Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bầu trời trong xanh

Cập nhật: 07:00 ngày 23/02/2019
(BGĐT) - Gió thổi lồng lộng. Hít một hơi thật sâu, thở ra thật mạnh, từ vị trí này tôi cảm thấy mình dễ dàng buông lỏng tất cả vướng víu trong lòng. Tôi ngửa mặt nhìn trời cao, cuộc sống tất tả bon chen không còn đập vào mắt tôi nữa, chỉ còn lại những hình ảnh dịu dàng của đám mây ngang qua.

Mỗi lần có chuyện gì bức bối, tôi lại trèo qua mười chín tầng cầu thang lên đây. Lên đến nơi miệng thở hồng hộc, hai chân đau nhừ, quần áo nhớp nháp mồ hôi. Nhưng càng vận động thể lực bao nhiêu thì trí óc đỡ nặng bấy nhiêu, gió trời sẽ giúp tôi hồi sức, mây trời sẽ giúp hồn tôi tìm miền lãng đãng thanh thản.

Tôi là một bác sĩ, hằng ngày tôi khám bệnh, kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Bạn sẽ nghĩ hành trình đơn điệu ấy thì có bao nhiêu áp lực? Mà suy cho cùng, ngành nghề nào chẳng có áp lực, kêu than hình như cũng là một bệnh của con người. Bạn trai tôi làm ở Khoa Cấp cứu, tôi làm ở Khoa Khám bệnh. Hồi đi học, anh mơ làm bác sĩ nhi vì anh thích trẻ con. 

{keywords}

Minh họa: Đình Tân

Tôi muốn làm bác sĩ da liễu vì hy vọng sau này mở một spa làm đẹp của riêng mình. Ngày mới ra trường, thực sự chúng tôi rất nôn nóng, hăm hở bắt tay vào công cuộc để sớm biến ước mơ thành hiện thực, nhưng sau chạm thực tế, chúng tôi nhận ra con đường đi đến ước mơ còn xa vời lắm. 

Giám đốc Bệnh viện bảo, Khoa Cấp cứu của bệnh viện đang thiếu người nên tạm thời anh vào đó. Hơn nữa, vào khoa nào của bệnh viện cũng phải qua Khoa Cấp cứu học tập nâng cao chuyên môn và rèn luyện tinh thần, để có thể đứng vững trước mọi tình trạng của bệnh nhân. Tính đến nay anh "ở tạm" Khoa Cấp cứu gần ba năm rồi, chưa thấy được nhúc nhích đi đâu. 

Tôi được sắp xếp ngồi học việc bên một bác sĩ ở Khoa Khám bệnh một thời gian, sau đó đi học định hướng Khoa Nội nửa năm ở bệnh viện trung ương rồi lại về “an tọa” ở đây. Bệnh viện đóng đinh tôi gắn với chuyên khoa Nội vì chuyên khoa Da liễu đã đủ nhân lực. Giờ đã có chứng chỉ hành nghề, tôi được ngồi độc lập khám bệnh. Biển tên rõ ràng “Bác sĩ K, chuyên khoa Tim mạch”.

Có tiếng xì xào trước cửa phòng khám bệnh của tôi. Tiếng xì xào to dần. Giờ nghe như tiếng quát lanh lảnh. Tôi kiên nhẫn ngồi ghi đầy đủ đơn thuốc vào y bạ cho bệnh nhân đang được khám trong phòng, dặn dò những thứ cần thiết rồi mới đứng dậy ra ngoài xem có chuyện gì.

Phập! Quyển sổ y bạ lao thẳng vào mặt tôi. Mắt mũi tôi tối sầm. Tôi chưa định hình được chuyện gì thì người đàn bà sấn sổ lao tới trước mặt. Chị ta nhìn tôi trừng trừng như muốn ăn tươi nuốt sống: “ Này, thầy thuốc như mẹ hiền mà mày cư xử thế à. Sao bảo người già được ưu tiên khám trước mà mày bắt bà già 90 tuổi rồi ngồi đợi lâu thế à. Mày nghĩ tao không có tiền à?”

