Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đôi mắt Khau Vai

Cập nhật: 07:00 ngày 27/06/2018
(BGĐT) - Cô gái ngồi gần như bất động, chỉ vài sợi tóc phất phơ. Không gian đậm đặc màu đá xám. Phía bên kia, mây trắng phủ trên đỉnh Mã Pí Lèng và những con đường nhỏ như sợi chỉ. Tôi ngồi ở đây đã rất lâu và vẫn thấy cô ngồi đó, dường như có tâm sự gì. Có lẽ cô là người dưới xuôi lên, tôi đoán vậy.
{keywords}

Minh họa: Đình Tân.

Đánh bạo, tôi đến gần cô và lên tiếng.

- Xin lỗi làm phiền, tôi ngồi đây được chứ?

Cô gái vâng và mời tôi ngồi bằng giọng nhẹ nhàng. Tôi ngồi xuống một mỏm đá cạnh cô gái. Cô không xinh lắm nhưng có cái duyên ngầm. Kinh nghiệm của một người làm báo cho phép tôi khẳng định vậy.

- Cô cũng đến đây tham dự chợ tình Khau Vai?

- Vâng, chắc anh cũng vậy? Em trông anh giống một nhà báo. - Cô đoán và nở một nụ cười.

- Tôi là nhà báo, chuyến đi này ngoài tham dự chợ tình Khau Vai tôi còn muốn tìm hiểu thêm nữa về mảnh đất Hà Giang mến yêu này.

Chúng tôi ngồi nói chuyện hồi lâu. Phải khẳng định cô là cô gái có duyên ngầm và dễ gần. Nhưng chẳng bao lâu cô đã nói ra sự cô đơn, trống vắng trong cách nói chuyện. Những lời lẽ của cô chứng tỏ cô đang đơn độc và muốn có người tâm sự, muốn được an ủi. Cô từ chối nói nơi mình đang sống. “Chẳng nên biết quá rõ về nhau làm gì. Anh thông cảm, biết em ở dưới xuôi là được rồi”.

Chiều 26 tháng 3 âm lịch, người đã ùn ùn kéo đến chợ Khau Vai. Họ là những người thuộc các vùng núi cao của Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn tụ về. Nhiều du khách từ Hà Nội cũng đến bằng xe máy Mink. Đa số người đến Hà Giang đi tay không. Nồi thắng cố giữa chợ là trung tâm tụ tập cánh đàn ông, đàn bà đủ lứa tuổi, thành phần uống rượu. Thắng cố, mèn mén, rượu ngô là những món “chủ lực” ở vùng này.

- Nếu anh không phiền thì cho phép em đi cùng anh, bởi anh cũng có một mình. - Cô gợi ý. Tôi đồng ý ngay.

- Có cô đi cùng thì tốt quá!

Chúng tôi đi dạo quanh một vòng. Những người dân tộc mến khách đã mời rượu. Không thể cưỡng được, tôi và cô uống một vài chén rồi lại đi tiếp để hoà cùng không gian văn hoá đặc sắc này.

Cô gái tên Hoa, khi bóng hoàng hôn buông xuống thì cô muốn có một chỗ yên tĩnh và tôi đi cùng. Chúng tôi ngồi ở một mỏm đá khác và chờ đêm buông xuống.

- Đêm nay mới là đêm đẹp anh nhỉ?

- Đúng, chẳng thế mà người ta chờ đợi cả một năm để có một đêm nay thôi mà. Người dân ở đây họ sống hoà đồng quá.

- Vâng. Những người ở đây họ mộc mạc, đâu như người dưới xuôi mình. Như vậy không có nghĩa là dưới xuôi mình tất cả đều không mộc mạc. Nhưng ở thành phố bon chen quá, ngột ngạt quá.

Vì ngột ngạt mà cô đã lên đây. Sa Pa thì cô đã đi rồi. Cô muốn tìm đến nơi đồi núi hiểm trở, xa xôi để trốn tránh sự ngột ngạt dưới xuôi, nơi mà cô đang sống.

