Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lão Quản

Cập nhật: 07:00 ngày 05/10/2019
(BGĐT) - Cái tin lão Quản không được trông coi nghĩa trang làng nữa làm tụi trẻ chúng tôi buồn thiu và dồn tất cả sự bực tức trút lên đầu thằng Hân. “Chỉ tại bố nó làm trưởng thôn mà ông Quản phải nghỉ việc”. “Cái lão Khang sẵn nong sẵn né định tranh chỗ của ông Quản à?”. 

Thằng Hân quả quyết: “Bố tao bảo ông Quản già rồi để ông ấy nghỉ. Như thế chẳng tốt cho ông ấy lắm sao?”. Tôi cự nự: “Nhưng mà ông ấy mất bao công sức vào đấy, mày biết chửa?”. Thằng Hân sửng cồ: “Thì làng sẽ trả công. Bố tao bảo thế”…

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Nghĩa địa làng tôi nằm trên một sườn gò toàn sim mua lau lách, cách làng một cái dộc khá rộng. Nó được chia thành hai khu: Khu mả mới ở ven gò và khu cải cát ở phía trên, cao ráo hơn. Dưới chân gò người ta đắp một cái đập nối hai mỏm gò với nhau thành một hồ nước. 

Những năm trước, nghĩa địa làng hoang tàn lắm. Mả mới, mả cũ xen lẫn nhau, cỏ mọc um tùm. Mỗi khi có ai chết làng lại phải cử người lên phát dọn lấy lối để đưa ma. Chẳng ai thèm ngó ngàng đến cái nơi lạnh lẽo này, ngoại trừ lũ trẻ trâu chúng tôi. Trước tình hình đó, làng chọn người để trông coi nghĩa địa. Lão Quản “đắc cử” vào việc này.

Không biết lão Quản bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng râu tóc lão bạc phơ. Bố tôi bảo lão độ sáu lăm hay bảy mươi gì đó. Người lão vâm váp, da thịt đỏ au. Lão có gương mặt vuông chữ điền với đôi mắt rất sáng, luôn nhìn thẳng vào người khác. Ở cái tuổi ấy mà lão vẫn không phải đeo kính, vẫn khâu vá được như thường. Lão Quản nhiều chuyện cổ tích, chuyện ma lắm. 

Khi kể chuyện cho chúng tôi, lão thường nhìn xoáy vào từng đứa hồi lâu thăm dò. Lúc lão thì thầm to nhỏ. Lúc khác lão lại quát tướng lên làm cho chúng tôi sợ thót tim. Trông lão lúc ấy vừa hiền từ lại vừa bí hiểm. Rồi bỗng nhiên lão cười phá lên làm cả bọn thở phào như vừa qua cơn thoát hiểm. Có lúc lão lại giãi bày chuyện đời chẳng cần biết chúng tôi có nghe hay không. Con vàng, người bạn thân nhất của lão, lúc nào cũng ở bên lão. Khi lão bắt đầu kể chuyện, nó lặng lẽ đến bên nằm ghếch mõm lên như có vẻ hóng hớt. Lẩm bẩm một mình, ánh mắt lão xa xăm. Trông lão lúc ấy buồn lắm, thương lắm. Bố tôi bảo người già cô đơn thường có những giây phút như thế.

Lão Quản sống độc thân. Người ta kháo nhau rằng, hồi xưa xa lắc, có một thanh niên trai tráng đến làm thuê ở đợ cho nhà lão Kha. Lão Kha giàu nhất làng. Bao nhiêu ruộng nương ở cái làng này đều của lão. Quản chí thú làm ăn cho chủ. Suốt ngày anh làm quần quật ngoài đồng, đêm về còn xay thóc giã gạo, băm bèo nấu cám lợn. Tính anh hiền lành, ít nói. Được cái, anh hay cười, mà lại cười tủm mới chết chứ. Bao nhiêu gái làng đem lòng trộm nhớ thầm thương người thanh niên lực điền đó, trong đó có cả con gái của lão Kha. 

Hồng say Quản như điếu đổ. Cô tranh phần mang cơm cho Quản những hôm anh cày xa. Thế rồi, ma dẫn lối quỷ đưa đường, hai người say đắm yêu nhau. Họ như ăn phải bùa mê thuốc lú. Một ngày không gặp nhau được một lần là họ không thể chịu được. Chuyện vỡ lở. Lão Kha nổi trận lôi đình đánh cho con gái một trận nhừ tử. Còn Quản, lão kiếm cớ tống khứ anh. Quản rời nhà lão Kha nhưng vẫn loanh quanh trong làng mong được ở bên người yêu. Và họ vẫn thậm thụt gặp nhau ở cái bãi tha ma nọ. Lão Kha tức lắm bèn bày mưu để đuổi anh đi thật xa. Lão nhờ tay phó Đoan, chủ đồn điền bắt Quản đi phu. Anh bị đày biệt xứ đâu mãi tận trong Nam. Còn Hồng, lão ép lấy con trai của lão Hàm, chính là ông nội thằng Hân bây giờ.

