Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chị dâu

Cập nhật: 07:00 ngày 25/09/2019
(BGĐT) - Xa quê, mọi việc giỗ chạp, tôi nhờ cậy vào các em tôi ở nhà. Năm nay, tôi về quê đúng dịp giỗ cô Điền, chị ruột bố tôi. Mấy anh em tôi vào thắp hương cho cô.
{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Nói là xa quê nhưng năm nào cũng về vài lần nên tôi nhận ra gần hết các bác, bá, anh, chị, em. Nhưng có một bà tóc lờ phờ, thưa thớt, sợi hung hung, sợi bạc phếch, da tai tái, gày gò, bước đi tập tễnh, mắt vẫn sáng, tôi chỉ thấy hao hao quen. Tôi khẽ hỏi chú em:

- Bà ấy là ai thế chú?

Em tôi nói vừa đủ nghe:

- Chị Ninh anh ạ!

Tôi vội đến nắm chặt tay chị Ninh:

- Em chào chị! Mấy mươi năm rồi, em mới lại gặp chị. Chị nhận ra em không? Chị chăm chú nhìn tôi rồi lắc đầu. Chị Thủy, con gái bá tôi, mau miệng:

- Chú Ngọc, con cả cậu Hai, chị à!

Chị xuýt xoa:

- Ôi! Chú Ngọc lớn thế này rồi!

Mọi người rộ lên cười. Chị ngơ ngác không hiểu. Chị Thủy khùng khục:

- Cái bà này! Cậu ấy bảy mươi rồi mà! Đầy đàn cháu nội, ngoại đấy bà ơi!

Chị cười thèn thẹn:

- Ừ nhỉ? Chị quên! Lẫn cẫn rồi, tám mươi còn gì, chú thông cảm!

Thời gian trôi nhanh thật. Xem nào, năm 1967, nghỉ hè về quê, nghe tin chị đi thanh niên xung phong, tôi đạp xe sang đến nhà chị ở làng bên, chào tiễn chị, thế là 50 năm còn gì!

Hôm ấy, có hai chị em. Tôi nhìn chị không giấu nổi sự ngưỡng mộ. Vất vả việc nhà, việc xã là thế mà chị vẫn mặn mòi, tươi tắn, nền nã. Mái tóc đen dày, chị cặp gọn gàng, buông ngang lưng. Da dẻ hồng hào. Đôi mắt chị đẹp, sáng, ánh lên sự dịu dàng, bao dung. Chị đi lại nhanh nhẹn. Nhìn chị, không ai nghĩ một phụ nữ có chồng ra trận, đang làm bí thư chi đoàn, phó chủ nhiệm hợp tác xã đã ở tuổi xấp xỉ ba mươi. Tôi nói vui:

- Mấy cô gái làng mình nhàng nhàng tuổi em, chả cô nào bén gót chị đâu đấy!

Chị cười giòn:

- Chú khéo động viên? Xuân xanh xấp xỉ hàm răng rụng rồi, em ơi!

Tôi cũng cười theo. Chị thủ thỉ với tôi:

- Số chị cũng long đong chú nhỉ? Hai lần sang đò, hai lần đều vất vả.

Tôi im lặng nhìn chị. Việc chị đứt gánh với anh Thái, anh họ tôi, khi ấy tôi còn bé nhưng đã biết. Sau chị tái giá với anh Chiều, tôi cũng biết.

- Vì thông cảm với gia đình chị, chắc cũng vì quý chị, cô ruột chú (người quê tôi đều gọi chị, em của bố là cô) xin tôi về làm vợ cho anh Thái. Năm ấy chúng tôi mới 11, 12. Năm sau, anh Thái bị Pháp bắn chết khi trèo cây ổi cạnh miếu Bà Nàng. Cả làng khiêng thi hài anh ra đình rồi lên đồn kiện giặc. 