Cô kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của mình. Có một tình yêu đẹp thời sinh viên nhưng nó đã bị dập tắt vì sự cấm cản của gia đình. Cô lấy một người chồng, không hẳn giàu có nhưng cũng no đủ. Anh ta không phải là người chồng tốt như cô tưởng mà bồ bịch và luôn hắt hủi vợ. “Thằng đàn ông là tôi, đi chán rồi về với cô chứ có bỏ cô đâu”. Đấy, anh ta giải thích như thế với vợ và lại đi. Cô không bỏ được anh vì con, cũng không muốn vì sự ghen tuông của mình để phá bỏ cuộc sống gia đình. Để có một gia đình êm ấm thật khó biết bao. Cô muốn trân trọng những gì mình có, để nuôi con mình lớn lên. Và cô chấp nhận tất cả. Sự phản bội của chồng, sự hắt hủi. Cô nghĩ cứ để anh ta đi chán rồi về. Đàn ông có lẽ thế, muốn “tăng gia” một chút gì đó bên ngoài nhưng lại chẳng muốn đánh mất gia đình.

Vừa rồi, chồng cô lại làm một việc kinh thiên động địa: Tham gia buôn hàng cấm và bị công an bắt đi rồi. Căn nhà hai vợ chồng chắt bóp mua được phải bán đi để anh trả nợ vay của người ta để hùn vốn. Cô đưa con về nhà mẹ đẻ. Thằng bé được cái ngoan ngoãn nên cũng an ủi phần nào sự bấn loạn trong cô.

Lo hậu quả cho chồng xong, mắt cô trũng hoắm, người phờ phạc, gầy rộc. Chồng cô sẽ phải chịu 4 năm tù giam. Đó là một cơn bão táp ào về tổ ấm vốn mong manh của người đàn bà đa cảm. Mẹ cô bảo: “Con phải giữ mình để nuôi con và chờ chồng con ra tù làm lại từ đầu. Có lẽ thằng bé sẽ nghiệm ra”. Cô xin vâng. “Phải vậy thôi, chứ biết làm thế nào. Mẹ ơi, con khổ quá”. Cô gục đầu vào ngực mẹ khóc. Nước mắt chảy ra cho lòng nhẹ bớt. Cô gửi con cho mẹ già và quyết định đi xa một tuần.

Đêm Khau Vai thực sự là một ngày hội. Đủ các sắc màu, các màu áo, ngôn ngữ tụ tập về đây. Họ có thể ngồi nhấm nháp bát rượu, ngắm người bên cạnh thổi kèn hay có thể ngủ gà ngủ gật bên con ngựa buộc ở hiên quán chợ. Trung tâm chợ là những cuộc tái ngộ của những cố nhân. Họ dìu nhau theo những triền đá, toả ra con đường dẫn về chợ để trút bầu tâm sự sau một năm xa cách. Truyền thuyết về mối tình ngang trái xưa giữa hai người yêu nhau nhưng khác đẳng cấp, bị ngăn cấm và lời hò hẹn tìm nhau mỗi năm một lần đã tạo nên một phiên chợ nhân văn và độc đáo trên đời. Ngay chính giữa, người ta tổ chức văn nghệ, nhảy múa và ca hát bên đống lửa lớn. Chúng tôi vì vui nên nhập cuộc. Hoa rạng ngời nhảy theo điệu của người dân, dường như những lo toan muộn phiền cô đã gác sang một bên. Và chỉ còn con người, với sự tình tứ lãng mạn và đêm cao nguyên hùng vĩ.

Hôm sau chúng tôi cùng bắt xe về thị trấn, nghỉ ngơi trong nhà khách của Huyện uỷ. Chúng tôi được bố trí hai căn phòng ở cạnh nhau. Với cô, mà cả tôi nữa, dư âm về đêm chợ tình thật đẹp đẽ. Nó xua đi mọi mệt mỏi. Và có lẽ, trong những tháng ngày làm báo của tôi, đêm hiếm hoi như chợ tình Khau Vai mới chỉ có một.

