Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tình người ở quê

Cập nhật: 15:48 ngày 02/09/2021
(BGĐT) - Gần đến ngày giỗ mẹ, thấy chồng nhiều lúc cứ bần thần, bà Hảo ướm lời: Ông lại nhớ bác à? Đúng là hiểu lòng ông chẳng ai bằng bà. Vậy là mong muốn tập trung anh em con cháu nhân 40 năm ngày giỗ mẹ mà ông ấp ủ đã không thể thực hiện. 

Vùng quê Bắc Giang dịch đã tạm lui song Hà Nội vẫn đang phong tỏa. Điều khiến ông trăn trở hơn cả là không đón được bà Hữu, người mà với ông thân thiết như chị em ruột, ra dự ngày giỗ mẹ, rồi chơi Quốc khánh một lần để trối già như lời hai chị em hẹn nhau bữa ông về thăm bà Tết Tân Sửu vừa rồi. Trối già là bởi năm nay, bà đã 85 tuổi và cũng đã không còn khỏe. Tất cả chỉ vì con Covid.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Giờ thì việc về Hà Nội dự lễ Quốc khánh là chuyện đơn giản, ngay cả với bà lão đã ngoại bát tuần như bà Hữu. Nhưng vào đầu những năm 1960 thì không mấy dễ dàng vì tàu xe cách trở. Vậy mà những năm ấy, năm nào gia đình ông Tuấn cũng có khách ở quê ra. Là ra Hà Nội để xem duyệt binh, xem bắn pháo hoa ở Bờ Hồ, xem ca nhạc ở vườn hoa Chí Linh (Nay là vườn hoa Lý Thái Tổ)), rồi ăn kem Tràng Tiền. Những “tiết mục” ấy luôn nằm trong chương trình cứng của các vị khách từ quê nội, quê ngoại.

Lại nói chuyện nhà có khách. Với nếp sống bây giờ, chuyện có khách, mà khách ngủ lại vài ba ngày là cả một vấn đề, nhiều khi đảo lộn cả nếp sinh hoạt. Nhưng thời ấy thì khác. Khách ở quê ra, mang theo tình cảm thân thiết của quê hương, họ hàng. 

Những ngày trước và sau lễ Quốc khánh, nhà Tuấn thường vui như hội. Không đủ giường thì lau sạch sàn đá hoa, nằm đất càng mát. Bữa cơm xúm xít, nhiều khi chẳng thành mâm mà vẫn vui. Lại thêm mỗi vùng quê có sản vật gì đều dành dụm mang về, mâm cơm mừng Tết Độc lập thêm đầy đặn với những món ăn dân giã quê nội Bắc Giang với quê ngoại Thái Bình.

Một trong những vị khách mà bọn trẻ mong nhất, ấy là chị Hữu. Chị người cùng quê, bố mẹ Tuấn đón ra từ nhỏ để giúp việc, sau coi như con cái trong nhà. Không biết chị ở với bố mẹ từ bao giờ, nhưng khi Tuấn ra đời, chị là người một tay bế ẵm, chăm sóc lúc mẹ bận ngoài cửa hàng. Chị ở với gia đình Tuấn mãi đến đầu năm 1960, khi Tuấn đã đi học vỡ lòng. Khi ấy kinh tế gia đình bắt đầu eo hẹp, lại thêm nỗi e ngại mang tiếng thuê người làm, bóc lột nên bố mẹ phải cho chị về quê.

Hôm chị về quê, Tuấn vẫn nhớ như in. Chị sụt sịt, đến tận lúc ngồi lên xích lô để ra ga Hàng Cỏ vẫn cứ năn nỉ: Cậu mợ cho con ở lại, con nhớ em… Rồi nằng nặc xin cho Tuấn được cùng mẹ ra tiễn chị. Trên xe, chị cứ ôm Tuấn vào lòng mà thủ thỉ: Chị về chị nhớ nhất Cu. Cu phải ngoan kẻo cậu đánh đòn thì khổ. Mùng 2/9 chị lại ra với Cu, với cậu mợ…

Đúng hẹn, lễ Quốc khánh năm ấy chị lại ra Hà Nội. Chị khỏe mạnh, hồng hào, hạnh phúc. Chị không ra một mình mà với chồng, một anh bộ đội phục viên cùng quê. Cũng chẳng biết chị kể chuyện ra sao, nhưng anh Thăng, chồng chị cũng coi gia đình Tuấn như ruột thịt. Bản tính lam làm, mấy hôm ở chơi, anh tìm đủ việc, toàn việc nặng để làm. 

