Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Hoa xoan trắng

Cập nhật: 07:00 ngày 06/01/2019
(BGĐT) - Đường gập ghềnh sống trâu. Trời mưa mấy hôm đã ninh nhừ mặt đường thành nồi cháo đầy xương xẩu. Chiếc xe đảo mình, lắc võng lượn theo khúc cua gấp đầy nguy hiểm. Nhìn qua chiếc gương cầu lồi bên đường, anh thấy con xe nghiêng hẳn sang một bên như thể sắp húc vào lưng núi đá còng ra. Mấy hành khách ngồi ghế đầu chồm người lên rồi lại ngã dúi dụi sau ghế.

Vừa qua khỏi một cua nguy hiểm thì lại lập tức đụng ngay phải xe tải chở quặng từ trong núi ra đang ì ạch bò từng bước vào cua. Bác tài dấn ga cho xe vượt qua một ổ voi rồi táp vào lề đường nhường cho chiếc xe tải đi qua mới dám tiếp tục lăn bánh.

{keywords}

Minh họa: Đình Tân

Bao nhiêu năm rồi, anh quen đường nhẵn xe hơi, ngồi xe như ngồi trên đệm, có muốn nhìn ra ngoài cũng chỉ thấy cảnh vật chạy qua vèo vèo, vào xe là chú lái đã bật sẵn điều hoà từ trước, cửa kính đóng chặt kéo rèm không cho một hạt bụi nào có thể lọt vào. Không còn cái thủa làm người lính lái xe Trường Sơn, bom cày tan đường, xe chạy văng vật như xóc ốc, nhưng vẫn liếc mắt ngắm đoá hoa chuối đỏ ối ven đường, chùm phong lan chúm chím cheo leo vách núi, đàn bướm chấp chới bay bên bông hoa dại... Bây giờ, đầu óc anh lúc nào cũng căng cứng những cuộc họp, những hợp đồng, những điều khoản, quy định, không còn chỗ để dành cho một bông hoa dù bông hoa đó chỉ bé như hoa xoan đang nở trắng như mây vờn ngang lưng núi. Phòng anh, quần áo, đồ đạc luôn bao bọc bởi những mùi mỹ phẩm, nước hoa, thuốc lá ngoại cao cấp nên anh cũng không còn biết mùi hương hoa xoan thơm dìu dịu hăng hắc đã thoảng vào trong xe khi có mấy người trên xe với tay mở cửa kính để được ngắm rõ hơn rừng xoan đang nở cứ chạy dài theo bánh xe.

Nhận được điện của con Ngân báo tin thằng Bảo bị tai nạn khi đang chở quặng, anh đã phải bỏ một cuộc họp quan trọng để đi ngay. Chuyện hai đứa rủ nhau bỏ trốn khi anh chị không đồng ý cho cưới vì lý do không hợp tuổi, cơ quan, họ hàng không ai biết. Anh chị nghĩ là hai đứa sẽ dắt díu nhau vào Nam, không ngờ về sau thằng Bảo gọi điện về bảo đang chở quặng thuê ở Lào Cai. Suốt mấy tiếng đồng hồ lắc lư như treo trên lò nướng, anh chỉ còn nhìn thấy những chiếc xe tải chở quặng nặng nề lăn bánh làm rung chuyển cả mặt đường, bánh xe như lưỡi máy xay găm chặt xuống làm cho mặt đường vốn đổ bê tông cũng nhừ tử, nhuyễn như cháo. Anh lại nghĩ đến con mà vừa thương vừa giận. Nếu như nó nghe lời anh thì bây giờ đã ngồi đàng hoàng ở một văn phòng nào đó rồi, chứ đâu phải chui rúc vào cái xó xỉnh này mà kiếm cơm bằng việc nguy hiểm chết người này. May mà khi xe trượt bánh lại lật vào bên có núi chứ lật sang bên vực thì... Ông thầy phán không sai, mạng “hoả” của con Ngân “xung” nặng với mạng “mộc” của thằng Bảo, làm cho thằng bé từ khi vướng vào lưới tình thì như con thiêu thân đâm đầu vào lửa.

Xe lại vừa vượt qua một đoạn cua uốn lượn thắt cổ chày. Cây số 53. Một chiếc xe tải chở quặng lật ngửa vào thành núi. Xe dừng, mọi người đổ dồn mắt vào chiếc xe tải và xem đống quặng đổ nó như thế nào. Anh chào mọi người, vội vã bước ra khỏi xe, lội qua lớp bùn loãng đến ngôi nhà gỗ ọp ẹp gần vệ đường. Thấy anh đến, Ngân đang cho Bảo ăn cháo trở nên lúng túng. Cô rón rén lau lại cái phản gỗ rồi đi rót nước mời anh. Thằng Bảo nằm một dúm giữa giường, má hóp lại, đen nhọ nhem. Mặt mũi bị trầy xước thâm tím. Đã mười một tháng hai mươi ngày nay anh không trông thấy mặt con, nay gặp mặt thì như thế này. Nhưng nó nằm đây, còn ăn nói được cũng là phúc phận lắm rồi. Nằm bên cạnh Bảo là một bé gái kháu khỉnh đang đưa hai chân lên đạp giời. Ngân ngượng ngùng, ra bế con lên nựng:

- Con chào ông nội đi nào!

