Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bức tranh đặc biệt bằng nhôm của họa sĩ Lê Duy Ứng

Cập nhật: 11:31 ngày 30/04/2022
(BGĐT) - Bức tranh “Thần tốc - Táo bạo - Quyết thắng” của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng được trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 2 gây ấn tượng mạnh với khách tham quan bởi chất liệu, nội dung đặc biệt. Người vẽ tranh dùng bàn tay để cảm nhận nghệ thuật vì khi đó ông bị hỏng một mắt do bom đạn quân thù.

Đại tá Lê Duy Ứng (SN 1947) ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Năm 1971, khi đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông lên đường nhập ngũ, biên chế tại Đại đội 20, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2). 

{keywords}

Bức tranh "Thần tốc - Táo bạo - Quyết thắng" của họa sĩ Lê Duy Ứng.

Là cán bộ văn hóa của đơn vị, đồng chí bám sát từng trận đánh để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, đồng thời vẽ rất nhiều bức tranh nhằm cổ vũ, động viên bộ đội. Ngày 28/4/1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông cùng đồng đội anh dũng chiến đấu và bị thương hai mắt. Sau một thời gian điều trị, mắt trái của ông nhìn lại được song mắt phải bị hỏng vĩnh viễn.

Cuối năm 1982, họa sĩ Lê Duy Ứng về Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) công tác thì nhìn thấy cán bộ, chiến sĩ sử dụng các tấm đuy-ra (là vật liệu bằng nhôm quân địch sử dụng làm đường băng sân bay dã chiến) để củng cố doanh trại. Được biết, đây là chiến lợi phẩm ta thu được trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972. 

Nhìn những tấm nhôm sáng trắng, mịn, họa sĩ Lê Duy Ứng nghĩ ngay đến việc sử dụng chúng làm nguyên liệu khắc tranh. Biết ý định đó, Sư đoàn trưởng Nguyễn Văn Rinh (lúc bấy giờ) tặng ông hai tấm. Ông háo hức mang về Hà Nội và ngay lập tức bắt tay vào sáng tác một bức tranh khắc họa trọn vẹn những chiến công tiêu biểu của Quân đoàn 2 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975.

Ban đầu, việc khắc tranh vô cùng khó khăn vì những tấm đuy-ra vừa cứng vừa nặng, nhưng người thương binh ¼ ấy đã quyết tâm thì khó mấy cũng làm. Ông chia nhỏ các tấm, miệt mài cưa, cắt, ghép, nhiều lúc mắt đau nhức, nước mắt giàn giụa, lưỡi cưa xấn cả vào ngón tay. Ròng rã mấy tháng, bộ phôi tranh đã hoàn thành. 

Để có dụng cụ đục, khắc, ông lặn lội vào làng rèn Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) để nhờ làm cho bộ đục gồm 10 chiếc. Ngày đó, ông sống trong khu tập thể Định Công (Hà Nội), mỗi lần đục phát ra âm thanh rất khó chịu. Ông phải nhét bông vào tai để giảm tiếng ồn và lựa thời điểm vắng vẻ mới mang ra làm. 

Cầm chiếc búa nặng làm việc liên tục, bàn tay họa sĩ Lê Duy Ứng bị phồng rộp, đau rát, chảy máu. Đục khắc xong, ông tỉ mỉ ghép mảnh, phụ màu. Trong hai năm 1983 và 1984, bức tranh bằng nhôm đã hoàn thành với chiều dài 3,6 mét, chiều rộng 1,2 mét. Ông đặt tên cho “đứa con” của mình là “Thần tốc - Táo bạo - Quyết thắng”.

Theo chiều từ trái sang phải, họa sĩ Lê Duy Ứng thể hiện một loạt sự kiện lịch sử. Đó là sự kiện cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch Trị Thiên - Huế, chiến dịch Đà Nẵng đến cuộc hành quân thần tốc dọc duyên hải miền Trung và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. 

Điểm nhấn của bức tranh còn là hình ảnh sóng biển, ban đầu là những con sóng nhỏ, càng về sau càng cuộn trào, mạnh mẽ, lan rộng. Họa sĩ Lê Duy Ứng giải thích, đó là biểu tượng cho sự tiến công và hành quân ngày càng thần tốc, táo bạo của Binh đoàn Hương Giang. Đây cũng là ngọn sóng cách mạng, tinh thần quật khởi của nhân dân, như con sóng thần cuốn phăng kẻ thù xâm lược.

Ở chính giữa bức tranh là hình ảnh chiến sĩ vừa đội mũ tăng (đơn vị tăng thiết giáp) vừa đeo súng AK (lực lượng bộ binh). Chiến sĩ ấy đại diện cho binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 để làm nên chiến công vang dội ngày 30/4/1975. Chiến công đó không thuộc về một đơn vị hay cá nhân nào mà là của toàn Quân đoàn, Quân đội và cả dân tộc ta.

Ngày 17/5/1984, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Quân đoàn, họa sĩ Lê Duy Ứng đã tặng bức tranh cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2. Bao năm qua, bức tranh ấy cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác của họa sĩ Lê Duy Ứng được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Quân đoàn 2. 

Năm 1992, ông mượn lại bức tranh để trưng bày tại cuộc triển lãm ở Hà Nội nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tại cuộc triển lãm, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao tinh thần cố gắng, vượt lên hoàn cảnh thương tật để cống hiến cho nghệ thuật của họa sĩ Lê Duy Ứng. Đại tướng nhận xét: “Xem những bức tranh, những pho tượng của nghệ sĩ Lê Duy Ứng, tôi rất cảm phục. Người đều có thần, cảnh đều có hồn. Cả nước đang đứng lên sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp của Bác Hồ và Đảng…”

Đại tá Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 2 cho biết thêm, bức tranh “Thần tốc- Táo bạo - Quyết thắng” là một trong những hiện vật giá trị của Bảo tàng. Bức tranh không những độc đáo về chất liệu và nội dung mà còn độc đáo về hoàn cảnh ra đời, ý chí, sự quyết tâm của tác giả. Thông qua bức tranh bằng nhôm của họa sĩ Lê Duy Ứng, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân hiểu thêm tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân ta. Từ đó xây đắp niềm tự hào, ý thức, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đinh Thuận

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Một tài năng hội họa
Họa sĩ Trần Khánh Chương là người có kiến thức sâu rộng về nghệ thuật tạo hình, sáng tác trên nhiều loại hình như hội họa, đồ họa, gốm, là tác giả của nhiều bài báo, bài nghiên cứu mỹ thuật.
Các nữ anh hùng trên đường Hồ Chí Minh lịch sử
Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trở thành điểm hẹn của lớp lớp cán bộ chiến sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến, được cơ cấu tổ chức thành các binh chủng hợp thành thiện chiến với đầy đủ các thành phần cơ cấu gồm hơn 10 vạn quân và hơn 1 vạn TNXP. Trong số đó, nữ chiến sĩ chiếm số lượng trên 10%, lúc cao nhất có gần 2 vạn nữ chiến sĩ Trường Sơn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ
(BGĐT) - Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2022), sáng 29/4, Tỉnh ủy- HĐND- UBND- Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức lễ viếng và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tỉnh và Tượng đài Ngô Gia Tự (TP Bắc Giang).
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...