Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những tờ giấy nhiều màu

Cập nhật: 09:34 ngày 24/04/2021
(BGĐT) - Huệ vẫn có thói quen viết thư cho Lịch từ thuở hai người yêu nhau. Những lá thư viết trên những tờ giấy nhiều màu, xinh xinh, mỗi mảnh giấy đều có in bên góc trái một loại hoa gì đó như phong lan, hoa hồng, hoa cúc, cẩm chướng… 

Với Lịch, những lá thư Huệ viết cho anh thuở hai người yêu nhau là tài sản quý giá. Anh cất những lá thư xinh xinh đó vào trong một góc tủ của mình, thỉnh thoảng đem ra đọc. Những tờ giấy nhiều màu, in kèm theo một đoá hoa là tập giấy ghi ý kiến khách hàng của Công ty quảng cáo do Huệ phụ trách phần thăm dò. Huệ học kinh tế, mà giữa thời buổi mỗi năm có cả ngàn sinh viên tốt nghiệp, kiếm một chỗ làm như Huệ cũng là điều khó, cho nên có khi phải đi các tỉnh xa nhiều ngày Huệ cũng sẵn sàng. 

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Huệ nói với Lịch: “Khi nào có chút vốn, em sẽ mở công ty, không đi làm thuê nữa, như vậy anh sẽ gặp em mỗi ngày”. Tình yêu là vậy đó, người luôn cần gặp người mỗi ngày như mỗi buổi sáng thức dậy phải nhìn thấy mặt trời ném xuống mặt đất những tia nắng vàng rực rỡ. Nhưng công việc của Huệ lại thường xuyên có những chuyến đi xa. Khi đến nhà không gặp Lịch, Huệ dán những tờ giấy nhiều màu lên trên cánh cửa ra vào nhà anh. Những dòng chữ ấy như thay Huệ thỏ thẻ với Lịch:

“Trời ơi, hôm nay em lại phải đi công tác. Vậy là thứ Bảy này em không được ăn trưa cùng anh rồi. Hôn anh”.

“Anh hư quá. Hôm nọ em đã dặn là đi đâu cũng nên nhớ mang theo áo mưa để trong cốp xe, vậy mà anh không nghe lời. Mưa, anh ốm thì ai đi chơi, đi chợ với em. Em đã mua cho anh một chiếc áo mưa, em cất ở nơi mà… chỉ có hai đứa mình biết”. "Ở nơi chỉ có hai đứa mình biết" ấy là ô trống của hai bức tường nhà, được che lại bằng một tảng bê tông đã cũ, ngả màu rêu xanh.

“Anh ơi, hôm nay em nhớ anh quá”.

Có khi những dòng chữ trên giấy chỉ có thế. Nhưng đâu phải viết dài là trải được hết ý nghĩ của mình với người thương yêu? Đôi khi chỉ một chữ nhớ cũng đã hàm ý một trái tim đang nghiêng về một trái tim. Hoặc đôi khi, trên tấm giấy kia chỉ một chữ vỏn vẹn: “Giận”. Chữ giận đôi khi thật tội nghiệp vì nó cứ phải chịu đựng những cơn gió mùa thổi về trên phố, khi Lịch chưa đọc thì tờ giấy dán trên cánh cửa cứ phải lật lên lật xuống như nôn nao được gỡ ra, cất vào trong chiếc hộp kỷ niệm.

***

Yêu nhau tròn trịa một tháng 12 ngày thì họ lấy nhau. Tất cả những cuộc tình sau khi dạo chơi qua hết những con đường trong thành phố, ghé vào tất cả những quán ăn vỉa hè, thậm chí ngồi mỏi chân ở các quán cà phê lớn nhỏ - đều thường có kết thúc là hai người cùng về ở chung một mái nhà. 

