Thứ sáu, 03/05/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ký ức tháng Tư

Cập nhật: 14:36 ngày 29/04/2020
(BGĐT) - Cả đêm hôm trước, ông Chiều - người lính già không ngủ vì thao thức, hồi hộp nghĩ đến cuộc gặp mặt sau hơn 40 năm ngày giải phóng miền Nam của đơn vị mình.

Đó sẽ là cuộc hàn huyên lớn của các trinh sát đặc công làm nhiệm vụ đặc biệt trong chiến tranh. Ông già nhỏm dậy, bật điện ngồi trầm tư. Cuốn sổ tay ố vàng chữ đã nhòe mờ ngay trước mắt. Trên đó ghi ngày tháng hy sinh của những người đồng đội, có cả những tấm ảnh của người còn sống, không biết bây giờ phiêu dạt những đâu. Có một bài thơ nghiêng nghiêng trong sổ, bài thơ tả về đất nước Lào xinh đẹp và sự yêu thương mà bà con xứ triệu voi dành cho bộ đội Cụ Hồ. Ngày mai, ông sẽ được gặp lại những bạn bè chiến đấu thủa nào. Bao năm nay, cuộc sống cơm áo đời thường đã khiến những người lính không có điều kiện gặp nhau.

{keywords}

Tuổi trẻ miền Bắc sẵn sàng lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ảnh tư liệu.

Con trai út đưa bố mình gần 80 tuổi ra Hà Nội dự cuộc gặp mặt đơn vị cũ. Người lính già vỡ òa niềm vui sướng. Họ ào vào ôm lấy nhau, lắc tay, vỗ vai, xoa đầu nhau trào nước mắt. Ông Chiều được cả chục người bế bổng tung lên cao rồi truyền tay nhau nói mà như reo. Mọi người bày tỏ sự vui sướng khi gặp lại ông - người lính gan dạ, kiên cường xuất sắc trong chiến đấu hồi nào là anh hùng trong lòng đồng đội. Chỉ thiếu một thứ giấy tờ gì đó nên ông chưa được nhà nước phong anh hùng. Ông cười sảng khoái. Chiến tranh bom đạn, sống chết trong gang tấc, giấy tờ thất lạc là chuyện đương nhiên, người lính sống để trở về rồi gặp nhau đây là hạnh phúc lắm rồi. 

Người lính già nhớ như in những ngày tháng ba lô nặng trĩu hành quân vượt Trường Sơn suốt ngày đêm, bom giặc quần nát núi rừng. Hết bom lại đi, nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi gốc cây, con suối giữa rừng già.

Bạn bè quanh ông đây người cụt tay, cụt chân, mất một con mắt, đạn găm trong thân thể không ít. Người đồng đội năm xưa ôm khối bộc phá đánh đồn địch, ai cũng tưởng đã hy sinh vậy mà phép màu đã khiến anh lính trẻ còn sống, văng xa cả chục mét, chịu sức ép, điếc hai tai. Nay người ấy đeo cái máy trợ thính ngồi gật gù cười giữa mọi người. Ông Chiều thì rưng rưng nhớ lại khoảng thời gian khắc nghiệt sống trong rừng sâu tự sinh tồn để tiếp cận đồn địch, vẽ bản đồ tác chiến phục vụ chiến đấu. Ban ngày hái rau rừng, uống nước suối, dầm mình trong bùn nghe ngóng; ban đêm bơi trong bùn, lội suối, vạch cây tiếp cận hàng rào thép gai nơi đồn địch. 

Ông và một đồng đội khác đã thực hiện hàng loạt biện pháp nghiệp vụ để tránh sự đánh hơi của chó bec giê, tránh họng súng kẻ thù. Nằm ngay dưới hàng rào dây thép gai, kiến lửa đốt đau buốt mà cắn răng chịu không thể cựa, vì chỉ khoảng hơn một mét trên kia là kẻ thù lăm lăm tay súng. Bao đêm dầm sương gió như vậy, ông trở về hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, góp phần vào chiến thắng lớn của cả dân tộc. Nhưng người trinh sát đặc công luôn thầm lặng, nhiệm vụ thì bí mật nên bao năm, mọi người chỉ biết ông Chiều là một anh lính Cụ Hồ chứ không rõ cụ thể ra sao.

