Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Điểm trường mùa lũ

Cập nhật: 10:00 ngày 20/11/2021
(BGĐT) - 1. Những đám mây đen từ đỉnh núi phía Tây, đột nhiên ùn ùn kéo đến, gió cuộn thổi, bốc từng đám lá khô ném lên cao rồi đưa đi xa, loạn xạ. Cả một vùng núi chuyển động, cảm giác ngả nghiêng, xô lệch. 

Dãy phòng học, mái lợp tôn, vách gỗ đóng ghép rung lên, mấy cánh cửa lỏng chốt cứ đập liên hồi, thông thống gió. Tiếng chân người sầm sập. Tiếng gọi nhau hoảng hốt. Mặt trời đang đỏ lựng cũng lặn chìm vào tầng tầng mây xám, khiến những tia nắng yếu ớt lịm tắt, bất lực.

Phụng nhìn bầu trời đen kịt ái ngại, sốt ruột gọi to qua căn phòng bên cạnh:

- Dung ơi, mau lên! Mưa rồi, kẻo không qua suối kịp!

Dung quýnh quáng, vơ vội chiếc áo mưa choàng lên người rồi lật đật chạy ra ngoài. Phụng lại giục:

- Nhanh lên đi. Mưa vầy nước suối dâng cao lắm đấy.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Dung vừa chạy vừa cài mũ bảo hiểm. Trận gió mạnh như thể đẩy thân hình bé nhỏ lùi lại phía sau nên cô phải cố rướn người. Khó khăn lắm Dung mới xuống hết con dốc nhỏ để ra đường. Phụng đã cầm chắc tay lái sắp vào số chiếc xe máy đã cũ, mua từ lúc mới lên đây công tác. Lặn lội suốt năm, trời nắng bám bụi đường, trời mưa lấm lem bùn đất khiến cái màu ban đầu ít ai nhận ra được.

Mưa bắt đầu tuôn xuống, cả một vùng chìm trong màn nước mờ đục. Chiếc xe máy ì ạch đưa hai giáo viên cắm bản về lại điểm chính cách đó chừng hai mươi cây số, nhiều đoạn phải qua suối, luồn rừng theo con đường mòn nhỏ.

2. Năm nay, Phụng và Dung phải dạy điểm lẻ chỉ có mấy phòng học tạm bợ dành cho ba khối một, hai và ba. Điểm lẻ mới có chừng 5 năm, chứ ngày trước, học sinh đều phải tập trung ngoài điểm chính, học bán trú, nhưng không hiệu quả. Các em nhớ nhà, nhớ rẫy, bỏ học nửa chừng. Những em không ở bán trú thì phải lội bộ quanh năm, mỏi mệt, chán nản cũng nghỉ học dần.

Điểm lẻ nằm trên lưng chừng dốc, từng năm giáo viên của trường phải luân phiên vào dạy ở cái bản xa xôi này.

- Phải về đến trường trước khi lũ dâng. Phụng nói trong mưa, tiếng vọng lại phía sau. Dung nghe nhưng không phản hồi, cô co rúm người vì lạnh, ôm chặt lấy mạn sườn đồng nghiệp chẳng ngại ngần gì. Nghĩ bụng, nếu mà ngượng ngùng, xấu hổ có khi xe qua mấy đoạn gồ ghề, lạng quạng bị hất xuống như chơi.

Một khoảng trời tối sầm đổ ụp xuống. Mưa cứ rơi rả rích. Gió hun hút luồn lách trong rừng keo hai bên đường, vang lên những âm thanh não nùng, hoang vắng. Từng chặp, chớp lóe sáng từng tia trên nền trời đen thẫm, liền sau đó là tiếng sấm ầm oàng. Cả một vùng đen tối nuốt chửng lấy hai con người đang cố gắng xé màn đêm về trường.

Chiếc xe theo hướng điểm chính. Đèn pha loang loáng nước. Đỉnh núi Cà Đam cao nhất trong dãy lùi lại sau lưng.

3. Có những bóng người đi lại lúp xúp trong tấm áo choàng ở phía trước, cạnh bờ suối. Dòng nước đen ngòm như một con trăn khổng lồ cắt ngang mặt đường đang tuôn ầm ào.

- Chết rồi, lũ đã dâng!

