Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tình muộn

Cập nhật: 07:00 ngày 29/06/2019
(BGĐT) - Họ tình cờ gặp nhau ở đây. Chiều ấy bà đang tư lự một mình trên chiếc ghế đá ngắm hồ nước trong công viên còn ông lững thững đi tập thể dục. Nhìn thấy bà, ông sững lại trong giây lát rồi ngập ngừng cất tiếng: "Chào bà. Tôi nhìn bà quen lắm? Tôi hỏi khí không phải chứ bà có phải bà Đào người vùng Lục không?".

Bà ngỡ ngàng đáp: Vâng, nhưng sao ông biết tôi ạ?

- Nhà bà ở đầu xóm Phượng Hoàng? Tôi là Dũng con cụ Khâm ở xóm bờ sông! Bà mừng rỡ: Thảo nào nom ông tôi cũng thấy ngờ ngợ.

Thì ra hai người cùng quê, cùng cảnh ra đây ở với con cháu đã mấy năm nay. Rằng ông rời làng mấy chục năm đi chiến trường, khi về quê nghỉ hưu thì bà lão bỏ ông mà đi trước. Ông đành nể con, thương cháu mà ra đây. Rằng nhìn bà, nhiều nét thời thiếu nữ vẫn lưu lại trên khuôn mặt nên ông mới nhận ra.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Và từ đó, nhiều tháng nay, người ta vẫn nhìn thấy cảnh hai ông bà ngồi ở hàng ghế đá, cạnh gốc phượng già ở công viên của thành phố này vào những buổi chiều cuối tuần. Ông bà cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời tuổi trẻ và chia sẻ chuyện vui buồn của cuộc sống thường nhật. 

Tuổi ông đã gần bảy mươi, nhưng dáng vẻ còn nhanh nhẹn, tóc hoa râm dày mượt phủ không hết vầng trán cao với đôi mắt sáng. Bà kém ông chừng vài tuổi. Da trắng, búi tóc to gọn gàng, dáng người nhỏ nhắn, gương mặt đằm thắm dễ gần. Lâu rồi thành quen, nhiều người đi thể dục qua cũng gật đầu ý chào hỏi. Họ thường khen ông bà thật đẹp đôi và hạnh phúc. 

Ông bà thường ngồi bên nhau từ khoảng giữa chiều, đi bách bộ quanh những gốc thông già sau bỏ đồ đem theo, ngồi ăn cùng nhau đến khi thành phố lên đèn thì họ ra về. Chỉ có điều ít người để ý là hai ông bà chưa bao giờ về cùng một hướng...

*

Khác với những buổi chiều trước, chiếc ghế đá quen thuộc hôm nay chỉ có mình bà ngồi chờ ông. Túi nhỏ đựng đồ ăn ông ưa thích vẫn nằm im bên cạnh. Mắt bà đăm đăm nhìn về phía Tây công viên, đó là những dãy biệt thự cổ kính, nơi ông ở cùng gia đình anh con trai duy nhất...

Quê bà, một miền bán sơn địa có dòng sông uốn quanh, người ta thường gọi vùng quê này là sông Lục, núi Huyền quanh năm cây cối, hoa màu xanh tươi... Cô Đào một thời đẹp nổi tiếng khắp vùng và còn chịu khó, nết na. Trong làng, ngoài xã ai cũng khen. 

Học xong cấp ba trường huyện cũng là lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ vào thời kỳ ác liệt nhất. Nhà Đào em trai còn bé nên cô được động viên đi thanh niên xung phong. Hết nghĩa vụ, Đào được chuyển ngành về làm công nhân nông trường trồng chè tận cuối tỉnh. Lúc này đã quá lứa, lỡ thì, Đào đành chấp nhận kết duyên cùng một cán bộ nông trường vốn là bộ đội miền Nam tập kết đã luống tuổi. Họ có với nhau một cô con gái. 

Chồng bà quê tận Quảng Nam. Đến một ngày ông nói với bà rằng ông muốn cùng bà về thăm quê. Như định mệnh, vào đến quê được mấy ngày thì ông đổ bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, ông gọi người em ruột cùng bà đến bên giường bệnh và nói rằng nguyện vọng của mình là được nằm lại nơi quê hương...