Anh cầm lấy cái bàn tay bé xíu của bé để ngắm rõ mặt cháu, đôi mắt to của bé đang nhìn anh không chớp, con bé giống thằng Bảo quá. Bỏ nhà đi gần một năm, con anh đã tự ý thăng chức ông nội cho anh.

- Con tỉnh rồi thì may, nhưng chuẩn bị ngày mai ra Hà Nội khám chụp, chữa trị! Từ khi bị nạn tới giờ đã điều trị như thế nào rồi?

- Con thấy trong người ổn rồi. Con phải ở lại đợi xe đến chuyển quặng đi và cẩu xe về bãi sửa.

- Không thể chủ quan được, phải chụp chiếu xem có sao không chứ? Cũng không thể ở đây mãi được.

Anh dứt khoát.

Ngân tiếp lời Bảo:

- Khi con nhận được điện báo anh Bảo bị nạn, con lo quá bèn gọi cho… bác luôn, đến nơi thì anh Bảo vẫn ngất đi. May mà lúc anh Bảo bị nạn lại gần nhà cô Thơm, mẹ con cô Thơm chưa lên đồi nên đã mang vào nhà băng bó kịp thời lại còn vào bản xin thuốc thầy lang về đắp cho anh Bảo.

Nghe Ngân nói, anh mới để ý kỹ đến cánh tay phải của Bảo đang bị bó thuốc treo lên bởi một tấm lụa hồng có in hình hoa xoan trắng. Anh giật mình khi nhìn thấy ảnh một cô thanh niên xung phong treo ngay đầu giường.

- Đây là…

- Cô Thơm ngày trẻ đó bố, lúc chúng con mới vào đây, cô Thơm cũng đã giúp đỡ rất nhiều. À mà cô đã về kìa!

Dưới tán hoa xoan, người phụ nữ mặc bộ quần áo bảo hộ đã bạc màu, dính đầy bụi đất, nhìn anh cười rất tươi. Còn anh khi nhận ra nụ cười có một má lúm đồng tiền ấy thì toàn thân gần như bất động.

- Chào anh. Thì ra bố cháu là người quen cũ của cô đấy!

- Thơm đúng không? Sao em lại ở đây?

- Gia đình em lên đây xin vào lâm trường, bén đất ở riết chưa muốn về.

- Anh ấy đâu chưa về?

- Nhà em nằm lại đất này rồi. Thôi, Ngân gửi con ông nội bế, xuống bếp nấu cơm với cô đi kẻo muộn!

Hoa xoan trời chiều rụng lảng bảng. Bảo đã lơ mơ ngủ, anh bế bé Sim ra hiên. Bây giờ anh mới thấy trập trùng rừng xoan đang nở hoa, mùi thơm dìu dịu trong gió. Thơm tựa như vườn xoan đầu ngõ nhà anh nở hoa hôm trước khi anh đi bộ đội. Vấn vít trong mùi hương đó, anh đã quàng lên cổ Thơm chiếc khăn lụa hồng có in hình hoa xoan với lời hẹn: “Hàng xoan này lớn lên, anh về sẽ làm một ngôi nhà ngói đỏ cho hai đứa mình!”. Hai người nắm tay nhau thật chặt thay lời hẹn ước, trong sáng vô ngần. Năm sau, Thơm cũng xin đi thanh niên xung phong. Năm năm hai người cùng trong Trường Sơn nhưng chẳng biết tin tức gì của nhau. Khi Thơm trở về, hàng xoan nhà anh đã cao vút, thân tròn như cột nhà mà gia đình đôi bên vẫn chẳng biết anh còn sống hay đã chết. Bố mẹ cô giục đi lấy chồng. Mẹ và các em anh rơi nước mắt khi Thơm sang xin lỗi không thể đợi được anh nữa. Chỉ còn mười ngày nữa là đến ngày cưới Thơm thì anh về. Anh chạy một mạch đến nhà cô. Cả nhà cũng chết lặng đi khi nhìn thấy anh còn sống trở về. Cô chỉ biết khóc.

- Thơm, em bỏ đám cưới với người ta đi! Anh về rồi!

- Em xin lỗi! Không thế được đâu. Nhà anh ấy nghèo lắm, anh ấy rất hiền, em không thể…

- Em không còn yêu anh nữa rồi, sao em không chờ anh?

- Sao anh không có một dòng tin tức gì về? Em đã đi thanh niên xung phong năm năm để chờ anh.

- Em cũng đi vào Trường Sơn?

- Không biết!

