Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đôi mắt

Cập nhật: 09:21 ngày 22/05/2019
(BGĐT)- Ông Bình nhìn vào ngõ sau cây nhãn trước mặt, bỗng sững sờ. Một đôi mắt trên tấm pa nô dựng cạnh căn nhà bé nhỏ, căn nhà vừa là nơi ở vừa là chỗ bán hàng nước. Đôi mắt to già nua mở rộng trông không khác gì người thật đang nhìn đăm đăm phía trước. 
{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Tất cả mọi chi tiết con mắt với màu sắc con người được vẽ tỉa tót trong nền trắng xóa khiến đôi mắt sừng sững ám ảnh. Mà đôi mắt trông buồn bã, âu lo, càng nhìn càng thấy thăm thẳm. Chủ quán là một ông già tóc xõa ngang vai, bộ râu dài ngồi trầm lặng bên chiếc chõng.

“Ông ơi” - ông Bình gọi, ngồi xuống ghế dài, loại ghế chỉ có trong trường học. Ông cụ khẽ ngẩng đầu. Cái nét mặt, da mặt dễ đánh lừa với người đời qua râu tóc. Có lẽ ông cụ này chỉ tang tuổi mình. “Ông là họa sĩ ạ?” Ông cụ lắc đầu. Ông cụ này làm sao thế nhỉ? Chả nói chả rằng, chỉ biết ra hiệu. “Ông có bức họa tuyệt đẹp”. Ông cụ im lặng. Ông Bình đã qua lớp trung cấp mỹ thuật tỉnh, công tác tại một phòng văn hóa huyện miền núi. Nhìn bức vẽ bằng sơn dầu này, ông Bình khẳng định tác giả phải là người giỏi nghề truyền thần, phả vào đấy tất cả tâm huyết, tình cảm của mình. Ở ông già này, từ con người đến căn nhà, đều kỳ cục khác lạ. Căn nhà chỉ rộng hơn chục mét vuông lại xiên xẹo, méo mó. Trong nhà ngoài cái chõng bán hàng chỉ vừa đủ chỗ để xe đạp, bếp dầu.

“Bà với các cháu đâu mà ông phải bán hàng?”

Ông cụ không đáp. Đôi mắt mới tư lự làm sao. Chắc ông cụ có gia cảnh buồn. Đôi mắt ấy đã nói điều đó. Ông Bình tự trách mình đã lỡ miệng.

“Ông có rượu không, cho em một chén”.

Ông cụ với tay xuống gầm chõng, nhấc lên chai rượu.

“Ba kích. Tốt đấy. Uống đi”.

Ông Bình cười mủm mỉm. Vậy là ông cụ đã cất lời nhưng mà sao ít nói thế.

“Em rất mê bức họa đôi mắt. Tinh tế quá. Sống động quá. Một tác phẩm xuất sắc. Em nói thực lòng. Không biết tác giả này là ai”.

“Của tôi. Nó là bạn đồng hành của tôi, là số phận tôi. Tôi sống cùng với nó.” Ông già thủng thẳng trả lời rồi đột nhiên dậy, chầm chậm bước lên thang gỗ. Lúc sau, ông cụ từ trên gác khệ nệ bê xuống tập giấy gì đó nặng trĩu.

“Cái gì đấy ạ?”

“Ông ngồi dịch ra - ông cụ đặt tập giấy croky đã đóng chắc chắn - ông giở ra xem. Đời tôi đấy”.

Ông Bình tò mò giở từng tờ. Tất cả là đôi mắt được vẽ bằng bút sắt, mực nho, phấn màu. Mỗi đôi mắt giống nhau được vẽ mấy tờ liền. Tờ đầu và kế tiếp là đôi mắt thiếu nữ. Đôi mắt mới long lanh, trong sáng biết bao.

“Vợ tôi đấy”

“Dạ, bà ấy…”

Ông cụ ngồi thừ, nhìn đăm đắm ra đường, cụ ngồi im như một tảng đá khiến ông Bình cũng nóng ruột.

“Ông rót cho tôi chén rượu - ông già đột nhiên lên tiếng. Nhấp từng ngụm, từng ngụm rượu - Tôi biết vẽ, chỉ là tự học. Một thầy dạy học chỉ bảo dăm bảy ngày. Tôi phải đi học mót mấy anh họa sĩ. Nhà tôi giàu có. Tôi chết mê chết mệt với một cô gái tuyệt đẹp ở thị trấn. Nhà cô này nghèo lắm. Thấy tôi định lấy, bạn bè gàn. Người bảo, vợ đẹp là vợ người ta. Người khác nói, sắc phụ loạn gia, nghĩa là vợ đẹp làm loạn nhà. Tôi xấu xí, ăn bám bố mẹ, tất khó hạnh phúc với mỹ nhân ấy. Tôi bỏ ngoài tai hết, cưới phéng luôn…

Ông Bình lật những trang tiếp. Lạ quá, có một đôi mắt - một nhắm một mở. Đây là đôi mắt đàn ông.