“Có chuyện gì chị từ từ nói và chú ý lịch sự”. Tôi cố bình tĩnh nói với người đàn bà.

Phập! “Mày bảo ai không lịch sự?”.

Tôi lảo đảo người, tay qườ quạng bám vào tường để đứng vững. Bảo vệ của bệnh viện lập tức ở bên cạnh tôi, mọi người nhanh chóng túm tụm xung quanh rất đông. Có thể do mấy vụ bạo hành nhân viên y tế gần đây ầm ĩ trên đài báo nên nhân viên an ninh của bệnh viện có phần lanh lẹ hơn.

Người đàn bà thấy thế lùi lại. Chị ta có vẻ chờn anh bảo vệ, nhưng miệng tiếp tục làu bàu, cố ý để cho mọi người nghe thấy: “Ai đưa bố mẹ già đến khám mà bị đẩy lại sau như thế có chịu nổi không? Rõ ràng mình đến trước, sao lại bị khám sau”.

Mọi người nhìn xoáy vào tôi. Tôi cảm giác ngay cả ánh mắt của anh bảo vệ cũng như ngờ vực tôi. Mặt mũi đỏ gay, tôi luống cuống giải thích: “Xin lỗi chị, em đang khám cho một bệnh nhân, em phải khám xong mới đến lượt bệnh nhân tiếp theo. Ai cũng cần được khám cẩn thận. Chị đưa bà vào đây ạ”.

Chị ta lừ lừ nhìn tôi, xốc mẹ mình lên dìu vào phòng.

Dù chưa hết sốc, tôi lấy tay áo dụi dụi mắt, vội vã vào phòng nâng cụ già ngồi xuống ghế. Nuốt nghẹn vào trong, tôi phải tiếp tục công việc của mình. Tôi không thể dừng công việc lại dù ngay lúc này, tôi muốn chạy lên tầng thượng bệnh viện để khóc cho thỏa cơn tủi hờn. Bạn hỏi từ sáng đến giờ tôi làm gì ư? Tôi cắm cúi khám hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác, tôi chưa kịp hay biết có một bà cụ 90 tuổi đang chờ được tôi khám ngoài cửa. Hôm nay tôi không có đồng nghiệp nào hỗ trợ bên mình nên trước một danh sách dài, tôi khám bệnh theo thứ tự bệnh nhân đăng ký. Dù theo quy định của bệnh viện, người già, người khuyết tật được ưu tiên khám trước nhưng tôi đã nói, tôi thực sự không hề hay biết có một bà cụ 90 tuổi đang ngồi chờ ngoài cửa.

Người đàn bà nói đã ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ. Tên của mẹ chị ta đăng ký lúc 8 giờ 10 phút tại khu tiếp đón. Lúc chị ta gây lộn xộn là 8 giờ 35 phút. Vậy mà chị ta bảo phải đợi mấy tiếng đồng hồ!

Ồn ào nhanh chóng qua đi, tôi cố quên và cố vỗ về mình rằng có thể chị ta đang bị căng thẳng vì chuyện gì đó nên mới đối xử với bác sĩ như vậy, nhưng đầu óc tôi vẫn bị ám ảnh, tai tôi vẫn văng vẳng giọng người đàn bà: “Con bác sĩ ấy”.

Giám đốc Bệnh viện gọi tôi lên gặp riêng sau sự việc. Giám đốc bảo lần này tôi không bị phạt nhưng cần lưu ý trong cách làm việc hơn. Tôi há hốc mồm ngạc nhiên. Lẽ ra tôi phải được động viên, an ủi, đằng này… Tôi chưa kịp giải thích thêm gì, lãnh đạo vẫn thao thao bất tuyệt: “Làm bác sĩ khó lắm, em vừa phải giỏi chuyên môn, vừa phải khéo léo trong giao tiếp. Ân cần, chu đáo với bệnh nhân là nhiệm vụ của mình. Lần sau em lưu ý danh sách chờ, liếc thấy trên danh sách chờ có cụ già phải gọi người đỡ bệnh nhân vào ngay”.

