Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tìm về những nẻo dân ca

Cập nhật: 07:00 ngày 09/03/2019
(BGĐT) - Đầu xuân nay tôi lại ngược đường đến với núi đèo Lục Ngạn (Bắc Giang). Vùng đất này níu kéo tôi không chỉ một lần bởi nơi đó có những nẻo dân ca dung dưỡng tâm hồn. Lại Phong Vân, Đèo Váng, Nà Hem, Cổ Vài, Tam Chẽ qua Cấm Sơn xuôi Đèo Cạn, Kiên Thành. Vẫn những bản làng thân quen mà bâng khuâng, xao xuyến. Tâm trạng mùa xuân bừng lên khi câu sli, câu lượn, câu soong hao bên sắc áo chàm.

Người đồng hành cùng tôi là ông Nguyễn Văn An. Vâng, lại là ông An, một người không xa lạ, một trưởng lão dân tộc Sán Dìu, một linh hồn kết nối những làn điệu dân ca làm cho mỗi thành viên trong từng câu lạc bộ (CLB) dân ca ngày thêm thân thiện bên nhau. Nghĩa tình thôn xóm, bản làng cũng từ đấy mà càng thêm gắn kết. 

{keywords}

Một khúc ca đàn tính.

Người nghệ nhân ấy nay đã thuộc hàng "cây đa cây đề" (ông sinh năm 1938) mà sức vẫn dẻo dai bền bỉ. Dù dốc đứng đèo quanh, dù đường xa dặm thẳm, hễ nơi nào khai hội dân ca là một mình ông “không ngán thời tiết” cùng chiếc xe máy bon bon tới. Ông đến để chia sẻ niềm đam mê và cổ vũ phong trào, để được nghe những câu giao duyên không bao giờ cũ.

"Có lẽ bản thân được khỏe như ngày hôm nay có phần là nhờ dân ca", ông An bảo vậy. Ông có lý khi cho rằng mình thường xuyên được dịch chuyển, được gặp gỡ giao lưu trò chuyện, đó chính là liều thuốc trường sinh. 

Đi lại nhiều khỏe về thể chất, giao lưu dân ca khỏe cho tâm hồn, làm cho người ta quên đi tuổi tác, át đi bệnh tật. Nhớ khi CLB dân ca Nùng đầu tiên do ông Nguyễn Văn An khởi xướng tại nơi hẻo lánh Dộc Mùng, xã Giáp Sơn từ hơn 10 năm trước, đến nay tuy tuổi đã ngoài 80 mà thần thái ông không khác là bao.

Phải chăng dân ca đã ngấm vào đường gân thớ thịt trong ông. Không khỏe sao được khi phong trào dân ca các dân tộc Lục Ngạn từ con số 0 nay đã là 31 CLB, trong đó dân ca của người Sán Chí, người Cao Lan được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Cá nhân ông được nhà nước vinh danh Nghệ nhân ưu tú.

Dù chưa “phủ sóng” khắp vùng, nhưng làn điệu dân ca của Lục Ngạn vẫn tựa hương hoa rừng lan tỏa bay xa. Không chỉ vượt suối băng đèo lên Chiên Sơn, Quế Sơn, Giáo Liêm, Cẩm Đàn vùng cao Sơn Động, mà còn xuống với Đông Hưng, Vô Tranh, Lục Sơn dải Lục Nam. 

Chưa hết, dân ca còn “vượt biên” tìm bạn tới Lạng Sơn, Quảng Ninh, lên Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc bởi nơi đó có rất nhiều người “cùng dân tộc ta cả”. 

Trong 31 CLB dân ca trên đất Lục Ngạn gồm 6 dân tộc thuộc 24 xã thì dân tộc Nùng Phàn Sình đông hơn với 12 CLB, người Sán Dìu 11 CLB, còn lại người Tày, người Sán Chí, Cao Lan từ 1 đến 4 CLB. Riêng người Kinh gốc gác dân xuôi trên dải đất Trù Hựu không vì thế mà chịu kém cỏi để cũng dùng dằng một CLB dân ca “Quan họ vùng cao” đậm đà bản sắc.

Những nẻo dân ca dù ngay chân đèo hay trên lưng chừng núi, dù sóng nước Cấm Sơn hay bên suối Thác Lười, ở đâu cũng tình thắm nghĩa nồng, cũng rạo rực hương xuân. Đó là soong hao của người Nùng ở Tân Sơn, Biên Sơn, Kim Sơn, Hộ Đáp, Biển Động… 

Câu hát then của người Tày ở Quý Sơn, Phì Điền… Lời soọng cô của người Sán Dìu ở Nam Dương, Giáp Sơn, Tân Mộc… hay sóong cộ của người Sán Chí ở Kiên Lao, Sa Lý cũng như Sình ca của người Cao Lan ở Đèo Gia, Phú Nhuận. Tất cả tuy khác nhau về câu từ, làn điệu, nhưng đều giống nhau chỉ ở một chữ "say".

Chính vậy mà anh chị em có thể hát qua ngày quên ăn, hát qua đêm quên ngủ. Dù không sân khấu trang hoàng, không nhạc cụ sáo đàn, không môi hồng má phấn, không sổ tay ghi chép nhưng: “Đã đi đến chốn thì chơi/ Chẳng sợ ai cười chẳng sợ ai chê/ Chơi cho mãn đám mới về/ Mẹ mắng cũng mặc người chê cũng đành”.

Phải chăng, xuất phát từ tình yêu muôn thuở, từ kiếp sống nhân sinh, mà khát vọng ấy đã trở nên vĩnh hằng chẳng thể nào đổi khác.

Dù ai chê bác mặc ai

Em đi hát hội cho đời dài ra.

Vâng, đời dài ra từ lời ca câu hát, tình yêu cuộc đời từ những nẻo dân ca.

Ngô Minh Bắc

Lục Ngạn: 200 diễn viên quần chúng biểu diễn tại Liên hoan hát ru và hát dân ca
(BGĐT) - Nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10 (1930 –2018), Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tổ chức Liên hoan hát ru và hát dân ca.
 
Truyền dạy dân ca quan họ cho hạt nhân văn nghệ
(BGĐT)- Từ ngày 14 đến 23 - 8, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Bắc Giang tổ chức lớp truyền dạy dân ca quan họ cho hơn 150 hạt nhân văn nghệ (trong đó có 10 trẻ em) tại xã Tân Tiến (TP Bắc Giang).
 
Truyền dạy dân ca Sán Chí cho học sinh
(BGĐT) - Nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, Câu lạc bộ hát dân ca Sán Chí (xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) vừa phối hợp với Trường THCS Kiên Lao mở lớp truyền dạy hát dân ca cho 37 học sinh từ 12 đến 14 tuổi.
 
Gìn giữ làn điệu dân ca
(BGĐT) - Bằng tâm huyết của mình, người cao tuổi (NCT) huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang ngày ngày gìn giữ, bảo tồn các làn điệu dân ca, góp phần phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa, bản sắc truyền thống của quê hương.
 
Nghệ nhân gìn giữ làn điệu dân ca
(BGĐT) - Sinh ra tại xã miền núi Đèo Gia, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), từ thuở ấu thơ, nghệ nhân Đàm Quang Lộc đã gắn bó với những làn điệu dân ca Cao Lan đằm thắm trữ tình. Những câu hát ca ngợi cảnh sắc quê hương, tình yêu đôi lứa đã ăn sâu vào trong tâm trí của cậu bé. Đến nay, ở tuổi ngoài 80, ông vẫn nhớ hàng trăm bài hát của dân tộc mình và bao năm qua tích cực tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...