Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Không nói

Cập nhật: 04:00 ngày 26/12/2021



Dừng chân trong mưa bay

Liếp nhà ai ánh lửa

Yên lặng đứng trước nhau

Em em nhìn đi đâu

Em sao em không nói

Mưa rơi ướt mái đầu

Mỗi đứa một khăn gói

Ngày nào lần gặp sau

Ngập ngừng không dám hỏi

Chuyến này chắc lại lâu

Đoàn thể gọi

Chiều mờ gió hút

Nào đồng chí - bắt tay

Em

Bóng nhỏ

Đường lầy.

Nguyễn Đình Thi

Lời bình:

Sau Cách mạng Tháng Tám, giặc Pháp quay trở lại, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cùng các văn nghệ sĩ cách mạng sớm có mặt trên các nẻo đường kháng chiến. Giai đoạn ấy, vì mục tiêu tuyên truyền cho kháng chiến trường kỳ, thơ ca ít viết về những tình cảm riêng tư, tình yêu đôi lứa. Thế nhưng, đọc những bài thơ của Nguyễn Đình Thi, bên cạnh chất sử thi hoành tráng và âm hưởng anh hùng ca chói ngời về đất nước, vẫn thấy sôi nổi một trái tim yêu tha thiết, nồng nàn tình yêu lứa đôi. “Không nói” là một trong những bài thơ như vậy.

Bài thơ “Không nói” được nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết tại Nhã Nam (Tân Yên, Bắc Giang) ngày 18/2/1948. Do yêu cầu công tác, thời gian này, ông cùng các nhà văn Nguyên Hồng, Kim Lân, Ngô Tất Tố…, các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn… về sơ tán tại ấp Cầu Đen, xã Quang Tiến, Tân Yên (nay là “Đồi Văn hóa kháng chiến” - Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh) để tiện lợi cho việc sáng tác và liên lạc với chiến khu Việt Bắc.

{keywords}

Minh họa: ĐH

“Không nói” kể về khoảnh khắc ngắn ngủi của hai người yêu (cũng có thể mới chỉ là hai người đồng chí) bất chợt gặp nhau trên đường công tác, rồi lại vội vã chia tay khi lời thương vẫn chưa ngỏ cùng nhau. Trong kháng chiến, tình huống này không hiếm gặp. Thế nhưng, khi câu chuyện ấy được kể lại qua ngòi bút tài hoa và trái tim rực cháy yêu thương của nhà thơ Nguyễn Đình Thi xúc động và cuốn hút đến vậy.

Cảm nhận đầu tiên cho thấy đây là một bài thơ rất lạ về cách thể hiện. Dẫu ngôn ngữ thơ rất giản dị nhưng đọc một lần không dễ hiểu những ý tứ sâu xa. Cứ phải ngẫm nghĩ, đọc đi đọc lại. Cái lạ, cái độc đáo được thể hiện trong nội hàm giữa các câu thơ, khổ thơ, vần điệu. Cách miêu tả ngay trong hai câu thơ mở đầu đã đầy khác lạ: "Dừng chân trong mưa bay/Liếp nhà ai ánh lửa". Cứ ngỡ sau câu thơ: “Dừng chân trong mưa bay”, hai nhân vật chính là anh và em, cùng sự vỡ oà cảm xúc của cuộc gặp gỡ bất ngờ phải được nhắc tới. Vậy mà, vẽ tiếp bức tranh khung cảnh hai người gặp nhau lại là hình ảnh “Liếp nhà ai ánh lửa”. Mới đọc tưởng chừng không ăn nhập, nhưng đây lại là một sự miêu tả đầy hàm súc, tinh tế. Câu thơ không ồn ào mà lắng sâu. Hình ảnh ánh lửa trong buổi chiều xuân mưa bay không chỉ là câu thơ tả thực mà lấp lánh hình ảnh ẩn dụ, gợi ta nghĩ đến cảm giác bình yên, ấm áp trong những căn nhà. Sự bình yên của ước vọng hạnh phúc.