Tôi im như thóc. Về nhà vắt tay lên trán suy nghĩ, đêm ấy tôi không ngủ được.

Tôi chán nản than thở với anh, mai sau có con cái, nhất định không cho theo học cái ngành giời đày này. Ngày nghỉ người ta đi hưởng thụ, mình vắt chân lên cổ làm việc trong bệnh viện. Lại còn chịu quá nhiều áp lực, bất công. Anh điềm nhiên như mọi lần: “Cái gì cũng có giá của nó em ạ, chịu nhiều áp lực, khắt khe thì mình mới sớm cứng cáp và giỏi giang. Cố lên!”. Trời, sao anh có thể lạc quan được đến thế. Làm ở Khoa Cấp cứu còn cực nhọc hơn gấp mấy khoa tôi. Tôi hỏi anh yêu nghề không, anh chẳng cần suy nghĩ: “Yêu chứ!”. Tôi cố hỏi thêm anh có đang nói thật lòng không, anh trả lời chắc nịch “Chắc chắn, rất yêu là đằng khác”. Anh ôm tôi vào lòng, dỗ ngọt cho tôi nguôi buồn: “Lúc nào em chán nản, hãy nghĩ lại lý do vì sao mình bước vào. Đừng để khó khăn của công việc dập tắt ngọn lửa trong em”. Tôi ngả vào vai anh, lòng tôi dần nhẹ hơn, may mà tôi còn có anh.

Từ hôm xảy ra sự việc, những lúc vắng bệnh nhân tôi hay ngồi một mình trầm ngâm. Đang miên man với mớ suy nghĩ bòng bong của mình thì chị Phương đầu tóc rũ rượi, miệng méo xệch đến bên tôi:

“Bác sĩ ơi, làm sao cứu con tôi bây giờ. Ca mổ này gia đình tôi muốn làm ngay như lời bác sĩ khuyên, nhưng giờ làm sao xoay xở nổi số tiền. Ngoài căn nhà lụp xụp, gia đình không ...”. Chưa nói hết câu, nước mắt lã chã rơi, chị nấc thành tiếng.

Chị là mẹ bé Liên, cô bé mười sáu tuổi có đôi mắt đen tròn, khuôn mặt xinh như thiên thần, không may bị mắc bệnh tim. Con của chị, chị có thể nào không cứu, dù chị chỉ là người nông dân nghèo xác xơ nhưng chị không thể không cứu con, và tôi không thể không làm gì đó.

Nhìn đôi mắt ầng ậc nước của chị Phương, tôi hiểu chị đang bấn loạn đến cỡ nào. Chị làm tôi nhớ gương mặt mẹ tôi khi phát hiện cha tôi bị bệnh hiểm nghèo. Tôi nắm chặt bàn tay gầy gò của người mẹ lâm vào hoàn cảnh cùng quẫn: “Em sẽ làm hết sức có thể. Bây giờ chị phải giữ bình tĩnh thì mới ở bên, động viên con gái được, chị nhé!”.

Loáng thoáng trong đầu tôi chương trình mổ tim miễn phí. Tôi quên hết mỏi mệt, chạy một mạch đến phòng Trưởng khoa hỏi thủ tục. Chú nói cần chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện B, chương trình mổ tim miễn phí ở đó. Không phải bệnh nhân nào cũng đủ tiêu chuẩn để thực hiện phẫu thuật. Bên Bệnh viện B sẽ hội chẩn với chúng tôi để quyết định thực hiện phẫu thuật can thiệp tim. Tôi cam đoan bé Liên nằm trong tiêu chuẩn, và tôi xin được đại diện sang hội chẩn bên Bệnh viện B.

