Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Môi dịu dàng, ta gọi “Bắc Giang thu”

Cập nhật: 19:26 ngày 22/01/2019
(BGĐT) - Sông Lục Nam mềm xanh
Thành Nhã Nam rắn rỏi
Rừng Lục Ngạn không biết đâu là cuối
Bắc Giang thu, nắng trải đón chân người.

Đồng nhỏ trong thung, mảnh ruộng chân đồi
Màu no ấm tràn về tận cửa
Sông Thương đục, sông Thương trong muôn thuở
Gió rải đồng trong tiết hanh heo
Trung du thơm như khay mật ong chiều
Đến sỏi đá cầm lòng còn chẳng được
Ai hát khúc núi đồi thuở trước
Dẫu không đò, ta cũng phải sang ngang.

Vạt lúa chín Phồn Xương như dải khăn vàng
Buông thơm thắm bên ngực trần sơn nữ
Quân Đề Thám vẫn đang ngồi đâu đó
Dưới bóng rừng, bên hồ rượu mùa thu
Tay đã buông gươm súng tự bao giờ
Rượu men lá, lòng son tầy nhật nguyệt
Ta thong thả vén tay tìm nhập cuộc
Bát rượu đầu, xin cạn với non sông
Non sông đau, hào kiệt chẳng cam lòng
Trời không tựa, anh hùng đành ôm hận
Thân về đất, tim hồng thành ngọc nát
Thành hoàng hôn thắm đỏ đất trời thiêng
Đất trời thiêng thơm danh tiếng hùm thiêng
Tượng Đề Thám sừng sững trời Yên Thế
Người khởi nghĩa, áo mang màu đất mẹ
Đầu quấn khăn vồ, râu cọp phất phơ bay
Xin cạn với riêng ông bát rượu thứ hai này
Giặc đã chạy, quốc thù xưa đã báo
Quanh đồn luỹ, đá như nồi như đấu
Ngổn ngang nằm trong sắc cỏ mùa thu
Không phải đá đâu. Đó là những câu thề
đã hoá thạch- "Quyết không làm nô lệ!"
Lời thề đá, xưa xây thành đắp luỹ
Vẫn nguyên lành dù luỹ vỡ thành tan
Vẫn nguyên sinh trong cỏ nội hoa ngàn
Rồi sẽ lại gầm lên khi giặc đến
Bao trượng nghĩa mới nên bờ nên bến
Bát rượu thứ ba này, xin cạn với ba quân
Nắng nhuộm vàng cây, lúa trải đỏ đồng
Thu thắng trận, thu hoà đàm, thu thất thế
Thu chết tướng, thu tan quân, thu yên nghỉ
Thu lộng lẫy, thu hào hùng, thu giản dị
Chuốc rượu dưới quân kỳ, bao cung bậc thu qua.

Chuông thu không, rừng động dưới trăng già
Tiếng trống trận, tiếng tù và đã tắt
Nhưng tiếng hát thì không bao giờ chết
Tiếng hát giữa lòng người, tiếng hát giữa non sông
Rằng, "Muôn năm dòng máu anh hùng!"
Rằng, "Vạn tuế giống dòng hào kiệt!"
Thời gian trôi, thời gian trôi mải miết
Dạ ngọc gan vàng chói lọi giữa thiên thu.

Rượu Bắc Giang sóng sánh dưới trăng mờ
Bát này nữa, rồi xa miền cổ tích
Bát này nữa, rồi mỗi khi ấm lạnh
Môi dịu dàng, ta gọi: "Bắc Giang thu!".

(Kính tặng hương hồn Cụ Đề Thám và hương hồn những nghĩa quân Yên Thế)

{keywords}

Lễ hội Tiên Lục (Lạng Giang). Vương Lâm.

Phủ Lạng Thương, sông Thương trong thơ Anh Thơ, thơ Bàng Bá Lân và trong mắt tôi, trong trí nhớ tôi, luôn đẹp một cách lãng mạn.

“Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”- câu thơ Tố Hữu, “Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế”- câu hát của Văn Cao, nối liền cuộc kháng chiến chống Pháp với thời Cụ Đề Thám. Trung du và đồi núi trong tôi luôn đẹp đến nao lòng.

Tôi đã năm lần bảy lượt đi Yên Thế, Bố Hạ, Chũ, Thắng, Kế…; đã dùng bước chân và gang tay mình đo độ dài, độ dày từng bức tường thành Phồn Xương. Rồi tôi mua một bộ quần áo nâu/gụ ở hội đền Đề Thám về mặc. Mặc được vài lần, sau tìm không thấy. Tra ra, vợ tôi, kém tôi 10 tuổi, xinh, bảo: “Không mặc nữa, trông như ông cụ, như thầy chùa!”. Tôi thua! Từ đó, tôi không còn trang phục để đóng vai nghĩa quân Yên Thế nữa!

Tôi đã đến Lục Ngạn, nghe kể rằng, thời Pháp thuộc, người Pháp ở Hà Nội bảo nhau, “Tù phạm vượt ngục, đã chạy lên đến Yên Thế, Lục Ngạn thì thôi; đừng đuổi theo, vô ích!”. Ấy là vì Yên Thế, Lục Ngạn ngày ấy đã đại ngàn, đã “Rừng thiêng nước độc” lắm rồi. Có lẽ một phần vì thế, mà Pháp đánh 30 năm, giở mọi mưu mô, mới chống xong cụ Đề?

Tôi cũng đã đến chùa Vĩnh Nghiêm, đi trong gió trở, giữa đồng nước ngập, để nghe về “Mộc bản Vĩnh Nghiêm”, nghe cô giáo Thư của Trường Ngô Sĩ Liên, nói về con đường Trần Nhân Tông cho mở để đi sang Yên Tử từ phía Tây. Vợ chồng cô giáo vốn đã được mời đi “điền dã” cùng Bảo tàng Bắc Giang.

Tôi đã nghe anh Minh, chồng cô giáo Thư, bạn tôi - con trai duy nhất của nhà ảnh Hanh Ký to nhất Phủ Lạng Thương thời Pháp thuộc và anh Hưng- con rể nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc Nguyễn Thanh Quất, hát “Đàn chim Việt”, về “động hoa vàng”, “mặc áo the đi guốc mộc”, “kể chuyện tình bằng lời ngô khoai”, “kể chuyện tình bằng lời lúa mới”…

Anh Minh đưa tôi đến Lạng Giang, xem cây dã hương nghìn tuổi, ruột rỗng chứa tới 19 người lớn. Sau lại được các bô lão ở đây tặng cho hai cây non ươm từ hạt cây dã hương cổ này. Tôi đem hai “hậu duệ” dã hương ấy về, trồng trên sân thượng. Một cây còn sống, một cây “lên đường”. Khi cái cây còn sống kia cao 1,2m, tôi tặng nó cho một doanh nhân họ Trịnh, để anh ấy trồng trước biệt thự nhà mình. Từ thế kỷ XVIII, Trịnh Tạc đã phong vương cho cây, giờ cây lại về sân nhà họ Trịnh! Thế cũng là duyên! “Lấy một người vợ, xây một ngôi nhà, viết một cuốn sách” là việc của người đàn ông. Tôi đã làm cả ba việc ấy, hình như với “năng suất” cao? Và... cả rượu nữa!

Anh Minh cũng đưa tôi thăm ấp Cầu Đen, thăm mộ Nguyên Hồng và uống rượu đọc thơ cùng con trai bác là anh Giang. Anh Giang yếu, một thời gian sau đã mất. Tôi nhớ khi ấy vợ anh ấy đọc thơ chồng, thù tạc! Kỳ lạ! Thơ anh Giang nhiều và dài, thiên hạ chưa kịp nhớ, nhưng chị Giang thì đọc không sót một câu! Yêu chồng đến thuộc lòng từng câu thơ chồng viết, thì dưới giời này, có lẽ chỉ có chị Giang !?