“Cô ta đẻ cho tôi hai đứa con gái giống mẹ như đúc. Rồi cô ấy đi xuất khẩu lao động bên Tây. Tôi gàn không được. Dẫu kinh tế nhà tôi sa sút song chưa đến nỗi nào. Bố mẹ tôi già yếu nhưng vẫn có của để dành. Tôi đi vẽ thuê tất tần tật mọi thứ từ truyền thần đến pa nô, áp phích, quảng cáo cũng tạm đủ nuôi vợ con. Nhưng cô ta quyết đi theo bạn bè để làm giàu…

“Vài năm đầu cô ấy còn gửi thư, tiền cho tôi. Lời lẽ đầy yêu thương. Rồi mấy năm nữa mất hút hàng lươn. Đùng một hôm tôi nhận được đơn xin ly hôn. Thì ra cô ta lấy một thằng Tây mắt xanh mũi lõ, đã ra đời một đứa con gái vừa giống mẹ, vừa giống cha…

“À, cô ta có về một lần trước năm làm cái giấy khốn nạn ấy. Cô ta đón hai con, đứa lên năm, đứa lên ba sang bên đó, bảo là quá nhớ con, đưa chúng biết bên Tây, độ hai tháng sẽ đưa về. Tôi tin. Ai ngờ mất tăm mất tích…

“Sao lại bên nhắm bên mở thế này?”- ông Bình chỉ bức vẽ trước mặt.

“Tôi nhắm mắt để không nhìn các cảnh đau xót này. Vợ chẳng còn. Con chẳng có. Rồi tôi chợt nghĩ, cuộc đời sẽ kết thúc thế sao. Tôi sẽ sống héo hon, lay lắt cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay. Còn cô ta? Hòa nhập sẽ hòa tan? Cô ta giàu có sung sướng bên trời Tây. Hai con tôi cũng thế. Họ không còn nhớ cái thị trấn bé nhỏ này và một người đàn ông bất hạnh? Tôi phải mở mắt để nhìn họ. Vậy là có bức mở bên mắt.

“Tại sao lại có bức vẽ này?”-ông Bình chỉ bức vẽ phấn màu có đôi mắt nhắm nghiền.

“Mười lăm năm sau, đúng mười lăm năm, bà ấy dẫn cả ba đứa con về, hai ta và một lai Tây, tất nhiên là về nhà mình. Cả ba đứa con đều nói như gió tiếng Tây. Đứa con Tây chẳng nói làm gì. Hai đứa con tôi cũng vậy, mới đau. Đứa đầu nói ngọng nghịu tiếng Việt, vừa nghe vừa đoán mới hiểu được. Hỏi ra, chồng bà ấy cấm vợ con nói tiếng Việt. Đau, đau lắm, ông ơi…

Tôi đến mỗi lần khi mẹ bà ấy tìm gặp. Tôi nể quá, và cũng vì nhớ con mà tới, mang theo bức vẽ có đôi mắt nhắm nghiền. Phải, hãy đừng nhìn cái cảnh trước mặt. Bà ta khóc rấm rứt. Con tôi, con người ta ngơ ngác nhìn, cũng có đứa khóc. Rồi bà ta lên tiếng, sụt sịt mếu máo: Tôi là đứa hư hỏng. Ông hãy quên tôi đi. Ngồi chán ngồi chê, bà ta kể rằng, bà vẫn nhớ tôi, nhớ những bức vẽ của tôi, nhớ gia đình, quê hương, nhớ tiếng Việt vì ở nơi ấy không có người Việt sinh sống, ân hận với những việc làm đã qua. Chồng bà làm ra tiền nhưng ham chơi, ít khi ở nhà, cấm ngặt được nói tiếng Việt, vi phạm sẽ bị đánh đập. Thế là bà quyết định chia tay, về hẳn quê hương. Đã sáu mấy tuổi đầu, bà muốn quây quần gia đình, chăm sóc bố mẹ già… Tôi ngồi im, không hé một lời, lẳng lặng ra về.

“Một hôm tôi đang cặm cụi vẽ đôi mắt mới - một bên là đàn bà luống tuổi mở mắt, bên cạnh là con mắt ông già nhắm mắt - thì bà ấy đến. Bà ấp úng: Con gái ông đã đi làm trong nước, đứa làm phiên dịch cho một công sở, đứa làm công ty nước ngoài. Còn mỗi con bé Tây. Nó nằng nặc đòi về nước vì không quen sống ở đây. Tôi vẫn vẽ như không để tâm những lời thổ lộ của bà ta. Bà ấy bịt tay vào bức vẽ bên mắt nhắm: Đừng vẽ thế. Nếu ông thương tình vẫn còn yêu tôi hãy để tôi sống với ông cho tới cuối đời. Tôi chuộc lỗi, làm lại từ đầu. Tôi muốn con có bố có mẹ… Tôi chỉ nói cộc lốc: Để tôi nghĩ.

