Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngôi nhà sau giông bão

Cập nhật: 14:50 ngày 23/10/2021
(BGĐT) - Anh Côi vơ lấy chai rượu đang uống dở trên bàn ném mạnh xuống nền nhà, hùng hổ chạy về phía chị Thảo - vợ anh - đang ngồi bó gối nơi bục cửa, tay tát tới tấp khiến chị loạng choạng. 

Vừa đánh, anh vừa đay nghiến vợ; cả mấy đứa con cũng bị anh lôi ra chì chiết, trách móc. Ba chị em Thục, Trang và Tiến ngồi thu lu trong xó buồng im bặt, không dám khóc to. Bỗng Thục đứng phắt dậy lao nhanh ra nhà ngoài, ôm choàng lấy mẹ.

- Bố đừng đánh mẹ nữa. Đừng đánh mẹ nữa bố ơi! Thục vừa khóc vừa van xin khẩn thiết.

- Á à… Mày còn bênh mẹ mày à! Cơn giận dữ của anh Côi dồn cả vào đôi bàn tay thô ráp lực lưỡng, cứ thế trút xuống người hai mẹ con Thục không thương tiếc.

- Bố dừng lại đi! Trang ném về phía bố nó lời đề nghị thẳng thừng, chắc nịch bằng khuôn mặt đẫm nước mắt. Con bé đứng chôn chân giữa nhà mà không hề hay biết bàn chân mình đang giẫm lên những mảnh chai vỡ vụn.

- Chị Trang… chân chị… chân chị Trang chảy máu kìa! Giọng thằng Tiến thất thanh trước cửa buồng khiến chị Thảo và cái Thục hốt hoảng, quên đau đớn, vực nhau dậy, chạy đến bên Trang.

{keywords}

Minh họa: ĐINH HƯƠNG

Trong ngôi nhà mái tôn cũ nát, lỗ chỗ những chấm sáng như sao trời, chị Thảo đang rửa vết thương, băng bó bàn chân cho con gái. Tiến phụ chị Thục quét đi quét lại nền nhà, tỉ mẩn nhặt từng mảnh chai vỡ còn lẩn khuất dưới chân bàn, chân ghế hay góc tường, kẽ đường chỉ gạch. Bên bộ bàn ghế cũ đã nứt nẻ từng thớ gỗ, lỗ chỗ mối mọt đặt giữa nhà, anh Côi ngồi như tượng gỗ, mặt đăm đăm, căng thẳng, lúc hậm hực, khi lại đưa tay lên vò đầu bứt tóc.

***

Vợ chồng chị Thảo lấy nhau khi cả hai mới vừa tròn 20 tuổi. Họ có với nhau 4 mặt con. Cái Thoa là con gái đầu của anh chị đang học đại học năm thứ hai trong thành phố. Cái Thục năm nay học lớp 12, Trang học lớp 10, còn thằng Tiến thì đang học lớp 8. Nhà nghèo, lại không có công việc ổn định, thêm bốn đứa con ăn học cùng lúc, với đủ thứ phải lo toan là lý do khiến vợ chồng anh chị cứ dăm bữa nửa tháng lại to tiếng, cãi vã, đánh nhau. Cả xóm không ai là không biết chuyện cơm không lành, canh không ngọt của gia đình anh Côi. Trách anh bao nhiêu, họ lại càng thương cho chị Thảo và sắp nhỏ bấy nhiêu.

- Thục… mặt em bị sao thế này? Có phải…

Cô giáo Lan, chủ nhiệm của Thục, gặp con bé ở cổng trường, thấy Thục đeo khẩu trang, mặt cúi xuống, buồn rười rượi nên gặng hỏi. Bình thường, Thục nhanh nhẹn, hoạt bát, gặp cô chủ nhiệm là chào hỏi rộn ràng. Nay lại im lặng khiến cô Lan càng khó hiểu. Bước lại gần Thục, cô thấy đôi mắt con bé sưng húp, bảo nó bỏ khẩu trang ra thì thấy một bên má Thục tím bầm. Thục tủi thân liền bật khóc. Như hiểu ra sự tình, cô Lan nhìn cô học trò của mình, lòng đầy thương cảm.

- Cô Lan… cô Lan ơi! Giọng chị Thảo gọi với cô giáo Lan cách một đoạn thật xa.

- Dạ, chào chị Thảo! Em đang định đến nhà thăm cái Thục. May quá gặp chị ở đây. Chị mới ra đồng về thì phải?

- Vâng cô ạ. Tôi ra thăm đám ruộng xem bữa nào có thể gặt được. À mà cô này… Giọng chị Thảo ngập ngừng vẻ khó nói. Chuyện… chuyện nhà tôi…

- Dạ. Em có nghe cái Thục kể lại…

- Cô thông cảm. Cũng vì… Chị Thảo kéo tay áo lên lau vội giọt nước mắt lăn tròn trên má, để lộ vết tím bầm hãy còn rõ mồn một. Chị mời cô giáo Lan về nhà, rót nước mời cô uống rồi thành thực trải lòng về hoàn cảnh gia đình mình.

