Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đò xuân

Cập nhật: 07:00 ngày 28/01/2019
(BGĐT)- Ai xuôi đò qua sông Quế Lĩnh, chắc sẽ ngỡ ngàng trước bạt ngàn sắc hoa bung cánh ven sông. Bao nhiêu năm, dân làng vẫn cần mẫn thêu hoa lên đất, những thảm hoa đủ đầy hương sắc mỗi dịp cuối đông giáp Tết lại theo người làng kĩu kịt sang bên kia sông.

Dưới bến, con đò của anh An chăm chỉ đón đưa người bên kia sông về thăm làng cũ, người bên này sông gánh hoa đi chợ, cần mẫn như sóng nước cứ neo đậu rồi vội vã sang ngang. Nhiều khi đang dở bữa cơm, nghe ở bến sông có tiếng gọi “nhà đò ơi”, anh An chan canh lùa vội cơm rồi xuống đò nổ máy. Mẹ anh cằn nhằn “trời đánh còn tránh miếng ăn, làm sao phải vội” nhưng anh quen nếp rồi…

{keywords}

Nhà nằm ven sông, anh xây cái bệ xi măng cho mẹ ngồi bán trà thuốc, khách từ xa về ngồi ăn phong bánh khảo, miếng kẹo lạc, uống chén trà cho ấm bụng rồi hỏi thăm chuyện bà con làng nước, đường xá vào thôn… Bên hông nhà, mẹ sơn bằng vôi trắng hàng chữ thẳng thớm: “Đi đò miễn chịu”. Ôi chao, ghi là vậy nhưng người làng sang bên kia sông cắt cỏ, trẻ con chạy qua chạy lại mót đỗ lạc không có tiền chẳng lẽ lại không cho người ta về nhà ăn cơm khi quá trưa chiều muộn, người làng người nước cả ấy mà.

Mẹ còn rầy rà anh bao nhiêu điều, rằng anh bất hiếu không chịu lấy vợ cho bà vui vầy con cháu. Anh cười trừ rồi xuống đò mắc võng vào hai thanh sắt đỡ mái che nằm ngủ, sóng vỗ vào mạn đò đu đưa, khách gọi đò anh lại nổ máy sang sông, neo xích cho khách lên bờ là hết buồn, như nỗi niềm gửi luôn cho khách.

Mùa này, cánh thợ đi buôn sắn dây thường đi chợ sớm, hai ba giờ sáng đã nghe họ gọi nhau í ới trên đê. Tháng củ mật trời đen như mực, chỉ thấy thấp thoáng những tàn thuốc đỏ bậm trên môi. Gió trên đê khiếp lắm, gió như bàn tay khổng lồ đẩy ngược những chuyến xe chở sắn nặng hàng tạ, thách thức những tấm lưng còng nhổm khỏi yên xe rồi dồn sức xuống bàn đạp của những chiếc xe thồ. Giữa mùa đông, môi họ rét run mà mồ hôi đẫm áo. Từng người một thay nhau dẫn đầu đoàn cản gió rồi thả dốc, kéo ghìm xe khi xuống đò. Người này “bác An ơi, giúp em một tay”, người kia mời “anh An ơi hút điếu thuốc cho ấm bụng”. Có khi ai đó chở nặng quá, rút lại vài chục cân sắn nhờ anh vùi xuống cát kẻo gió Bấc làm khô sắn, chiều về thì họ xin lại. Phải sang mấy chuyến đò thì mới chở hết đoàn ấy, họ sang hết dốc bên kia sông, thêm một đoạn đường đá mạt là ra đến đường nhựa, đoạn ấy xuôi gió, người chở sắn cũng bớt nhọc nhằn.

Anh vào lại nhà, kéo tấm chăn kín người mà răng vẫn đánh môi cầm cập, gió bến sông mùa đông rét lắm, hơi nước phả lên ẩm ướt, lúc ấy anh thường nhìn thấy rõ nhất sự trống trải của lòng mình. Bến yên ắng lắm nhưng không tài nào dỗ dành giấc ngủ, anh nằm chờ người đàn bà ấy gánh hoa qua sông…

Cánh lái buôn vẫn về gom hoa tận ruộng nhưng nhà nào cũng chừa lại một khoảng để gánh gồng đi chợ cho có chị, có em. Đàn bà làng Quế gánh gồng khéo lắm, đòn gánh tre kĩu kịt, tay vung vẩy nhịp nhàng, bước đi uyển chuyển. Những buổi chợ phiên gánh hoa đi bán cũng là dịp để họ ngắm nghía những món hàng mà năm này qua năm khác họ chỉ dám sở hữu bằng ý nghĩ. Có những người đến ngày lên chức mẹ chồng hay mẹ vợ xỏ tay vào chiếc áo tân thời còn ngượng ngùng, tô son xong không dám khép môi…

Mỗi lần neo đò cho những người đàn bà ấy qua sông, bao giờ khúc sông cũng rộn rã lên một chặp, người này gán ghép anh An, người kia giục anh lấy vợ, mẹ anh thường xuống bến dúi vào tay chị Huyên ít tiền nhờ mua lạng thịt hay chút mắm muối dầu ăn.

