Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngõ ấm

Cập nhật: 07:00 ngày 22/03/2019
(BGĐT) - Đầu ngã ba phường Tĩnh Mễ mới xuất hiện một quán ăn ở căn nhà ngói mà tôi thường qua. Căn nhà này vốn quay mặt vào trong, phía trước là nhà hai tầng. Nghĩa là gia chủ đã phá tường sau kề vỉa hè để mở quán. Cái ngã ba này vừa mở rộng to đẹp nên quán sá ngày càng nhiều.
{keywords}

Minh họa: Đinh Hương.

Việc chủ căn nhà này mở hàng ăn cũng là phải, chẳng có gì lạ. Có điều do nghỉ chân ở đây nhiều lần, tôi được biết chủ nhà là bà giáo về hưu đã lâu, kinh tế khá giả, sống một mình. Tôi thầm nghĩ, bà ấy già cả rồi còn tham gì nữa cho mệt thân. Người ta khổ vì không biết thế nào là đủ. Người xưa bảo thế. Hay là bà đó bán căn nhà ngói cho người khác mở quán? Cũng vì tò mò, tôi rẽ vào.

- Ông ăn gì ạ? Có phở, cháo, trứng vịt lộn, bún riêu cua - Một bà già khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu vui vẻ bước ra, ân cần hỏi. Bà này tôi đã gặp đôi ba lần khi qua đây. Chả lẽ đây là gia chủ - bà giáo về hưu?

- Cho tôi bát bún riêu cua.

- Ông chờ một lát.

Chếch phía tôi ngồi là một bà tầm năm mươi tuổiđeo tạp dề trắng mải miết bốc bún, bánh phở trong quầy.

Dăm ba người khác bước vào. Lại thêm một tốp đàn ông đàn bà ồn ã đến. Họ toàn là người quen của chủ quán vì qua cách gọi và những câu chuyện trong ngõ ngách. Kể cũng lạ. Mấy quán ăn phía trước phía sau bề thế, rộng rãi lại thưa thớt khách. Hẳn quán đây ăn rẻ và ngon? Thông thường quán nào mới mở đều vậy để câu khách, về sau đông người ăn mới giở trò chặt chém, dối trá. Ở đâu không biết chứ nhiều quán phường tôi đều thế.

Một bà gầy, tôi đoán chừng ngoài tuổi sáu mươi, bưng đĩa to rau sống đặt trước mặt tôi, khẽ khàng:

- Bác ăn đi, rau ngon lắm.

- Tôi thích rau sống nhưng…

- Bác yên tâm. Rau em trồng ở vườn, rửa kỹ lắm. Quán em bao giờ cũng phải thực hiện yêu cầu ăn uống an toàn thực phẩm, ngon, dụng cụ sạch sẽ, giá cả hợp lý. Bác Huệ chủ quán chúng em nghiêm khắc lắm. Ngày nào cũng họp để rút kinh nghiệm.

Lại một bà cao tuổi bưng mấy bát trứng vịt lộn cho khách đi ngang qua sau lưng tôi. Đó là một bà tóc bạc, da trắng trẻo, đôi mắt u buồn, có nhiều nếp nhăn chằng chịt trên mặt. Tôi lấy làm lạ khi ở quán đây toàn bà già phục vụ - quán bà già! Con gái đâu cả rồi? Không có đứa lớn thì cũng có đứa bé chứ. Vậy mà lại đông khách?

Tôi ăn xong đến chỗ ngồi uống nước cùng với mấy bà đang trò chuyện rôm rả.

- Ông uống nước vối nhé? - Bà ngồi cạnh tôi nhanh nhẹn rót nước từ cái tích to đùng, vồn vã - Chúng tôi dân nhà quê chỉ ưa nước này thôi.

- Nhà quê?- Tôi cười - Các bà là dân phố phường…

- Phố phường gì. Xã tôi vừa nhập nội thành, vẫn nông dân chính gốc. Cái nghĩa cái tình, sớm tối có nhau, tình làng nghĩa xóm vẫn nặng lắm.

Thấy bà xởi lởi, tôi đem khúc mắc trong lòng từ nãy để hỏi ra nhẽ. Bà oang oang:

- Quán toàn bà già là có tích đấy, ông chưa biết tích này à?

Tích? Tôi mỉm cười. Cứ y như chuyện cổ tích, truyền thuyết, những chuyện từ xa xưa.

Trong tiếng cười nói ồn ã xung quanh, bà rì rầm, thì thào kể cho tôi về lai lịch quán bà già này.

Khi bà kể hết ngọn ngành, đứng dậy trở ra, tôi theo chỉ dẫn của bà rẽ vào cái ngõ sâu hun hút ở chếch bên quán ăn - ngõ của mấy bà trong quán. Ngõ im ắng lạ thường. Dường như nó tách hẳn với thế giới sôi động bên ngoài dẫu chỉ cách quán vài chục bước chân. Chuyện của người đàn bà ngồi bên cứ văng vẳng trong tôi.

“Quán ăn này vốn là nhà ở cũ của bà giáo trước khi xây thêm nhà cao tầng ở vườn. Nhà ấy chuyên chứa đồ đạc cũ, để xe đạp, xe máy. Về hưu, bà mở lớp dạy thêm cho con cháu bạn bè và mấy người xung quanh vào dịp hè, chả tiền nong gì. Rồi một ngày bà thôi dạy, phá tường sau, mở hàng ăn uống”

“Phi thương bất phú. Buôn bán chóng giàu”.

