Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Truyện ngắn: Người lính pháo binh

Cập nhật: 13:59 ngày 21/12/2019
(BGĐT) - Thương buông người ngồi xuống vệ cỏ, hướng mắt theo dòng sông về tít cây cầu phía xa.

Mấy bữa nay, anh đang nóng lòng chờ điện thoại từ Hội Cựu chiến binh của tỉnh. Nếu họ đồng ý, cuối tháng này anh sẽ đưa ông nội đi cùng đoàn của Hội vào Nam thăm lại chiến trường xưa. Nếu được, chắc ông sẽ mừng lắm. Đã từ lâu, ông mong trở lại nơi ấy để gặp lại những người đồng đội, những người dân thật thà, chân chất, nghĩa tình. Thương cứ ngồi nghĩ vẩn vơ mãi cho đến khi tiếng muỗi vo ve và ánh trăng cọ sột soạt vào những ngọn cỏ ven đê.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương.

Anh lững thững đứng lên bước xuống con đường đất nhỏ đi về nhà. Nhà Thương đấy, ngôi nhà nhỏ nằm lọt giữa một vườn cây. Đêm đêm, nằm trong nhà cứ nghe tiếng lá cây thì thào với gió, tiếng côn trùng dưới những gốc cây ra uống sương đêm và chuyện trò rôm rả. Tiếng ông nội rên khe khẽ khi trở mình. Dạo gần đây, tự nhiên phía chân bị cụt đến đầu gối của ông thi thoảng lại giật giật khiến ông đau nhói. Mỗi lần như vậy ông lại nhăn nhó, các cơ mặt nhăn nhúm lại. Nhìn vào đó, Thương tưởng như nhìn thấy sự in hằn của thời gian cả một đời của ông, của gian khổ và khói sương.

Ông hay kể cho Thương nghe những chuyện ngày xưa, cái ngày mà ông còn là anh lính trinh sát pháo binh, tham gia từ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, rồi đến chiến trường B, chiến trường K. Ông mấy lần bị thương nhưng chỉ cần khỏe lại là ông lại xin được tiếp tục làm nhiệm vụ. Chỉ đến khi bị mảnh đạn pháo của giặc xén mất cẳng chân phải ông mới chịu xuất ngũ về quê.

“Công việc của ông là tính toán trong điều khiển bắn pháo. Với một bảng lô-ga-rít, một tấm bản đồ khu vực, một ống nhòm, bàn đạc và vũ khí cá nhân, ông có nhiệm vụ là phải đo đạc chính xác cự ly, khoảng cách để những trận pháo của ta nã chính xác xuống đầu kẻ thù, khiến cho chúng khiếp đảm”. Ông sẽ kể say sưa không biết mệt mỗi khi Thương hỏi về những ngày ông lăn lộn trên các chiến trường. “Bộ phận pháo binh của ông không ít lần khiến pháo địch phải câm họng. Bọn chúng im thin thít không dám bắn trả một lần nào, núp kỹ như con rùa rụt cổ”. Nói rồi ông cười khà khà, điệu cười hào sảng mà ông vẫn dùng mỗi khi kể về các trận đánh.

Thương về đến nhà đã thấy ông nội ngồi trước hiên, chiếc quạt mo phe phẩy đuổi muỗi, tay còn lại ông cứ nắn nắn bên chiếc chân cụt. Hình như ông đang mải suy nghĩ việc gì đó nên không hề hay biết Thương đã đến ngồi cạnh ông từ khi nào.

- Ông lại bị đau ạ? Ông Thanh giật mình nhìn qua thằng cháu. 

- Ờ! Cháu về rồi à? Ông không đau. Mà đang nghĩ, giá nó lành lặn thì ông đã có thể đi cùng mấy đồng chí trong Hội Cựu chiến binh của tỉnh trong chuyến tới rồi. Các đồng chí ấy cũng động viên đi, mà mình thế này, đi đứng bất tiện. Toàn thân già với nhau. Khó lắm.

Ông nói nó là nói cái chân ông. Ngày mới xuất ngũ, ông dùng cây nạng đi cũng mạnh lắm, giờ sức bắt đầu yếu, ông chẳng dám đi đâu xa. “Sợ ngã ra đó, sống dở chết dở thì lại khổ con khổ cháu”. Ông vẫn thường than thở như thế mỗi khi nói đến cái chân của mình.