Anh chỉ dám nhìn chị Huyên khi cả đám đàn bà con gái đã qua sông, anh dõi theo dáng hình gầy guộc, mái tóc búi cao làm chiếc nón trắng vênh lên một chút, thi thoảng chị đưa tay sửa nón. Anh thương thầm khi thấy chị trở đòn gánh đổi bên cho đỡ mỏi vai…

Giữa buổi thì chị Huyên đi chợ về, bao giờ chị cũng về sớm nhất trong đám đàn bà con gái, hai tay đặt lên bệ xi măng miếng thịt còn tươi, những thức hàng mà mẹ anh nhờ mua giúp, chị còn mua biếu thêm khi miếng bánh đúc lạc, lúc quả cam khi thấy bà ngật ngừ ho. Thi thoảng anh An cũng biếu chị mớ tép sông còn nhảy tanh tách trong giỏ mà anh cất vó được, lúc thì mẻ rươi mới vớt hay con cá chép mắc lưới sớm tinh sương. Anh đưa những thứ ấy thật nhanh, nói dăm ba câu mà cũng ngại ngùng. Mẹ anh bảo:

- Có thế thôi mà nói cũng không nên lời, chả trách mà…

Con bé Hà con gái chị Huyên xinh lắm, lúc cha mất con bé còn chưa biết khóc thương. Thi thoảng theo mẹ ra đồng hoa ven sông, nó tha thẩn hái quả dâu ăn đến tím cả đôi môi chúm chím. Nó cũng hay đến hàng quán của mẹ anh An ngồi hỏi han đủ thứ chuyện, mẹ anh thi thoảng cho con bé miếng kẹo lạc, nó cất ngay vào trong túi áo để phần cho mẹ.

Một lần bé Hà cùng đám trẻ con xuống mé sông nghịch cát, gió lật chiếc mũ hoa của Hà xuống sông, con bé lấy củi dâu mà khều mê mải đến nỗi ngã ngay xuống vũng xoáy người ta hút cát. Anh An đang lái đò trông thấy, anh nhào xuống vớt được con bé lên bờ. Mọi chuyện còn như mới đây, thế mà con bé đã thành thiếu nữ rồi lấy chồng tận trên thành phố. Lần nào Hà về cũng tay xách nách mang, nào thịt kho nỏ nồi, nào ruốc giã, nào thuốc bổ, nào manh áo mới, Hà lo mẹ ở một mình không chịu bày vẽ nấu ăn. Hồi còn tấm bé lúc nào Hà cũng nói em không lấy chồng, em cứ ở cả đời với mẹ. Thế rồi em cũng sang sông lúc xuân thì vào mùa lộng lẫy, mỗi lần về thăm mẹ nhìn mẹ thui thủi một mình em lại trách mình là kẻ ngáng đường và thường trực nỗi lo khi mẹ về già biết lấy ai làm chỗ tựa nương, con gái theo chồng về thăm nhà chốc lát…

Tóc mẹ lốm đốm bạc rồi, Hà về hai mẹ con bắc ghế ngồi bới tóc. Tóc mẹ thơm mùi hương nhu vỏ bưởi trong vườn. Thứ hương thơm dìu dịu ấy vấn vít suốt tuổi trẻ của anh An sau một lần gió sông thổi lên mà anh lại đứng thật gần bên chị…

Sớm nay lạnh lắm, sương phủ lên mặt sông một lớp dày mịn như tấm chăn bông, những người đàn bà gánh hoa đã í ới trên đê, họ xuống đò, đặt quang gánh rồi xoa hai tay vào nhau cho ấm rồi áp lên mũi lên má. Huyên không qua sông sớm nay.

- Anh An có mua gì không, anh dặn để chúng em mua giúp cho, hôm qua Huyên bắc thang leo lên mái nhà sửa mấy viên ngói vỡ, bước hụt thế nào mà ngã thang anh ạ. Khổ thân, mình mẩy tím bầm hết cả, rét mướt thế này thì đau đến thấu xương.

Nghe chị Mến nói thế mà anh An rùng mình, nhìn vào lòng mình anh thấy như điều gì đang vỡ, thương cảm xâm lấn đầy ý nghĩ. Anh lại bắt đầu dằn vặt mình, giá anh cứ thi thoảng vào làng, thi thoảng đến mà thăm hỏi Huyên rồi thay giúp chị mấy viên ngói vỡ… Từ bến đò vào làng có dài lắm đâu một thôi đê, thế mà nấn ná hết cả một thời trai trẻ. Lúc mấy người đàn bà gánh hoa lên bến anh nhắn họ gọi giùm thằng cháu Hoàn con anh Duẩn nhà gần đường lớn.

