Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mùa nhót chín

Cập nhật: 15:01 ngày 03/05/2019
(BGĐT) - Chuyện xảy ra cách đây đã hơn hai mươi năm, dịp ấy là cuối xuân, đầu hè, mưa phùn vừa thôi rả rích. Cây rơm dầm mưa bốc lên hơi hoai mục bò chê không ăn. Hôm ấy trời quang, bố bảo Trung đi chăn bò. 

Đi chăn bò hẳn nhiên là không vui bằng ở nhà chơi pháo đất, chơi vụ, chơi khăng... thỉnh thoảng ù té về nhà nhúp ít mứt quất mẹ mới sên bỏ miệng, ít kẹo lạc bố đổ giấu vào túi quần ăn dần. Nhưng bố bảo là phải nghe, Trung dắt bò men theo con đường trải sỏi ra đê.

{keywords}

Minh họa: ĐINH HƯƠNG

Cỏ tươi non, đê thì vắng, con bò cái tơ sau cả tuần ăn rơm khô xót ruột, gặm lấy gặm để. Trung kiếm cái cọc và viên gạch đóng xuống đê, cột dây giàng nó lại cho ăn cỏ xung quanh cái cọc. Khi nào nó ăn hết, Trung sẽ rời cọc đi chỗ khác. Cứ như thế, cậu tha hồ thảnh thơi.

Rảnh chân tay, Trung chạy vù lên đỉnh đê, đưa mắt ra khắp cánh đồng. Mắt cậu sáng lên khi nhìn xuống bãi thấy bạt ngàn nhót chín. Vườn nhót nhà anh Huy dẫn nước từ sông vào tạo thành các rãnh nước nhỏ. Nhót trồng men theo rãnh nước ấy, quanh năm uống phù sa đến đầu hạ là chín đỏ rưng rức như hàng ngàn chiếc đèn lồng lấp lánh. 

Nhót trong làng chua gắt nhưng nhót nhà anh Huy lại ngọt thanh, quả tròn căng mọng. Chỉ nghĩ đến thôi là Trung đã tứa nước miếng. Vù một cái, cậu đã ngồi giữa bạt ngàn nhót chín, hái nhót trên cây xuống chùi phấn vào quần cứ thế ăn đến no bụng...

Bấy giờ Trung mới nhớ đến con bò bị giàng bên kia đê, cậu vội chạy lên thì thấy chiếc cọc đã bị nhổ bung. Cậu hốt hoảng lao về hướng con bò đang quần nát ruộng lúa đương thì con gái. Khi thằng bé nắm được sợi dây dắt mũi con bò cũng là lúc bị lão Uy nắm lấy vành tai. Biết không thể van xin, Trung ngoan ngoãn để lão lôi cả bò và người về nhà. 

Chưa đến cổng lão đã cất giọng oang oang gọi tên bố Trung, cả xóm được phen bu kín cổng nhà. Lão chỉ ra về khi mẹ Trung dúi vào tay lão ít tiền và hứa sẽ tỉa lúa nhà mình sang dặm lại thửa ruộng bị con bò quần nát.

Bố lôi Trung vào nhà, cứ cái roi dâu mà quất đến quắn đít, tiếng roi dâu vun vút. Trung trở mình hết bên này qua bên kia nhưng không khóc, chỉ cắn chặt môi. "Không dạy được rồi, hỏng hẳn rồi. Đánh mày chỉ phí sức, giống ở đâu mà lì như trâu sứt". Bố hầm hầm đi xuống bếp rút đôi móc thùng vào bếp nhóm lò. Mẹ tái xanh mặt mũi chạy vào giường rỉ tai cậu: "Chạy đi con, sang nhà bác Viên mà trú, hai ba hôm rồi về. Bố mày đang nung móc thùng ướm vào đít cho nhớ đời đấy con ạ. Chạy đi!".

Nghĩ đến cái móc thùng đỏ lửa lần trước bố từng cảnh cáo, tưởng tượng da thịt xèo xèo dưới thanh sắt đỏ, Trung bật lên lao ra ngõ, thẳng hướng đê mà chạy. Bố vụt lao theo, sức người lớn khỏe nhưng đôi chân không lại sự thoăn thoắt của trẻ con - nhất là đứa trẻ chạy trốn đòn. Khi bỏ xa bố, cậu nghiêng người thả mình lăn lông lốc xuống sườn đê, lăn ngay vào những luống dâu xanh mơn mởn và yên chí nằm đấy. Cậu thấy bố vụt qua trên mặt đê, vừa chạy vừa thất thanh gọi con.

