Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mưa ngâu

Cập nhật: 07:00 ngày 10/08/2019
(BGĐT) - Khẽ kéo tấm rèm che cửa sổ về một bên, Thi cố nén tiếng thở dài buồn bã. Chút ánh nắng cuối ngày yếu ớt không đủ chiếu vào căn phòng nhỏ, thấp, ngột ngạt mùi nhang vừa đốt. 

Ngoài vườn, một cụm hoa hồng cằn cỗi nở mấy bông bé xíu nhưng đầy gai, trông thật thảm hại. Không quay lại, giọng Thi nhẹ nhàng nhưng cương quyết:

- Dương phải đi viện thôi, ngay ngày mai.

Đang nằm trên giường đắp một chiếc chăn mỏng, Dương nhổm người dậy. Mặt nhợt nhạt, da xanh mét:

- Không! Em không thích.

Thi quay lại, nổi cáu: Không thích mà được à? Định nằm chờ chết sao?

Sắc mặt Dương không biến đổi: Chết thế nào được. Chị ác mồm quá!

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Thi ngồi phịch xuống cuối giường, tự dưng nước mắt cứ chảy ra không thể nào ngăn nổi. Chưa bao giờ Thi phải quát em như thế. Dương đưa hai tay bóp chặt lấy bụng, cơn đau dạ dày dữ dội lại hành hạ cậu. Dương không chịu nghe lời nhưng Thi cũng không dám nói cho bố biết. Bố buồn phiền và mệt mỏi lắm rồi.

Số bố vất vả, hai lần lấy vợ mà không được trọn vẹn. Người vợ thứ nhất của bố đòi ly dị sau ba tháng chung sống vì lý do không hợp nhau. Cô ấy đi lấy chồng thì bố cũng lấy mẹ Thi. Cả hai cùng làm công nhân ở một nhà máy. Cuộc sống vật chất không đủ đầy nhưng hạnh phúc. Nào ngờ mẹ mất ở tuổi 41 vì căn bệnh ung thư vú. 

Năm ấy Thi 19 tuổi. Từ đó, bố đâm dửng dưng với tất cả, nhà cửa để tuềnh toàng, vườn đầy cỏ dại. Thi gần như trở thành trụ cột trong gia đình. Học xong, Thi về dạy mẫu giáo ở ngay thị xã. Ám ảnh bởi cái chết của mẹ, bởi căn bệnh có nhiều khả năng di truyền ấy, bao nhiêu người hỏi Thi cũng không lấy. 

Thi không có cảm tình với một người con trai nào cả. Bao nhiêu yêu thương Thi dành hết cho Dương. Dương đi học đại học thì Thi chăm sóc bố. Hằng ngày hai bố con cứ lặng lẽ sáng đi, tối về chẳng khác nào hai cái bóng. Căn nhà cũ kỹ của Thi chẳng mấy khi có tiếng người.

Bây giờ thì bố về hưu rồi. Dương cũng ra trường rồi. Nhà có thêm người nhưng cũng chẳng vui hơn. Bố thường ngồi lì ở bàn viết, ghi ghi chép chép gì đó cả ngày không biết chán. Còn Dương có lẽ bị kiệt sức sau kỳ thi tốt nghiệp nên về nhà là nằm bẹp cả tuần nay.

- Chị định sống như thế này mãi sao? Gần 30 tuổi rồi còn gì. Thật là vô nghĩa - Dương đã bớt đau, lại nhổm dậy thì thào.

- Ừ! Chị chưa biết. Thi vừa nói vừa vội vàng lau nước mắt. Gió lành lạnh làm Thi rùng mình. Trời tối sầm lại và mưa nhanh đến không ngờ. Thi khép cửa sổ, kéo rèm ra rồi bật điện lên. Dưới ánh đèn tuýp, mặt Dương càng nhợt nhạt.

- Chẳng hiểu sao năm nào giỗ mẹ trời cũng mưa? – Dương thắc mắc.

Thi không trả lời.

