Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phía làng ngày giông bão

Cập nhật: 19:15 ngày 12/06/2021
(BGĐT) - Trà bật dậy nhìn đồng hồ. Mới 3 rưỡi sáng. Cơn mơ làm Trà toát mồ hôi. Hình như sắp mưa thì phải, một tia chớp rạch ngang trời. Trà chợt nghĩ, hay không có đường về quê nữa nhỉ, mẹ đang ngủ, phải đợi sáng mới hỏi được. 

Cái yên ắng khác thường mấy hôm nay cho cảm giác một trận cuồng phong sắp nổi lên thì phải. Trà ngồi im trong bóng tối nghĩ mông lung, lòng bỗng nhớ cây hoa dành dành trắng muốt nở bên bờ ao nhà cụ nội thuở nào.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Nhưng bây giờ thì ngôi làng ấy khác lắm rồi, cụ mà còn sống chắc sẽ kinh ngạc, không thể tin nổi. Chỗ cây đa cổ thụ cụ tổ trồng ngày xưa giờ là nhà văn hóa, cạnh đấy có cây phượng chục năm tuổi. Kéo dài từ đó vào làng là dãy hàng quán kinh doanh đủ thứ, có cả quán game (trò chơi điện tử), quán karaoke và tiệm làm nail (sơn móng tay chân) nữa. 

Khách đông nghịt, toàn công nhân khắp nơi tụ về. Con đường có nhiều cây bạch đàn trắng, hai bên là cánh đồng chỉ còn trong ký ức thôi cụ ạ. Sát làng mình là khu công nghiệp, có hàng nghìn công nhân làm việc nên người làng mình ai có nhà đất rộng thành ông chủ hết rồi. Họ xây nhà trọ cho công nhân thuê, nhà ít 5, 7 phòng tầm hai chục công nhân, nhà nhiều mấy chục phòng, hàng trăm người thuê trọ. Sáng sớm và chiều tối làng luôn nhộn nhịp, tấp nập như có hội hè. Cây cối cũng phải nhường chỗ cho nhà cửa, quán xá. 

Quanh làng đường bê tông hết, chỉ tội còn nhiều cống rãnh lộ thiên, trưa hè nó bốc lên thì khiếp. Chắc vài năm nữa sẽ khắc phục được. Cháu đếm cả làng chỉ vài nhà còn vườn có mít, na, hồng xiêm thôi. Nhưng hoa quả thì bán vòng quanh làng. Chỗ bãi đất trống hồi cháu còn nhỏ chơi thả diều bây giờ là chợ tạm, bán đủ thứ, quần áo giày dép bày la liệt trên mặt đất. 

Cứ tối đến đầu làng chình ình một đống rác rồi cụ ạ. Làng mình nhiều nhà giàu, xe ô tô sang trọng, chỉ tội không có chỗ đỗ, phải gửi ngoài chợ. Người trên phố ăn tiêu gì có thể làng mình cũng có. Người làng chẳng mấy khi gặp nhau vì mải làm ăn. Công nhân sáng ra ào ào ăn uống rồi đi làm, cả ngày vắng lặng, tối họ lại ào ào về tắm táp, nói cười khắp nơi. Bọn trẻ con nó nghĩ làng mình là thành phố, thích thú ánh điện lấp lánh sắc màu và rực rỡ quán trà sữa. 

Nhưng cháu và người già hơn nữa thì nghĩ là không phải. Cụ mà nhìn thấy có gọi là phố không nhỉ, hay cụ có gọi là làng nữa không? Mấy ao sen, ao súng ngày xưa giờ cũng thành nhà trọ cho công nhân hết rồi. Khoảng xanh mát duy nhất là mấy cây xà cừ chỗ sân đình. Bầu trời trên làng mình giờ không trong veo như xưa nữa. Những tán cây cô đơn... Chỉ giọng hát quan họ của người làng bao đời nay vẫn tha thiết, dặt dìu.

Trà nói chuyện với cụ nội mình trong tâm tưởng một hồi lâu giữa bóng tối, thấy lòng vơi bớt âu lo. Ai đời lại mơ làng mình biến thành một con quái thú kỳ dị nhiều đầu, lưng gù lên toàn gai tua tủa đang lao đi. Tất cả nhà cửa đất đai bỗng chốc méo mó, co rúm lại rồi phồng lên trên lưng con quái thú.

Trà choàng tỉnh. Không hiểu sao mơ vậy. Trà lấy chồng và làm việc trên thành phố đã 20 năm nay. Tháng nào Trà cũng về quê thăm bố mẹ, nhưng đận này bận việc công ty quá chưa về. Mấy hôm nghe tin ở quê có dịch Covid 19 mà lòng nóng như than, định nội ngày mai sẽ về xem sao. Trà chợt thì thầm, cụ ơi, cụ phù hộ cho dân làng mình nhé, dịch bệnh Covid đang hoành hành đấy. Trà nhấc điện thoại gọi cho mẹ. Bên kia đầu dây mẹ nói gấp gáp. “Có nhiều công nhân mắc Covid lắm, phong tỏa làng mình đêm qua rồi, mẹ nghĩ con ngủ mẹ không gọi, cứ ở yên đấy đi, đừng có về nguy hiểm lắm, bố mẹ ở nhà ổn cả”. 

Chao ơi, gì thế này, nghe phong tỏa mà cứ như chiến tranh vậy. “Chẳng khác gì chiến tranh đâu con, y bác sĩ mặc quần áo bảo hộ kín mít làm xét nghiệm cả đêm, công nhân cũng thức trắng đêm di chuyển đến nơi cách ly, cả làng không ai ngủ được”. “Thế con mà về thì có gửi được đồ cho mẹ không”? “Gửi ở chốt canh bên ngoài thôi, nhưng mẹ vẫn còn đồ ăn, chỉ công nhân trọ trong làng là họ khó khăn, vì dịch bất ngờ, nghỉ việc hết, quán xá cũng nghỉ luôn rồi”. “Vâng, bố mẹ ở yên trong nhà nhé, để con tính”.