Phụng hét to. Dung rướn cổ lên nhìn. Dưới ánh đèn xe, nước và rác rều tuôn chảy, trông thật ghê sợ.

Con suối này, những ngày nắng, nước chỉ xâm xấp mắt cá chân. Một đoạn dốc chuồi xuống mép nước, thoai thoải. Thường khi đến nơi này, Phụng dừng xe lại cho Dung khỏa chân, vỗ nước lên mặt. Nước suối trong vắt, mát rượi xua tan cơn mệt mỏi. Nhưng những ngày mưa nguồn, nước ngập hết lòng suối. Con suối trở thành con quái vật, hung hãn và rộng mênh mông.

Dung đăm đắm nhìn dòng suối, lo lắng. Mấy người dân trông thấy hai giáo viên quen thuộc đã đến hỏi han. Người đàn ông thân thiện, bảo:

- Thầy cô lên nhà tui nghỉ, sáng mai rồi về. Trời tối, nước dâng như thế này nguy hiểm lắm.

- Đúng rồi đấy. Một người khác tiếp lời. Mưa to gió lớn như thế này không biết khi nào nước mới rút.

Phụng đẩy xe lên ngõ, Dung mệt nhọc theo sau. Một bếp lửa được nhen lên giữa nhà sàn. Người phụ nữ lui cui cho thêm củi vào bếp. Phụng và Dung ngồi xuống bên cạnh. Hơi ấm tỏa ra, bao bọc cả căn nhà.

Dung lân la, bắt chuyện:

- Lũ dâng nhanh quá cô nhỉ!

Người phụ nữ ngước mắt lên nhìn, vẻ cảm thông:

- Khổ thân thầy cô, cũng vì cái chữ cho con em đồng bào cả.

Nói rồi, người phụ nữ mở nắp thạp, lấy gạo nấu cơm.

Đêm ấy, Phụng và Dung không thể nào chợp mắt được dù buồn ngủ và mệt mỏi.

Ngoài trời mưa mỗi lúc một lớn.

4. Ở vùng núi non, độ dốc lớn này, chuyện lũ dâng, lũ cuốn xảy ra thường xuyên vào mùa mưa. Chỉ cần một trận mưa to, dòng suối có thể tràn nước, cuốn phăng mọi thứ chúng gặp trên thủy trình ra với sông Cái. Có nhiều vụ sạt lở núi, nhiều trận lũ chết người đã xảy ra. Mỗi lần qua suối mùa mưa là phải cảnh giác cao độ, không nên chần chừ một giây phút nào cả. 

Phụng khoan khoái hít thở không khí mát mẻ, trong lành của vùng núi non quen thuộc, cả tiếng chim gọi đàn huyên náo một vòm xanh. Anh nở một nụ cười thật tươi hướng về con đường đến điểm lẻ đã được nâng cấp, trải nhựa và những chiếc cầu nối hai đầu con suối mà anh đã nhìn thấy trong giấc mơ đêm qua.

Nếu nghe thấy biểu hiện của tiếng nước ầm ào vang lên cùng tiếng mưa gào, gió xé thì biết chừng mà tránh. Lúc ấy lũ đang tuôn xuống, tốc độ lớn, rất nguy hiểm. Gần mười năm công tác ở vùng này, Phụng và Dung lội qua suối biết bao lần và việc phải tá túc ở nhà dân thì đây cũng không phải lần đầu. 

Nhiều lúc nghĩ bụng, xin chuyển về thị trấn hoặc chuyển việc về thành phố làm công nhân cũng được. Nghĩ vậy thôi, ở vùng núi xa xôi này, khó có giáo viên nào trụ lại lâu được, họ luôn tìm cách chuyển trường. Nếu ai cũng nghĩ cho bản thân như thế thì lũ trẻ nơi đây mù chữ cả à.

5. Trời quang, nắng hửng, con đường như được tắm gội trông có vẻ rộng thoáng và sạch sẽ hơn. Dòng suối trở lại vẻ hiền hòa, chảy luồn qua những tảng đá, róc rách trôi. Cảm giác chưa từng có trận lũ vừa xảy ra trước đó mấy ngày. Phụng thong thả chạy xe, Dung ngồi đằng sau kể lại một chi tiết hay của bộ phim truyền hình mới xem tối qua làm cô xúc động. Phụng cười cười, nhủ thầm, đúng là phụ nữ, lãng mạn quá nhiều khi thành ra lãng xẹt. Chuyện trên phim ảnh mà cứ làm như ngoài đời rồi mủi lòng, thương vay khóc mướn.

