Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gã hàng xóm

Cập nhật: 07:53 ngày 23/11/2018
(BGĐT) - Gã tên là Đạo, kém tôi sáu tuổi, dáng cao gầy, mặt choắt, đôi mắt sắc lạnh, giọng nói rành rọt bổng trầm hấp dẫn. Nghe nói, gã quê ở thị trấn vùng núi, là con thứ trong gia đình đông anh chị em, về đây cho gần vợ. 

Nhà tôi kề với nhà gã nhưng xa cổng. Tôi mới chuyển đến đây sinh sống, còn gã đã ở trước đó dăm năm. Khi biết tôi là giáo viên, gã có vẻ hài lòng, thi thoảng rỗi rãi lại sang nhà tôi chơi.

{keywords}

Minh họa: Đình Tân

Nhà gã là pháo đài kiên cố. Tường bao quanh đều cao hơn hai mét cắm mảnh chai, chằng dây thép gai. Đã vậy lại nuôi hai con chó to, chỉ nhìn đã phát hoảng. Gã kín tiếng, hầu như không thổ lộ tâm can mình với ai, trừ tôi. “Thời buổi này người tốt ít lắm, tất cả đều phụng sự tiền. Tiền dường như là tất cả. Em luôn nâng cao cảnh giác, chẳng tin ai, thân mình mình lo”. Gã thủ thỉ với tôi như vậy sau khi rào đón trước “em không nói bác đâu”. Gã tin tôi là một trí thức chứ các ông xung quanh đều vai u thịt bắp, văn hóa chưa qua khỏi cấp hai, biết gì về triết lý cuộc đời. 

Gã thanh minh, tiếng bây giờ làm những việc nặng nhọc, chạy ngược chạy xuôi nhưng dù sao đã qua trường trung cấp, đi xuất khẩu lao động bên trời tây, biết vài ba địa danh, tiếng bồi bên họ đủ lòe khối người. Gã mật báo cho tôi biết về những người hàng xóm: Lão Cự từng đi tù về chuyện che giấu tội phạm, thằng cha Lực xe ôm con ông Lưu cắt tóc là chúa keo kiệt, ích kỷ đại hạng, ông Vi có mấy đứa con hung đồ…

Đích xác gã làm nghề gì tôi không rõ. Có lần tôi hỏi, gã ậm ừ chặc lưỡi: “Nghề đổ mồ hôi trôi ra tiền”. Từ đó tôi không đụng chạm chuyện ấy nữa. Gã đi sớm về tối, có khi nằm khoèo ở nhà cả tuần, có khi đi vắng nửa tháng. Nhưng tôi biết chắc chắn, gã không buôn bán hàng cấm mà chỉ là hàng tiêu dùng. Lúc gã theo ô tô áp tải hoa quả lên biên giới, trở về với vải vóc, đồ gia dụng. Lúc gã cùng vài ba người khác vào trong Nam, khi trở ra có xe tải chở máy móc nông cụ. Thúy- vợ gã là công chức, xinh xắn, hiền lành và khác với chồng, thường gần gũi với nhiều chị em trong xóm. Nhờ vợ mà gã đi vắng không phải lo đứa con gái đang học lớp một ở phường.

Cánh đàn ông chả ai đến chơi nhà gã. Phần vì nhà gã kín cổng cao tường, phần vì gã hay đi vắng. Ngay cả khi gã ở nhà cũng chả ai tới. Ấy là vì gã không tiếp khách trong nhà mà ở ngoài sân - nơi có bộ bàn ghế đá kê bên cây vải già còn sót lại của mảnh đất ông chủ bán lại được gã giữ khi lát sân. Mùa hè nắng gắt hay mùa đông lạnh giá cũng vậy, gã chỉ tiếp khách ở đây. Gã sợ khách vào nhà sẽ thông tỏ địa hình, địa vật hoặc sẽ xảy ra điều gì xấu trong đó, nghĩa là như gã thường nói, phải nâng cao cảnh giác.

Cũng phải kể thêm thế này. Khu đất nhà tôi ở vốn là ruộng xóm. Từ ngày quy hoạch đô thị, xã lên phường, làng được gọi là tổ dân phố, khu đất được dân sở tại chia bán nên mới có nhiều người đến đây, toàn dân nơi khác tới. Bỗng chốc cuộc sống đổi thay khác lạ. Khu đất tự dưng là phố mang tên một danh nhân, có nhiều ngõ ngách. Người dân quê tứ xứ tự dưng trở thành người thành phố. Rồi người phố sống khác hẳn người quê. Cứ thưa dần việc gặp gỡ chuyện trò sớm tối với nhau. Nhà ai biết nhà ấy. 

Nhưng với gã, quả là quá đáng mặc cho mọi người chê trách. Gã đã từng đóng chặt cổng không cho đứa con gái mười ba tuổi đầu trong phố chạy tới nhà mình khi bị bố say rượu cầm gậy đuổi đánh, cũng như ngồi ở sân thản nhiên nhâm nhi tách cà phê, không thèm cất lời khi có người lạ gọi hỏi địa chỉ một người trong ngõ phố.

***

Một buổi sáng Chủ nhật đẹp trời.