Bố không viết được, cứ ra ra vào vào, thỉnh thoảng lại đốt nhang lên bàn thờ mẹ. Có lẽ tại mưa nhiều quá nên bố sốt ruột, không thể ngồi yên một chỗ. Lâu lắm rồi bố mới lại giục Thi: “Là đàn bà con gái thì phải lấy chồng, sinh con đẻ cái. Giờ bố đã có em con. Ngày mai, cô Duyên sẽ dẫn một người đến làm mối đấy. Nhà cậu ấy ở cạnh nhà cô Duyên. Đừng kén chọn nữa con ạ!”.

Thi im lặng, không dám từ chối vì sợ bố buồn. Cô Duyên là em ruột của bố. Cô đã làm mối thì hẳn người ấy cũng tử tế.

***

Quân cao to, khá đẹp trai, hơn Thi một tuổi nhưng trông già dặn và chững chạc. Quân sống ở Đức gần chục năm, bây giờ quyết định về nước lập gia đình và phụng dưỡng bà mẹ gần 70 tuổi. Thi đã từng mơ ước mẫu người đàn ông đúng như thế. Nỗi ám ảnh về cái chết của mẹ, về căn bệnh có khả năng di truyền đã tan biến hết.

Quân bảo Quân yêu Thi, ngay lần gặp đầu tiên, bắt đầu từ ánh mắt buồn rười rượi ấy. Quân lại bảo chưa bao giờ anh gặp một người con gái có đôi mắt như chứa đầy lòng trắc ẩn đến như vậy. Quân đã làm sống dậy những rung động tưởng không thể có ở Thi. Một phần có lẽ bởi anh là người đàn ông từng trải.

Cô Duyên vun vào: Nhà người ta có của ăn của để. Cô muốn cháu được sung sướng.

Thi bằng lòng nhưng vẫn chưa nghĩ đến chuyện đi lấy chồng. Không ngờ đám cưới diễn ra sớm hơn cả bố và Dương dự định, sau đúng 15 ngày Thi và Quân quen nhau. Bố lưỡng lự: Sao vội vàng thế. Hay là để sang đầu tháng sau đi. Các cụ vẫn kiêng không cưới tháng Ngâu mà.

Ông chú ruột của Quân gạt đi:

- Ôi dào! Kiêng với kỵ cái nỗi gì. Bây giờ người ta cưới nhau quanh năm ông ạ. Với lại bà chị dâu nhà tôi nguy lắm rồi, sợ không qua khỏi. Chẳng hiểu đi đứng thế nào, ngã ở đầu ngõ, bà cụ nằm liệt giường luôn.

- Hai chị gái của con ở Ca-na-đa cũng về được ít ngày, dự đám cưới luôn thể, coi như cưới chạy tang mà bố - Giọng Quân thành thật.

Bố Thi không nói được gì nữa. Dương chỉ còn nước lắc đầu nghĩ bụng: “Chắc là tình yêu sét đánh mới thế. Người ta theo đuổi hàng năm trời thì không thèm động lòng, đằng này chỉ có hai tuần đã cưới. Thật không hiểu ra làm sao”.

Ngày Thi về nhà chồng, trời đang nắng bỗng mưa rào như trút nước. Cô Duyên an ủi: “Mưa thế này là mát mẻ lắm đấy. Sinh sôi nảy nở, kể cũng may mắn”.

Quân và Thi có vẻ không mê tín nên không quan tâm, mưa cũng mặc, chỉ lo cưới xong mà mẹ nằm xuống ngay thì mệt lắm. Rước dâu đi rồi, bố Thi lần vào buồng, hai tay vịn song cửa sổ nhìn ra vườn. Mặt không buồn, không vui, chỉ ngẩn ra như vừa đánh mất một cái gì quý giá.

Đám cưới xong xuôi, mẹ chồng Thi vẫn chưa chết. Cả nhà nhốn nháo: “Còn nước còn tát”. Hai chị giục Quân đi tìm bác sĩ giỏi: Tốn bao nhiêu cũng được. Mẹ chỉ bị liệt hai chân thôi mà! Bác sĩ bảo hai chân không thể chữa được nhưng có thể kéo dài cuộc sống của bà cụ bằng cách tiêm đều đặn thứ thuốc khá đắt tiền.

