Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghề con chọn

Cập nhật: 07:44 ngày 21/06/2019
(BGĐT) - "Con suy nghĩ lại cho kỹ đi con. Nghề làm báo không đơn giản như con nghĩ đâu…". Chị Nga ngồi bên cạnh cắt nghĩa để Liên, con gái chị hiểu sự khó khăn của nghề con muốn chọn. 

Chị cũng chỉ nghe phong phanh qua người này người khác, rồi thì xem trên ti vi thấy các anh chị phóng viên, người bị hành hung, người bị đập phá đồ nghề. Có người còn bị đe dọa đến cả tính mạng nữa. Chị đâm sợ. Nhà có mỗi mụn con. Từ khi nuôi con ăn học, vợ chồng chị cũng chỉ mong con thi đỗ vào trường sư phạm, làm nghề gõ đầu trẻ, đồng lương không cao nhưng được cái ổn định, lại có thời gian dành cho gia đình.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

- Nhưng con rất thích nghề làm báo mẹ ạ. Xin ba mẹ hãy chấp nhận và ủng hộ con, nghe mẹ! Liên năn nỉ, van nài, thuyết phục mẹ mình bằng tất cả niềm tin, tình yêu, sự nhiệt huyết của một cô gái đương độ căng tràn nhựa sống với những dự định, ước mơ.

- Ba mẹ muốn con đi theo nghề sư phạm, vì dù sao con gái cũng thích hợp với nghề ấy. Sau này còn gia đình, con cái nữa. Nghề báo nay đây mai đó, chỉ thích hợp với con trai thôi con à. Anh Lễ, ba của Liên lại tiếp tục cắt nghĩa.

- Ba… mẹ…! Liên xìu mặt, tay vẫn cầm bộ hồ sơ đăng ký dự thi vừa mua về, chưa kịp điền nguyện vọng. Bỏ lại cái nhìn ngẩn ngơ của ba mẹ, Liên lặng lẽ bước vào trong phòng. Anh Lễ lắc đầu nhìn vợ, rầu rĩ:

- Biết khuyên con nó sao bây giờ hả mình? Hay là mình tôn trọng quyết định của con. Cứ để con nó đăng ký thi nghề báo chí. Mình cấm con, ngày sau lỡ có chuyện gì… vợ chồng mình cũng hối hận, lại tội con.

Chị Nga nhìn chồng buồn bã:

- Đành vậy mình ạ. Mình cũng nên ủng hộ con. Xưa, mình không có điều kiện học hành thì giờ để con cái nó được quyền đi theo đam mê của nó.

Năm đó, Liên thi đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền với số điểm khá cao.

Hiện tại, Liên đã là một nhà báo có thâm niên hơn ba năm trong nghề.

- Này… này mấy bà… nghe tin gì chưa?

- Tin gì?

- Cái Liên, con gái của vợ chồng Lễ Nga ấy. Ôi, nghe hay đâu làm báo mà nhận phong bì của một cơ sở chăn nuôi ở một tỉnh nào đó để viết bài sai sự thật đấy!

- Ừ… ừ. Tôi cũng nghe mấy đứa trẻ trong nhà đọc tin trên mạng nói thế. Ây da… thật chả biết đâu mà lần. Đấy, ngày trước nghe nói con bé thích đi nghề báo. Ba mẹ nó tìm cách khuyên nhủ rồi ngăn cấm mãi, không được đành chiều theo ý nó. Nó từng bảo, cố gắng học rồi sau này sẽ trở thành một nhà báo có tâm, có đức. Ai ngờ, giờ lại ra thế.

- Mấy bà nói sao ấy chứ. Tôi nghĩ con bé Liên không phải là người như vậy đâu. Mấy lần về quê lấy tin, bài phản ánh, con bé rất được lòng mọi người. Ai cũng quý, cũng thương mà.

- Đời mà… Ai lường trước được điều gì. Tiền chứ có phải lá mít đâu. Có tiền, người ta muốn tốt, muốn xấu, muốn nổi, muốn chìm kiểu gì mà chả được.

Mới sáng sớm, ở cổng chợ đầu làng, bốn, năm người phụ nữ đã tụ họp bàn tán xôn xao chuyện Kim Liên vì tiền mà viết bài nâng đỡ, che giấu sự thật cho một cơ sở chăn nuôi lợn ở bên tỉnh X. Họ thậm thụt nhỏ to khiến tin ấy nhanh chóng lan truyền khắp cả chợ. Thành ra, cái chợ làng bé tí sáng nay vẻ như rôm rả hơn thường ngày.

Vợ chồng chị Nga mấy bữa nay chẳng thể nuốt nổi miếng cơm. Trong khi anh Lễ cứ ngồi buồn xo hết kéo điếu thuốc, nhấp chén trà rồi lại buông tiếng thở dài thì chị Nga lại ra vào ngó nghiêng, chân tay bủn rủn.

Sao con Liên lâu về thế. Nó bảo hôm nay về mà. Từ bữa nghe người làng đưa tin về chuyện con gái nhận phong bì để viết bài theo ý người ta, ruột gan chị Nga cứ như lửa đốt. Chị muốn gặp trực tiếp con để hỏi cho rõ đầu đuôi ngọn ngành nhưng mỗi lần gọi điện, con đều bảo đang bận tác nghiệp. Anh Lễ còn ra tận quán Internet đầu làng, nhờ người ta mở cái tin ấy ra để xem. 