Bố mẹ anh Côi chỉ có anh là con trai. Bố mẹ anh mong lắm có đứa cháu trai để nối dõi tông đường. Cưới chị Thảo về làm dâu con, ông bà cho vợ chồng chị miếng đất, còn lại, vợ chồng tự lực cánh sinh cất lấy ngôi nhà ở tạm. Khó khăn là thế nhưng anh Côi vẫn động viên vợ sinh đến khi nào có lấy đứa con trai thì thôi. Ráng mãi đến đứa thứ tư thì cũng được toại nguyện. Nhớ hồi chị em cái Thục còn nhỏ, anh Côi được tiếng thương vợ, thương con lắm. Dù vất vả nhưng anh vẫn cặm cụi làm ăn, lo toan cho gia đình. Anh còn an ủi vợ dù thế nào cũng sẽ cùng vợ cố gắng nuôi con. Những bữa cơm ngày mưa bão, ngày ba tháng tám chỉ với mắm muối, dưa cà thế mà ấm êm, vui vẻ, thuận hòa. 

Thế rồi, mấy đứa con lần lượt đến tuổi ăn tuổi học, anh Côi đâm ra trở tính. Ngày nào anh cũng uống rượu, nay ngồi với người này, mai ngồi với đám khác, nghe họ nói chuyện gia đình nhà này nhà kia có của ăn của để, chuyện con cái của họ chẳng học hành gì cao xa, vẫn gửi tiền về cho ba mẹ hằng tháng, rồi về nhà anh cứ thế trút giận lên mẹ con chị Thảo. Nào là “Vì chúng mày mà đời tao cứ mãi khổ thế này”, “Tao phải nai lưng ra làm để nuôi lũ chúng mày đến bao giờ,…”. Giọng anh Côi cứ thế rề rề từ xẩm tối đến đêm khuya khiến cho ngôi nhà vốn đã xập xệ, lại càng trở nên ngột ngạt, hiếm khi có được giây phút bình yên.

- Mẹ đừng sống cam chịu như thế này nữa! Nếu mẹ cứ chấp nhận sống thế này thì có ngày bố sẽ giết mẹ mất.

Mỗi lần chứng kiến cảnh mẹ bị bố đánh đập tàn nhẫn, Thục lại không cầm được nước mắt. Càng ghét và giận bố, nó lại càng thương mẹ. Nó không muốn mẹ nó phải khổ thêm vì bố nó, vì chị em nó. Thế nên nhiều lần nó thẳng thừng đề nghị mẹ ly dị bố cho rồi. Rồi nó định thôi học, xin đi làm công nhân may, phụ giúp mẹ nuôi chị và các em học. Chị Thảo nhất mực ngăn cản. Vì muốn cuộc đời các con sẽ không lặp lại đời mình, chị Thảo không cho đứa nào được nghỉ học, dù có chuyện gì xảy ra. Chị thủ thỉ:

- Bố dù thế nào cũng vẫn là bố của các con. Bố có đánh đập mẹ hay chửi mắng các con thì bố vẫn đang đi làm kiếm tiền lo cho các con ăn học. Các con còn nhỏ, rồi sau này lớn lên, các con sẽ hiểu...

Chị Thảo kể lại cho các con nghe khoảng thời gian hạnh phúc của gia đình những ngày gian khó trước đó, những cử chỉ yêu thương, quan tâm mà anh Côi dành cho các con. Kỳ thực, anh Côi rất thương vợ con. Chỉ tại… cái nghèo, cái khó đấy thôi. Chị những mong các con hiểu và thông cảm cho cha chúng để không đứa nào trách móc, oán giận nữa.

“Cô ơi! Chiều nay, bố em lại uống rượu. Bố bưng cả mâm cơm hắt ra giữa sân. Bố dọa giết mẹ em. Mẹ dẫn chị em em đi trốn, đợi bố ngủ mới dám về nhà…”. Tin nhắn của Thục đến lúc gần khuya làm cô giáo Lan giật mình. Nội dung những dòng tin nhắn càng khiến cô thêm nghĩ ngợi. Làm công tác chủ nhiệm cũng đã nhiều năm, thế nhưng hoàn cảnh đặc biệt như gia đình Thục thì cô ít khi gặp. Đã mấy lần cô Lan đến nhà anh Côi để trao đổi tình hình học tập của Thục nhưng chỉ gặp chị Thảo. Còn anh Côi khi thì vắng nhà, khi lại say khướt khiến cô không tiện mở lời.

Chị em Thục, đứa nào cũng ham học và sáng dạ. Đặc biệt là Thục. Con bé hoạt bát, nhanh nhẹn, năng nổ trong mọi hoạt động của lớp của trường. Chẳng những thế, Thục còn học rất giỏi môn Văn. Cách đây không lâu, nhà trường tổ chức thi tuyển chọn học sinh giỏi cấp trường, Thục đã đạt giải Nhất. Bài viết của Thục còn được thầy cô chuyền nhau đọc và vô cùng xúc động. Khi nghe cô giáo Lan kể về hoàn cảnh của Thục, thầy cô đều không khỏi thương cảm.