Xe vừa đến quãng đường hẹp tránh gốc cây cổ thụ thì gặp đám học trò đi ngược chiều. Chúng khoanh tay, lễ phép:

- Chào thầy, chào cô ạ!

- Thầy, cô chào các em! Nhớ học giỏi, ngoan ngoãn nhé! Dung ngoái đầu, đưa tay vẫy vẫy, khích lệ.

Nhóm trẻ hồn nhiên, vô tư như đàn chim dù đường từ nhà đến trường xa xôi, phải dậy thật sớm. Có em không kịp ăn sáng, đến trường thầy cô cho ăn, khi thì gói mì, lúc thì nắm xôi. Nghĩ mà thương bọn chúng lắm.

6. Lại mưa nữa rồi. Phụng đứng ở cửa phòng tập thể nhìn ra xa, lo lắng. Màn mưa giăng giăng trắng xóa cả một vùng, hạn chế tầm nhìn của anh. Phía trước khu nhà tập thể, dưới thung lũng là những thửa ruộng bậc thang, lúa vừa chắc hạt, ươm vàng. Trên mấy quả đồi lúp xúp xen lẫn với những đám ruộng là nhà dân mọc lên rải rác. Cảnh trông thơ mộng, yên bình. Nhiều lần, Phụng lấy điện thoại chụp hình đăng facebook. Bạn bè xem, ai cũng khen cảnh đẹp, sống ở đấy chắc lý tưởng lắm nhưng họ đâu biết rằng người dân còn khổ lắm, cái ăn chưa no, cái lo chưa tới.

- Anh Phụng ơi, ngoài sông có học trò đuối nước! Dung lật đật chạy từ đâu về, hớt hải.

- Cái gì? Phụng hỏi lại rồi chạy theo đám người vừa mới nghe tin chạy ra hướng bờ sông.

Con sông mùa mưa lũ nước đã tràn bờ. Một nhóm người lố nhố, la hét, chỉ trỏ. Một cậu bé trượt chân ngã vào hố nước rộng nằm sát mé sông, đang chới với. Không ai biết bơi cả. Phụng để nguyên quần áo, lao ùm xuống. Nước ngập quá đầu khiến Phụng loạng choạng, ngộp nước khi chân chạm xuống lớp bùn non mềm lạnh. Gió u u, nước đục ngầu xô Phụng ra xa khỏi mục tiêu mà anh đang hướng tới. Anh rướn người lên bơi. Tay anh đã chạm trúng thân thể đuối sức, dần chìm xuống của cậu bé.

Mọi người xôn xao khi Phụng đưa được cậu bé lên bờ. May quá, cậu bé chỉ hớp vài ngụm nước sau đó nôn ra, gương mặt xanh tái. Phụng thở phào nhẹ nhõm. Mưa vẫn xối xả. Nước chảy thành dòng trên gương mặt của anh.

7. Lại một tuần học nữa đã hết. Ngày nghỉ, Phụng dậy sớm đi tập thể dục vòng quanh sân điểm trường chính. Bình minh vừa ló dạng, những giọt sương đêm còn đọng trên lá cây, trên vạt cỏ dại. Những tia nắng ban mai đang buông xuống, mỏng như tơ vàng.

Phụng khoan khoái hít thở không khí mát mẻ, trong lành của vùng núi non quen thuộc, cả tiếng chim gọi đàn huyên náo một vòm xanh. Anh nở một nụ cười thật tươi hướng về con đường đến điểm lẻ đã được nâng cấp, trải nhựa và những chiếc cầu nối hai đầu con suối mà anh đã nhìn thấy trong giấc mơ đêm qua.

Truyện ngắn của  Sơn Trần

Hồn xoan
(BGĐT) - Sớm mai, nhà ông Khắc có tiếng khởi động của cái xe máy cóc ghẻ, con cub 81 cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng... 
Vị muối
(BGĐT) - Nhiều người bảo biết gì khổ nấy. Ông Hỏa không công nhận. Thế ông biết buôn kiếm tiền nuôi vợ con cũng khổ à? Mấy chục năm bươn bả bán muối khiến mùi mồ hôi túa ra cũng xè xè mặn. 
Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...