Trà bỗng nghĩ, mình phải làm gì đó, phải bình tĩnh. Trà gọi điện cho các bạn làm bác sĩ, làm cán bộ ở quê hỏi cặn kẽ tình hình rồi gọi chồng con dậy, hợp sức đặt hàng hóa mang về quê. Một xe 3 tấn đầy hàng hóa nào gạo, mì tôm, nước sát khuẩn, nước súc miệng, khẩu trang đã sẵn sàng xuất phát. Trà ôm con vào lòng dặn, “mẹ về muộn nhé, mấy bố con ngủ trước”. 

Bỗng nghẹn ngào, cay mắt quá, Trà chưa bao giờ nghĩ, quê hương mình lại như hôm nay. Trà mặc quần áo bảo hộ, khẩu trang kín mít ngồi trong ca bin xe, bắt đầu chuyến trở về đặc biệt. Người lái xe lúc lúc lại nói, “sẽ ổn thôi chị ạ”. Làng kia, bóng cổ thụ chỗ đình kia, mà không thể vào. 

Trà đợi mẹ ngoài chốt kiểm dịch. Mẹ tất tả chạy ra, khẩu trang che kín khuôn mặt gầy. Nhìn mẹ mà không thể chạy đến ôm một cái, nước mắt chỉ chực trào ra, Trà gọi to: “Mẹ ơi”. Bà mẹ dặn, “dịch bệnh nguy hiểm, về lần này thôi nhé, khỏe mà còn nuôi con, bố mẹ ổn không sao”. Đúng là mẹ, lúc nào cũng chỉ lo cho con. Cậu thanh niên xung kích bê giúp đồ cho mẹ Trà, bóng mẹ gầy gò đi sau khuất dần trong ngõ.

Trà giao hàng cho Ban quản lý thôn, các tình nguyện viên phân chia đi phát cho những công nhân trong khu trọ. Nhà văn hóa trở thành trạm y tế dã chiến, áo trắng, áo xanh đẫm mồ hôi. Đứng ngoài chốt mà lòng dâng trào bao cảm xúc, vừa buồn thương, vừa lo lắng, vừa hy vọng rồi mọi thứ sẽ qua. Điện thoại liên tục, bạn bè Trà nghe tin cũng mong muốn gửi tiền, hàng hóa giúp quê nhà. Trà đi lên bờ đê, đứng một mình nhìn xuống dòng sông. 

Mảnh đất này từng nuôi những tuổi thơ gian khó, từng bồi đắp tâm hồn bao đứa trẻ như Trà. Ngày ấy, giữa dòng sông, Trà ngồi trên thuyền hát quan họ giao duyên trong hội làng và lọt vào mắt xanh một anh chàng Hà Nội. Hai người yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Nhiều đêm trăng sáng, Trà nắm tay người yêu đi dọc con đường rợp bóng cây mà hạnh phúc ngập tràn. Trà thường rủ anh ngồi thuyền, chèo đi trên sông, ngắm nghía bãi bờ, làng mạc dưới trăng hè. Những không gian thơ mộng, yên bình ấy mãi trong ký ức Trà. 

Vì thế mà lấy chồng xa quê nhiều năm, nhưng thực ra trong lòng Trà, mọi kỷ niệm ấu thơ, làng xóm đều hiện diện mỗi ngày trong đời sống. Chồng Trà thường bảo rằng, nhiều đêm nằm cạnh vẫn mơ ngồi trên thuyền trăng ở sông quê vợ. Lúc này, những người như Trà cần phải làm gì đó cho quê hương. 

Dịch bệnh đã lan ra nhiều nơi trong tỉnh, người nhiễm bệnh không ít. Trà hít một hơi thật sâu, nhìn về phía làng. Đêm đã xuống, xe cứu thương ra vào liên tục. Lòng thầm cầu nguyện cho quê hương nhanh bình yên. Đêm nay, có lẽ cả làng, cả xã và nhiều nơi khác đều không ngủ.

Xe dần lăn bánh rời xa nơi thân thuộc, lòng Trà như tan vỡ. Ngoái lại nhìn, những vệt sáng xa hắt lên trời đêm đỏ tía. Không có niềm mơ ước nào lớn hơn lúc này là mong giông bão tan đi, mong cuộc sống bình thường trở lại. Và chắc chắn sau cuồng phong quét qua làng, người ta sẽ nghĩ đến làm thế nào để xây dựng một môi trường sinh sống đẹp đẽ hơn.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Cây đa hồn làng
(BGĐT) - Tin đồn về việc xã quyết định chặt bỏ cây đa giữa làng để mở con đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới loang ra làm nóng lên khắp làng trên xóm dưới. Ai cũng tỏ ra thạo tin. Ai cũng có chính kiến của mình. Đến cả trẻ con chúng cũng tranh khôn rằng phải thế nọ, phải thế kia. Quán nước bà Huê dưới gốc đa trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.
Người mẫu đặc biệt
(BGĐT) - Căn nhà đẹp ở khu phố cổ là tư gia của cặp vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trên tường giăng đầy ảnh nữ chủ nhân. Khách mới đến sẽ có cảm giác chủ nhân cố tình khoe vợ đẹp.
Hồn xoan
(BGĐT) - Sớm mai, nhà ông Khắc có tiếng khởi động của cái xe máy cóc ghẻ, con cub 81 cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng... 
Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...