- Để cháu đưa ông đi nhé!

Ông quay sang nhìn Thương. Đôi mắt nheo nheo của người lính trinh sát pháo binh năm xưa nhìn thẳng vào thằng cháu nội như muốn đo đạc tỉ mẩn các cơ trên khuôn mặt, ánh mắt nó để tính toán xem có bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu nói đó.

- Cháu đã liên lạc với Hội, trình bày trường hợp của ông và xin cho cháu đi theo giúp ông rồi. Họ nói để tổng hợp danh sách, nếu xe còn chỗ cháu có thể đi. Chỉ cần họ đồng ý là cháu xin công ty nghỉ hẳn một tuần để đi với ông luôn.

Thương cười, nhưng ông Thanh cảm thấy chưa chuyện gì thằng cháu nói có thể nghiêm túc hơn chuyện này. Ông giục Thương:

- Nhanh, nhanh đứng dậy, vào trong nhà lấy cái điện thoại cho ông, để ông nói với ông Tâm cho chắc.

Một loạt đạn pháo của địch câu thẳng vào vị trí đài quan sát. Trong tiếng nổ xé màng nhĩ của đạn, tiếng cây đổ ào ào, Thanh thét lên đau đớn rồi ngất lịm. Khi tỉnh dậy, Thanh thấy mình đã nằm trong trạm quân y, nửa người bị băng bó và cẳng chân phải đã không còn.

Nghe điện thoại xong, ông Thanh vui lắm. Ông Tâm – Hội trưởng Hội Cựu chiến binh hứa chắc chắn rằng sẽ dành cho ông hai suất. Chuyến này, ông có thể gặp lại những đồng đội mình sau bao nhiêu năm xa cách rồi. Ông đưa ngón tay út chỉ còn lại một đốt bên bàn tay phải lên day day hai hốc mắt. Hình như ông khóc. Ông Thanh vịn cây nạng đứng lên, cà nhắc đi ra giữa sân, ngước nhìn ánh trăng đã lấp ló ngang ngọn dừa, nói bâng quơ: “Trăng mười sáu sáng quá!”

Sau bữa đó ông Thanh hoạt bát, nhanh nhẹn hẳn lên. Người lính của một thời khói lửa, nay đã gần bẩy mươi chợt nói cười rổn rảng đủ thứ chuyện như thời còn trai trẻ. Cách ngày ông lại nhắc Thương đã xin công ty nghỉ chưa như sợ thằng cháu mải công việc mà không đi được với ông. Đến khi Thương đưa ông xem tờ giấy ghi Đơn xin nghỉ phép, có chữ ký rõ ràng ông mới yên tâm. Ông nhờ Thương lấy chiếc ba lô lính của ông lâu nay vẫn cất trong hòm. Rồi xếp ít bộ quần áo vào đó. Hai bộ quân phục đã sờn và bạc màu ông cũng mang theo. Thương tò mò:

- Cũ lắm rồi, ông còn mang theo làm gì?

- Ấy, để vào đến đó, đi thăm chiến trường, ông sẽ mặc. Hà hà, thế mới đúng là con nhà lính chứ. 

Thấy Thương lần dở tờ báo đã cũ mèm lấy ra một con dao dài chừng ba mươi phân, to bằng ba ngón tay, ông Thanh chỉ con dao rồi cười:

- Nó đã cứu ông một vố. Bữa đó, ông và đồng chí Tấn nhận nhiệm vụ đi thăm dò, nắm bắt thông tin, tình hình quân số của địch, hướng chúng tấn công để kịp thời báo về trung đoàn. Tìm được một đám cây dại um tùm, bọn ông dùng tay vạch, rồi lấy dao phát bớt những dây leo bò loằng ngoằng khắp nơi đi để lấy chỗ núp. Vừa đưa chiếc ống nhòm lên, ông liền bị con rắn lục đớp luôn một phát vào ngón tay. Ông giật phắt con dao phát bụi đồng đội đang cầm chặt luôn.

Nói rồi ông chìa bàn tay phải có ngón út bị mất hai đốt ra trước mặt Thương:

- Đấy. Nên nó thành ra thế này. Trở về Tấn kể chuyện đó cho đơn vị nghe. Từ đấy mọi người toàn gọi ông là Thanh bốn ngón chứ.