Lịch cười với Huệ: “Lấy nhau tiết kiệm khối tiền đó em nhé”. Huệ cười: “Nghĩa là có người dọn dẹp nhà cửa, lau nhà, dụi tàn thuốc anh hút, giặt đồ cho anh mặc, mắc màn cho anh ngủ… có phải không?”. Lịch lắc đầu: “Ý anh không phải vậy đâu. Anh muốn nói là khi rủ em đi ăn sáng là đã có em bên cạnh. Khỏi mất công gọi điện hỏi xem thử em có rảnh không?” Huệ trề môi: “Lấy vợ về để có người đi ăn sáng, đi uống cà phê chứ anh có yêu thương gì em đâu?”. Không trả lời câu nói của vợ, Lịch chỉ thì thầm: “Chắc là từ nay chẳng ai dán mấy tờ giấy xanh đỏ trước cửa nhà anh nữa rồi”...

Thế rồi Huệ mở công ty thật. Bao nhiêu điều học hỏi từ công ty cũ, khi được giao chức trợ lý giám đốc đã giúp cho Huệ có nhiều đối tác làm ăn. Huệ vốn là người có kinh nghiệm trong cách giao tiếp, nắm bắt được những suy nghĩ của khách.

Ngày Huệ khai trương công ty, hoa chúc mừng thật nhiều. Chiều vợ, Lịch cũng gửi đến cho vợ mình một lẵng hoa thật lớn với 100 đóa hoa hồng. Lịch nói: “ Đáng lẽ anh chỉ gửi 99 đoá hồng như trong bản nhạc gì đó. Nhưng giờ đây anh và em đã là vợ chồng nên anh phải tính chẵn”. Huệ đưa đôi môi vừa tô một lớp son đã thoa bóng, rắc vài hạt kim tuyến xinh xinh, hôn lên má chồng: “Em cám ơn anh. Cám ơn ông tổng giám đốc”. Lịch soi gương, thấy đôi môi son của vợ hằn lên má mình, cũng vui: “Thôi đi, phong anh làm tổng giám đốc để mai kia bắt anh nộp cổ phần phải không?” Huệ cười vang: “Đúng rồi đấy”.

***

Những tấm giấy nhiều màu, có đính một góc một đoá hoa không còn xuất hiện trên cánh cửa nhà nữa, thì giờ đây lại là những dòng chữ viết vội trên tập giấy viết thư để ở bàn trong phòng khách. Công việc càng ngày càng cuốn hút Huệ xa rời vai trò làm vợ. Ngày xưa, khi hai người yêu nhau, Lịch đã từng nói: “Anh rất thèm những bữa cơm gia đình. Chỉ cần ngồi ăn chung với em, thì dù chỉ ăn rau muống chấm nước mắm anh cũng thấy ngon”. Huệ đã cười rất vui: “Làm gì đến nỗi cho anh ăn rau muống chấm nước mắm. Em sẽ cho anh ăn rau muống xào chấm mắm ớt tỏi”.

Những ngày hai người gặp nhau hiếm dần, những bữa cơm chung càng hiếm. Mỗi lần đi về nhà buổi chiều, Lịch thường thấy những dòng chữ Huệ viết. "Anh ơi, em đã kho thịt rồi, em cũng để rau sống trong tủ lạnh. Anh cứ ăn cơm một mình nhé. Hôm nay em phải tiếp khách. Chúc anh ăn ngon miệng". "Hôm nay là giỗ ông nội phải không anh. Em để tiền trong phong bì. Anh đem qua nhà dùm em, nói em xin lỗi vì bận nhiều việc quá”.

“Em phải đi công tác đột xuất vài ngày. Đừng buồn em nha anh".

Có khi, muốn nói gì với vợ, Lịch cũng phải viết vội trên mảnh giấy: "Em không sợ là em quên mất anh rồi sao hả cô vợ của anh? Anh cứ ở nhà một mình, ăn cơm một mình như một người đàn ông độc thân, chán lắm". "Có gì thì em gọi điện cho anh một tiếng. Em cứ viết giấy để trên bàn như thời xưa làm gì thế?". "Tuần sau cơ quan anh tổ chức đi Đà Lạt. Em cố gắng thu xếp đi nhé. Lâu lắm rồi hai vợ chồng mình không đi chơi chung với nhau".

