Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngọn lửa

Cập nhật: 07:00 ngày 24/04/2019
(BGĐT) - "Hoàng Lan, anh yêu em… Nhưng anh phải đi, hãy chờ anh nhé..."

Tiếng thầm thì của tình yêu hòa vào tiếng róc rách của dòng suối chảy dưới phiến đá êm như tiếng nhạc. Giữa thinh không hoang vắng và trong trẻo của bầu trời đêm, ánh sáng của vầng trăng thượng tuần dát ngọc lên những chiếc lá rừng đẫm sương, rọi qua tán cây sung bên trên phiến đá như những ánh mắt tọc mạch trộm nhìn hai kẻ yêu nhau. Tình yêu thời chiến nở trên đường chiến dịch cháy bỏng dâng hiến.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương.

Thời gian thấm thoắt trôi. Chiến tranh đã lùi xa. Chiến trường xưa giờ trở thành nông trường dứa ngút ngàn. Hoàng Lan trở thành công nhân của nông trường. Sống, chờ đợi và chờ đợi… Cuộc chia tay xanh màu lá ngày xưa giờ đã nhuốm úa vàng. Phiến đá dưới tán cây sung bên dòng suối của nông trường thường ngày đón người phụ nữ dắt theo con nhỏ ngồi trầm ngâm hằng giờ dõi mắt về phương trời xa…

- Mẹ ơi! Chừng nào bố mới về?

Hoàng Lan nhìn con, nỗi lòng dâng đầy lên mắt… Như bao lần, bé Chiến Thắng thấy mẹ khóc thay cho câu trả lời vội ôm mẹ nói:

- Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc. Con không hỏi nữa đâu.

Mỏi mòn vì chờ đợi, Hoàng Lan chuyển về sống ở thành phố khi Chiến Thắng học lên cấp III và bệnh tim của chị trở nên trầm trọng. Biết mình không thắng nổi bệnh tật, Hoàng Lan kể cho con nghe sự thật về tình yêu của bố mẹ và trao cho Chiến Thắng nửa mảnh khăn cùng nửa chiếc lược, căn dặn: “Đây là kỷ vật làm tin của bố mẹ. Bố con cũng có nửa chiếc lược và nửa mảnh khăn như thế này. Nếu ông trời không phụ lòng mẹ con ta, nếu bố còn sống thì đây là tín vật để hai bố con nhận nhau”.

Tốt nghiệp ra trường, Chiến Thắng xin được việc làm ở một công ty mà giám đốc là một quân nhân cấp tá về hưu. Trong dịp đi chúc Tết ở nhà riêng vị giám đốc, Chiến Thắng sửng sốt khi biết tên khai sinh của vị giám đốc không những trùng tên mà còn trùng tuổi, cùng quê và cùng quân chủng với bố anh. Anh lắp bắp hỏi:

- Thưa…thưa giám đốc. Giám đốc có quen người nào tên là Hoàng Lan… là thanh niên xung phong?

Vị giám đốc trân trối nhìn nửa chiếc khăn gói nửa chiếc lược mà Chiến Thắng vừa mở ra để trên bàn rồi nhìn vào đôi mắt như có lửa của anh. Ông đọc thấy trong ánh mắt người trưởng phòng của mình niềm hy vọng được giải đáp. Và ông nghĩ cần phải có một quyết định chính xác nhanh chóng như trong chiến đấu. Ông đứng dậy giơ tay vẫy xuống ngụ ý bảo Chiến Thắng ngồi yên đấy rồi đi vào phòng trong với sắc mặt tái nhợt. Cử chỉ và sắc mặt vị giám đốc diễn ra trước mắt khiến trí óc và thân thể Chiến Thắng như đông cứng lại.

Vị giám đốc trở ra với một vật trên tay. Ông khẽ khàng ngồi xuống để vật ấy lên bàn và mở ra: Nửa mảnh khăn và nửa chiếc lược. Hai nửa mỗi di vật xếp lại khít nhau qua tay người giám đốc.

Sự đông cứng đã được giải phóng. Chiến Thắng đứng vụt dậy bước vòng qua bàn ôm chầm lấy người giám đốc nghẹn ngào thốt lên:

- B..ố!... Bố! Con đây. Con là Nguyễn Chiến Thắng, con của bố và mẹ Hoàng Lan đây!