Ôi Bắc Giang! Đẹp đẽ, cứng cỏi, tài hoa, chân tình, đa sự... Có lẽ vì thế mà Đề Thám chọn đất này làm cứ địa! Không ai xứng đáng được kính tặng bài thơ này hơn Cụ Đề cùng nghĩa quân Yên Thế xưa và đất với người Bắc Giang nay.

Trong một lần “điền dã”, “tửu dã” ấy, tôi về Hà Nội trên một chiếc xe khách của nhà xe Bắc Hà. Xe chật, tôi ngồi ghế cuối, bên cửa sổ. Đường 1 lúc đó chưa được mở rộng và tốt như bây giờ. Anh Minh thì ngồi với lái xe vì họ quen nhau.

Từ TP Bắc Giang về Hà Nội, mùa thu “đi qua” cửa xe bằng trời xanh mây trắng và những cánh đồng vàng óng. Mọi thứ có trong tôi về Bắc Giang chợt cựa quậy. Tôi bấm từng chữ cái, từng nguyên âm/phụ âm thành từ, thành câu, lên màn hình nhỏ xíu của một chiếc điện thoại Nokia, giờ chắc không sản xuất nữa. Về đến bến Lương Yên thì bài thơ đã xong, không phải nháp. Về nhà, tôi chỉ việc nhờ in ra. Đó chính là bài “Môi dịu dàng, ta gọi Bắc Giang thu”. Cảm hứng về Đề Thám là cảm hứng chủ đạo, được bao quanh bằng cảnh với người Bắc Giang và khí phách nghĩa quân Yên Thế, một chút thời buổi và thân phận hào kiệt nữa. Tên bài thơ chính là câu thơ cuối, đầy tình tôi lúc “hiện tại” ấy, giúp làm bài thơ mềm lại, như cảnh quan cần có thời “hậu Yên Thế”, quanh “tượng đài” Đề Thám và quân nghĩa của Cụ ngày xưa.

Sau này, trước khi mất, nhà thơ - điêu khắc gia Anh Vũ, tác giả bức tượng Đề Thám ở Yên Thế, có viết một trường ca dài về Đề Thám. Anh Anh Vũ lấy bốn câu thơ trong bài thơ của tôi làm đề từ: “Đất trời thiêng thơm danh tiếng hùm thiêng - Tượng Đề Thám sừng sững trời Yên Thế - Người khởi nghĩa áo mang màu đất mẹ- Đầu quấn khăn vồ, râu cọp phất phơ bay”. Anh Anh Vũ thích bốn câu thơ ấy. Hôm đưa đám anh Vũ, tôi và anh Minh cũng có mặt!

Thanh âm ngày cuối năm
(BGĐT) - Những thanh âm cuối năm luôn khiến lòng người dâng lên niềm chộn rộn, xốn xang, như là giục giã, hối thúc ta tìm về với hơi ấm quê nhà.
 
Cái lộc bình cổ
(BGĐT) - Tên nó là Thảo, nhưng cả nhà ông Hạnh Lâm đều gọi nó là “Con Vịt”, có lẽ do nó có kiểu đi lạch bạch và giọng nói khàn khàn…
 
Chuyến xe cuối năm
(BGĐT) - Tôi là dân tỉnh lẻ, có kiếm cớ ở dịt trên thành phố thì cuối năm cũng phải dẫn cái xác về quê. Sáng ba mươi, mới mở mắt, bà chủ nhà trọ đưa mấy nhát chổi tre cùn trên cái sân xi măng sạch bóng, thế là chỉ còn nước cuốn gói.
 

Đỗ Trung Lai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...