Tôi được chít khăn tang, mặc áo xô nhưng có biết khóc anh ấy đâu! Có khóc nhưng là khóc một người bạn. Là vợ nhưng tôi đã biết làm vợ đâu! Hai đứa bạn đánh khăng, đánh chuyền, giờ một đứa chết. Tôi chỉ thút thít: "Thái ơi! Mày đâu rồi".

Sau mới biết mọi người đều thương và ái ngại cho tôi!

Tôi ngậm ngùi:

- Hồi ấy, em còn bé, được thầy em đưa vào đám ma anh ấy. Em cũng ít nhiều còn nhớ, chị ạ!

Chị lau nước mắt:

- Anh Thái mất, chị được bố mẹ anh ấy thương lắm! Thương như thương con gái! Dần lớn lên, chị đỏ đắn có da, có thịt. Hòa bình lập lại, chị được bố mẹ chồng cho sinh hoạt thanh niên. Và chính ông bà đã động viên chị đi bước nữa. Ông bà là người đồng ý, tác hợp cho chị lấy anh Chiều, sau khi đã nhờ người quen tìm hiểu về anh ấy. Gia đình anh Chiều đón chị cũng là đón từ nhà ông bà. Chị và anh Chiều thắp hương lạy xin anh Thái trước khi về ngoài này, chú ạ!

Tôi gật đầu:

- Vâng chị! Em có nghe thầy u em nói thế! Thầy u em còn bảo giỗ anh Thái năm nào chị và anh Chiều cũng về. Cô, cậu em mất, chị chịu tang và theo giỗ như người con dâu cả đang ở với gia đình! Chị còn lo cả cho các em anh Thái.

Chị rơm rớm:

- Không có gì chú ạ! Nghĩa với bố mẹ anh Thái, cả đời chị trả không xong.

Tôi tò mò hỏi:

- Sao bấy giờ chị lại đi thanh niên xung phong? Chị cũng lớn tuổi rồi?

Chị nhẹ nhàng:

- Nhiều người cũng hỏi chị như thế, còn bảo anh Chiều đang cầm súng ở chiến trường, nhà đã có người đóng góp. Chị chỉ bảo là anh ấy có nghĩa vụ của anh ấy, tôi có nghĩa vụ của tôi, không ai làm thay ai được.

Rồi chị nhìn tôi, thăm dò:

- Nhưng còn một lý do có nên nói với chú không?

Tôi ngồi thẳng người, nghiêm trang:

- Nếu chị tin em, chị cứ nói ạ!

- Chị như thầm thì:

- Tin, chị tin chú. Vì chú ra ngoài, tiếp xúc rộng, chú hiểu chuyện, tính chú lại kín đáo, chị biết. Chị đi "thanh niên" cũng là mong được ra tiền tuyến, may ra được gặp anh Chiều. Lấy nhau được mấy năm, con cái chưa có, anh nhập ngũ rồi đi B. Đằng đẵng mấy năm rồi. Ở nhà trơ trọi lắm, thành đá vọng phu mất! Chị là đảng viên, nói ra lại bị quy chụp là mất quan điểm, là này nọ rồi làng nước ì xèo.

Nghe chị hồi tưởng, tôi cay cay khóe mắt.

Gần 50 năm rồi đấy, giờ gặp lại, chị đã là một cụ già ốm yếu. Tôi không dám hỏi chị về gia cảnh. Sợ chị lại khóc. Vì tôi biết anh Chiều đã có tên trong danh sách ở bia tưởng niệm liệt sĩ của xã. Anh hy sinh năm 69, 70 gì đó. Tôi không hỏi, nhưng sau bữa cơm cúng cô tôi, tôi mời chị ra nhà các em tôi. Ra đây, mấy chị em ngồi bên nhau, tôi khơi chuyện, chị kể:

- Chị vào chiến trường, vừa làm nhiệm vụ, vừa nghe ngóng tin anh Chiều. Cứ gặp bộ đội người quê mình là chị hỏi tin anh. Không gặp được anh ấy, cũng có lúc nghe là anh còn sống, ở tận Đông Nam Bộ. Chị xin vào sâu hơn nhưng thanh niên xung phong thì chỉ ở tuyến lửa Trường Sơn thôi. Rồi lại có tin anh bị thương. Cứ thấp thỏm bán tín, bán nghi. 

