Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm chiến trường

Cập nhật: 10:16 ngày 20/05/2022
(BGĐT) - “Anh hỏi tôi những chuyện nhớ nhất về cuộc chiến chống Mỹ ư? Dào ôi, có cơ man chuyện. Tôi không kể về cuộc chiến đấu ác liệt giành giật cao điểm, về chiến thắng vang dội của đơn vị mà là chuyện khác - một quyết định vô cùng nặng nề, khó khăn mà đến chết cũng không sao quên được. Đời lính của tôi nhớ nhất vẫn là chuyện hy hữu này”.

“Anh hỏi tôi những chuyện nhớ nhất về cuộc chiến chống Mỹ ư? Dào ôi, có cơ man chuyện. Tôi không kể về cuộc chiến đấu ác liệt giành giật cao điểm, về chiến thắng vang dội của đơn vị mà là chuyện khác - một quyết định vô cùng nặng nề, khó khăn mà đến chết cũng không sao quên được. Đời lính của tôi nhớ nhất vẫn là chuyện hy hữu này.”

Ông Huy - Đại tá, cựu chiến binh thong thả kể về chiến trường thuở trước với giọng trầm ấm. Ông vốn kiệm lời, ít nói về chiến tranh, về mình. Hẳn ông thấy tôi đi lại nhiều lần và có vẻ ham thích về cuộc vệ quốc đã qua nên mới vào chuyện.

*

* *

Chín rưỡi đêm. Cuộc họp chi ủy được triệu tập ngay tại căn hầm chỉ huy theo đề nghị của Đại đội trưởng Ngô Bá Huy. Ánh sáng lù mù của đèn dầu làm từ lọ mực không đủ chiếu khắp hầm và sáng rõ ba người. Không gian im ắng lạ lùng. Chỉ nghe tiếng gió thì thào ở đâu đó vọng vào và thi thoảng tiếng côn trùng yếu ớt từ nơi xa.

Huy dõng dạc mở đầu:

- Qua hai cuộc oanh tạc của B52, tôi theo dõi lần sau cách lần trước đúng mười lăm phút. Chúng đánh kiểu răng bừa. Cái kiểu đánh từng nấc xuống này, đơn vị ta sẽ dính bom hết. Tôi đề nghị cần phải di chuyển ngay theo phương án đã định.

Bình, Chính trị viên phó, gật gù:

- Nó đánh ác thật, suốt từ mười giờ. Chả lẽ có bọn chỉ điểm. Mà không chừng do bọn OV10 quần lúc chiều. Máy bay trinh sát này cũng khiếp lắm.

Lượng - Bí thư, cau mặt. Anh ghét nhất sự phỏng đoán. Hình như trong cấp ủy đã có biểu hiện suy sụp chiến đấu trước cuộc chiến ác liệt. Thế thì sao làm gương cho lính mới đang ở đây. Anh cất giọng chắc nịch:

- Giặc thả bom hú họa thôi. Chúng muốn thăm dò lực lượng ta. Bây giờ hơn lúc nào hết, chúng ta phải giữ vững kỷ luật, ý chí chiến đấu. Di chuyển tức là bỏ chạy. Ở chiến trường, đâu chẳng có bom đạn. Một điều nữa, khi không có lệnh cấp trên, chúng ta không có quyền hành động tự phát - Anh đưa mắt nhìn Bình đang ngồi thu lu bó gối – Ý đồng chí thế nào?

- V…â…ng, nhất trí – Bình vội đáp.

Huy xẵng giọng:

- Lúc này không phải bỏ chạy mà là để bảo đảm lực lượng chiến đấu, tiếp sức mặt trận. Không thể ngồi đây chờ chết.

- Quyết định lúc này là người chỉ huy quân sự. Đồng chí phải thận trọng và phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Trung đoàn. Ý kiến của tôi là thế, không thay đổi.

Cuộc họp giải tán. Mọi người trở về hầm của mình.

Huy ngồi thừ, nghĩ mông lung. Thiện, liên lạc đại đội mới mười chín tuổi, thi thoảng vẫn buột miệng gọi anh là bố, đang ngủ gà ngủ gật.

