Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trái tim người lính

Cập nhật: 07:00 ngày 26/07/2018
(BGĐT) - Bà Hoa khẽ trở mình, thức giấc. Thấy giường trống tênh, bà nén một tiếng thở dài, nhẹ nhàng ngồi dậy, bước đến phòng làm việc của chồng. Trong căn buồng tối, ông Nam - chồng bà, đứng đó, mắt trân trân nhìn những kỷ vật thời chiến treo kín trên tường.
{keywords}

Minh họa: Đình Tân.

Bà Hoa bước lại, khẽ nắm lấy tay chồng, nói:

- Về phòng ngủ tiếp đi ông, khuya rồi!

Ông Nam không nói gì, bước theo cái kéo tay của người phụ nữ yêu thương ông nhất. Nhưng giấc ngủ thật khó đến với ông, cứ nhắm mắt lại là một thời khói lửa bủa vây trong tâm trí, hình ảnh những đồng đội nằm lại nơi chiến trường. Trong số đó có bạn ông, Sáng - người bạn học thuở nhỏ.

Trời tảng sáng, tiếng gà gáy vang một góc vườn. Bà Hoa tỉnh dậy lại không thấy ông Nam đâu. Ra sân, bà đã thấy ông đeo ba lô đi bộ lên xuống các bậc cầu thang rồi vòng ra vườn.

- Ông ơi, mới ốm dậy mà ông đã làm gì thế? - Bà Hoa hốt hoảng nói.

- Tôi khỏe rồi, bà không thấy tôi đi phăm phăm thế này à.

Ông Nam vừa nói vừa cười nhưng dẫu có vui vẻ, tươi tỉnh thế nào thì ông vẫn không giấu được sự mệt mỏi lộ rõ trên khuôn mặt hốc hác, xanh xao. Chả là cách đây mấy tháng ông bị nhồi máu cơ tim, phải đưa đi cấp cứu. Bệnh này bác sĩ bảo không được vận động nặng.

- Khỏe gì mà khỏe, ông cứ chủ quan, chẳng chịu nghe lời bác sĩ gì cả. Ông vào đây.

Vừa nói, bà Hoa vừa tiến tới, kéo tay ông Nam ngồi xuống chiếc ghế đá ở góc sân. Rồi bà nhanh nhẹn gỡ chiếc ba lô trên vai ông xuống.

- Giời ơi! ông đeo cái gì mà nặng thế này?

Không cần ông Nam trả lời, bà mở ba lô ra, trong đó toàn là gạch. Cái ba lô chắc phải nặng đến 30 cân.

- Ông làm gì thế, ông định tự sát sao mà đeo cái thứ này. Bác sĩ bảo... ông phải vận động nhẹ nhàng, ông... không nhớ sao? Bà Hoa ngồi phịch xuống chiếc ghế đá cạnh ông Nam, chưa nói dứt câu bà đã khóc, giọng nghẹn ngào không thành tiếng.

Hôm ấy, bà Hoa tỏ ý giận chồng, không thèm nói chuyện. Ông Nam biết rõ nhưng tảng lờ. Cả ngày ông loanh quanh trong phòng làm việc, sắp xếp tài liệu, ảnh, nhật ký của một thời chiến tranh, để gọn lại. Tối hôm đó, ông Nam nên giường nằm sớm hơn thường lệ. Đợi vợ ngả lưng, ông khẽ nói:

- Bà này, tôi có chuyện muốn nói với bà! Bà Hoa giả vờ không nghe thấy gì, nằm im.

- Tôi dự định đi một chuyến sang Lào tìm hài cốt liệt sĩ đồng đội cũ - ông Nam tiếp lời.

Bà Hoa như bị điện giật, quay sang ông Nam nói giọng mếu máo:

- Ông làm sao thế, sức ông thế này đi sao nổi. Ông có mệnh hệ gì tôi biết sống sao đây. - Chưa dứt lời, bà Hoa đã khóc.

- Bà yên tâm, chúng tôi đã liên lạc rồi. Ở Nghệ An có cả đoàn mấy chục người đưa chúng tôi đi. Sang đó, cũng có người đón, đưa, bảo vệ cẩn thận, có cả cán bộ quân y đi cùng. Với lại, tôi cũng mang thuốc đi, có gì tôi uống ngay, không sao đâu.

Ông kéo tay bà về phía mình, nắm chặt. Bà Hoa khóc rấm rứt. Bà biết chồng mình đã nung nấu ý định này lâu lắm rồi, bao nhiêu năm ông tìm cách liên lạc với đồng đội cũ, với các đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Nhưng ông ấy đòi đi đúng lúc bệnh tim tái phát, sức khỏe như thế mà đi thì lành ít dữ nhiều.

