạc lót là ít tóc dài, tất cả đều đen nhánh.

Ông Vững nhắm mắt. Những giọt nước mắt ứa ra, lăn trên gò má. Có tiếng khóc nức nở vang lên…

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...