Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đỗ Nhật Minh - Cây bút đa phong cách

Cập nhật: 11:17 ngày 26/06/2018
(BGĐT) - Đỗ Nhật Minh là người viết văn chuyên nghiệp. Trong Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang, ông thuộc thế hệ đầu tiên từ khi còn tỉnh Hà Bắc. Tính đến nay, thời gian cầm bút sáng tác của ông dễ cũng gần năm mươi năm. Có lẽ từ truyện ngắn đầu tay “Câu chuyện về một đội kịch” in năm 1971, một cú hích đưa ông một thầy giáo dạy văn trở thành một người viết văn, viết báo.
{keywords}

ông Đỗ Nhật Minh (thứ ba từ trái sang) trong một chuyến đi thực tế ở Lục Ngạn.

Những năm tháng miệt mài cầm bút, Đỗ Nhật Minh cũng có vốn liếng ngót chục ngàn trang viết. Dưới tay ông, hàng loạt tiểu thuyết mỏng có dày có. Hàng loạt truyện ngắn, truyện dài. Truyện viết cho người lớn, viết cho thiếu nhi, cả viết theo các đơn đặt hàng… Truyện đã in thành tập cũng nhiều, chưa in cũng lắm. Các danh hiệu, giải thưởng văn chương ông dành được từ Trung ương đến địa phương cũng không ít. Ngoài viết văn, Đỗ Nhật Minh còn là người viết báo có thâm niên trong tỉnh. Say mê và miệt mài. Nhạy bén và cẩn trọng. Sâu sắc và trách nhiệm… Dường như chưa bao giờ người ta thấy ông ngừng viết dẫu tuổi đã thất tuần.

Nghiêm túc trong văn phong, chữ nghĩa nhưng Đỗ Nhật Minh sống chan hòa, vui vẻ…đôi lúc khá ồn ào. Ông dễ mến nên người ta cũng năng đến. Phòng làm việc của ông nếu không đóng cửa thì hầu như lúc nào cũng chật người. Già có, trẻ có. Tặng sách, trao đổi. Đọc văn, ngâm thơ. Sáng sáng, ông khoác chiếc túi dết vào ghi đông chiếc xe đạp cũ đi đến cơ quan Hội VHNT tỉnh làm việc. Chiều đến, lại xe đạp, kính cận, bản thảo lếch thếch đi về Kế. Nhà ông ở Kế. “Giang Kế Nhân” là một trong nhiều bút danh của ông. Ấy là thời gian ông làm việc cho Tạp chí Sông Thương. Cũng cần nói thêm lúc tách tỉnh, “Văn nghệ Bắc Giang” chỉ là một ấn phẩm đơn điệu. May thay, đất Bắc Giang còn một lớp những tác giả ưu tú như: Duy Phi, Anh Vũ, Đỗ Nhật Minh, Tô Hoàn, Trịnh Kim Hiền, Tân Quảng , Đỗ Vinh, Đặng Tiến Huy… Theo đó, tạp chí này từng bước được nâng lên cả chất và lượng. “Sông Thương” được như ngày hôm nay cũng có công không nhỏ của Đỗ Nhật Minh. Lớp viết trẻ như Quang Đại, Nguyễn Mai Phương, Nguyễn Thu Hà, Ngô Minh Bắc, Đỗ Nhiệm và tôi (Văn Thành)… được như hôm nay cũng nhờ có ông dìu dắt, nâng đỡ rất nhiều.

Đỗ Nhật Minh là một người viết đa phong cách. Ngoài tiểu thuyết dài hơi, truyện ngắn là thể loại ông viết nhiều hơn cả.

Dưới ngòi bút của ông, những thân phận con người bị số phận đưa đẩy, dập vùi. Những cảnh đời trớ trêu, đau đớn, ai oán. Từ thành thị đến nông thôn. Miền núi và đồng bằng. Thị dân và công chức. Giàu và nghèo. Kẻ xấu và người tốt, thành đạt và thất bại… Ông như hóa thân vào những mảnh đời ấy để chia sẻ những vui buồn, cay đắng.