“Nào có làm giàu, chỉ làm phúc thôi. Bà ấy thiếu gì tiền. Lương hưu. Lại con gửi về. Lời lãi quán này toàn cho mấy bà trong quán đang khốn khó…”

Tôi rảo bước rồi dừng chân trước căn nhà ngói thấp bé có giàn mướp ở góc sân cạnh bếp. Hẳn là nhà bà Lê - bà gầy nhất trong mấy bà ở quán? Bà này bị chồng bỏ rơi từ lúc ông ta vào Nam buôn bán khi bà mới ngoài tuổi ba mươi. Đứa con trai ở với bà đã chết vì sốc ma túy. Bà mắc nhiều bệnh, nặng nhất thấp khớp và dạ dày.

Tôi đi tiếp nhìn vào căn nhà hai tầng cũ kỹ, mái lợp pro xi măng xám đen. Đây là nhà bà Đào theo như lời kể. Bà này mồ côi bố mẹ, quê xa lắc xa lơ, qua ba đời chồng chẳng sinh nở gì. Các ông chồng đều lặng lẽ bỏ bà, lấy vợ mới. Mấy năm nay bà có lúc ngơ ngẩn, tưởng như tâm thần. Nhà bà Nụ đây rồi. Bà Nụ trẻ nhất trong mấy bà. Nhà bà tường cay vôi, lợp ngói tây, có cây bưởi ở phía đầu hồi. Bà mắc bệnh tim, yếu rớt, chả chồng con gì.

Vậy là tôi đi qua mấy nhà của ngõ đàn bà - ngõ của ba bà trong quán ăn.

Những ngày sau tôi thường đến ăn ở quán đây mong có dịp được gặp trò chuyện với bà giáo Huệ chủ quán. Nhưng bà cũng ít khi ở quán, đôi khi xuất hiện tít phía trước cửa nhà cao tầng. Rồi dịp may đã tới. Một buổi sáng tôi được gặp bà ngồi uống nước trước cửa quán ăn cùng với bà to béo, tóc bạc phơ. Tôi vừa ngỏ ý vào chuyện, bà ngắt ngay:

- Việc tôi làm có gì mà kể.

- Tôi thấy quán ăn ta lúc nào cũng đông khách.

- Thôi thì bà con quanh đây thương bà già này - Bà cười. Nụ cười làm cho bà trông trẻ hẳn lại - Bảy hai tuổi đầu rồi, cũng sắp cáo phó đến nơi - Bà lại cười giòn tan - Ấy chết, xin phép ông, tôi có việc phải đi, mải chuyện quên khuấy mất.

Bà đứng dậy cùng với bà bạn ngồi bên.

Vậy là việc nhỏ mọn mà tôi tính toán đã không thành. Tôi toan đứng dậy ra xe thì một bà từ trong quán vẫn ngậm tăm đến uống nước.

- Bà cũng ở gần đây chứ? - Tôi bắt chuyện.

- Vâng, ở mấy ngõ trên.

- Tôi thấy quán này đông khách lắm.

- Bà con quanh đây và nhiều người trong phường bảo nhau ăn để ủng hộ bà giáo, cũng là chung sức chung lòng.

- Bà giáo có nghèo khó gì đâu?

- Giúp là giúp mấy bà trong quán - Bà hạ giọng như sợ ai nghe thấy - Nếu không vì mấy bà ấy, bà giáo đã ra thủ đô ở với con trai. Chồng bà đã mất cách đây vài năm rồi. Có người đã hỏi mua quán này nhưng bà không bán, bảo rằng sẽ tặng lại cho mấy bà. Nghe đâu năm tới bà sẽ bán nhà tầng phía trong để ra với con.

Thấy tôi giở sổ hí hoáy ghi chép, bà sồn sồn:

- Ông là nhà báo à?

Tôi cười:

- Nhà báo nhà biếc gì. Tôi chỉ là khách vãng lai. Bảy mươi tuổi rồi, viết lách gì nữa.

Bà ngồi thừ, nhấp ngụm nước:

- Bà Huệ không thích kể về mình, rất ngại gặp nhà văn, nhà báo. Tính bà ấy thế. Chúng tôi rất mong có ai đó viết về bà. Người đâu mà tử tế, phúc đức đến thế. Ông có quen nhà báo nào không?

Vừa lúc ấy bà Huệ đi xe máy về. Thấy tôi, bà liếc nhìn rồi rảo bước vào trong, nói cười với ai đó đang ngồi nhặt rau cạnh chậu nước. Tôi ngồi rất lâu, ngẫm nghĩ mãi chuyện này, mãi cho tới khi có ông khách đến ngồi bên…

Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 
 
Tìm về những nẻo dân ca
(BGĐT) - Đầu xuân nay tôi lại ngược đường đến với núi đèo Lục Ngạn (Bắc Giang). Vùng đất này níu kéo tôi không chỉ một lần bởi nơi đó có những nẻo dân ca dung dưỡng tâm hồn. Lại Phong Vân, Đèo Váng, Nà Hem, Cổ Vài, Tam Chẽ qua Cấm Sơn xuôi Đèo Cạn, Kiên Thành. Vẫn những bản làng thân quen mà bâng khuâng, xao xuyến. Tâm trạng mùa xuân bừng lên khi câu sli, câu lượn, câu soong hao bên sắc áo chàm.
 
Mẹ con
(BGĐT) - "Con đã bảo với bà bao nhiêu lần rồi, là từ giờ bà đừng đi bán rau nữa, bây giờ bà có thiếu thốn gì nữa đâu. Cơm các con nuôi bà không thiếu một bữa, quần áo các con mua cho bà đầy cả một tủ, bà ngồi chơi không phải sướng hơn sao!"
 

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...