Trung thiếp đi và tỉnh dậy vào cuối chiều, khi mặt trời lụm cụm bò xuống sau rặng tre chắn lũ. Trung nhớ lời mẹ dặn sang nhà bác Viên, nhưng hai gấu quần đầy phấn nhót thế này... anh Huy lại là con bác Viên. Với cái óc logic của trẻ con và nỗi sợ bị đòn ùa đến, cậu vùng chạy đến bến đò, bám sau một xe bò chất đầy củi dâu vờ làm người nhà của người kéo xe. Cậu chạy đến nhà chú Thắng.

Chú Thắng không có nhà, cậu bé lầm lũi lê từng bước nặng nhọc với cái bụng đói meo ra đường lớn, chỗ người ta đứng ngồi lố nhố bắt xe khách theo những chuyến đi xa, chú Thắng hay chạy xe ôm ở đấy. Một thằng bé choai choai chạc tuổi Trung hất hàm hỏi: Đi đâu? Trung buồn bã lắc đầu rồi ngập ngừng hỏi: Có gì ăn không?

Thằng kia ném cho cậu cái bánh mì, thế là leo lên xe, uống ừng ực chai nước mát, cậu lăn xuống sàn xe đánh một giấc và tỉnh dậy bởi tiếng rao: “Ai lược đê”… Hỏi thằng bé kia mình đang ở đâu, nó bảo: Đến Huế rồi. "Huế là chỗ nào?". "Huế là chỗ nằm ở miền Trung, miền Trung nằm giữa hai đầu đất nước, cách chỗ mày lên xe khoảng sáu bảy trăm km. Dân bụi đời thì hỏi đâu với đâu làm gì, đâu mà chẳng là nhà, đâu chẳng là đất lạ...".

Hồi ấy lỡ lên xe rồi, định bụng khi nào xe trở ra sẽ về nhà, nhưng Trung bị lạc ở bến xe miền Đông. Khi có cơ hội về thì đã đi cả tháng, mà mẹ hẹn có hai ba ngày. Lần lữa vài bữa, vụt cái đã hơn hai mươi năm dù ý nghĩ trở về lúc nào cũng thường trực.

Những ngày mới rời nhà, Trung cứ tiếc mãi quả bóng cao su được quấn bằng hàng nghìn sợi dây nịt mà Trung gẩy được của lũ bạn. Quả bóng ấy Trung giấu kỹ trong ngăn cặp. Bố Trung mà thấy thể nào cũng phải đòn. Bố bảo đời bố khổ, đời con phải đi lên bằng nghiệp chữ. 

Bố từng bước bắt Trung thực hiện những điều ấy bằng những trận đòn khi không được điểm mười, bằng những đêm trăng sáng bố đóng chặt cổng không cho đi chơi. Bố đâu có biết tiếng chúng bạn ngoài đường vui quá, mắt Trung nhìn vào trang sách nhưng tâm trí cậu thì ngao du theo chúng bạn đến tận xóm bên...

Mãi sau này, khi bắt đầu nhớ món tép rang khế chua của mẹ, món ngô thắng đường trong buổi chiều mưa, Trung mới thấy thắt ruột thương tấm lưng bố chi chít nốt mẩn ngã nước sau những đêm đông đi riu tép, những que kem ướt bố bán ế chiều mưa… Thế nhưng, sự kỳ vọng về chữ nghĩa của bố năm nào như sợi dây níu chân Trung quay trở về.

Trung không viển vông đến độ khi trở về làng phải làm ông kia bà nọ, nước lã gột nên hồ vẫn hiếm xưa nay. Từ ngày anh chắt bóp vốn liếng suốt bao năm mở vựa rau và sắm xe tải, biết không thể vừa trông nom cửa hàng vừa đi giao hàng, anh tìm thuê người. 

Dung tròn trịa, tháo vát. Miền Nam nắng nóng, mỗi khi anh giao hàng về thế nào cũng có nước mát bưng đến tận tay, cơm canh chờ sẵn. Những điều giản dị ấy chấm dứt những ngày cháo chợ cơm hàng. Anh bảo Dung dọn về ở cùng cho tiện, thế là Dung dọn đến. Tự nhiên như cá nước cần nhau, anh thường nghĩ về cái gọi là tổ ấm từ lúc đó.