Sinh mạng nghìn người đặt lên vai anh. Được giao trạm trưởng, Huy ngoài việc chỉ huy đại đội thương bệnh binh nhẹ về đây phục sức để tiếp tục chiến đấu lại phải gánh vác quản lý tiểu đoàn tân binh vừa chân ướt chân ráo vào đây để bổ sung cho các đơn vị miền Đông Nam Bộ. Không hiểu từ đâu mà bọn giặc đã biết lực lượng vũ trang ở chỗ này? Hú họa ư? Không thể. Chập tối cho đến hơn chín giờ vẫn im ắng lắm. Toàn đơn vị đều ở trong hầm, không hề để lộ ánh sáng hoặc tiếng động mạnh nào. Vậy mà đúng mười giờ, máy bay B52 từ phía Thái Lan và Hạm đội 7 từng tốp ba chiếc kéo đến rải bom. Ban đầu chỉ nghe tiếng ì ì xa xa rồi loạt bom đánh xuống. Mặt đất khẽ rung lên. Đơn vị Huy đóng cụm với chiều dài trên năm trăm mét và chiều rộng chừng ba chục mét. Nếu bị dính bom B52, đơn vị sẽ thương vong hết. Ở lại, không di chuyển tức là chấp nhận thảm họa vì dải rừng này nằm trong khu vực địch tự do oanh tạc. Cấp trên chưa rõ thực trạng khu vực này hay là muốn tạo thế bất ngờ với địch cho chiến dịch sắp tới? Chúng ta cứ ngồi tại chỗ chờ chết khi chưa có lệnh cấp trên? Nhưng làm sao họ biết được đêm nay chúng giội bom?

Xung quanh hầm chỉ huy vẫn tĩnh lặng. Lúc lúc nghe khe khẽ tiếng phì phò của mấy con bò cột ở thân cây bộp và mấy con lợn cựa quậy ở trong chuồng tạm ở phía hầm nấu ăn. Cùng với gạo, bò, lợn là nguồn dự trữ thực phẩm của đơn vị trong thời gian tạm trú chỗ này.

Bỗng những tiếng ì ầm vọng tới và chỉ trong phút chốc, cả khu rừng rung lên bần bật. Loạt bom này sắp đến chỗ đây rồi. Có lẽ chỉ già nửa tiếng nữa thôi, chúng sẽ đánh vào. Huy bần thần. Một là giữ sinh mạng chiến sĩ. Hai là không di chuyển. Chờ lệnh cấp trên? Nhưng khi có lệnh đến, đơn vị không còn một ai. Người chỉ huy để đâu? Sao lại không quyết định? Cấp bách lắm rồi. Do dự là chết.

Huy bật dậy vỗ vai Thiện:

- Cậu đi gọi tất cả cán bộ đại đội, trung đội của đại đội ta với cán bộ tiểu đoàn tân binh về đây họp gấp. Năm phút phải có mặt đầy đủ. Mau lên!

Huy ra khỏi hầm, đi tới gặp Lượng.

Cuộc họp ban chỉ huy mở rộng tới tất cả cán bộ nòng cốt. Huy rắn rỏi:

- Loạt bom B52 vừa rồi đã đánh rất gần đơn vị. Tình hình vô cùng nghiêm trọng. Bây giờ không phải là lúc luận bàn. Với cương vị chỉ huy, tôi ra lệnh, địch đánh hết đợt thứ ba, toàn đơn vị phải lập tức di chuyển theo phương án đã định, chạy càng nhanh càng tốt. Tôi nhắc lại, lập tức di chuyển. Chúng ta chỉ có mười lăm phút bởi vậy chỉ cần mang vũ khí còn bỏ lại hết. Chậm là chết. Đây là mệnh lệnh, phải được phổ biến ngay đến từng hầm chiến sĩ. Giải tán!.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương.

Mọi người ra khỏi hầm, Lượng lầm lì bước ra sau cùng, dằn giọng: “Tôi nhắc lại, đồng chí phải chịu trách nhiệm về quyết định vội vã này.”

Lát sau, tiếng B52 vọng tới. Mặt đất như con thuyền trong sóng to. Cây cối đổ rào rào phía trước. Huy kéo Thiện ra khỏi hầm. Đứng bên cửa hầm, Huy khoát tay hét trước các chiến sĩ nhốn nháo xung quanh:

- Chạy nhanh lên! Nhanh nữa lên!

Anh chạy tới chạy lui hô vang giục giã toàn đơn vị cho đến người cuối cùng. Anh nhìn khắp phía xem còn sót ai nữa không rồi mới chạy ra ngoài. Có tiếng máy bay gầm rú rồi tiếng “ịch” rất nhẹ. Huy ngất đi, lát sau bừng tỉnh. Anh đang nằm bên gốc cây bị đổ bên ụ đất. Máu mũi, lỗ tai chảy ra bê bết trên mặt. Vậy là B52 đã giội bom.