Tại đây, cô cho tôi xem cuốn sách mà cô đã sưu tầm được trong một buổi đi bản. Đó là cuốn sách cổ, viết về những sự tích và cuộc sống của cư dân Hà Giang xưa kia, cùng quá trình khai khẩn đất đai của họ. Đó thực sự là cuốn sách quý, rất cần cho kho tàng tư liệu của nhà báo.

- Nếu không phiền, em hãy cho anh mượn để phô tô.

- Vâng, để khi về dưới xuôi, em sẽ đưa cho anh phô tô.

Cô nói mình đã gần như mất phương hướng và niềm tin vào cuộc sống. Đứng trước một vực thẳm, cô đã định nhảy xuống đó để khỏi phải suy nghĩ mệt mỏi trong đời. Nhưng nghĩ đến con, đến mẹ, và nghĩ đến người chồng đang chờ cho mãn hạn tù, cô lại thôi.

- Anh biết không, chính cuộc sống khắc nghiệt vùng núi đá này đã làm em nghĩ lại. Cuộc sống của bà con dân tộc còn khổ quá. Lâu nay ở phố, cứ nghĩ mình là khổ rồi, vậy mà còn có người khổ hơn nhiều. Thường thì người ta phải “bón đất cho đá” để trồng ngô. Những cây ngô ở đây cũng có sức sống lạ kỳ.

- Em nghĩ dại làm gì. Ông trời chẳng bất công cứ bắt một người khổ mãi. Em phải tỉnh táo, còn gia đình nữa.

Cô nói gần như khóc:

- Vâng, em đã nghĩ dại dột, và em sẽ không làm vậy nữa. Em đã vào một gia đình. Và chính câu chuyện bi luỵ từ gia đình ấy đã cho em nghĩ khác rất nhiều. Người vợ trong ngôi nhà ấy khổ quá, thờ chồng, chiều chuộng chồng nhưng vẫn bị đối xử tệ bạc. Nơi đâu cũng có những người đàn bà thiệt thòi anh nhỉ?

Tôi nhìn sâu vào trong đôi mắt long lanh ấy, với một sự thông cảm trìu mến. Đôi mắt đã từng tặng cho tôi những giây phút đẹp đẽ trong đêm chợ tình, một vài giây đã làm cho tôi chung chiêng.

Hôm sau, khi tôi vào bản về, nghĩ cô mệt nên ở lại nhà khách không đi đâu. Lễ tân đưa cho tôi một cuốn sách với lá thư, nói là của chị Hoa người dưới xuôi. Tôi về phòng. Đó là cuốn sách cô đã sưu tầm được mà tôi từng ngỏ lời mượn. Bóc thư đọc, trong còn kèm theo bức ảnh cô chụp chung với thiếu nữ Lô Lô. Cô mặc trang phục của họ, đứng cùng ba cô gái, đôi mắt cô trong trẻo và bỗng chốc đầy ám ảnh trong tôi. Nó đẹp lạ kỳ, hấp dẫn lạ kỳ. Đôi mắt đã từng mê hoặc tôi đêm chợ tình.

Thư viết: “Em xin lỗi phải đi trước, con em có việc. Chúc anh ở lại vui vẻ và thành công trong việc tìm hiểu về văn hoá Hà Giang. Em sẽ cố gắng để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chuyến đi này cho em bài học rằng phải trân trọng những gì mình có. Gia đình là quan trọng. Và cần có nghị lực, mọi khó khăn sẽ vượt qua. Anh nhà báo, hãy lấy vợ đi và chăm sóc cho gia đình của mình. Bây giờ em sẽ nói thêm, em cũng là nhà báo. Về nhà, em sẽ viết về nơi em đến với một ký ức đẹp và tình yêu tha thiết. Chúc anh thành công. Có việc gì, hãy đến báo X. tìm em…”

Tôi nâng lá thư và bức ảnh trong tay. Đôi mắt cô gái như còn nhìn tôi mãi, mỉm cười. Và biết rằng, về nhà tôi cũng sẽ có nhiều điều để viết. Cũng sẽ dành tình cảm viết về cô, cô gái có đôi mắt đẹp. Tôi gọi là mắt Khau Vai, vì cô mặc trang phục dân tộc, rất đẹp, và đôi mắt thì lúng liếng cao nguyên.

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...