Gần chục năm nay, người Bắc vào Nam làm ăn nhiều vô kể. Hàng hóa miền Bắc cũng vào theo, mùa nào thức nấy, từ miến dong, mì gạo, đến trái thị, quả hồng và cả quả nhót chua… Ký ức về mùa nhót năm nào càng hiển hiện, nỗi nhớ quê nhà càng dày vò anh mãnh liệt hơn bao giờ hết.

"Đấy là vào mùa nhót chín, bố bảo anh đi chăn bò...". Sau bao nhiêu lần Dung gặng hỏi, một lần anh không nổi cáu, từ tốn kể cho Dung nghe vì sao anh rời làng. Dung trào nước mắt: "Có lẽ nào anh tha hương, em cũng tha hương, sau này còn con cái, chúng cần nơi khai sinh, cần cái gốc để mà vươn lên xanh tốt". Anh xoa xoa lưng người phụ nữ của mình, khẽ thở dài, tiếng nói nhẹ đi như hơi thở: "Sau này dầu có bề gì cũng đóng cửa bảo nhau, con cái mình sẽ phải nuôi dạy khác…".

Lúc ấy là nửa đêm, anh xoay người vào vách cố dỗ dành giấc ngủ. Nhớ đến lời Dung, anh miên man nghĩ về những đứa trẻ bươn trải, lạnh lùng ở xóm chợ này mà rùng mình. Nhưng về quê thì anh chưa sẵn sàng. Lời để càng lâu càng khó mở, đường lâu không về càng hẹp, càng xa…

Hào - cậu bạn ngày xưa ném cho Trung ổ bánh mì vẫn tình nguyện làm người đưa tin sau những chuyến hàng vào Nam ra Bắc. Những lần xe vào Nam, trong khi chờ bảo dưỡng thường ghé nhà lai rai. Có lần Hào bảo:

- Chưa thấy thằng nào phức tạp như ông. Muốn về thì cứ về, dày mặt mà về, ở chán thì lại dày mặt mà đi. Sao cứ phải day dứt mãi?

Nghe bạn bảo thế Trung chỉ lặng im, ngụm rượu trong miệng bỗng đắng chát. Có lẽ dòng máu trong anh không phải là dòng máu quen phiêu dạt. Đã đi qua bao nhiêu mùa mưa nắng xứ người, đói no nếm đủ nhưng anh chưa bao giờ cảm nhận rõ ràng được một chốn dừng chân, cái gọi là tổ ấm lúc nào cũng rất mơ hồ.

Hào đến vội vã, đi vội vã, dịp này người đi lại nhiều hơn. Tiếng gọi nơi quê nhà khiến người ta tất bật hơn để trở về nơi đã ra đi. Hôm ấy, sau buổi nhậu, lúc trở ra xe Hào bảo: Làng mày năm nay đón danh hiệu làng văn hóa, cờ quạt chăng kín đường, mấy năm nay nhà cao tầng mọc lên như nấm, chỉ riêng nhà mày là vẫn vậy, bố mẹ mày già quá rồi...

Hào ít khi nói chuyện bằng cái giọng nghiêm túc như thế. Hắn nói ngắn ngủi thế thôi nhưng Trung nằm vắt tay lên trán tới nửa đêm, cố nhắm mắt dỗ dành giấc ngủ mà không sao chợp mắt được. Anh trở dậy tìm thuốc hút. Dung cũng trở dậy, khẽ khàng bảo:

- May mà anh còn có anh Hào, còn biết tin tức của bố mẹ. Còn bố mẹ ở nhà, đâu có được biết gì về anh. Anh thử nghĩ xem, hai mươi năm ấy trôi qua không dễ dàng. Anh cũng đâu còn gì khúc mắc. Anh cứ yên tâm mà về. Anh chẳng thể tha hương mãi…

Giọng cô bỗng nhiên chùng xuống, nhẹ bẫng như hụt hơi. Anh nắm tay Dung kéo cô vào lòng mình. Mắt Dung ầng ậc nước. Rạng sáng rồi, những người chạy chợ đêm đã ồn ào đi qua cửa, anh với tay lấy điện thoại gọi cho Hào, dặn hắn giữ cho mình hai chỗ về quên.

Truyện ngắn của Hoàng Hiền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...