Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trở về

Cập nhật: 07:00 ngày 21/04/2018
(BGĐT) - Ông Huấn trở về nhà đúng vào ngày giỗ thứ 30 của mình. Cái tin ông hy sinh ở chiến trường nước bạn và di ảnh của ông đang đặt trên bàn thờ tưởng như đã là chuyện của quá khứ giờ lại được nhiều người nói đến.
{keywords}

Minh họa: Thế Đại.

Ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo ông từng sống những năm tháng niên thiếu giờ đã khang trang, đẹp đẽ dù cái hồn cốt thì vẫn còn giữ lại. Chỉ có những đứa trẻ đang cùng nhau chơi đùa giữa sân kia là lạ lẫm. Trong bộ quần áo rách rưới, ông đứng khựng lại ngoài đầu ngõ rồi dùng dằng nửa muốn bước vào nhà, nửa không.

Ông lê từng bước nặng nhọc trên đôi chân khập khiễng cùng cây nạng gỗ cũ rích, đôi mắt rưng rưng như sắp khóc. Sự xuất hiện của ông giữa sân nhà khiến lũ trẻ ngạc nhiên đến độ chúng cứ tròn xoe đôi mắt hết nhìn ông lại nhìn nhau rồi thì thầm với nhau điều gì. Ông Huấn gượng cười thay cho một lời chào thân thiện. Bọn trẻ vẫn ngơ ngác đứng nhìn. Có đứa tỏ ra sợ hãi trước dáng vẻ rách rưới, đầu tóc bù xù rối như tổ quạ của ông. Sau hồi thì thào, chúng đoán chắc như đinh đóng cột rằng ông là một người hành khất. Đứa chạy vào nhà lấy bánh, đứa chạy đi xin tiền mẹ đem ra cho ông. Ông muốn giải thích để chúng hiểu nhưng không biết bắt đầu như thế nào vì thấy chúng còn nhỏ quá. Nhận lấy bánh và tiền từ đám trẻ, ông mỉm cười cảm ơn rồi cứ thế đứng tần ngần giữa sân nhìn vào bên trong nhà, trên bàn thờ, trước di ảnh của ba mẹ ông là nghi ngút khói hương. Bên cạnh là tấm ảnh của ông chụp trước khi lên đường nhập ngũ. Ông không tin vào mắt mình. Vậy là cha mẹ ông đã qua đời. Và ông cũng đã là người của thiên cổ trong lòng mọi người. Ông bắt chuyện với một đứa trẻ lớn nhất trong đám trẻ:

- Nay là ngày gì mà nhà mình tập trung đông đủ vậy cháu? - Con bé nhìn ông với ánh mắt xa lạ nhưng vẫn thành thực:

- Nay là đám giỗ của bác Huấn nhà cháu. Bác ấy đi bộ đội và hy sinh lâu lắm rồi. Năm nào vào ngày này, cả nhà đều tập trung về đây.

Ông Huấn sững sờ rồi đến gần bậu cửa, đôi mắt ngạc nhiên hơn khi thấy chiếc bình cắm hoa làm bằng vỏ bom đang đặt trên bàn thờ, bên trong cắm những cành hoa huệ thơm thoảng. Ông nhớ lần gửi nó về nhà làm quà cho vợ, ông có viết: “Lỡ mai này tôi hy sinh, mình hãy đặt chiếc bình ấy lên bàn thờ, coi đó là kỷ vật và nhớ tới tôi…”. Ông bật khóc vì không thể kìm nén lòng mình.

Mọi công việc cho đám giỗ đã xong xuôi. Giọng của người đàn bà ngoài 50 tuổi từ nhà dưới đi lên rõ dần:

- Mấy đứa nhỏ đâu rồi. Ra rửa chân tay, chuẩn bị vào thắp nhang cho bác Huấn nào.