Tôi đang ngồi đọc báo bỗng nghe tiếng gào khóc bên nhà gã. Chắc có chuyện gì xảy ra, tôi vội rảo bước sang. Chị Nhi - vợ anh Lực đang ngồi dỗ dành đứa con Đạo khóc nức nở, còn đứa cháu gái lớn đứng ở sân khóc mếu máo. Chị Nhi lớn tiếng:

- Thúy ngã xe đang nằm ở bệnh viện tỉnh. Anh có số điện thoại của Đạo không?

Tôi bảo không có. Làm sao bây giờ? Chị Nhi kể, sáng nay cháu gái lớn con chị cả đang học cấp ba - đứa đang đứng ở sân - đến chơi rủ dì đi hội chợ thương mại thành phố. Dẫu vẫn còn ốm đau nhưng nghe cháu, Thúy để cháu đèo xe máy đi. Chả biết tránh người, tránh xe thế nào mà hai dì cháu ngã xe. Thúy ngã đúng bãi đá bên vệ đường, nằm bất tỉnh. Rất may lúc ấy vợ chồng Lực đi ăn cỗ vừa về tới, thấy thế liền gọi taxi đưa Thúy đến bệnh viện. Lực ngồi cùng trong xe để vợ mình dắt xe máy về còn cơm nước cho con cháu.

Tôi đến bệnh viện. Ở hành lang ngoài Lực có cả ông Cự và con gái ông Vi. Ông Cự tới bệnh viện vì có đứa cháu là bác sĩ trưởng khoa, có ý nhờ nó quan tâm hơn tới Thúy, còn cô con gái ông Vi đem tiền trả nợ cho Thúy vì đã vay trước đó. Lực cho biết, Thúy bị gãy dập xương bàn chân, mắt cá chân và rách toác một đoạn cơ bắp chân, hiện đã được nẹp, băng bó.

“Cũng may vợ chồng tôi có đấy chứ người lạ sẽ chả biết thế nào - Lực oang oang - Cháu bê bết đất chỉ biết khóc. Dì thì nằm bất động, máu chảy ra cả ống quần. Túi, ví, điện thoại văng ra đường. Người xem thì đông, người giúp chẳng có. Thật là vô lương tâm”.

“Sao bác Cự biết cô Thúy ngã?”. Tôi hỏi khi ông Cự từ phòng bác sĩ trở về.

“Thì nghe tiếng khóc bên nhà thằng Đạo. Lúc ấy chỉ có mỗi cô Nhi”.

“Đạo biết tin chưa, bác?”

“Biết rồi, đang về. Nó ở xa lắm, đâu tận Thanh Hóa hay Nghệ An gì đấy. Thằng Lực gặng hỏi mãi, cô Thúy mới nói số điện thoại của chồng. Lúc ấy cô ta đang đau mà. Giờ ở nhà Đạo, không lo đâu. Tôi đã cắt cử rồi. Cô Nhi phải ở đấy trông nom nhà cửa và cơm nước cho mấy cháu cho tới khi thằng Đạo về. Chú Lực và bây giờ cả chú nữa sẽ thay nhau trực. Tôi phải về để hỏi đứa cháu gái nhà Thúy xem anh chị nó đã biết tin chưa…”

Sẩm tối, Đạo về đến bệnh viện. Lúc này chỉ còn mỗi tôi ở lại. Theo hẹn từ nãy, Lực cùng vợ hơn tiếng nữa sẽ tới trực thay tôi. Tôi kể toàn bộ sự việc xảy ra cho Đạo biết. Gã không nói gì, hẳn vì đã biết chuyện khi về nhà gặp chị Nhi và đứa cháu gái, cũng như vừa vào gặp vợ trong giường bệnh.

Gã ngồi cạnh tôi như tảng đá trên chiếc ghế dài ở hành lang. Gã ngồi rõ lâu, không nói năng gì. Lúc thì gục đầu bó gối. Lúc ngồi thẳng nhìn về phía xa xăm. Hình như gã không để ý những người qua lại trước mặt, chẳng để tâm âm thanh ồn ào tiếng chân bước, tiếng cười nói, chào hỏi xung quanh. Gã ngồi. Gã đứng. Gã đi loanh quanh rồi lại trở lại ngồi chỗ cũ. Tôi ngạc nhiên vì cử chỉ bất thường của gã. Chẳng hiểu có điều gì đó xảy ra trong đầu óc gã. Gã đang tính toán vì công việc dở dang phải bỏ về nhà hay vì chuyện vợ gã phải nằm ở bệnh viện này?

Lúc sau, gã đứng trước mặt tôi, ấp úng:

- Anh có ghét em không?

- Sao cậu lại hỏi thế?

Gã im bặt rồi khe khẽ:

- Bao năm rồi em đã…

Gã chỉ nói vậy rồi dừng. Đôi mắt gã thẫn thờ. Khuôn mặt gã căng ra lộ rõ những vết nhăn lờ mờ và mụn trứng cá li ti trông thật khắc khổ. Gã bỗng siết chặt tay tôi. Tôi sung sướng vì chưa bao giờ có được một cái siết tay nồng ấm như thế của gã…

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...