***

Hôm nay, anh Côi trở về nhà, vẻ mặt khác với thường ngày, không đỏ lừ vì rượu, miệng không lè bè quát nạt, cũng không gầm gừ chuyện sân vườn, cửa nhà chưa sạch sẽ hay cơm nước sớm, muộn như mọi hôm. Bữa cơm chiều của cả gia đình, chẳng ai nói với nhau một lời. Dò xét thái độ khác lạ của bố, chị em Thục càng thấy sợ. Đứa nào cũng muốn và nhanh bát cơm rồi đứng dậy để không phải chạm mắt bố chúng.

Buổi tối, anh Côi ngồi uống trà một mình, khuôn mặt đầy trầm tư nghĩ ngợi. Chị Thảo biết tính chồng nên cũng chẳng dám cất lời. Chị ngồi khâu lại chiếc áo cho thằng Tiến, còn chị em Thục thì ngồi vào bàn học bài, đứa nào đứa nấy thi thoảng lại nhìn nhau, vừa sờ sợ lại vừa khó hiểu.

- Mình này…! Anh Côi nhấp xong hớp trà rồi nhìn về phía vợ.

- Tôi…! Chị Thảo vắt chiếc áo vừa khâu xong lên đầu giường, bước lại bên bàn, ngồi đối diện chồng. Giọng chị nhẹ nhàng:

- Mình có chuyện gì khó nói… Từ chiều tới giờ, mẹ con tôi thấy mình khác lắm.

- Chuyện là… sáng nay, cô giáo Lan có đến nhà mình nói chuyện với tôi... Thêm cả chuyện ở làng bên, hay đâu có con bé trạc tuổi cái Thục vừa tự tử vì nhiều lần chứng kiến thấy cảnh cha nó đánh mẹ nó. Cả chuyện ước mơ của thằng Tí mồ côi ở đầu làng là được có cha, được cha ôm vào lòng như những đứa trẻ khác. Tự nhiên tôi thấy chột dạ. Tôi thấy bao năm qua đã đối xử không phải với mấy mẹ con. Tôi…

- Mình… Chị Thảo đưa tay áo lên quệt ngang hai hàng nước mắt, xúc động không nói nên lời. Nhìn dáng vẻ khắc khổ của chồng, bao nhiêu giận hờn như tan biến, thay vào đó là tình yêu thương, thấu cảm đến tội nghiệp.

Nhận được điện thoại của cô Lan chủ nhiệm gọi báo tin Thục đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, anh Côi mừng khôn xiết. Mấy hôm nay, chiều nào sau khi xong việc, anh cũng đều về nhà sớm thay vì bù khú rượu chè với bạn bè như trước. Cơm chiều được chị em Thục dọn ra giữa sân. Mâm cơm đạm bạc với món cá kho tiêu, món cà pháo cùng tô nước rau muống luộc… Đợi cả nhà quây quần đủ đầy bên mâm cơm, giọng anh Côi buông chùng:

- Từ nay, bố sẽ không uống rượu nữa. Bố sẽ cố gắng thay đổi. Chị em chúng mày cứ lo học cho tốt, mọi thứ còn lại bố mẹ sẽ lo hết.

- Thật thế không bố? Thằng Tiến hớn hở vui ra mặt.

- Bố hứa! Anh Côi nhìn vợ trìu mến rồi quay sang chị em Thục, gắp thức ăn cho từng đứa. Sau tiếng “dạ” đồng thanh, chị em Thục cùng nhau khoe thành tích học tập của mình cho bố mẹ biết. Chị Thảo chẳng còn gì hạnh phúc hơn khi cảm nhận được sự bình yên, ấm áp đã trở lại ngôi nhà nhỏ của mình sau những tháng ngày bão giông.

Truyện ngắn của An Viên
"Cô giáo ngoại"
(BGĐT) - Nhà tôi có “ba nàng tiên”. So với chị Ba, tôi và con Út thua đứt, từ khuôn mặt đến da dẻ, ngoại hình. Hai đứa tôi hay hỏi mẹ “lai” chị Ba chỗ nào, mà sao con cùng mẹ cùng cha mà chị như thiên nga còn hai em như cóc ghẻ. 
Khi mùa thu đi qua
(BGĐT) - Ngoài kia, mùa thu đẹp muốn tắc thở. Nắng tháng Mười vàng rực, trong vắt, lá cây khe khẽ rung, một cái ô tím vụt qua ô cửa. Những thảm xanh y hệt những vết màu 3D sâu thẳm.
Triền hoa thương nhớ
(BGĐT) - -Mẹ ơi, chú ấy tên Huân, là họa sĩ từ thành phố lên đấy mẹ! Con gặp chú ấy ở chân đồi.
Hoa vông đỏ
(BGĐT) - Đã chiều mà cái nóng kinh người vẫn hầm hập. Thụy vác bó cây săn lẻ đi trên con đường đất. Hai bên đường gió thổi bụi đất phủ kín những lùm cây dại, những căn nhà sơ sài mái tranh vách đất. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...