“Phải, tôi nghĩ rất lâu, không phải dăm bảy ngày, một tháng mà nhiều hơn nữa. Bơ phờ. Mất ăn mất ngủ. Cứ như người trầm cảm. Tôi cố chắp vá những mảnh vỡ tình yêu đã qua. Tôi đã vẽ đôi mắt này, tặng nàng, treo trong phòng triển lãm cá nhân. Đôi mắt thiếu nữ ấy đã hằn trong trái tim tôi. Nàng yêu tôi có lẽ từ những bức vẽ đầu tiên ấy. 

Tôi đã vẽ vô vàn đôi mắt trong các bức chân dung bao người nhưng có lẽ chỉ có đôi mắt này là báu vật của tôi, đỉnh cao nghệ thuật của tôi. Nàng lại là người hơn ai hết hiểu sâu xa ý nghĩa tranh vẽ của tôi. Cũng chính vì vẫn còn lưu giữ nhiều mảnh vụn tình yêu, tôi suốt bao năm trời sống vò võ một mình, không lấy ai. Đã có nhiều đàn bà chủ động đến với tôi. Tôi đều chối từ…

Ông già lơ đãng nhìn tôi lật tiếp các trang vẽ đôi mắt mở rộng đầy lo âu.

“Bố rồi mẹ bà ấy mất. Tôi đến chịu tang. Tất nhiên là thế. Hai đứa con gái tôi lấy chồng, đứa lấy một doanh nhân miền Nam, đứa lấy chồng Tây và định cư ở đó. Tất nhiên tôi đều có mặt trong hai đám cưới ấy. Từ ngày con gái lấy chồng, bà ấy thường đến nhà tôi, rất ít lời, chỉ ngắm tôi vẽ - từ pa nô, áp phích, phong cảnh đến đôi mắt xa lạ. Cuối cùng, tôi chấp thuận cho bà sống bên tôi.

“Nghĩa là kết thúc có hậu”- ông Bình cười.

“Bao nhiêu năm trời, tôi sống cô đơn dẫu rằng tiền bạc không thiếu vì tranh vẽ của tôi đã nổi tiếng, luôn có người đặt hàng. Phải, tôi sống cô đơn trong căn nhà hiu quạnh này - căn nhà tôi mua đã lâu khi bố mẹ tôi mất ở làng. Toàn bộ nhà cửa, vườn tược của bố mẹ tôi cho đứa em gái tàn tật với đứa con nuôi… Bà ấy đã ân hận, đã nhận ra lỗi lầm, cũng sống trong day dứt, buồn tủi, cô quạnh. Thôi thì, đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại. Lại nghĩ, hai trái tim giá lạnh khi chập vào nhau sẽ ấm áp.

“Ông sẽ đến nhà bà ta ở?”

“Hãy tính sau. Bà ấy vừa đưa đứa con Tây lai về và giải quyết mấy việc mới phát sinh bên ấy. Con bé suốt ngày khóc lóc đòi về ở với bố dù bố nó đã có vợ mới, thêm hai con nữa. Bà bảo, lâu nhất cũng chỉ nửa tháng xong việc sẽ về… Chả hiểu lần này bà có giữ đúng lời không. Tôi lo. Phải, tôi lo. Lo cả đứa con gái lấy chồng Tây. Đời nó sẽ ra sao? Liệu có giống mẹ không? Ông nhìn bức vẽ trước cửa cũng đoán định được chứ?”

Ông già lẳng lặng xếp tập giấy lại, đút vào cặp da đen bóng.

“Chờ bà ấy về, tôi lại vẽ đôi mắt - mắt bà và mắt tôi. Này ông, cái câu “mắt là cửa sổ tâm hồn” là ai nói nhỉ? À, dịp nào ông lại về đây nhé, xem tác phẩm mới của tôi…”

Ông Bình vui vẻ đứng dậy tạm biệt, trở ra đường. Đi một đoạn, ông dừng chân ngoái lại nhìn bức vẽ trên tấm pa nô. Đôi mắt ấy cứ ám ảnh mãi ông trên suốt chặng đường về nhà.

Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 
 
Đóa quỳnh hương
(BGĐT) - Mẹ ơi, hoa quỳnh đẹp và thơm quá. Lâu rồi, khóm quỳnh nhà mình mới lại nở hoa mẹ nhỉ? Người ta bảo loài hoa này cũng có số phận giống như người phụ nữ đúng không mẹ? Người phụ nữ hồng nhan nhưng gian truân ấy. Cô giáo con bảo thế! Hương đắm mắt về phía khóm quỳnh nơi góc sân rồi áp đầu vào lòng mẹ, giọng êm như tiếng hoa nở về đêm.
 

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...