Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhạt phai

Cập nhật: 14:46 ngày 05/10/2018
(BGĐT)- Góc phố ẩm thấp, tăm tối như một nghĩa địa, cô ngồi dưới gốc cây to, ngước lên đám lá đang lắc lư ngỡ có cả ngàn hương linh đậu trên từng ấy lá thô lố mắt nhìn xuống, lép bép miệng bình luận kẻ phờ phạc dưới đất. Cô gai gai toàn thân, chân nhừ nhức vì đôi dép dây bó thít, cái khăn quàng cổ như xiết ngược khiến cổ họng ngộp ngộp. 

1. Cô tưởng mình sắp chết ở nơi đây, chết đường chết chợ nơi góc phố ẩm thấp, tăm tối như nghĩa địa này. Cuối con phố là nhà anh. Khi người dân trong xóm phát hiện ra xác cô, họ sẽ hốt hoảng tri hô, sẽ dạt chạy tán loạn. Người sống luôn sợ hãi người chết, họ sợ các linh hồn và lý giải sự tồn tại của chúng một cách huyền bí, bất an. Kẻ ác thường không muốn tới những nơi linh thiêng. Họ sợ. Có những điều người sống giấu che được người sống nhưng người chết có thể biết rõ. Anh thể nào cũng đến, thể nào cũng nhận ra cô, xám ngắt, nhàu nhĩ dưới gốc cây quen thuộc đầu phố này. 

Cô chịu không thể đoán tiếp anh sẽ cư xử ra sao trước tình huống này, nhiều khả năng anh sẽ bỏ chạy về nhà, thất thần, ôm ngực sợ hãi, cô vợ anh sẽ chẳng hiểu gì cả, sẽ cũng thất thần sợ hãi. Nghĩ thế cô mỉm cười hả hê. Nghĩ thế cô tự thấy xấu hổ. Cô đấy ư. Người đàn bà thất tình thường đầu óc quay cuồng ám muội đen tối với trăm nghìn ý nghĩ trả thù kẻ bội bạc. Cô ngước nhìn đám lá lắc lư trên cao, chau mày tìm kiếm, hoài nghi trong đám lá kia có một chiếc là nơi linh hồn đứa con tội nghiệp của cô trú ngụ. Nó đang nhìn cô oán thán, nó đang trừng mắt giận dữ và nguyền rủa người mẹ độc ác nỡ dứt nó khỏi vòm bụng ấm áp, cắt đứt mạng sống của nó trong tích tắc bốc đồng ngu xuẩn.

2. Căn nhà cuối phố, phòng bếp chộn rộn bước chân lui tới của người phụ nữ trẻ, cô nàng vừa rửa rau vừa hát, anh chồng đang băm thịt bò bầm bập để làm bò viên lá lốt. Chút nữa họ sẽ đón bố mẹ cô nàng sang ăn tối cùng. Họ sẽ tặng vợ chồng trẻ một chiếc xe hơi. Họ là một gia đình giàu có chuyên buôn bán hàng nội thất. Họ hào phóng và háo danh. Ông bố thích làm thơ, ông ta viết mỗi ngày một bài, nắn nót và nâng niu trong một cuốn sổ dày bìa đỏ chói, ông ta luôn tự hào khoe với mọi người rằng thơ cứu rỗi cuộc đời ông, thơ làm tâm hồn ông trong sáng tựa pha lê, thơ ca làm nên tên tuổi ông sau khi ông qua đời. 

Ông bỏ tiền thuê người biên tập, mua giấy phép xuất bản và in nhiều, đi đâu ông cũng mang theo một thùng ký tặng mọi người với dòng chữ nhà thơ, doanh nhân Trần Tí thân thương tặng… và một chữ ký bay bổng với gạch đuôi vuốt cong như mũi hài của các công nương Trung Hoa. Ông chỉ viết thơ tình. Tình yêu trong thơ ông xanh đỏ tím vàng và cả đen như đất nghĩa địa, cô từng đọc vài bài đăng trên vài trang báo tỉnh, bản tin ngành, đoàn thể nịnh nọt để xin tài trợ, hỗ trợ mỗi dịp 21-6, tết, lễ. Khi thơ lan tràn mặt báo, tạp chí tỉnh, doanh nhân Tí khoái ngây ngất. Trong những cuộc nhậu nhẹt họ tâng bốc một hai thưa dạ anh hai Tí nhà thơ của tỉnh, của khu vực, của quốc gia. Lão có 7 trai 1 gái, cô nàng là con gái út của ông. Cô nàng vừa xinh đẹp vừa hiền lành, cô nàng ít nói đến độ nhiều người trong khu phố tưởng nàng bị câm. Ông thương nàng nhất, học hết 12, nàng chẳng đậu nổi trường cao đẳng, đại học nào suốt ba năm quăng quật ôn với gần hết thầy cô giỏi của thành phố, ông cho nàng học nghề làm bánh kem, nàng thích nấu nướng và làm các loại bánh. 