Đôi cánh tay cứng cáp của người cựu quân nhân vòng lại siết chặt Chiến Thắng. Đôi mắt của người đàn ông đầy lên ngấn nước. Tự đáy lòng ông bật thốt lên “Con… Con của bố!”.

Vậy là Chiến Thắng kết thúc cuộc sống không gia đình. Anh về sống với bố. Người giám đốc không vợ con, ăn uống không giờ giấc nhất định nay luôn đúng giờ cơm với đứa con trai duy nhất. Cả hai vui sướng tận hưởng tình cảm bố con bên mâm cơm gia đình. Trong cuộc sống, người cha giúp con trai hoàn thiện những mặt còn thiếu sót mà nếu không có bố chắc rằng Chiến Thắng phải va vấp nhiều mới nhận ra. Anh luôn ghi tâm lời bố thường nhắc nhở: “Con hãy đi trong đời với ngọn lửa trong tim và tảng băng trong đầu chứ không phải ngược lại. Nhiệt thành nhưng tỉnh táo, đó là đức tính cần thiết dù hoạt động ở lĩnh vực nào. Con hãy sống sao cho xứng đáng là con của một người lính”.

Hôm nay như thường lệ hằng năm, vợ chồng Chiến Thắng vâng lời bố sắm mâm cơm để bố cúng giỗ người đồng đội và cũng là người bạn thân thiết nhất của bố. Tuần nhang cuối cùng vừa thắp xong thì ông bỗng thấy mọi vật chênh chao. Bức ảnh người đồng đội trên bàn thờ như được bàn tay vô hình điều khiển cứ chờn vờn đung đưa trước mắt. Không gian bỗng tối sầm khi một cơn đau dữ dội bùng vút lên vật ông ngã xuồng nền nhà mê man.

- Bố! Bố sao thế này?! Bố ơi…

Chiến Thắng vội vã đưa bố đến bệnh viện cấp cứu. Nhưng ông đã tắt thở trên đường đi.

Người ta thường đề cao sự thành thật mà ghét giả dối. Nhưng khi sự thật dập tắt nguồn hy vọng, gây đau khổ, còn sự giả dối lại đem niềm hạnh phúc cho người thì bố chọn giả dối con ạ.

Khi sắp xếp lại căn phòng của bố sau khi ông mất, Chiến Thắng chú ý đến chiếc tủ nhỏ. Tiền bạc, giấy tờ khi còn sống bố vẫn giao cho vợ chồng anh cất giữ. Vậy bố cất gì trong chiếc tủ này? Anh lấy xâu chìa khóa bố để lại lựa một chiếc mở tủ. Trong tủ không có gì ngoài chiếc hộp sắt khóa kỹ. Không có chiếc chìa khóa nào trong xâu chìa khóa mở được. Bố cất ở đâu? Một ý nghĩ lóe lên từ những mẫu chuyện của người chiến sĩ quân báo mà bố đã kể cho anh nghe. Anh lấy đèn pin rọi vào các kẽ hở trong tủ. Quả nhiên tìm thấy. Trong hộp sắt là một tờ di chúc và một bức thư viết tay bố đề gửi cho anh.

“Chiến Thắng!

Bố viết thư này để lại cho con phòng lúc bất ngờ bố phải đi xa. Trước hết bố xin lỗi con vì đã giấu con sự thật. Người ta thường đề cao sự thành thật mà ghét giả dối. Nhưng khi sự thật dập tắt nguồn hy vọng, gây đau khổ, còn sự giả dối lại đem niềm hạnh phúc cho người thì bố chọn giả dối con ạ. Bố ruột của con là bạn thuở ấu thơ và là đồng đội của bố. Người đồng đội đã hy sinh mà hình hài lẫn vào cát bụi. Vì là bạn thân nên bố con đã kể chuyện tình của mình cho bố biết, nhưng đều không biết rằng con đã được sinh ra ở trên đời. Sở dĩ có sự ngộ nhận là do vì quá thương nhớ người đồng đội của mình, bố vẫn thường nói với mọi người bố có hai tên vì muốn sống cho cả cuộc đời ngắn ngủi của người đồng đội cũ. Trước sự vui mừng vì ngộ nhận của con, nhìn thấy niềm hy vọng ngời lên trong mắt con, bố không nỡ để con biết sự thật.

