Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 26 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hoa đỗ tím ngát triền sông

Cập nhật: 08:00 ngày 20/05/2020
(BGĐT) - Sắc hoa tím nhạt, cánh rất mịn màng, cười thật tươi dưới nắng và cứ nhẹ nhàng bay trên bờ giậu... đó chính là hoa đỗ! Những bông hoa tim tím, rập rờn trong làn gió như gọi về cả một miền cổ tích của tuổi thơ tôi...

Tôi có một "tuổi thơ dại khờ" lớn lên cùng hoa đỗ. Ký ức trong veo, đẹp đẽ nhất về "thời cắp sách" cũng êm đềm trôi giữa một không gian ngập tràn hoa đỗ. Hè về, ấy là khi từng vùng hoa đỗ tím ngát triền sông. Nhớ những trưa oi nồng, nắng gắt được cùng mẹ đi "hái lá, bứt vòi" bỏ vào gốc để những mong cây sẽ dồn nhựa sống nuôi hoa... 

{keywords}

Hoa đỗ. 

Lớn lên một chút, tôi mới hiểu cái nhọc nhằn, niềm trông đợi thủy chung của mẹ đã gửi trọn trong từng cánh hoa đỗ tím dịu hiền! Tôi vẫn nhớ như in, trước nhà mình có một giàn hoa đỗ. Thú vị lắm, khi luồng nắng rực rỡ rót đầy, rót đầy lưng thềm, tôi đứng "ngẩn tò te" say sưa ngắm bao cánh hoa tim tím mỏng tang, khẽ rung rinh trước gió. Tôi cứ ngỡ hội nhà bướm đang thi nhau đậu trên tấm thảm kết bằng ngàn vạn chiếc lá hình trái tim xanh. 

Không kiêu sa như hồng nhung, hồng bạch..., hoa đỗ mang vẻ đẹp thật bình dị, khiêm nhường và lặng lẽ giữa chốn quê. Nhớ làm sao cái thảng thốt, giật mình "bổ nhào ra cổng" theo ám hiệu "hú...hú...hú..." của mấy đứa bạn thân, rồi cảnh lăn xả, "hỗn chiến" cùng "lũ giặc giời" đến tận khi mặt trời đứng bóng... 

Tất cả dường như vẫn vẹn nguyên! Ngay cả trong giấc mơ, sắc tím nhạt nhòa vẫn cứ chập chờn hiện về cùng bao kỷ niệm. Nhớ những lần đang chơi trên cái sân gạch đỏ rất rộng tôi phải "chạy như bay" về, vội vã bắc chiếc ghế đẩu dưới giàn hoa đỗ: Ngó ngó, nghiêng nghiêng, tay vạch lá, tay bứt quả sao cho kịp trước lúc mẹ về...

Mùa nào đỗ cũng sai nhưng nó cứ giấu mình trong lá, chơi trò trốn tìm. Nó thích được "thi gan" với cô bé mải chơi tới mức suýt quên lời mẹ dặn. Tuổi thơ lùi xa theo những con sóng của dòng sông quê đi mãi, nhưng "một mảnh hồn" tôi vẫn ấm áp, ngọt ngào tiếng của mẹ dưới giàn hoa đỗ thuở nào:

- Con ơi! Mình cứ để những quả đỗ non, mỏng lại rồi mai hãy hái nhé!

Thế là bao phấp phỏng, lo sợ và mường tượng về hình ảnh chiếc roi bố luôn cài sẵn trên mái nhà sẽ làm đau “quắn mông" đã vụt biến trong nháy mắt.

Tôi nhớ lắm, cả nhà quây quần bên mâm cơm thanh đạm - những bữa ăn không bao giờ thiếu món đỗ. Cái dư vị ngọt, giòn của những trái đỗ xanh non vừa mới hái, được luộc qua rồi xào chín tới thật đặc biệt… Hạnh phúc giản đơn biết nhường nào! 

Có một điều rất lạ: Cùng họ nhà đỗ mà hoa đỗ triền sông chỉ nhất loạt nở một lần; còn hoa đỗ giàn nhà lại vừa nở hoa, vừa đậu quả suốt ba tháng hè - khi chiếc khăn quàng đỏ của "cậu học trò lười" ngủ yên trong cặp sách. Hoa đỗ cứ nở từng đợt, từng đợt rồi đua nhau cho trái. Các lớp hoa trái nô nức, chen chúc nở trên giàn và ghi dấu biết bao mùa.

Bao năm sống nơi sầm uất, nhộn nhịp, tôi vẫn không nguôi nhớ về màu hoa đỗ yên bình. Để đến hôm nay, tôi mới bất chợt nhận ra rằng đã vắng thưa rồi những vạt hoa đỗ tím triền sông! Và muốn cất lên tiếng gọi: Mẹ ơi! Ở nhà mình, quê mình... có còn hoa đỗ? Thế đấy! Tôi luôn yêu và nhớ về những mùa hoa đỗ - hoa nở ra từ bàn tay mẹ - hoa của ký ức tuổi thơ!

Miền quê yên ả
Ảnh chụp tại xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
Làng Thổ Hà-miền quê thắm đượm hồn cốt Việt
Dọc theo đường quốc lộ 1 từ cầu Chương Dương, Hà Nội về hướng Bắc chừng hơn 30km tới bến xe Bắc Ninh, theo đường Thiên Đức thêm chừng 3km qua bến đò Vạn Phúc, khách du lịch sẽ có cơ hội vào một ngôi làng cổ kính mang đậm bản sắc Việt  - làng Thổ Hà. 
Cua Da - đặc sản miền quê Yên Dũng
(BGĐT)-Huyện Yên Dũng (Bắc Giang) không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh như chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, nơi đây còn có đặc sản nức tiếng  khiến ai một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi, đó là cua Da.
Ngôi đình cổ ở miền quê văn vật
(BGĐT) - Phúc Long là một làng nằm bên bờ tả một con sông cổ chạy giữa vùng đồng bằng trũng thấp gần chân núi Nham Biền. Sông này xưa sâu rộng, thuyền bè nhỏ thường đi lại chuyên chở hàng hóa qua cửa Đồng Quan - Cống Bún vào tổng Hoàng Mai nhưng nay lòng sông thu hẹp, bồi đắp trở thành sông chết chỉ còn dấu vết là những ao hồ, chuôm trũng. 

Nguyễn Thị Thư  
(Giáo viên Trường THPT Thái Thuận)
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...