Anh Duẩn nổi tiếng dữ đòn, thằng cháu Hoàn ngày nhỏ thường trốn đòn ra bãi sông nằm ngủ, trưa tối nó còn sợ không dám về nhà thì anh An hay gọi vào cho ăn cơm, thằng bé ăn xong thì anh chở về, nói giúp nó dăm ba câu với bố. Không biết bao nhiêu lần như thế nó nằn nì anh dạy nó cách lái đò, bây giờ nó đã trở thành chàng trai khỏe mạnh, ngực rộng trán vuông, đôi tay lái đò thuần thục. Cả một đời chờ khách sang sông, đây là lần đầu anh sốt ruột khi đợi Hoàn. Anh đi đi lại lại, xuống đò rồi lên bến, rồi Hoàn cũng đến khi sương bắt đầu tan. Anh dặn Hoàn hôm nay ở đây đón khách thay anh, dịp cuối năm bà con thường tất bật, anh nghỉ thì cũng được, nhưng anh không nỡ khi nghĩ người đến đò rồi phải quay lại đi đường vòng xa thêm bảy tám cây số mới về đến làng, lại còn đám đàn bà con gái gánh gồng đường xa lặn lội…

Anh vào nhà lấy chục trứng gà và chai rượu hạt gấc, loại rượu này lúc nào trong nhà cũng có sẵn dùng trị vết ngã bầm tím tốt không kém mật gấu là bao. Mẹ thấy anh vội vã, lòng bà cũng rộn ràng, bà ngồi đoán định xem anh đã vào đến làng chưa, anh sẽ nói gì khi gặp Huyên ở ngõ. Trên gương mặt đầy những nếp nhăn già nua ánh mắt bà ngời lên rạng rỡ tựa hồ như một mầm xanh khỏe khoắn nảy nở trên đám ruộng hạn khô…

Giữa buổi thì con gái Huyên sang đò về thăm mẹ, trên tay mang một cành đào bích. Bà đã kịp thấy em từ lúc chuẩn bị lên bờ, bà chạy vội ra, luống cuống tìm cách giữ chân Hà. Em hơi ngạc nhiên trước một người già đang lúng túng, rồi em cũng theo bà vào nhà. Nghe bà kể xong, em rơm rớm nước mắt mà nắm lấy đôi tay gầy guộc, rồi em mỉm cười. Đó là nụ cười đẹp và thơm thảo, đôi khi lớp vỏ ngôn từ dường như bất lực, chỉ một nụ cười là đã đủ đầy. Em gửi lại cành bích đào, nói biếu bà và chú An ăn Tết. Hà chần chừ nửa muốn sang đò về thành phố, nửa sốt ruột lo mẹ ngã có đau lắm không. Cuối cùng thì Hà vẫn quyết định vào làng, em đứng nhìn vào trong nhà thấy mẹ ngồi trên giường cạnh cửa sổ xoa rượu gấc, trên chiếc thang tre dựng trước cửa, chú An đang thay mấy viên ngói vỡ. Hà mỉm cười, em giữ nụ cười đó ra tận bến sông san sẻ cho bà cụ…

Mặt trời đã ló những tia nắng hiếm hoi nhưng rạng rỡ, những người đàn ông đi bán sắn dây đã cùng nhau trở về, phía sau xe họ chở những gốc đào, những chậu quất sai trĩu quả. Những người đàn bà gánh gồng cũng đi về vội vã, trên quang thúng lấp lánh màu xanh của lá dong tươi, những gói bánh kẹo đủ sắc màu, trong những bọc nilon có cả những manh áo mới. Mùa xuân đang đến rất gần rồi, đất trời đang so dây cho những bản đàn rạo rực, dịu dàng và ngây ngất đắm say…

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng 5-11 (1918 - 2018): Người về ấp Cầu Đen
(BGĐT)- Nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) không những là đại diện xuất sắc của nền văn học hiện thực tiến bộ trước Cách mạng Tháng Tám, mà còn là một trong những lớp người đầu tiên góp sức xây dựng nền văn học mới, nền văn học hiện thực Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 
 
Nguyên Hồng - Nhà văn mau nước mắt
(BGĐT) - Nguyên Hồng ít nói về mình, xuề xòa, nhường nhịn. Văn ông là kiếp lầm than, thơ ông là giang sơn cẩm tú, anh hùng hào kiệt. Nhìn ông - râu tóc lởm chởm, quần áo nâu nhàu nhĩ, ôm cái cặp căng phồng sờn trơ cả cốt, rảo bước trên hè phố, ngỡ là người cũ kỹ. Được gần ông, nghe ông nói, ngộ ra ông là người tươi mới lạ thường.
 
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách tại phố sách Hà Nội
Vào hồi 8 giờ ngày 14-1-2018, tại phố sách Hà Nội, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ có buổi giao lưu và ký tặng sách độc giả Thủ đô nhân dịp ra mắt tập truyện dài “Cây chuối non đi giày xanh” (NXB Trẻ).
 
Truyện ngắn của Mai Nguyên
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...