Trùng trùng, điệp điệp quân ra, quân vào, chỉ mong sao tình cờ gặp anh! Thế rồi tin chẳng đợi lại đến! Mà không phải từ Nam ra mà từ Bắc, từ quê vào: Anh Chiều hy sinh. Chị như gục ngã. Sốt rét, bom đạn giặc chưa quật được chị, nhưng tin này làm chị ngã. Chị ốm tưởng chết. 

Đơn vị vận động chị trở ra. Chị gượng dậy với ý định bám trụ trả thù cho anh. Chị nói thật với chỉ huy, tôi vào đây cũng để tìm chồng; giờ chồng tôi hy sinh rồi, tôi về đau đớn chịu sao nổi. Lúc ấy chị là Đại đội trưởng. Thần kỳ, chị khỏi bệnh, bám đường được, lấy đồng đội làm những người thân. Cho đến năm 1973, chị bị thương, cũng là lúc Hiệp định Paris được ký kết, chị được về quê.

Em dâu tôi nhanh nhảu:

- Thế bá có lương không?

Chị cười:

- Có! Đầy đủ chính sách. Lại còn có cả vườn, ao, tha hồ mà tăng gia.

Chú em tôi tủm tỉm:

- Em biết thời gian đầu bá về còn làm công tác phụ nữ thôn, hiện giờ tuổi này rồi lại vẫn có chân trong Ban chấp hành Hội Thanh niên xung phong của huyện. Mà sao bá chắt bóp chi tiêu giỏi thế, cứ thấy ủng hộ các phong trào của xã, của thôn xoành xoạch ý!

Chị cười vui:

- Ừ thì các em tính, già ăn uống hết bao nhiêu! Ở với con giai chú em ông Chiều, trông con giúp nó, bác cháu, bà cháu bầu bạn với nhau, góp ăn với nó, thỉnh thoảng cũng cho các cháu chút ít, còn lại hiếu hỉ, vài đồng mua thuốc nếu ốm qua loa, ốm nặng có Nhà nước, có bảo hiểm. Mà tuổi này "đi" cũng được rồi. Bo bo, bỏm bỏm làm gì, chết ai khiêng, ai chôn. Nhỉ? Chúng tôi lặng đi. Tôi nhìn ánh mắt chị vẫn thấy vẻ sáng lắm!

“Quả ngọt” của người thầy
(BGĐT) - Dự cuộc gặp mặt với học sinh cũ Trường THPT Lục Ngạn số 1 (tỉnh Bắc Giang) xong, còn lâng lâng niềm vui, tại nhà Ngân, tôi nói với Thoòng, học sinh cũ:
Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 
Nụ cười hạnh phúc
(BGĐT) - -Chủ nhật này mẹ tao sẽ cho tao xuống phố chơi đấy.
- Hè này, mẹ tao hứa sẽ cho tao về ngoại. Thằng Phan và thằng Xô khoe với nhau niềm vui vì có mẹ. Chúng liếc nhìn Thương bằng cặp mắt đồng cảm:
- Mẹ mày mất rồi. Ba thì đi làm ăn xa. Bà ngoại mày thì già yếu. Tội mày. Phan bảo.
Hạnh phúc giản dị
(BGĐT) - Hảo năm ngoái 21 tuổi. Hớn 22. Ban đầu họ bị anh em trong phân xưởng trêu chọc, do hai cái tên ghép lại thành ra một từ nghe muốn bấm bụng cười. Ấy vậy mà họ nên duyên chồng vợ thật.

Truyện ngắn của Phạm Ngọc Lanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...