Chiếc xe tải chở cả đoàn người dừng lại nơi cửa rừng. Ông Nam bước xuống xe, thấy khoan khoái lạ. Cơ thể ông như về lại thời mười tám, đôi mươi, như cái ngày lần đầu tiên ông đặt chân vào khu rừng này.

Cả đoàn người đã xuống xe, đứng thành hàng ngay ngắn trước cửa rừng. Ông Hải, Đoàn trưởng Đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ bước ra đứng trước đoàn nói: Đây là khu vực Long Chẹng, thuộc tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Nơi này diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của bộ đội ta thời những năm 1970 khi quân ta sang Lào thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Từ thời điểm này, đoàn sẽ chia ra ba nhóm, đi các ngả tìm kiếm hài cốt liệt sĩ theo kế hoạch. Như tôi đã thông báo trước, khu vực này rừng thiêng, nước độc, lại có một số nhóm thổ phỉ nên các đồng chí phải đề cao cảnh giác, bảo đảm an toàn.

Các nhóm tiến vào rừng. Càng tiến sâu vào rừng, những kỷ niệm thời chiến lại ùa về tâm trí ông Nam. Ông nhớ Sáng. Ông và Sáng cùng làng, chơi với nhau từ bé. Hai người thân đến mức đi đâu cũng có nhau. Năm 1970, khi chưa đầy 18 tuổi, ông và Sáng viết đơn xin nhập ngũ rồi cùng huấn luyện trong một đại đội, cùng chiến đấu trong một tiểu đoàn ở khu vực Long Chẹng, Lào. Ông ở Đại đội 1, còn Sáng ở Đại đội 2. Hai đại đội như hai anh em song sinh, liên tục thay đổi nhiệm vụ cho nhau sau mỗi chiến dịch, nếu Đại đội 1 chiến đấu, Đại đội 2 vận chuyển lương thực, hỗ trợ chiến đấu và ngược lại.

Hơn ba ngày trong rừng, nhóm của ông Nam đã tìm được hơn 30 bộ hài cốt liệt sĩ. Phần nhiều trong số đó do chính tay ông Nam và đồng đội chôn cất. Lương thực đã cạn, các thành viên của đội quy tập hài cốt liệt sĩ giục ông Nam và các cựu chiến binh chuẩn bị về. Nhưng ông Nam chưa tìm được hài cốt ông Sáng. Cũng tại ông không biết chính xác vị trí ông Sáng nằm lại. Ông Sáng mất trong một trận đánh vô cùng ác liệt. Khi Đại đội của ông Nam tới tiếp viện, chỉ có thể đánh giữ chân quân địch và cứu các chiến sĩ bị thương rút về nơi an toàn. Về sau, một tiểu đoàn khác được giao tiến đánh vị trí này. Đại đội của ông Nam làm nhiệm vụ nơi khác.

“Tao đang đứng trên chính trận đánh ác liệt hôm nào. Vậy sao không thấy mày, Sáng ơi” - ông Nam suy tư, mệt mỏi ngồi xuống một gốc cây đổ trong rừng. Xa xa phía trước mặt, thấp thoáng một mỏm đá trong lùm cây rậm rạp. Ở đó, như có bóng người. Đúng rồi, là thằng Sáng - bạn ông. Bỗng chốc, ông thấy hoa mắt, chóng mặt, cơn đau tim bất ngờ ập đến. Ông vội lấy mấy viên thuốc để sẵn trong người, nuốt chửng.

- Anh Nam, anh Nam, tỉnh dậy đi anh, tỉnh lại đi!

Tiếng gọi của những anh em trong nhóm dội vào tâm trí, ông Nam dần hồi tỉnh. Ông mấp máy môi: "Đi, đi... Sáng...". Ông Nam cố nhỏm dậy tiến về phía con suối trước mặt. Cả nhóm lặng người. Hai người dìu chặt hai bên vai ông Nam. Cứ thế, cả nhóm tiến ngược lên đầu nguồn con suối. Đi gần trăm mét thì nhìn thấy một mỏm đá, lấp sau những lùm cây rậm. Ông Nam chỉ tay về phía mỏm đá, thều thào nói: - Sáng ở đó.

Nhóm chiến sĩ quy tập hài cốt vạch bụi rậm, tiến về phía mỏm đá. Dưới đó là chiếc áo và khăn dù mục nát cùng một bộ hài cốt liệt sĩ. Mọi người dìu ông Nam tiến lại, khóe mắt ai cũng ngấn lệ.

Ông Nam đứng nghiêm trang trong buổi lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Văn Sáng. Ông thấy bà Thu - mẹ liệt sĩ Sáng, cũng là mẹ nuôi của ông ngồi đó với khuôn mặt đượm buồn nhưng hạnh phúc. Ông Nam tự nhủ: “Con đã hoàn thành tâm nguyện của mẹ, mẹ ơi”.

Truyện ngắn của Trang Minh Huyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...