Tưởng bỏ xác phương trời nào, ai ngờ hơn chục năm sau, Quản lù lù về làng. Lúc đó, lão Kha đã mất và làng đang thực hiện phong trào tổ đổi công. Quản cũng được làng chia cho một mảnh đất làm nhà. Thực tình, khi biết tin Hồng đã lấy chồng, Quản cũng muốn quay gót đi luôn. Song nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng anh quyết định ở lại làng. Anh biết, Hồng lấy chồng là do bị ép buộc. Bởi thế, anh càng thương Hồng hơn. Anh ở lại để được bên Hồng. Dẫu không chung sống với nhau trong một mái nhà thì cũng cùng nhau sống trong một làng. Thế là mãn nguyện lắm rồi. Từ đó đến nay, Quản cứ một thân một mình như vậy, quyết không lấy vợ.

Nhà lão Quản ở rìa làng. So với các hộ khác, nhà lão ở gần nghĩa trang nhất. Vì thế, người ta giao cái chân quản trang để tạo điều kiện cho lão có thêm thu nhập. Thực ra, người ta chọn lão vào cái chân này còn có một lý do nữa, đó là: Không đám ma nào lão lại không có mặt để làm “hậu phúc”. Từ việc tẩm liệm người chết đến nhập quan cúng bái, hương khói lúc ban đầu. Rồi cắt cử các công việc trong đám, việc nào ra việc ấy. Lão hoạt bát như một vị chỉ huy. Tang chủ, xóm thôn đều trông chờ vào lão. Mọi ngày lão rù rờ thế, thế mà đến việc nhà đám lão linh hoạt hẳn lên. Ngay cả đám ông Hàm, chồng của bà Hồng chết, lão cũng đứng ra cắt đặt công việc từ đầu đến cuối. Rồi đến đám của chính bà Hồng cũng thế.

Hôm ấy, lão vừa ôm xác liệm cho bà Hồng vừa khóc rưng rức. Đến khi cho bà vào áo quan, lão còn gào lên “Hồng ơi” và khóc rống lên như một đứa trẻ khiến mọi người có mặt hôm đó không ai cầm nổi nước mắt. Sau đó, lão câm lặng cho đến khi chôn cất xong. Thế nên, khi làng gợi ý cái chân quản trang, lão gật đầu liền. Từ đó, người ta không thấy lão lang thang nữa. Hễ nhà ai có việc gì là lão đến. Chẳng ai bảo, lão cũng cứ lăn vào làm. Chủ nhà trả bao nhiêu thì trả, lão không đòi, không xin.

Việc đầu tiên khi nhậm chức quản trang, lão Quản kéo rong tre, đóng cọc rào một hàng rào xung quanh bãi tha ma. Mất nửa tháng cho việc này. Lão nói: “Phải xác định chủ quyền ranh giới cho người chết. Không để người sống lấn đất người chết mãi được”. Lão giơ con dao rựa chỉ về phía lũ chúng tôi: “Cả bọn mày nữa. Liệu hồn. Cứ cho trâu bò dẫm vào mả thì ông khấn cho ma nó về vật cổ chết tươi”. Bọn tôi sợ lè lưỡi, lắc đầu, dồn trâu lỉnh về phía đồi bên kia.

Sau đó, lão phát dọn cây cỏ, cuốc xới vùng đất bên trong. Khu mả mới, lão trồng hoa. Hoa cúc, hoa hồng, hoa mười giờ, hoa đót... đủ các loại. Chúng tôi tò mò lân la đến gần. Lão vẫy bọn tôi lại nói: “Trồng hoa cho người chết họ vui. Dưới âm phủ, họ chỉ thích hoa thôi. Có hoa ma sẽ hiền đi đấy”. Thế là lũ chúng tôi thu gom các loài hoa trong làng về cùng trồng với lão. Ngôi mộ của bà Hồng, bà nội thằng Hân, lão Quản trồng toàn hoa hồng và tỉa tót, chăm sóc kỹ lưỡng. Ông cháu lích rích bên nhau, vui đáo để. Đất tốt, hoa lên nhanh lắm. Buổi trưa, hoa mười giờ đỏ rực khoe sắc cùng hoa hồng. Bãi tha ma nhìn như khu công viên.

Khu cải cát, các ngôi mộ xây, lão Quản quét dọn sạch bong. Những nấm mộ khác chưa có điều kiện xây thì lão cũng trồng hoa. Lão ý kiến với dân làng là những ngôi mộ cải cát phải được xây theo hàng lối, thống nhất mẫu mã, quy cách, không cho ai được xây to hơn. Tất cả phải dưới quyền của lão. Cứ thứ tự, lần lượt. Không có hướng hiếc gì cả. Duy có một ngoại lệ là cách ngôi mộ của bà Hồng, lão để lại hai khoảng trống ở hai bên. Một bên phần của cụ Thế là đúng rồi. Còn bên kia thì… chẳng ai rõ. Mọi người hỏi thì lão ậm ừ: “Thì cũng phải cho tôi một cái quyền chứ”.