Ông Huấn nhận ra đó không ai khác chính là bà Len, vợ mình. 30 năm rồi. Thời gian làm cho con người ta thay đổi nhiều quá. Cô gái đôi mươi đẹp nhất làng Hạ ngày nào giờ cũng đã da mồi tóc sương. Một tay chống gậy, tay kia đang cầm những thứ quà mấy đứa trẻ cho, giọng ông Huấn khản đặc hướng về người đàn bà như níu kéo, như tha thiết:

- Len… Mình ơi! Người đàn bà tóc màu hoa râm vẻ như đang rất tất bật. Tiếng của người đàn ông khiến đôi chân của bà níu lại với nhau. Bà ngoái đầu nhìn lại. Trước mắt bà là người đàn ông tuổi đã gần 60 với đôi mắt buồn sâu thẳm, quần áo rách rưới, đầu tóc bù xù, chân đứng khập khiễng đang nhìn chằm chằm vào bà. Có gì đó lạ lắm. Toàn thân người đàn bà ấy bỗng nóng ran, mặt đỏ lên rồi lại lạnh toát, run rẩy. Bà cố gắng giữ bình tĩnh, bước lại gần người đàn ông với vẻ đầy ngạc nhiên:

- Ông… ông là ai? Sao ông biết tên tôi? Đôi mắt ông Huấn vẫn nhìn vào người đàn bà không chớp. Một lần nữa, giọng ông rõ hơn nhưng cũng chỉ đủ để người đàn bà nghe thấy:

- Mình… tôi là Huấn đây. Mình nhận ra tôi không? Tôi về rồi…

- Ông nói gì tôi không hiểu. Ông… ông nói ông là Huấn? Không… không phải. Ông Huấn nhà tôi đã hy sinh cách đây 30 năm rồi. Gia đình chúng tôi đã nhận được giấy báo tử và cả bằng khen Tổ quốc ghi công của ông ấy nữa cơ mà!

Bà Len run lên bần bật. Cơn hoa mắt chóng mặt ập tới. Bà lảo đảo như sắp ngã. Mấy đứa nhỏ xúm nhau chạy lại đỡ bác chúng và tò mò không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mấy người lớn từ nhà dưới cũng đổ xô chạy lên. Một người trong số họ dù chưa hiểu đầu đuôi thế nào nhưng vừa mới nhìn vào người đàn ông thôi, bà đã hét lên:

- Trời ơi… Ai trông như chú Huấn… Có phải chú Huấn đây không? Vừa hỏi, bà vừa chạy đến cầm lấy tay, vỗ vỗ vào người ông Huấn như để kiểm chứng. Ông Huấn khóc như mưa:

- Em… em là Huấn đây! Thằng ba Huấn của chị đã trở về đây...

Thế là bà liền ôm chầm lấy ông Huấn. Bà nhìn hết từng ấy khuôn mặt người đương ngơ ngác vì không thể tin vào sự thật rằng ông Huấn đã từ cõi chết trở về. Ôm lấy đứa em thật chặt, bà nức nở khóc:

- Đúng là thằng Huấn đây rồi… Nó đã trở về đây rồi...

Trong vòng tay chị gái, ông Huấn cũng nhạt nhòa nước mắt. Bà Len lúc đó đã ngất xỉu nên được mấy chị em vào trong nhà lấy dầu gió xoa bóp. Đám trẻ không hiểu chuyện, cứ trố mắt ra nhìn. Rồi chúng vui, chúng buồn theo điệu người lớn. Ông Huấn được mọi người dẫn vào trong nhà. Ai nấy mừng quýnh, hỏi han đủ chuyện:

- Anh Ba nhận ra em không? Anh Ba bấy nay ở đâu? Anh sống thế nào? Anh Ba ơi, em là út nè… Và đây nữa, đây là thằng Tín, con Thương, con Hạnh… chúng đều là cháu của anh đấy.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ đúng vào ngày giỗ của ông Huấn khiến ai nấy đang buồn thương bỗng trở nên vui sướng.

Bà Len đã tỉnh, gượng ngồi dậy, nước mắt chan hòa nhìn ông Huấn bằng cái nhìn đáu đáu, khổ đau. Bà bước lại, ngắm nhìn thật kỹ một lần nữa khuôn mặt của người đàn ông đang ngồi đối diện trước mặt dường như vẫn chưa tin đó là chồng mình. Còn trong đôi mắt đục ngàu của ông Huấn hiện về một thời đạn lửa, một thời chiến tranh khắc nghiệt đã qua và cả những đau thương, tủi cực ông phải gánh chịu suốt mấy mươi năm. Ông kể lại cho mọi người nghe bằng cái giọng nghèn nghẹn, đứt quãng.