Mấy chục năm, bà một mình tần tảo nuôi dạy con gái. Ơn trời nó chăm chỉ lại sáng dạ nên thi đỗ vào trường y. Học xong xin được việc làm, lấy chồng người cùng cơ quan và ở lại thành phố làm việc. Bà xin nghỉ hưu sớm, sau bán đất bán nhà, cho con gái con rể tiền mua chung cư và ra đây ở hẳn với chúng. Mấy năm ở thành phố, bà kết bạn với bà Mai cùng khu chung cư. 

Hai tháng trước, bà Mai bị tai biến không qua khỏi. Vì không có hộ khẩu ở thành phố nên con trai đưa mẹ về quê mai táng. Tội nghiệp bà Mai, nhà ở quê đã trót bán. Họ hàng anh em tuy đông nhưng lệ làng không ai cho mang người đã chết vào nhà. Vì thế người ta cất cho bà một cái lán tạm nơi đầu làng cạnh bờ mương để làm ma. Nghĩ lại chuyện này bà Đào thở dài thườn thượt, trong lòng cảm thấy bất an...

Tiếng hỏi của một cô gái làm bà chợt tỉnh dòng hồi ức: Ông nhà đâu mà hôm nay bà đi một mình ạ?- bà gật đầu mỉm cười trả lời cô lấy lệ. Bà vẫn nhẫn nại ngồi chờ ông rồi lại nghĩ chắc có chuyện gì chứ chẳng khi nào ông lỗi hẹn. Bà cứ ngồi vậy đến khi thành phố lên đèn, bà buồn bã ra về mà lòng ngổn ngang...

Còn nhớ bữa trước, hôm chỉ có bà và con gái ở nhà, bà hỏi con: Bố con thằng Ken về quê nội chắc có chuyện gì hệ trọng? - Vâng ông trưởng họ mua thêm khu đất để mở rộng nghĩa trang họ tộc, kẻo sau này đất cát đắt đỏ khó mua. Nhà con về họp họ và nộp tiền.

Nghe đến đây bà im lặng, lát sau nói với con gái: “Vì thương con mẹ ra đây ở với các con, cũng là vạn bất đắc dĩ. Giờ các cháu đã lớn, cũng cần thêm chỗ rộng rãi cho chúng học hành. Con là phận gái phải theo đằng nhà chồng, mẹ muốn về sống ở quê những ngày còn lại”. Chị nhìn bà vẻ ngạc nhiên rồi càu nhàu: "Mẹ buồn cười thật đấy, về quê mẹ ở một mình à?”.

Bà đáp: "Còn cậu Mai và các em chứ. Mẹ tính kỹ rồi, lương hằng tháng của mẹ cũng đủ sống, vả lại cậu con cũng muốn mẹ về đấy ở. Còn số tiền tiết kiệm, mẹ cất ngôi nhà, thi thoảng con đưa cháu về thăm mẹ. Mẹ ở quê quen rồi, sống ở quê sẽ phù hợp hơn". Đến lượt cô con gái của bà lặng im...

*

Mấy thứ bảy liền không gặp ông. Linh cảm chuyện chẳng lành, bà quyết định đến nhà tìm ông.

Hôm ấy, bà đi vào phía dãy biệt thự mà có lần ông chỉ, đứng ngó nghiêng trước ngôi nhà cao tầng. Một phụ nữ trạc tuổi bà trông thấy nhanh nhảu hỏi: "Bà tìm ai?”. "Tôi tìm nhà ông Dũng con trai tên là Mạnh. Tôi là người cùng làng, muốn đến chào ông để về quê”. Người đàn bà vui vẻ nói: “Đúng địa chỉ rồi, mời bà vào nhà”.

Ngồi trong phòng khách, bà Đào kín đáo quan sát: Căn phòng treo bức ảnh lớn của gia đình hai ông bà ngồi cùng hai đứa cháu kháu khỉnh. Đứng cạnh là vợ chồng người con. Tuyệt nhiên không có hình của ông Dũng. “Chắc nhầm nhà rồi”, bà thầm nghĩ. “Mời bà xơi nước”, người phụ nữ áng chừng là chủ nhà xởi lởi. 