Hai chị đưa cho Quân một nắm đô-la rồi thở phào nhẹ nhõm, trở lại Ca-na-đa ngay với lý do còn có chồng con bên ấy.

Hằng ngày Thi phải cho mẹ chồng ăn, tắm rửa, giặt giũ quần áo cho bà cụ. Những đêm mẹ chồng khó ngủ, Thi lại ngồi bóp chân bóp tay cho bà. Thi không dám phàn nàn kêu ca, chỉ buồn buồn mỗi khi gặp cô Duyên ở ngoài ngõ.

- Thôi cháu ạ! Lấy chồng nhà giàu thì phải chịu lép vế một chút.

Thi gật đầu, nhẫn nhịn. Những việc hầu hạ mẹ chồng, Thi cũng quen rồi. Thi đã từng làm những việc ấy với mẹ đẻ suốt hai tháng liền. Quân thương vợ lắm. Thấy vợ có bầu, Quân bảo nghỉ làm, chỉ ở nhà chăm sóc mẹ thôi. Quân đi xin việc, đến chỗ nào cũng kêu họ trả lương thấp nên không làm, toàn ở nhà chơi, buồn quá thì chọc bi-a hay đánh bóng bàn với bọn trẻ con.

Rất lâu, Thi mới rẽ về nhà. Dương vẫn chưa xin được việc. Người đã có da có thịt nhưng trông vẫn xanh xao lắm. Bố vừa viết lách vừa cải tạo lại mảnh vườn. Bố trồng rất nhiều loại hoa. 

Căn phòng của Thi vẫn để nguyên như cũ, từ ô cửa sổ nhìn ra thấy rực rỡ sắc màu. Thi bán chiếc xe máy và sợi dây chuyền 5 chỉ tích từ lâu lắm rồi, được bao nhiêu đưa hết cho Dương: Chị thêm một chút. Em tự lo việc của mình đi. Thất nghiệp thì chán lắm.

Dương ngập ngừng, không muốn nhận. Thi phải nói khéo:

- Chị cho vay thôi. Anh Quân sẽ mua xe máy mới cho chị.

Dương thấy thế mừng lắm. Bố cũng rất mừng nhưng đôi lúc bố có cảm giác không yên tâm.

***

Thi sinh con trai, đứa bé rất kháu khỉnh. Bà mẹ chồng là người vui nhất nhưng sức khỏe thì ngày một yếu dần. Bà cụ ra đi một cách thanh thản. Thi giục chồng gọi điện báo cho hai chị biết.

- Đằng nào thì mẹ cũng mất rồi. Đi về tốn kém lắm. Ở bên ấy công việc rất bận.

Thế là chẳng có ai về cả. Thi không rõ Quân nói những gì với các chị mà quay ra dỗ ngon dỗ ngọt Thi rằng:

- Bao nhiêu tiền của ăn chơi mãi cũng hết. Sống thế này anh thấy tù túng quá. Hai chị hứa sẽ bảo lãnh cho anh sang Ca-na-đa làm ăn một vài năm. Đợi thằng bé cứng cáp em để anh đi nhé!

Thi chưa biết nói thế nào thì anh Quân đã tiếp:

- Anh đi rồi anh lại về. Em chịu khó chịu khổ một thời gian thì mai kia mới được sung sướng. Đây là cơ hội hiếm có mà, bỏ qua anh tiếc lắm.

Nếu lúc ấy Thi khóc lóc, Thi van xin thì có lẽ chồng Thi sẽ không đi đâu. Đằng này Thi lại lặng lẽ gật đầu. Nhà có hai chiếc xe máy, Quân đem bán hết để lấy tiền mua vé máy bay. Biết chuyện, bố Thi không nói, chỉ thở dài một cách mệt nhọc. Dương hỏi thẳng:

- Chị không sợ mất chồng à?

Thi cúi nhìn đứa con trai bé bỏng đang ngủ trên tay, khẽ thốt ra một tiếng: Không!