Những câu thơ tiếp theo là lời đối thoại. Thực ra, đó chỉ là lời đối thoại nội tâm từ một phía - Một mình anh xáo động một mình anh: “Yên lặng đứng trước nhau/Em em nhìn đi đâu/Em sao em không nói”. Bài thơ rất kiệm lời. Vậy mà, trong cuộc “đối thoại” này, điệp từ em được lặp lại hai lần trong một câu thơ 5 chữ. Đặc biệt, tác giả đã để hai đại từ nhân xưng chỉ cùng một chủ thể đứng cạnh nhau: “Em em nhìn đi đâu”. Rồi lại dồn dập, thoải mái như đang nói chuyện: “Em sao em không nói”. Sự sáng tạo trong những câu thơ trên đã thể hiện rõ nỗi sốt ruột đợi chờ. Có một ngọn lửa đang cháy trong trái tim chàng trai.

Vẫn với những câu thơ dung dị mà giàu hình ảnh gợi tả, khổ thơ tiếp theo đã khắc hoạ rõ không gian chiều mưa bay và hình ảnh hai người trước lúc chia tay: “Mưa rơi ướt mái đầu/Mỗi đứa một khăn gói/Ngày nào lần gặp sau/Ngập ngừng không dám hỏi/Chuyến này chắc lại lâu/Đoàn thể gọi”. Đọc những câu thơ trên cứ thấy cổ họng nghèn nghẹn, xao xuyến một niềm thương. Đặt bài thơ vào bối cảnh lịch sử năm 1948, khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn đầu ác liệt càng thấy xúc động. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, thanh niên cả nước lên đường với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Không ai nghĩ tới riêng tư. Những chàng trai cô gái trẻ đi kháng chiến vẫn dạt dào trái tim yêu và khát khao về hạnh phúc. Nhưng đặt lên cao hơn tình yêu đôi lứa vẫn là Tổ quốc, là “Đoàn thể gọi”. Không thể nói lời yêu khi việc nước chưa tròn. Hiểu được bối cảnh ra đời của bài thơ, chúng ta mới hiểu vì sao người con trai và người con gái trong bài thơ lại: “Yên lặng đứng trước nhau/Em em nhìn đi đâu” và “Ngập ngừng không dám hỏi”. Đồng thời mới hiểu ý tứ sâu xa khi tác giả đặt tên bài thơ là “Không nói” (chứ không phải là “Chưa nói” hay “Chưa kịp nói”).

Nguyễn Đình Thi là một chiến sĩ cách mạng, một nhân cách lớn, một nghệ sĩ đa tài trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông sáng tác và thành công ở tất cả các lĩnh vực thơ, văn, nhạc, kịch. Người ta nói trong thơ ông có nhạc, họa. Chỉ qua một bài thơ nhỏ “Không nói” đã thấy rõ điều ấy. Khổ cuối bài thơ giống như một bức tranh điêu khắc: “Chiều mờ gió hút/Nào đồng chí - bắt tay/Em/Bóng nhỏ/Đường lầy”. Hình dáng bé nhỏ của người em gái trong “Chiều mờ gió hút” gợi lên bao niềm thương và là điểm nhấn “hút” mắt người đọc nhất trong bài thơ này. Chỉ với mấy nét chấm phá qua bài thơ “Không nói”, Nguyễn Đình Thi đã khắc hoạ rõ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mà ông hằng kính trọng, yêu thương, ngưỡng mộ: “Vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần”.

Đã hơn 18 năm, kể từ ngày Nguyễn Đình Thi vĩnh biệt chúng ta (ngày 18/4/2003). Thế nhưng, tên tuổi ông, những áng văn, hồn thơ, âm hưởng hào hùng trong giai điệu nhạc “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội” của ông vẫn hiển hiện như những vì sao lấp lánh trong lòng người hâm mộ. Chỉ với bài thơ nhỏ “Không nói”, nhưng ông đã nói với chúng ta thật nhiều về tình yêu, về lý tưởng của một thế hệ trẻ đã cống hiến, hy sinh vì cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Và chúng ta, mỗi lần “Dừng chân trong mưa bay” nơi thị trấn Nhã Nam lại bồi hồi, tha thiết nhớ về ông.

Lê Huyền (Chọn và bình)
Bắc Giang: 155 tác phẩm đoạt giải cuộc thi vẽ tranh, clip tuyên truyền về ATGT
(BGĐT) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang vừa công bố 155 tác phẩm đoạt giải cuộc thi vẽ tranh, video clip tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Báo Bắc Giang có một tác phẩm đoạt giải báo chí toàn quốc về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021
(BGĐT) - Ngày 8/12, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc viết về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...