Ông mở cho nàng tiệm bánh sát công ty để tiện coi ngó nàng - đứa con gái bé bỏng yếu đuối, vừa để người công ty ra vào ủng hộ nàng bán buôn. Nàng xinh đẹp, hiền lành, kiệm lời. Cha con nàng ngồi với nhau cả buổi tối nàng cũng chỉ gật, lắc, chớp mắt, cười, cau mày. Lâu lâu nàng nói dạ, không, kệ con. Ông gọi gần hết bác sĩ giỏi thành phố, gần hết bác sĩ tâm lý tốt của thành phố, ai cũng bảo nàng bình thường, họ đoán nàng không thích nói, vậy thôi.

Anh làm nhân viên phòng kinh doanh công ty, khi mới yêu nhau, anh vừa được nhận vào. Anh hào hứng, còn cô đầy hy vọng về một mái ấm hạnh phúc no đủ không phải tất tả ngược xuôi như mẹ cha anh và cha mẹ nàng ở quê. Anh lên chức phó phòng, anh hay cắp cặp cho ông chủ Tí đi gặp đối tác, anh hay ôm thùng thơ của ông đi các cuộc giao lưu thơ nhạc. 

Anh tận tụy, trung thành, biết khi nào im khi nào nói, ông chủ hay bảo anh xuống quán bánh con gái út ăn nhẹ uống cà phê cùng ông khi rảnh rỗi, ông hay gọi con gái đến ngồi cùng. Cả buổi ông nhìn qua nhìn lại họ và nói bâng quơ. Anh lúc đầu không để ý, sau hiểu ngầm ý ông chủ. Nhiều đêm nằm trong vòng tay anh, nghe anh kể chuyện cô hàng bánh - con gái ông chủ, cô chỉ cười không để tâm, vì giọng anh lúc ấy đầy chế giễu ông chủ háo danh và cô nàng câm lù khù.

3. Thiên hạ bảo nàng đó không bị câm, nàng đó chỉ là không muốn nói. Đôi mắt nàng đó là một mặt hồ phẳng lặng, ai nhìn vào cũng thấy bình an. Anh tham lam, anh vụ lợi, anh thực dụng, anh đểu cáng tính toan mưu mô… Ông chủ cho anh vật chất, vị trí quyền lực để anh là chỗ dựa vững chãi cho đứa con gái bé bỏng yếu đuối. Ông chủ tinh khôn. Anh khôn ranh. Anh tàn nhẫn bỏ rơi người yêu của mình và bào thai 3 tháng để dìu cô nàng xinh đẹp kiệm lời, con gái út chủ tịch tập đoàn bất động sản Trần Tí vào hôn trường ngàn khách, quên cô vật vã trong uất hận.

Bệnh viện đêm mùa thu, lạnh se se, lá vàng rơi ngoài cửa sổ, bụng cô trống rỗng, 30 cuộc gọi của cô, anh không nhận máy, không gọi lại. Cô chỉ muốn thông báo con anh đã chết. Mẹ anh đã nhận cuộc gọi của cô, bà gào lên: Mày là đồ sát nhân!. Mẹ cô nhận cuộc gọi của cô, bà kêu lên: Con ơi là con ơi! Cô nằm ba ngày, một mình, mỗi bữa ăn một nửa cốc cháo từ thiện được mẹ chồng của cô gái trẻ nằm bên cạnh lấy hộ. Cô ta sinh con đầu lòng, chồng, và cả gia đình chồng chăm chút cưng nựng như vàng ngọc. Cô ứa nước mắt, úp mặt vào khăn quàng len. Cô ra viện, xám như xác chết. Cô đến công ty, anh đi công tác nước ngoài. Cô xuống quán bánh ngồi chờ. 

Hôm ấy cô chủ quán bánh đi nước ngoài. Cô bỏ vào Sài Gòn mấy tháng, vật vã quên anh, vật vã nhớ anh. Anh thay số. Văn phòng anh làm việc cô gọi đến ai cũng trả lời anh đi nước ngoài. Phòng anh trọ đã trả ngay sau hôm anh nói chia tay cô. Anh như biến mất khỏi thành phố. Sau này cô mới biết, ông chủ đã cho anh sang Thái Lan học 6 tháng theo nguyện vọng của anh. Cái cách anh cắt đứt với cô thật độc ác. Chỉ đến tận ngày anh cưới cô mới biết bố cô dâu đã giành anh khỏi cô cho con gái ông ta.