Ngày giỗ mẹ, Thi cho con về nhà. Vẫn ngôi nhà cũ kỹ quen thuộc chẳng có gì thay đổi. Dương làm ở Đài truyền hình của tỉnh nên đã mua được xe máy và bảo sẽ sửa nhà sau. Với lại bố cũng không thích sửa, bố cứ muốn giữ nguyên mọi thứ như trước kia, như ngày mẹ còn sống. 

Chỉ có mảnh vườn từ ô cửa sổ căn phòng thấp bé của Thi nhìn ra là biến đổi luôn. Năm nay bố trồng độc một loại hoa hồng đỏ, loại hoa không có gai. Bố chăm lắm nên bông nào cũng mập to, cánh chỉ rã dần trong những trận mưa ngâu dai dẳng.

Dương đề nghị:

- Hay là chị với cháu về ở cùng bố và em cho vui cửa vui nhà? 30 tuổi em mới cưới vợ. Lúc ấy anh Quân về rồi.

- Bố cũng mong như thế nhưng tùy con.

Thi lắc đầu:

- Không được đâu! Con còn phải trông nhà trông cửa, hương khói ông bà chứ bỏ hoang thế nào được. Con là con dâu của nhà người ta rồi mà!

Bố và Dương không năn nỉ nữa. Thi buồn rầu nghĩ đến chồng. Quân đi được 18 tháng rồi, hồi đầu còn chăm gọi điện và viết thư chứ gần đây thì chẳng thấy tin tức gì. Bố không biết, Dương không biết vì Thi giấu kín. Thi nghĩ chồng bận rộn với công việc, phải lo làm ăn nên không trách cứ, không nghi ngờ gì cả. 

Khuya, Thi vẫn chưa ngủ được, có lẽ vì lạ nhà. Lâu lắm rồi Thi mới ngủ lại như thế này. Thi không dám trở mình vì sợ con thức giấc. Tiếng mưa rơi đều đều tí tách từng giọt, từng giọt trên mái nhà như nỗi buồn gõ nhịp không ngớt. Bố lò dò dậy thắp nhang lên bàn thờ mẹ, miệng lẩm bẩm một mình: “Ngưu Lang - Chức Nữ mỗi năm còn được gặp nhau một lần. Tội nghiệp..”. Tiếp theo là một chuỗi thở dài của bố.

Thi ôm chặt lấy con. Thằng bé giật mình, co chân rồi lại ngủ tiếp. Thi cũng nhắm mắt cố ngủ cho bằng được. Mặc kệ ngoài kia, mưa vẫn rơi tí tách. Biết đâu sáng mai thức dậy, mở cửa sổ ra, Thi sẽ thấy ánh nắng tỏa xuống mảnh vườn toàn hoa hồng đỏ...

Sáp nhập
(BGĐT) - Dạo này, đi đến đâu cũng nghe người ta bàn tán về chuyện “sáp nhập”. Chỗ này, chỗ kia, túm năm, tụm ba, hễ đông người là chuyện này lại rôm rả. Quán bà Sen đầu làng, không sáng nào là không “hội thảo”. 
Mẹ kế
(BGĐT) - Trong lúc mọi người tíu tít dựng rạp, kê bàn ghế thì Hoài chui vào căn phòng riêng mà bố mới sửa soạn cho Hoài ra ngủ riêng, lặng lẽ ngồi khóc. Hoài khóc thầm, không thành tiếng. Những giọt nước mắt ấm ức, tủi hờn, giận dỗi cứ lăn trên hai bên má. Hoài nhớ mẹ. Mẹ mắc bạo bệnh nên bỏ bố con Hoài đã mấy năm nay rồi, khi ấy Hoài mới bảy tuổi. 
Bình Yên
Chính nó - đứa em gái đỏng đảnh, rắc rối, lì lợm chuyên phá hỏng đồ dùng học tập của tôi là nguyên nhân phá vỡ mái ấm gia đình này. 
Cái lộc bình cổ
(BGĐT) - Tên nó là Thảo, nhưng cả nhà ông Hạnh Lâm đều gọi nó là “Con Vịt”, có lẽ do nó có kiểu đi lạch bạch và giọng nói khàn khàn…

Truyện ngắn của Trần Thúy Lành

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...