Rõ ràng bài báo nhắc đến tên tác giả Kim Liên. Ai cũng chắc như đinh đóng cột rằng đó chính là con gái anh chứ chẳng ai vào đấy. Dẫu cả anh Lễ và vợ đều tin tưởng con gái mình không bao giờ làm chuyện vô trách nhiệm ấy, thế nhưng cả hai cũng không dám ra đường. Vì gặp mọi người, ai cũng chạy lại, người hỏi câu này, người hỏi câu khác. Anh chị chả biết trả lời thế nào. Vì thực hư ra sao, chỉ có chờ con gái về anh chị mới rõ đầu đuôi.

- Mình đừng đi đi lại lại nữa. Con nó hứa về thì nó sẽ về thôi.

- Nhưng mà tôi chỉ muốn con nhanh về để giải thích rõ ràng. Chứ để họ hàng, chòm xóm cứ đem chuyện ấy ra bàn tán mãi, khó chịu lắm mình ạ.

- Dù sao thì tôi cứ vẫn tin con. Tôi không nghĩ nó lại vì tiền mà làm chuyện ấy đâu. Mình sinh ra nó, nuôi nấng nó mấy chục năm trời, lẽ nào lại không hiểu được con. Anh Lễ lại nhấp chén nước, mắt nhìn xa xăm qua khung cửa sổ hướng ra con ngõ dài.

Tiếng xe máy rì rì từ ngoài cổng ngõ. Chị Nga đi như chạy ra đón vì biết con gái về. Còn anh Lễ thì cũng nhổm dậy nhìn ra.

- Liên, con về rồi. Ba mẹ ở nhà chờ con mãi.

- Dạ… có chuyện gì không mẹ. Cả tuần nay con bận quá. Phải lên tận miền núi lấy tin viết bài. Hôm qua lại dự hội nghị báo chí của thành phố. Giờ con mới tranh thủ về được.

Nhìn con gái vẫn vui vẻ bình thường, chị Nga vội vã: “Vào nhà, vào nhà, ba mẹ có chuyện muốn hỏi con”. Liên nhận thấy sự lo lắng qua câu nói của mẹ nhưng vẫn tò mò không biết có chuyện gì. Cô dựng xe giữa sân rồi xách túi đồ, bên trong là một vài đồ ăn cô mua trên phố đem về biếu ba mẹ.

Liên chưa kịp ngồi xuống ghế, anh Lễ đã hỏi thẳng:

- Chuyện bài báo viết về cơ sở chăn nuôi ở tỉnh bên là sao hả con? Cũng vì chuyện ấy mà cả làng, cả họ đều biết và đều nghĩ con là người thế này thế khác.

Liên nghe ba hỏi rồi chợt nhớ ra lúc nãy dắt xe qua đoạn cầu, có gặp vài người làng ngồi trò chuyện. Thấy Liên chào, họ ừ một tiếng nhạt nhẽo rồi lại nhỏ to với nhau. Liên thấy lạ nhưng không dám hỏi. Thì ra là vậy…

Mỉm cười nhìn ba mẹ, Liên từ tốn:

- Đó là phóng viên trùng tên với con thôi ba mẹ ạ. Vả lại, bài báo ấy đã được đính chính lại rồi. Do phóng viên chưa tìm hiểu kỹ đã viết bài nên chưa phản ánh đúng sự thật về cơ sở chăn nuôi này khiến người dân bức xúc, nghi ngờ này nọ. Nghe con nói, vợ chồng anh Lễ, chị Nga mới thở phào nhẹ nhõm.

- Đấy tôi nói mà. Con gái mình không bao giờ làm thế đâu.

- Ừ… thì tôi cũng nghĩ như thế. Chị Nga nhìn con gái với vẻ đầy tự hào. Khuôn mặt chị giãn nở rồi đon đả cùng con gái dọn bữa cơm trưa. Trong bữa cơm, ba Liên phân tích:

- Nghề báo là nghề cao quý nhưng cũng rất dễ “lạc đường”. Thế nên dù trong hoàn cảnh nào, người làm báo vẫn phải vững vàng trên từng suy nghĩ, từng bài viết để viết nên những sự thật nhằm bảo vệ cái hay, cái tốt đồng thời đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, góp phần đem đến sự công bằng và phát triển cho xã hội, con ạ.

Bữa cơm hôm ấy, gia đình Liên chưa bao giờ cảm thấy vui đến thế. Trong không khí nói cười rôm rả, lúc lúc lại được ba mẹ gắp thức ăn cho, Liên cảm nhận được niềm hạnh phúc dạt dào từ hơi ấm bữa cơm gia đình, nhất là sự quan tâm của ba mẹ dành cho mình. Đó là động lực lớn để Liên càng vững bước trên con đường sự nghiệp mà cô đã chọn.

Giao lưu trang thơ “Dã hương ngàn năm”
(BGĐT) - Ngày 22-4, tại xã Tiên Lục (Lạng Giang), Hội Người cao tuổi tỉnh Bắc Giang tổ chức giao lưu Trang thơ “Dã hương ngàn năm” lần thứ VIII, năm 2019. Đây là dịp để những người yêu thơ, sáng tác thơ là người cao tuổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác.
Triển lãm "Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm"
Hơn 60 tác phẩm của danh họa người Hà Lan Vicent van Gogh (1853-1890) sẽ được trình chiếu dưới dạng hình ảnh kỹ thuật số tại triển lãm "Ấn tượng phản chiếu: van Gogh và tác phẩm" từ ngày 8-3-2019 đến 7-4-2019.
Bắc Giang có một tác phẩm đạt giải thưởng “Sáng tạo xanh”
(BGĐT) - Ngày 28-12, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ trao giải thưởng “Sáng tạo xanh” lần thứ 2 năm 2018. 
Lê Thị Xuyên
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...