Trong văn chương của Đỗ Nhật Minh, cái ác và cái thiện là đối tượng chính để ông dành tâm huyết để mô tả. Trong tác phẩm của ông, cái ác như không còn nơi ẩn nấp. Chúng được phơi bày, được khảo sát, truy đuổi đến cùng.

Là người năng đi, năng đọc, lại nhiều năm làm công tác biên tập, ông là một người dày dạn và tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm trong sáng tác. Truyện ông viết có thể ở mức vừa phải nhưng cũng có thể viết thật dài hoặc thật ngắn. Truyện có thể có hoặc không có cốt. Nhân vật, tình huống mỗi truyện rất khác nhau. Nhưng mỗi khi một truyện của ông được công bố, độc giả vô cùng thích thú. Làm chủ ngòi bút cùng tư duy hiện thực sắc bén, nên những truyện ngắn ấy cũng làm cho một số người không khỏi giật mình… hú vía. Am hiểu về lý thuyết, ông thử nghiệm khá nhiều phong cách. Hiện thực, siêu thực, hiện thực huyền ảo. Hiện đại, hậu hiện đại…Nhưng cái đích của ông là luôn nhằm truyền tải, ý tưởng. Đó là những vấn đề mang hơi thở của đời sống, xã hội đương thời.

Có thể ngay từ khi cầm bút, ông đã chọn cho mình lối “tiểu tự sự”. Đây là trào lưu của văn học thế giới và văn học tiến bộ trong nước. “Tiểu tự sự” tức là viết về cái tôi: “bản ngã”. Viết người dân lao động. Đối tượng của nó là những con người quanh ta, tầng lớp đông đảo nhưng vốn thấp cổ, bé họng. Những số phận cần lao, đầu tắt mặt tối. Lớp người ấy vừa đáng thương, đôi khi vừa đáng trách… nhưng rất đáng bênh vực. Bởi họ, những phận người yếu đuối, mỏng giòn ấy rất dễ bị tổn thương bởi quyền lực và cái ác.

Trong văn chương của Đỗ Nhật Minh, cái ác và cái thiện là đối tượng chính để ông dành tâm huyết để mô tả. Trong tác phẩm của ông, cái ác như không còn nơi ẩn nấp. Chúng được phơi bày, được khảo sát, truy đuổi đến cùng để nhận diện và phán xử. Những trang viết thấm đẫm tính nhân văn, nhân đạo của triết học hiện sinh.

Đọc văn của Đỗ Nhật Minh không khó nhưng hiểu được cũng không dễ. Cấu trúc trong truyện ngắn của ông cũng không giống ai. Thiên truyện mở ra tự nhiên, nhẹ nhàng. Tình huống như không hề sắp đặt mà tự xảy ra. Khi đã thỏa mãn ý tưởng muốn truyền tải của mình, thiên truyện đột ngột đóng lại. Nhiều người đọc như bị hụt hẫng bởi một khoảng trống lấp không đầy. Nhưng hiệu quả là từ đây, người ta bị ám ảnh vì nó. Những tình tiết tạo ra bầu không khí đặc sánh, ngột ngạt bởi những lo lắng, căm phẫn, lạnh lẽo, sợ hãi, lo âu… từ đầu chí cuối. Truyện ngắn thành công là ở chỗ đó.

Viết văn là một công việc nhọc nhằn, lại ít thành công. Nhưng với những người viết tâm huyết điều ấy không quan trọng. Thứ khiến họ cầm bút chính là tự lột xác, hồn mình trên trang viết, để tâm sự với đời. Những ngày này, Đỗ Nhật Minh vẫn không ngừng viết. Thật sung sướng biết bao khi được đọc những trang viết đầy hấp dẫn của ông trong lòng độc giả và những người mến mộ.

Văn Thành

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...