Quây quần bên gia đình, bên người vợ hiền thủy chung, lần đầu tiên sau quãng thời gian dài bị xem như người tử trận, ông Huấn cảm nhận không niềm hạnh phúc nào bằng hạnh phúc được sống bên những người thân trên quê hương mình.

Cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, ông Huấn gia nhập đội quân chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Xa người vợ mới cưới chưa tròn 10 ngày, ông từng đau đáu trong lòng niềm thương nhớ diết da và quyết tâm chiến đấu hết mình chờ ngày trở về. Nhưng rồi năm tháng qua đi, đồng đội của ông nhiều người ngã xuống. Bản thân ông bị thương nặng ở đầu, dù được đưa vào bệnh viện nước bạn chữa trị nhưng vẫn không khôi phục được trí nhớ. Giấy tờ thất lạc, ông chẳng còn nhớ được người thân, quê quán và ngay cả tên mình. Rồi một ngày, ông bỏ trốn ra ngoài, sống lang thang chẳng cửa chẳng nhà. Cuộc sống của một người mất trí nhớ cứ thủng thẳng trôi đi trong mơ hồ bằng miếng cơm đi xin, tấm áo từ thiện của mọi người. Gần 30 năm ông sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Cho đến một ngày, sau một cơn đau đầu quằn quại, ông bỗng nhớ ra tất cả những gì liên quan đến bản thân mình. Và hành trình tìm về với cội nguồn, quê hương của ông cũng bắt đầu từ đó. Để rồi hiện tại, ông xuất hiện trong ngôi nhà của chính mình đúng vào cái ngày cả gia đình đang làm giỗ cho ông.

Bà Len lắng nghe từng lời kể của ông Huấn mà như đứt từng khúc ruột. Người đàn bà góa chồng khi mới bước vào tuổi 20, cái tuổi đang căng tràn nhựa sống, tình yêu và cả những đam mê, khao khát. Cưới chồng, sống chung với nhau chưa kịp quen hơi, ông Huấn đã phải lên đường chiến đấu. Tất cả tình yêu thương và cả trách nhiệm, người phụ nữ trẻ dành hết cho bố mẹ chồng. Để rồi cái tin sét đánh, chồng hy sinh ở nước bạn không tìm thấy xác đã khiến bà đau đớn. Bố mẹ chồng qua đời, bà Len vẫn cứ ở vậy lặng lẽ đợi chờ và nuôi hy vọng về một điều kỳ diệu. Nhưng 5 năm, 10 năm, rồi 20 năm, khi tuổi xuân đã dần trôi qua trên mái đầu, bà Len chẳng còn tin vào phép nhiệm màu nào nữa. Bà đành chấp nhận sự thật phũ phàng. Ai cũng khuyên bà đi bước nữa nhưng bà gượng cười từ chối. Hạnh phúc với bà suốt từng ấy năm là chăm lo ngôi nhà của bố mẹ chồng và hương khói cho những người thân đã quá cố.

Bà Len sụt sùi nhìn ông Huấn. Đôi bàn tay chai sần của bà chẳng ngại ngần nắm lấy tay chồng và cứ thế tức tưởi khóc. Nụ cười, nước mắt chứa chan. Có bao nhiêu chuyện muốn nói, muốn kể. Tấm di ảnh của ông Huấn được hạ xuống. Chiếc bình hoa làm bằng vỏ bom ngày ấy ông gửi về tặng bà cũng được đưa xuống đặt trên bàn ngồi uống nước giữa phòng khách, với những cánh hoa huệ thơm thoảng. Quây quần bên gia đình, bên người vợ hiền thủy chung, lần đầu tiên sau quãng thời gian dài bị xem như người tử trận, ông Huấn cảm nhận không niềm hạnh phúc nào bằng hạnh phúc được sống bên những người thân trên quê hương mình.

Truyện ngắn của An Viên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...