Khu đất trống còn lại lão canh tác đỗ, lạc, vừng và trồng cây lưu niên... Mùa nào thức ấy, rau quả xanh tốt quanh năm. Men theo hàng rào lão trồng keo lá chàm. Loại này nhanh lớn, giờ đã sum suê tha hồ cho mọi người ngồi nghỉ mát. Nghĩa trang nhờ lão mà ấm cúng, gần gũi hẳn lên.

Gắn bó với nghĩa trang như thế, tổ chức xây dựng được một nghĩa trang quy củ như thế, thế mà bây giờ lão Quản phải nghỉ thì tiếc thật. Bọn trẻ trâu chúng tôi sẽ chẳng còn ai mà bầu bạn tâm sự nữa. Không những không được ở gần lão Quản mà đến cả con vàng chúng tôi cũng phải xa nó. Chẳng còn những buổi chiều chúng tôi cùng nó săn chuột đuổi chim nữa.

Hôm bàn giao nghĩa trang chúng tôi cũng đủ mặt. Trong túp lều của lão Quản, bố thằng Hân nói: “Thưa cụ Quản. Sau mấy năm làng giao cụ trông nom nghĩa trang phải nói là nghĩa trang làng mình quy củ, sạch đẹp nhất xã. Ai cũng mến yêu cụ. Nay theo chủ trương của xã sẽ tiến hành xây nhà quản trang, xây tường rào xung quanh và chọn người trẻ khoẻ hơn cụ để tiếp tục sự nghiệp của cụ. Cụ đã được cấp trên công nhận thương binh và được Nhà nước trợ cấp hằng tháng. Do đó, làng sắp xếp để cụ nghỉ ngơi”. 

Bọn tôi trố mắt. Thì ra lão Quản đã từng đi bộ đội và là thương binh. Thế mà lâu nay chẳng ai biết gì. Bố thằng Hân nói tiếp: “Vừa qua, phòng thương binh xã hội huyện đã xác minh xong hồ sơ của cụ. Cụ sẽ được truy lĩnh tiền trợ cấp kể từ ngày... Còn việc cây cối hoa màu cụ đã trồng, làng sẽ tính toán trả công cho cụ”.

Đang ngồi thừ người, lão Quản bỗng nhổm dậy nói: “Các ông khỏi cần tính toán. Toàn bộ số tiền đó tôi xin ủng hộ làng mua đồ chơi cho các cháu mẫu giáo. Tôi chỉ có một đề nghị...”. Lão Quản dừng lại nhìn bố thằng Hân thăm dò. Bố thằng Hân sốt sắng: “Có gì cụ cứ dạy!”. “Là thế này - lão ấp úng - Tôi nói điều này ra mong ông trưởng thôn và ông Khang thông cảm”. 

Ông Khang sốt ruột: “Có gì cụ cứ đề xuất ạ”. “Vâng, hai ông đã nói thế thì tôi cũng xin đề đạt thẳng. Ấy là... là... khi tôi chết, xin làng chôn tôi ở chỗ nào cũng được nhưng đến khi cải cát mong các ông cho tôi nằm cạnh chỗ cụ Hồng. Thế thôi các ông ạ!”. Bố thằng Hân xúc động: “Cái đó thì được. Cụ yên tâm. Chúng con hứa sẽ làm theo ý cụ”. Trưởng thôn tự nhiên xưng con ngọt xớt với lão Quản. Lão Quản cười cười: “Nếu vậy thì tôi yên tâm”.

Công việc bàn giao diễn ra suôn sẻ. Sau đó, lão Quản lấy một bó hương to tướng đốt lên, gọi chúng tôi cùng với ông Khang và trưởng thôn đi thắp hương lần lượt cho các ngôi mộ. Đến trước ngôi mộ bà Hồng, lão cúi đầu lầm nhầm khấn vái hồi lâu. Hai bố con thằng Hân lặng lẽ đứng cạnh lão. Có vẻ như lão Quản khóc.

Xong đâu đó, lão cùng con vàng trở lại ngôi nhà năm xưa. Chúng tôi nhìn mãi theo cái dáng đi chậm chạp của lão. Con vàng lũn cũn chạy theo sau. Hình như lão xuống sức thật rồi. Tôi rủ mấy đứa bạn tối nay đến chơi với lão. Chúng lặng lẽ gật đầu…

Cái lộc bình cổ
(BGĐT) - Tên nó là Thảo, nhưng cả nhà ông Hạnh Lâm đều gọi nó là “Con Vịt”, có lẽ do nó có kiểu đi lạch bạch và giọng nói khàn khàn…
Bình Yên
Chính nó - đứa em gái đỏng đảnh, rắc rối, lì lợm chuyên phá hỏng đồ dùng học tập của tôi là nguyên nhân phá vỡ mái ấm gia đình này. 
Chị dâu
(BGĐT) - Xa quê, mọi việc giỗ chạp, tôi nhờ cậy vào các em tôi ở nhà. Năm nay, tôi về quê đúng dịp giỗ cô Điền, chị ruột bố tôi. Mấy anh em tôi vào thắp hương cho cô.

Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...