Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Cập nhật: 07:58 ngày 19/11/2021
(BGĐT) - Con người ta ai cũng phải học, không học nhiều cũng học ít. Trước tiên là học chữ và cùng với đó học làm người, tức là học đạo đức lối sống với gia đình, xã hội. 

Ông cha ta đã dạy: “Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý”, nghĩa là ngọc không mài giũa không thành đồ quý, người không học sẽ không biết lẽ phải. Học tất phải có người dạy – người dạy dù là nam hay nữ được gọi chung là thầy. Người xưa đã có câu ca khuyên bảo:

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

{keywords}

Thầy đồ dạy học ngày xưa. Tranh sưu tầm.

Dù người dạy nửa chữ (bán tự), một chữ (nhất tự), một ngày (nhất nhật) cũng là thầy. Chúng ta thường nghe câu đó: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Người thầy có thể dạy ở một trường bề thế, khang trang nhưng cũng có những người thầy dạy ở xóm, ở làng với lớp học tuềnh toàng. 

Dẫu vậy: Thầy làng không sang cũng trọng. Ngày nay có những người tàn tật vẫn thiện nguyện làm thầy dạy các trẻ em nghèo hiếu học. Tại vùng biên viễn có các đồng chí bộ đội, công an mở lớp học cho trẻ ngay tại bản làng. Chính nhờ thầy mà chúng ta trưởng thành về tri thức và cuộc sống. Phải, không thầy đố mày làm nên. Có bao câu răn dạy con cháu của ông bà ta từ xưa. “Ăn quả nhớ người trồng cây/ Có danh có vọng nhờ thầy xa xưa”. “Công cha, áo mẹ, chữ thầy/ Ơn sâu, nghĩa nặng không ngày nào quên”… Bởi vậy đã có tục lệ tốt đẹp hàng năm: Mùng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy.

Tôi đã có 20 năm dạy học, chứng kiến rất nhiều em tôn sư trọng đạo. Nhiều em có danh vọng vẫn luôn nhớ ơn thầy thuở trước. Các buổi họp lớp do các em tổ chức đều mời thầy, cô đến chia vui, tri ân. Lại nói, trò luôn phải biết ơn, kính trọng thầy. Đó là truyền thống luân lý, đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Cách đây hơn 200 năm nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) đã cảnh báo một trong năm nguy cơ mất nước khi “trò không trọng thầy.”

Thầy có vị trí quan trọng trong xã hội. Ngay từ thời phong kiến, người thầy được đứng sau vua trên cả cha mình, ấy là Quân – sư - phụ. Với vị trí, vai trò ấy, dĩ nhiên thầy phải ra thầy. Người thầy phải thực sự gương mẫu, là tấm gương sáng về nhân cách từ lời ăn tiếng nói đến lối sống trong gia đình và xã hội. Người thầy còn phải trang bị cho mình có “gia tài” về tri thức không chỉ là kiến thức giảng dạy mà cả cuộc sống. 

Người xưa đã nói: Một gánh sách không bằng một thầy giỏi; Sách vở một rương, kỷ cương một tủ mới đủ làm thầy. Rõ ràng thầy phải làm cho trò “tâm phục, khẩu phục”, được trò coi là người thân ruột thịt, nghĩa tựa cha con.

Từ xa xưa tới nay, giáo dục luôn được xã hội hết sức coi trọng. Trong Chiếu lập học cách đây hàng trăm năm vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã chỉ dụ: Dựng nước lấy dạy học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc. Một nhà bác học đã khẳng định: “Giáo dục là sách lược giữ nước ít tốn kém nhất”. 

Ai cũng rõ, tri thức tự nó đã là sức mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.” Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. 

Thực tế đúng như vậy. Chúng ta đều hiểu rằng đầu tư cho kiến thức là đầu tư sinh lợi nhất. Một xã hội không biết trọng tri thức thì không thể thoát được lạc hậu, đói nghèo. Mục đích chính của giáo dục không phải chỉ là trang bị kiến thức mà là tạo ra con người hành động, con người với ý nghĩa cao đẹp của nó.

Chúng ta đã có lớp lớp thế hệ học trò xứng đáng với truyền thống tốt đẹp dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta cũng có lớp lớp thầy, cô giáo xứng đáng với danh xưng cao quý, đóng góp to lớn vào việc nâng tầm vị thế đất nước từ xưa tới nay. Dân tộc Việt Nam tự hào vì có đội quân trùng điệp thầy trò như thế.

Bởi vậy, mãi mãi là:

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Hay:

Những thầy dạy học khai nhân

Nghìn thu để tiếng muôn phần thơm lâu.

Giang Kế Nhân

Vinh danh các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021
Sáng 14/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021.
Bắc Giang có hai nhà giáo được vinh danh tiêu biểu toàn quốc năm 2021
(BGĐT) - Dự kiến ngày 13 và 14/11, tại TP Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình “Tri ân thầy cô” nhằm tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu năm 2021. Trong số 191 giáo viên và cán bộ quản lý có nhiều thành tích được vinh danh, tỉnh Bắc Giang có hai nhà giáo đó là: Đoàn Thị Thuý, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Lục Nam; Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thắng (Hiệp Hoà). 
Tuyên dương 50 nhà giáo có sáng kiến giảng dạy trong đại dịch
Từ 116 hồ sơ trên khắp cả nước, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã lựa chọn 50 gương mặt tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy trong điều kiện khó khăn để tuyên dương, đồng thời khởi động chương trình “Báo chí chia sẻ cùng thầy cô” dành cho nhà báo, phóng viên.
Bắc Giang: Thêm 7 thầy, cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú
(BGĐT) - Chủ tịch nước vừa ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 917 thầy giáo, cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Trong số này, tỉnh Bắc Giang có 7 Nhà giáo Ưu tú. 
Bắc Giang có 2 nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc
(BGĐT) - Tối 19/11, tại TP Hà Nội, T.Ư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tuyên dương 99 nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc lần thứ II - năm 2020. Cô giáo Doãn Thị Hồng Hà (SN 1987), Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học Tân Mỹ (TP Bắc Giang) và cô giáo Nguyễn Thị Ngọc (SN 1987), Tổng Phụ trách Đội Trường THCS An Châu (Sơn Động) là hai đại biểu của Bắc Giang được tuyên dương trong dịp này. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...