- Thiện ơi! – Anh gọi vang.

Không có tiếng đáp. Anh rùng mình. Thiện đã hy sinh rồi?.

Lát sau, Thiện chạy tới:

- Bố ơi, con đây.

Thì ra Thiện cũng bị bom phát quang hất phía sau đúng vào hố bom. Anh chàng áo quần tơi tả, bết đất, máu dính đầy mặt.

Mười hai giờ đêm. Cả đơn vị nằm rải rác bên mé rừng gần dân sát biên giới nước bạn.

Sau này tôi được cấp trên khen ngợi về việc xử lý tình huống buổi ấy. Điều tôi mừng nhất là nhiều đại đội của tiểu đoàn tân binh được bổ sung vào đơn vị chiến đấu của miền Đông, tiến đánh vào giải phóng Sài Gòn. Nhiều chiến sĩ thuở ấy đã là cán bộ cao cấp quân đội. Tôi có gặp ông Lượng đôi ba lần khi họp mặt trung đoàn thuở trước. Ông này yếu hơn tôi, răng rụng gần hết, cứ móm ma móm mém, quý tôi lắm. Cho đến hôm nay tôi vẫn còn day dứt về bốn chiến sĩ hy sinh trong hầm. Không hiểu những người lính ấy đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ nào chưa?... Thế đấy.

Tờ mờ sáng, Huy quần áo rách mướp, mặt đầy máu khô đi kiểm tra toàn đơn vị. Chỉ vắng bốn chiến sĩ ở tiểu đoàn tân binh nằm cùng một hầm. Huy dẫn một số cán bộ đại đội, tiểu đoàn trở lại căn cứ. Anh thực sự bàng hoàng khi không nhận ra chỗ đóng quân. Tất cả là hố bom nham nhở và cây cối ngổn ngang. Cả vạt rừng không còn một cây nguyên vẹn. Mặt đất như bị biến dạng. Một sự hoang tàn rợn người. Có lẽ nếu không có những hạt gạo tung tóe lẫn trong đất và con chó què của anh rên ư ử sau gốc cây thì chẳng ai biết ngàn người đã ở đêm qua tại chỗ này. Phải mất hàng giờ các anh mới tìm được thi hài bốn chiến sĩ trẻ măng trong căn hầm bị sập. Huy đứng lặng. Nước mắt cứ ứa ra, ướt cả hai gò má. Người anh tựa như cơn sốt. Bỗng có một bàn tay nắm chặt tay anh. Lượng đã đến bên anh tự lúc nào…

*

* *

“Sau này tôi được cấp trên khen ngợi về việc xử lý tình huống buổi ấy. Điều tôi mừng nhất là nhiều đại đội của tiểu đoàn tân binh được bổ sung vào đơn vị chiến đấu của miền Đông, tiến đánh vào giải phóng Sài Gòn. Nhiều chiến sĩ thuở ấy đã là cán bộ cao cấp quân đội. Tôi có gặp ông Lượng đôi ba lần khi họp mặt trung đoàn thuở trước. Ông này yếu hơn tôi, răng rụng gần hết, cứ móm ma móm mém, quý tôi lắm. Cho đến hôm nay tôi vẫn còn day dứt về bốn chiến sĩ hy sinh trong hầm. Không hiểu những người lính ấy đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ nào chưa?... Thế đấy”.

Người cựu chiến binh đột ngột dừng lời. Im lặng một lúc, ông đăm đắm nhìn tôi, nhỏ nhẹ:

- Chuyện chiến trường mà tôi vừa kể, anh thấy có đáng nhớ nhất không?

Tôi chưa kịp đáp, ông đã đứng dậy đến bên cửa sổ, nơi phía trên có bức ảnh khổ to của những người lính già thuở chiến trận.

Đỗ Nhật Minh

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhớ lời Bác, phải khéo dùng cán bộ
(BGĐT) - Không chỉ là nhà tư tưởng lớn, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một thiên tài trong nghệ thuật dùng người, dùng cán bộ. 
Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị
Tối 29/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu  quan trọng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Báo Bắc Giang xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm giải phóng Thành cổ Quảng Trị
(BGĐT) - Ngày 25/4, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị (CSTCQT) 1972 tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị triển khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2022).
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...