Thơm đẩy anh ra ngoài, chốt cửa buồng đánh sầm. Mọi người trong nhà cô không một ai dám nói câu gì khi thấy anh khóc.

Hôm đám cưới, Thơm khóc như mưa. Chú rể rụt rè mãi mới dám bảo cô dâu lên xe đạp để rước dâu. Cô ngượng ngùng chín mặt bám lấy mẹ nhất định không chịu lên xe. Cô bạn Thơm lấy chồng tháng trước còn ngồi sau yên xe bạn gái về nhà chồng. Lứa tuổi Thơm ngày đó có mấy ai dám ngồi sau xe chú rể đâu, chỉ dám ngồi xe của anh em hoặc bạn bè. Cứ nghĩ đến việc ngồi sau chú rể để bao nhiêu ánh mắt săm soi, Thơm lại xấu hổ. Anh cũng đưa dâu trong đám bạn thanh niên làng thấy thế đến dỗ dành:

- Nếu Thơm ngại người ta thì lên xe tôi chở nhé!

Thế là anh đèo Thơm về nhà chồng. Chuyện cứ như cổ tích.

Cách nhau có hơn hai chục năm mà bây giờ con anh yêu khác quá, bố mẹ không đồng ý thì bỏ đi, có con với nhau tự nhiên như không.

Bé Sim đã ngủ ngon bên cạnh bố. Anh loanh quanh dưới gốc xoan đốt thuốc. Thoáng thấy bóng Thơm khoác cái gùi bước ra cửa, anh tiến lại:

- Khuya rồi em còn đi đâu?

- Em sang nhà con trai em ở ngọn đồi bên kia. Anh cũng đi nghỉ thôi!

- Thơm này…

- Mà anh này, chúng nó yêu nhau đến thế sao anh không tổ chức đám cưới cho con đi?

Cái dáng gầy gầy của Thơm men theo con đường mòn nhỏ. Trên trời, trăng đang lên, hoa xoan đang tắm trong dòng suối trắng muốt.

Khuya
(BGĐT) - Thông ngàn hồ sóng trăng sương
Lấp lay vài giọt sao vương lửa chài
Hình như lửa thức đợi ai
Sào khuya cắm bóng đêm dài Trương Chi
 
Dòng sông ký ức
(BGĐT) - Tôi thật bất ngờ khi đón nhận tập tùy bút có cái tên ít biểu cảm “Mùa bằng lăng đầu tiên” của một tác giả không quen biết, đang sinh sống ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn. Bất ngờ vì chẳng phải chỉ nhìn bìa và cái tên sách tưởng là tác giả thế hệ 9X ai dè lại là người đàn bà đã ngoài tuổi sáu mươi mà còn là giọng văn, hành văn trong trẻo, tinh tế tựa như thơ của một người từng trải.
 
Bà tiên
(BGĐT) - Hương đón mẹ từ quê lên thành phố sống cùng khi sắp sinh cu Bin. Vợ chồng Hương đều làm cho công ty tư nhân nên công việc khá áp lực. Tuy nghỉ sinh ở nhà, Hương vẫn phải vật lộn với chất chồng giấy tờ lộn xộn, phần vì do đặc thù công việc Hương phụ trách không ai ở công ty thay thế được, phần vì Hương cũng tham công.
 
Vợ lính
 
 
Bên làng
(BGĐT) - Vai làng tựa núi Tai Voi
Xoải chân chạm sóng con ngòi Đá Ngăn
Còn trong ký ức tháng năm
Mái gianh tường đất xa xăm một thời
 
Nói với con vào đại học
(BGĐT) - Nhà mình gốc gác nhà nông
Quanh năm bạn với ruộng đồng rạ rơm
Mồ hôi đổi lấy miếng cơm
Thịt da hơi thở nồng thơm bùn lầy
 
Chiều hoa cúc...
(BGĐT) - Phố sang mùa những chiều xao xác gió
Lá thu vàng chở giấc mộng thiên di
Cúc họa mi rưng rưng màu thương nhớ
Huyễn hoặc em bao khoảng trống vô hình
 
Câu chuyện lúc nửa đêm
(BGĐT)- Tôi quyết định ngủ lại ở nhà chị để nghe câu chuyện ấy. Câu chuyện về tình yêu của cô gái trẻ và một người mắc nghiện. Tiếng chị bắt đầu buông trong đêm…
 
Gã hàng xóm
(BGĐT) - Gã tên là Đạo, kém tôi sáu tuổi, dáng cao gầy, mặt choắt, đôi mắt sắc lạnh, giọng nói rành rọt bổng trầm hấp dẫn. Nghe nói, gã quê ở thị trấn vùng núi, là con thứ trong gia đình đông anh chị em, về đây cho gần vợ. 
 
Khoảng trời hoa tím
(BGĐT) - “Qua rặng nhãn, rẽ phải, tới cái cổng có giàn hoa giấy ấy”.
 

Nguyễn Thu Hằng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...