Con trai của bố! Bố đẻ con là đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới lọt lòng. Bố không nỡ để con tứ cố vô thân. Bố đánh đổi sự giả dối của mình để giữ lấy hạnh phúc của một con người (và cũng là của chính bố). Nửa chiếc lược và nửa chiếc khăn bố có được là vào ngày bố con hy sinh, bố bị sốt nên bố con đổi ba lô để mang ba lô của bố nặng hơn. Thương người bạn, người đồng đội chí thân, bố giữ lại kỷ vật của bố con làm kỷ niệm. Gần một đời bố chỉ làm một việc giả dối duy nhất mà giờ đây bố mong con hiểu và tha thứ cho bố. Người đồng đội của bố con lạy vào ngày cúng giỗ hằng năm chính là bố của con. Bố cảm ơn con đã cho bố hưởng được hạnh phúc gia đình bấy nay. Bởi khi bố biết mình đã bị phơi nhiễm chất độc da cam thì hạnh phúc gia đình vượt xa tầm với của bố…”.

Thư bố viết còn dài nhưng Chiến Thắng không thể đọc tiếp. Có cảm tưởng như bị ai phang mạnh một vật vào đầu để trong phút chốc anh không còn ý thức được sự tồn tại của bản thân. Một lúc sau anh dần tỉnh táo lại để nhìn nhận sự việc. Làm sao khác được khi anh đã quen với tình cảm của mình rằng bố là bố của anh?

Trước bàn thờ bố, Chiến Thắng đốt bức thư và những di vật của bố mẹ để lại. Ngọn lửa bùng lên xóa tan một sự thật. Phân định rạch ròi có ích gì khi thật hay giả không còn quan trọng. Giờ đây chỉ có một sự thật, anh có hai người bố.

Nhìn ngọn lửa cháy lên từ những vật cất giữ yêu thương tỏa sức nóng hừng hực, Chiến Thắng nhớ lại lời bố: “Con hãy đi trong đời với ngọn lửa trong tim...”. Vâng! Sẽ như thế bố ạ.

Đồng đội
(BGĐT) - Ông Lâm ngồi thu lu trên dát giường đơn trong căn nhà trống gần nghĩa trang liệt sĩ. Mưa. Mùa hạ ở vùng núi cao này là những cơn mưa bất chợt. Có thể ban đầu chỉ là những hạt mưa lâm râm hoặc lộp bộp thoảng vài hạt tưởng như ông trời vung vảy tay hất ít nước nhưng rồi đám mây đen lê lết kéo tới, mưa ào ào trút xuống như một túi nước khổng lồ bị đứt dây buộc. 
 
Ảo ảnh
(BGĐT) - Bình điện thoại khi tôi đang chuẩn bị đi làm, lúc hơn 7 giờ sáng. Chưa bao giờ anh chàng gọi giờ này, đơn giản bởi giấc ngủ của một họa sĩ tự do thường bắt đầu sớm nhất lúc 3 giờ sáng. Khi công chức nhà nước như tôi vội vã đến công sở, Bình còn ngủ vùi. Vì cái sự lạ lùng ấy mà tôi phải cố nán lại, dù biết rất có thể lát nữa sẽ phải đối mặt với cái cau mày của chị trưởng phòng.
 
Tấm ảnh cũ
(BGĐT) - Hiệu ảnh có tên “Hưng còm” của tôi thực ra chỉ là cái gầm cầu thang của cửa hàng lương thực cũ. Đêm, tôi bận mò mẫm rửa ảnh nên sáng ra có ai gọi cửa thì phải là khách quen mới dám, kiểu như: “Anh lấy ảnh để làm hồ sơ kịp chuyển vùng”. Nhiều khi, nhìn khuôn mặt người trong ảnh vừa khô thuốc thì mặt người đến lấy ảnh còn mướt mát mồ hôi.
 

Truyện ngắn của Phụng Tú

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...