Hậu quả sẽ ra sao nếu tôi hội chẩn không tốt? Không hiểu bằng sức mạnh nào tôi rất kiên quyết trong việc này.

Bao nhiêu hồi hộp, lo lắng, đợi mãi cánh cửa phòng phẫu thuật cũng mở ra. Bác sĩ phẫu thuật thông báo ca mổ thành công. Chị Phương ôm chầm lấy tôi, nước mắt người mẹ vỡ òa vì hạnh phúc. Và chẳng thể nào diễn đạt được cảm giác phấn chấn trong lòng tôi.

Lần này, vượt qua mười chín tầng cầu thang không phải để phả giận vào bầu trời, tôi muốn chia sẻ niềm vui to lớn của mình. Tôi ngửa mặt nhìn những đám mây thảnh thơi trôi qua đây, lúc này chẳng có gì trong xanh hơn bầu trời.

Quà muộn
(BGĐT)- Con trai Lùng là thằng Lèng. Nó yêu say đắm con Mo, con gái trưởng bản Chu Lin đến ba năm, tuyệt thực đến mấy lần, cuối cùng thì Lùng cũng vay mượn đủ trăm đồng bạc để cưới về cho nó. 
 
Phải lòng quan họ
(BGĐT) - Tháng Giêng người đi đâu
Ta phải lòng quan họ
 
Thấp thoáng mùa xuân
(BGĐT) - Mùa xuân chất đầy trong gió
Ngập ngừng nắng ấm đi qua
Mùa xuân mưa phùn con mắt
Nỗi nhớ se se hiên nhà.
 
Ngày xuân trẩy hội làng
(BGĐT) - Mùa xuân. Mùa rộn rã lảnh lót vang dậy tiếng chim trên khắp cánh rừng, bờ bãi. Mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, đất đai cựa mình sinh lực. Mùa con người như tươi trẻ lại, đầy khát vọng. Mùa của tình yêu đôi lứa.
 
Đi chợ Âm Dương
(BGĐT) - Đầu năm đi chợ Âm Dương
Kìa ai ánh mắt chao nghiêng bồi hồi
Cân muối mặn, mớ cá tươi
Anh xin mua cả nụ cười làm duyên.
 
Hạt giống yêu thương
(BGĐT) - Ở quê tôi, những người nông dân đón đợi mùa xuân theo cách riêng, đó là  ươm hạt gieo trồng tùy vào mùa vụ. Những nghi thức mùa màng đã nghênh đón sự linh diệu. Họ cảm nhận mùa xuân nhanh hơn bất kể nhà dự báo thời tiết nào. Đêm trước, có thể còn rét buốt, nhưng bà con đã lặng lẽ đi ngâm thóc, ủ mầm chuẩn bị cho gieo mạ. Y rằng, chỉ vài ngày sau, cái nắng đã tràn đến. Triệu triệu hạt mầm gieo xuống bật lá lên.
 
Chạm cõi Bổ Đà
(BGĐT) - Theo khách thập phương con lần đến Bổ Đà
Hồn con chạm tiếng chuông ngân, lời Phật
Mắt con chạm những mái rêu, tường đất
Chân chạm vào lồi lõm khúc đường tu.
 
Một thoáng vùng cao
(BGĐT) - Đã lâu rồi không thấy con ngựa đi
Đã lâu rồi không thấy người thương về
Em ngồi mơ, mơ về núi trập trùng
Em ngồi mơ, kìa thấy dáng một người
 
Lời mưa...
(BGĐT) - Mưa thưa đưa rối lòng người
quê tôi vòm gạo đỏ trời tháng Ba
ao đình giăng mắc trăng hoa
áo ai độ ấy phai ba bốn lần…
 
Trong vườn cam Canh Lục Ngạn
(BGĐT) - Đã lâu mới lại nghe người trồng
được nói vui về đất
người trồng ươm cây, người trồng hái quả
 

Trần Ngọc Mỹ

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...