Từ chẻ củi, thông cống, quét mạng nhện. Có anh chị ra chơi, lũ trẻ vui như Tết, chẳng phải làm gì. Chị mang theo bao nhiêu món quà quê, nào mít, nào hồng, nào bưởi. Chị bảo đây toàn hoa quả vườn nhà, khiến bọn trẻ cứ ao ước một lần được về thăm nhà chị. Riêng Tuấn còn được chị hứa nghỉ hè sẽ đón về quê, tha hồ đi bắt chuồn chuồn, tập bơi, trèo cây hái ổi…

Cũng từ dịp ấy cho đến khi phải đi sơ tán do chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, năm nào vào dịp 2/9 chị cũng ra, tay xách nách mang, đem niềm vui đến cho cả nhà…

* * *

Đó là đoạn hồi ức mà ông Tuấn thường kể cho đám con cháu trong nhà, mỗi khi nói về bà Hữu, người mà ông luôn coi như chị ruột. Đấy cũng là cách ông giải thích tại sao mỗi khi về quê, mấy bố con luôn dành thời gian thăm nhà bác Hữu. Vội thì cũng phải ghé ăn một bữa cơm. 

Cách phố huyện chỉ hơn cây số, mà nhà chị quê thật là quê, với vườn cây trĩu mát, một cái ao đầy bèo tấm, lúc nào cũng có mấy con vịt lội kêu càng cạc, thả câu xuống là giật được ngay mấy con rô phi, một cái giếng thật sâu, nước lúc nào cũng mát lạnh. Mà nghe chừng, về quê ông Tuấn lại thích ở ngôi nhà đó hơn, thích ngồi uống rượu với ông anh rể đã nặng tai, với đĩa cá rô hạt bưởi rán giòn, những củ lạc nhà trồng rang cả vỏ rất khéo, chai rượu bà Hữu cất.

Giờ thì ông Tuấn đã ngót nghét 70. Ông anh rể cũng đã về với tiên tổ được mươi năm. Riêng bà Hữu vẫn sống thọ. Những lúc hai chị em chuyện trò, bà cứ thương ông Thăng mất sớm, không được hưởng phúc của con cháu. Ba người con của ông bà đều đã phương trưởng. Gom góp xây cho bà ngôi nhà mới mà bà nhất quyết không cho đổ mái bằng, phải là nhà khung gỗ, lợp ngói vẩy cá, “y như nhà ông bà cho bố mẹ ngày xưa”. 

Ấy là bà nói quá lên thế. Bà vẫn bảo nhờ bố mẹ ông Tuấn thu vén cho, khi về quê, đi lấy chồng bà có dấn vốn đến 5-6 chỉ vàng. Cộng với tiền dành dụm của ông Thăng khi phục viên, hai ông bà đã xây được nếp nhà nho nhỏ trên mảnh vườn ở chân đồi các cụ để lại. Đó cũng là nơi ông Tuấn đi về thời tuổi trẻ. Người già hay nhớ chuyện cũ. 

Dạo những năm 1980, thanh niên có mốt để tóc dài. Có lần Tuấn về thăm anh chị, ông Thăng cứ ngần ngừ mãi, rồi đưa cho em mấy đồng: Em ra phố mà cắt tóc, ai lại để tóc dài. Sau bà Hữu kể lại, ông Thăng muốn cho em tiền, sợ em tự ái phải nói vậy. Những năm ấy, bà Hữu bảo chị chỉ mong được một lần ra ở thật lâu với mẹ, với các em, rồi chơi Quốc khánh một thể. Nhưng rồi con cái, công việc đồng áng, đủ trăm thứ lo khiến bà không dứt ra mà đi được.

Rồi thì bà cũng có thời gian như vậy, nhưng không phải ra để chơi, mà ra chăm mẹ ông Tuấn, mà bà luôn coi như mẹ, những ngày cuối đời. Dạo ấy cũng là những ngày sắp kỷ niệm Quốc khánh. Mẹ ốm đã lâu, vợ thì bụng chửa vượt mặt, các anh chị đều công tác ở tỉnh xa. Ông Tuấn đang trong thời khó khăn nhất, không biết bấu víu vào đâu. 

Cả đêm nâng giấc mẹ, sáng ra lại đi làm. Vậy mà cứu tinh đến từ chỗ ông không ngờ. Bà Hữu nghe tin mẹ ốm, tất tả bỏ hết công việc cho chồng, vội ra Hà Nội. Chưa vào đến nhà bà đã mắng té tát: Mẹ ốm thế mà hai vợ chồng không báo gì cho chị. Hay chúng mày khinh chị nhà quê, không biết chăm mẹ… Chị cứ vừa khóc, vừa mắng, vừa kể lể làm ông Tuấn cũng chỉ biết nghe mà chảy nước mắt.

Thì ra chị vô tình gặp bà thím của Tuấn ở một phiên chợ. Được biết tin, chị thu xếp đón chuyến xe sớm nhất ra Hà Nội. Rồi mẹ ông Tuấn không qua khỏi, ngày nghỉ lễ Quốc khánh năm ấy cũng là lúc công việc tang lễ xong xuôi.