Rồi lắm khi bực tức, anh lại viết bằng chữ in to: "ANH RẤT NHỚ EM. ANH RẤT NHỚ EM". Huệ lại trả lời chồng bằng những dòng chữ: "Em cũng nhớ anh lắm. Dạo này em bận việc một tí, anh thông cảm cho em".

Cứ như thế, những tờ giấy viết tay của Huệ và Lịch đã dày lên hàng gang tay tự lúc nào mà Huệ cũng không hề hay biết.

Cho đến một buổi chiều, sau chuyến đi khảo cứu thị trường kéo dài cả tuần lễ. Huệ về nhà. Huệ dự định sẽ dành cho Lịch một tuần, hai vợ chồng sẽ có một chuyến đi chơi xa như đi Vịnh Hạ Long chẳng hạn. Huệ hình dung ra Lịch sẽ vui đến dường nào, anh sẽ ôm chầm lấy Huệ mà reo: “Ừ, lâu lắm rồi anh và em không đi chơi”.

Nhưng cánh cửa nhà đóng kín dù đã tan giờ làm việc. Huệ ngạc nhiên, không hiểu Lịch có la cà quán xá với bạn bè không? Vì Lịch gần như không có thói quen đó. Bỗng Huệ giật mình khi bước chân vào nhà. Trên vách tường của phòng khách là những tấm giấy của Huệ viết cho Lịch. Ở đó có những tấm giấy nhiều màu từ thuở hai người yêu nhau và cả những tấm giấy khi hai người đã là chồng vợ. Lịch viết một hàng chữ thật lớn bằng bút lông đen: "Anh buồn quá. Anh đi uống rượu đây".

Những tấm giấy đã được Huệ gỡ ra, cất lại vào hộp. Huệ mặc vội quần áo, phóng xe ra bóng đêm. Huệ đi tìm Lịch. Huệ không muốn mọi điều sẽ trở nên quá muộn, nếu để Lịch không về cùng mình trong hôm nay. Trong căn nhà có chồng và có vợ.

Truyện ngắn của Phan Thị Tần
Dấu chân trên bờ cát
(BGĐT) - Nắng. Nắng như đổ lửa. Tôi dừng xe máy bên vệ đường dưới hàng cây uống ngụm nước mang theo, mở ví giở tấm ảnh ông Sơn chụp cách đây mấy năm trong ngày họp mặt trung đoàn. Đôi mắt ông thật nghiêm nghị chẳng khác gì ngày xưa như gửi gắm bao điều. Lạ sao những câu chuyện ngày nào cứ văng vẳng trong tôi.
Hồn xoan
(BGĐT) - Sớm mai, nhà ông Khắc có tiếng khởi động của cái xe máy cóc ghẻ, con cub 81 cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng... 
Hương quê thơm ngát
(BGĐT) - Cuối xuân mà những cơn mưa vẫn lay phay rắc xuống khiến mái đình làng Chiền thêm cổ kính, trầm mặc. Vài cành đa vươn dài như cánh tay khổng lồ, lớp lá lòa xòa phủ lên một góc mái đình. Cụ từ đình làng Chiền đã ra mở cửa đình từ tờ mờ sớm. Hôm nay có hai người trình làng ra lão nên cụ phải mở cửa sớm để lau rửa, dọn dẹp rồi còn làm lễ.
Chuyến tàu qua thành phố
Nhạn ngồi bó gối ngáp vặt. Mấy sợi tóc xõa xuống khe ngực nhồn nhột, hai mắt díp lại. Trong thâm tâm Nhạn chỉ muốn nhanh nhanh lên một chuyến tàu đi bất cứ đâu để xóa đi những thứ làm Nhạn quá ư mệt mỏi. Lần này Nhạn sẽ đi tìm Phức. Thời gian đủ để Nhạn nhận ra mình cần Phức cho cuộc đời. Và chắc chắn, Phức cũng đang nhớ Nhạn trên một chuyến tàu nào đấy.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...