- Sao lúc đó ông không sơ cứu trước rồi về đơn vị tính.

- Cái thằng, giữa rừng đồi, lấy gì sơ cứu. Đường về đơn vị thì xa. Với lại lúc đó ông đâu nghĩ nhiều, chỉ biết rằng nhiệm vụ cấp bách, nếu không xong có thể ảnh hưởng đến cả cục diện, quân ta có thể sẽ thương vong rất nhiều. Trường hợp ấy, mình không được phép chần chừ cháu ạ.

- Hèn gì ông giữ con dao như một báu vật. Ông Thanh cầm lấy con dao ngắm nghía, đoạn gói lại cẩn thận:

- Nó còn hơn cả báu vật ấy chứ, là đồng đội theo bọn ông trong các chuyến đi làm nhiệm vụ, là anh em, giờ là kỷ vật - giọng ông chùng xuống. ...

Trận chiến hôm đó, ta và địch quần nhau ác liệt. Đội hình của ta bị phát hiện, pháo địch bắn ràn rạt vào vị trí trận địa quân ta. Thanh và Tấn chạy băng băng trong mưa đạn đến đài quan sát phần tử bắn. Các cành cây bị pháo đốn gãy răng rắc, đổ ào ào khắp nơi. Thanh trèo nhanh lên đài quan sát. Được ngang chừng, anh thấy nhói đau bên hông, nhìn xuống, máu đỏ chảy ướt quần, một mảnh đạn đã găm trúng vào phần xương chậu. Thanh choáng váng, không thể được rồi. Anh vừa lết xuống được dưới đất thì Tấn cầm ngay lấy ống nhòm, nhanh chóng trèo lên đài, chỉ kịp nói với bạn: “Cố lên! Cậu sẽ không sao đâu!”. Một loạt đạn pháo của địch câu thẳng vào vị trí đài quan sát. Trong tiếng nổ xé màng nhĩ của đạn, tiếng cây đổ ào ào, Thanh thét lên đau đớn rồi ngất lịm. Khi tỉnh dậy Thanh thấy mình đã nằm trong trạm quân y, nửa người bị băng bó và cẳng chân phải đã không còn.

Ông Thanh như sực tỉnh, tay nắm chặt con dao, nói khẽ:

- Đài quan sát bị bắn đổ, Tấn hy sinh bữa đó. Ông được đưa về tuyến sau điều trị, rồi xuất ngũ luôn.

Nói rồi, ông Thanh cẩn thận đút chiếc dao đã được bọc kỹ càng vào trong ba lô thì thầm:

- Tấn à, cuối tháng này tớ và các đồng chí trong trung đoàn pháo binh của bọn mình sẽ vào thăm lại chiến trường xưa đấy. Cậu đi cùng nhé!

Người hạnh phúc nhất làng
(BGĐT) - Cụ giáo Đào đang giương kính đọc sách thì Khả đến. Cụ thong thả cất quyển sách rồi đi pha nước mời khách.
Khi tình yêu đến
(BGĐT) - Hiến thất nghiệp vào một ngày cuối năm vì tay chủ xưởng không có tiền trả lương cho thợ. Trước khi rã đám, để an ủi nhóm thợ, hắn chia hết “chổi cùn rế rách”. Hiến chỉ xin cây đàn ghi-ta đứt dây dựng ở góc. "Sẽ bắt đầu những ngày “Thạch Sanh” ăn mì tôm gảy đàn đánh lui giặc đói đây!". Hiến tự nhủ.
Vân Cốc - làng cổ ven sông Cầu
(BGĐT) - Vân Cốc là một làng cổ của tổng Hoàng Mai xưa, nay thuộc xã Vân Trung (Việt Yên-Bắc Giang). Nơi đây lưu giữ nhiều di sản như hệ thống các công trình tôn giáo, tín ngưỡng đình, đền, chùa, nghè, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, văn nghệ dân gian… Vân Cốc còn là một làng quan họ cổ bên bờ Bắc sông Cầu.
Đầu thú
(BGĐT) - "Người độc ác là địa ngục của chính mình" T.DULEER
Gã gục đầu vào thành ghế, giả như ngủ.Ai đó lay lay gã:“Này, anh bạn”.Gã vẫn gục đầu vào thành ghế.
Truyện ngắn của Lê Phượng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...