Ngoài sân thấp thoáng một ông già tay dắt bé gái xinh xắn. "Ông nhà tôi cũng đang về". Bà Đào rối rít "Cảm ơn và xin lỗi ông bà, có lẽ tôi nhầm nhà...". Bà chủ nhà cười: "Đúng ông Dũng ở đây mà, bà xơi nước đi rồi tôi đưa bà lên lầu gặp ông ấy".

Hai bà leo loanh quanh mấy đoạn cầu thang. Bà chủ thở hổn hển gọi với vào căn phòng ở góc căn biệt thự. "Ông nội Bin ơi có khách đến thăm nhé". Ông Dũng đang chống gậy tập đi ở sảnh, nghe tiếng gọi, ông ngoảnh lại và mừng rỡ khi thấy bà Đào. Bà chủ lấy ghế cho hai người và đi xuống lầu.

Ông phân bua "Không gặp được bà, biết thế nào bà cũng nóng ruột, tôi áy náy quá mà chẳng làm sao báo cho bà biết được. Tôi bị trượt cầu thang. Đi chiếu chụp rồi, bác sĩ bảo không bị gẫy, bị mẻ gì, bong gân thôi. Chỉ cần nghỉ ngơi là khỏi". Ông cười xòa như thể nhận lỗi nhưng mặt ông vẫn nhăn khi co chân lại.

Tự dưng bà chạnh lòng thương ông, bà thầm nghĩ: “Nếu ở quê chỉ cần nắm lá láng hơ nóng chịu khó xoa bóp, và rồi ngâm chân với nước chè tươi ấm chẳng mấy mà khỏi”. Bà từ tốn: "Tôi tìm ông vì biết thế nào ông cũng có chuyện. Ông bị qua loa thế này là tôi yên tâm rồi. Vả lại tôi sắp về quê thăm họ hàng, bè bạn một thời gian và có thể ở lại luôn chứ không ra đây nữa".

Bà chưa dứt lời, ông bỗng hốt hoảng một cách vô cớ: "Ấy chết... Tôi xin bà! Bà đừng bỏ tôi một mình ở cái thành phố này”. Rồi ông nhìn khắp lượt nói khẽ: "Chẳng giấu gì bà, đây là nhà của ông bà thông gia. Con dâu tôi là con độc của ông bà ấy. Vì thương con trai và nể ông bà ấy mời, nên tôi mới bỏ cửa nhà ra ở đây. Được gần con cháu nhưng cũng bất tiện lắm. Nghĩ cho cùng thì không gì bằng sống ở nhà của mình. Mà sống đã vậy, còn khi chết nữa bà ơi”. 

Dường như sợ bà đi mất, ông vội nói: "Tôi có điều hệ trọng đang muốn thưa chuyện với bà thì bị ngã. Chuyện hệ trọng lắm... Tôi hứa với bà chỉ tuần sau là tôi khỏi, bà chờ tôi ở chỗ cũ nhé…”.

*

Bước vào công viên, bà Đào nền nã trong bộ đồ sẫm màu tôn thêm nước da trắng và vẻ duyên dáng, hiền hậu của người phụ nữ đẹp. Công viên vắng vẻ nên bà nghe rõ cả tiếng gió nhẹ lay trên cành lá. 

Từ xa bà đã nhìn thấy ông ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc dưới gốc phượng già. Bà bước tới gần. Đón bà với nụ cười, ông với chiếc gậy cố đứng thẳng, bà vội giơ tay như muốn đỡ ông. 

Ông trịnh trọng nhìn bà, giọng xúc động, chân thành: “Chúng ta cùng về quê nhé. Mình sẽ sửa lại ngôi nhà cũ ven sông, cùng trồng rau, nuôi gà, cùng chăm sóc vườn cây cho thật sai quả, để mỗi mùa con cháu chúng ta về trèo hái. Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ mọi vui buồn, bà nhé”... Bà Đào im lặng, chừng như bà cũng rất xúc động. Mắt rơm rớm, bà nhìn ông khẽ gật đầu. Lần đầu tiên, ông run run nắm chặt tay bà...

Truyện ngắn của Phương Thái

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...