4. Cô run rẩy quỵ xuống bậc thềm, nằm vật ra thở, nước mắt tự chảy, ngực như có đá tảng đè. Nhát dao này trả hết anh những đớn đau anh gây ra cho cô, lẽ ra phải là vài nhát để anh không bao giờ tỉnh lại nhưng cô muốn anh sống, nhát dao này sẽ để lại sẹo mãi mãi để mỗi lần anh nhìn thấy, đụng vào sẽ phải rùng mình. Mai cô tới phường tự thú, tội danh cố ý gây thương tích sẽ phải bồi thường và đi tù. Chẳng nỗi sợ hãi, chẳng âu lo nay, mai hay mai nữa. 

Cô thèm một đứa bạn thân ngồi bên, uống rượu cùng, ngồi làm thùng rác để nàng trút hết ấm ức, u uẩn trong dạ. Cô bấm máy, chuông kêu dài, nàng kiên nhẫn đợi, bây giờ đã gần khuya, tiếng bạn khàn khàn: Chưa ngủ mày? Chưa! Đến nhà tao gấp! Ừ! Cô thở sượt, nhổm dậy, cô bật tất cả những bóng đèn. Tột cùng nỗi căm ghét anh, giờ đây anh như số 0 trong nàng. Chuông cổng reng reng. Bạn thân bước vào kín mít như ninja, nó ngó cô và thở sượt. Cô bảo: Tao đâm hắn một nhát. Mai xin đi tù. Bạn thân thản nhiên: Nó không dám kiện mày đâu, nó sợ mất đủ thứ, ở đó chống mắt lên coi. Nó sẽ ém đi vụ này. Và kiểu đâm của mày thì nó chết sao được. Tao lại chả đi dép trong bụng mày. Dạy nó bài học vậy là xong, rũ hết, buông bỏ hết đi. Đàn ông thiên hạ thiếu gì.

5. Cô chạy xe bon bon trên những con phố chang chang nắng trưa, nhiệt độ mặt đường lúc này là 36 độ C, sau ba lần vải bịt bọc che chắn da thịt vẫn cảm giác nóng ran. Cô nhớ bờ đê đầy gió, hai bãi bờ xanh thăm thẳm hoa màu, nhớ cây gạo già đứng trơ trọi giữa cánh đồng, cây gạo đầy ma theo đồn thổi bao đời, cô nhớ những vườn chuối phất phơ lá, mát rượi mùa hè, hương chuối chín thơm phưng phức len lỏi vào khứu giác, len cả vào những giấc mơ khát khao thoát ly đổi đời của bao đứa con gái xinh đẹp quê cô, bằng đủ mọi cách. Cô quay cuồng với những chuyến công tác xã hội cùng bạn thân, những dự án thiết kế trang phục cho Tony shop. Chiều nay, cô xin nghỉ làm. Cô chất một bao bánh kẹo sữa, dép mới về chùa Bửu Châu. Cô hứa với lũ trẻ hôm nay về với chúng. Lũ trẻ ào ra như bày ong, cô choàng ôm hôn, xoa đầu, bồng những đứa bé xíu lên ấp iu. Mắt sư cô rưng rưng. 

Mấy đứa lớn chia bánh cho bầy em. Chúng đứng nép vào nhau đợi thử dép mới, chúng đứng quanh cô, sờ vào tóc cô, sờ vào áo cô, sờ vào da cô, áp người vào lưng, tay, đùi, lườn, ngực cô. Chúng gọi tíu tít mẹ Châu ơi. Tim cô tan chảy. Cô lặng lẽ ngước nhìn cây vú sữa già trước sân chùa. Cô linh cảm trên những tán lá kia những hương linh đang nhìn cô, cười rúc rích, có thể con cô đang trên một chiếc lá, nó nhìn cô không còn oán hận. 

Có thể nó đã thứ tha cho người mẹ đã bao tháng ngày qua sám hối niệm cầu. Đã bao mùa, dưới mái chùa, dưới cây vú sữa già, giữa những đứa trẻ thèm hơi ấm mẹ, cô thấy mình thanh thản, cô thấy mình không vô nghĩa. Thời gian có thể làm nhạt đi mọi thứ. Tình yêu càng là thứ nhanh nhạt phai. Cô lại ngước nhìn những tán lá vú sữa sum suê gió thổi xạc xào trong nắng quái. Chiều trôi êm êm.

Truyện ngắn của Hoàng Thanh Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...