Cứ nghĩ nay mai chị lại về quê mà ông Tuấn thấy hãi. Lại những ngày hai vợ chồng tất bật dậy nấu nấu, nướng nướng, rồi mỗi người một cặp lồng đưa nhau đi làm. Sắp tới lại đến lúc vợ sinh con, trông vào đâu.

Như đoán được ý nghĩ của Tuấn, chị nhỏ nhẹ:

- Mợ Hảo cũng sắp ở cữ rồi. Mà cậu (chị luôn gọi và bắt mấy đứa con gọi xưng hô như thế) phải nhớ giữ sức. Chị về thu xếp công việc, dặn dò anh và các cháu, hôm nào mợ Hảo ở cữ thì chị lại ra đỡ cho ít hôm.

Tưởng chị chỉ nói vậy, mà chị ra thật. Chị như một người mẹ, chăm từ miếng cơm, hớp nước. Buồn cười nhất là khi vợ Tuấn sinh thằng cu, chị cứ vạch tã mà ngắm rồi mủm mỉm: Giống y như chim thằng bố nó ngày xưa!

Ngắm chị lúc ấy, anh như thấy có dáng hình của mẹ.

Có một việc mà ông Tuấn nhớ mãi, pha chút ân hận. Đó là hôm hai chị em ngồi soạn những di vật của mẹ. Ngoài chuỗi vòng cổ mà khi mẹ còn sống vẫn dặn để dành cho chị, chị cứ tần ngần:

- Chị có việc này muốn nói với cậu…

- Có gì thì chị cứ nói, chị em mình có gì mà ngại.

- Chị muốn xin cái áo dài của mẹ, vừa làm kỷ niệm, vừa lấy khước để mẹ phù hộ cho chị.

Nghe chị nói mà Tuấn ứa nước mắt, thấy mình quá vô tâm. Tấm áo dài đẹp nhất, mẹ anh thích nhất đã liệm cho mẹ, bên trong tấm áo Lục thù nhà Phật. Đáng nhẽ anh phải hiểu, phải biết, sao lại để chị phải nói. Hai chị em cứ ôm nhau mà khóc…

* * *

Chẳng biết có phải do mẹ phù hộ, mà bà Hữu sống thọ. Có điều khó giải thích là càng có tuổi, trông bà càng giống mẹ ông Tuấn, dù chẳng chút máu mủ ruột thịt. Cũng cái dáng người nhỏ nhắn, tảo tần, cũng vành khăn đội đầu lúc nào cũng ngay ngắn. Bà Hữu bảo đấy là vì sống với mẹ lâu, được mẹ dậy dỗ, bảo ban. Nhất là những lúc lễ tết, bà vận tấm áo dài kỷ niệm mà bà luôn gìn giữ, ông Tuấn như thấy hình dáng mẹ ngày nào. Bà còn dặn các con: Khi nào mẹ đi theo bà, nhớ mặc cho mẹ chiếc áo này.

Nhiều lúc ông Tuấn cứ nghĩ, chẳng biết với những gia đình khác thì thế nào, nhưng với gia đình ông, từ lúc còn bố mẹ, đến vợ chồng ông và bây giờ là các con ông, bà Hữu cùng gia đình bà luôn là người ruột thịt. 

Bà Hữu vẫn hay kể, bà may mắn là vì được bố mẹ ông nuôi nấng, dậy bảo. Về phần mình, ông Tuấn lại thấy mình may mắn khi có thêm một người chị gắn bó, yêu thương từ lúc trẻ thơ cho đến khi đầu hai thứ tóc. Sự may mắn ấy, có nhẽ cũng bởi bố mẹ ông cũng gốc gác từ quê, luôn lấy cái tình người làm trọng.

Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Anh

Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 
Hồn xoan
(BGĐT) - Sớm mai, nhà ông Khắc có tiếng khởi động của cái xe máy cóc ghẻ, con cub 81 cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng... 
Cây đa hồn làng
(BGĐT) - Tin đồn về việc xã quyết định chặt bỏ cây đa giữa làng để mở con đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới loang ra làm nóng lên khắp làng trên xóm dưới. Ai cũng tỏ ra thạo tin. Ai cũng có chính kiến của mình. Đến cả trẻ con chúng cũng tranh khôn rằng phải thế nọ, phải thế kia. Quán nước bà Huê dưới gốc đa trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.
Người mẫu đặc biệt
(BGĐT) - Căn nhà đẹp ở khu phố cổ là tư gia của cặp vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trên tường giăng đầy ảnh nữ chủ nhân. Khách mới đến sẽ có cảm giác chủ nhân cố tình khoe vợ đẹp.
Vị muối
(BGĐT) - Nhiều người bảo biết gì khổ nấy. Ông Hỏa không công nhận. Thế ông biết buôn kiếm tiền nuôi vợ con cũng khổ à? Mấy chục năm bươn bả bán muối khiến mùi mồ hôi túa ra cũng xè xè mặn. 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...