Mãi sau này, mấy chục năm sau hòa bình, ông Chiều mới kể những kỷ niệm đời lính cho con cháu. Ông bảo, vì đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế nên phải giữ bí mật. Cậu con trai sau khi đưa bố ra Hà Nội, chứng kiến những buổi gặp mặt long trọng, chứa chan tình đồng chí, đồng đội mới hiểu thêm. Hóa ra, những ông già ngồi đây, phần nhiều không lành lặn họ đều là những chiến sĩ cự phách, trong đơn vị trinh sát đặc công đặc biệt. Sống và trở về với gia đình đúng là một chiến công lớn nhất - người con trai nhẩm vậy. 

Những người lính già được ở khách sạn hạng sang nhưng hầu như không ai ngủ, họ tập trung lại một phòng lớn ôn lại kỷ niệm xưa. Vừa cười ran đấy lại ôm nhau khóc. Suốt mấy chục năm, những người lính vẫn vẹn nguyên tình cảm với nhau. Một ông kể, sau giải phóng về làm nông dân, có hôm đang cấy ngoài đồng thì người nóng ran, đầu bừng bừng y như cảm giác lúc bắt đầu trận đánh lớn, vậy là lăn xuống ruộng, dìm người xuống bùn, ngửa mặt lên trời nhớ ký ức và đồng đội xưa, con cháu hoảng quá ra đưa về. Một ông già tóc bạc trắng thì kể, thói quen thức đêm thám thính thời chiến làm cho bây giờ khó ngủ, đêm giỏi thì ngủ được và ba tiếng, nghe tiếng côn trùng ri ran cũng không ngủ được.

Người lính già nhớ như in những ngày tháng ba lô nặng trĩu hành quân vượt Trường Sơn suốt ngày đêm, bom giặc quần nát núi rừng. Hết bom lại đi, nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi gốc cây, con suối giữa rừng già. Liên miên các trận đánh kéo thời gian trôi đi, mười năm quân ngũ đã trôi qua trên chiến trường. Chưa một lần về nhà, chưa một cuộc hẹn hò. Lá thư hay tấm ảnh gia đình của bạn có khi là niềm vui của cả một tiểu đội lúc giải lao. Rồi hôm ấy, đang hành quân từ đất Lào về, những người lính nhận tin chiến thắng. Mọi người kể về giây phút lá cờ chiến thắng bay trên nóc Dinh Độc Lập giữa Sài Gòn, kể về miền Nam đã giải phóng. Nửa năm sau ngày Sài Gòn giải phóng thì ông Chiều cùng vài đồng đội đã từ Nam ra Bắc, trở về quê hương. Về đất mẹ, người lính năm xưa ngả mũ và ba lô nằm dài trên bờ ruộng khoan khoái thở, ngắm nhìn trời xanh. Hòa bình rồi! Hòa bình rồi! Niềm vui ấy cứ reo lên trong lòng không dứt.

Buổi gặp gỡ như tiếp thêm năng lượng sống cho những người lính trận năm xưa.

Trên đường trở về với ngôi nhà, mảnh vườn của mình, lúc đi qua thành phố, ông Chiều bảo con trai dừng lại cho ông ngắm những đoàn tàu. Ngày xưa, cũng những đoàn tàu này chở hàng ngàn trai tráng rời quê vào chiến trường chiến đấu. Đâu đó trên ô cửa kia còn dáng mũ tai bèo, còn nguyên nụ cười tuổi trẻ. Và chuyến tàu đã xa, rất xa… đi về phía màu xanh phía trước. Ở đó, nơi thâm sơn cùng cốc, vẫn còn rất nhiều đồng đội của ông nằm lại, làm bạn với cỏ cây. Giọt nước mắt của người lính già sáng lên trong hoàng hôn. Ông vỗ vai cậu con trai: “ Hòa bình là vô giá, thế hệ các con các cháu hãy giữ lấy, đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh”. Giữa trời, từng đàn chim đang khoan thai bay trở về tổ ấm…

Nghĩ và cảm từ một áng thơ xưa
(BGĐT) - Trong khi cả nước đang tiến hành cuộc “kháng chiến” toàn dân để cùng thế giới đuổi dịch Covid-19, tôi bỗng nảy sinh những so sánh thú vị về không khí chống dịch những ngày này với hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nguyên Tiêu (Rằm Tháng Giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác năm Mậu Tý (1948). 
Mùa măng đắng
(BGĐT) - Chú em trên quê gọi điện: Có măng đắng đầu mùa, em gửi cháu mang về biếu hai bác…

Nguyễn Thị Mai Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...