Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bến mưa

Cập nhật: 16:18 ngày 01/07/2022
(BGĐT) -  Bình đứng trên con dốc cao nhìn xuống. Nước sông đang lừ lừ dâng lên sát chân ngôi đền cổ. Rặng cây bồ đề đã ngập toàn bộ phần gốc trong nước. Mặt sông rộng ra rất nhiều. Bình nhìn không chớp mắt vào hàng chục cống nước nhỏ đang đổ ra sông từ cánh đồng và khu dân cư. Chỗ nào là cánh đồng, nước đục màu đất. Chỗ nào khu dân cư phố thị thì nước màu đen xám. Thoang thoảng mùi nước cống đặc trưng của chốn thị thành. 

Trên kia, cầu vồng bảy sắc bắc ngang trời. Những tia chớp nhỏ lóe lên rồi vụt tắt. Mây đen từng chùm trôi qua đầu. Bình như nhìn thấy làng mình thuở trước vừa lướt qua trước mặt như một cuốn phim màu. Mặt sông là tấm thảm dập dềnh, nơi chứa bao niềm vui và cả những nỗi đau lẩn khuất của đời Bình. Chỉ nhắm mắt lại, dang tay lên, bay xuống, là có thể đã tan vào lòng sông mát lạnh. Nhưng chưa bao giờ Bình rơi xuống, dù có lúc đã chạm đáy của tuyệt vọng.

{keywords}

Minh họa: Tùng Quân

Rất nhiều cái đầu đi đường ngoái lại nhìn Bình như thể nhìn một người điên. Chắc là điên mới đứng hàng giờ nhìn ngắm đất trời, sông nước, rồi lặng thinh, ngẩn ngơ như vậy. Anh không quan tâm điều đó, anh cũng quên mình đã sắp năm mươi tuổi, đâu còn trẻ trai mà mơ mộng. Dòng sông dâng nước cuồn cuộn trong ký ức Bình, dâng mãi, dâng mãi, nhấn chìm bao năm tháng đã qua. Bên kia sông, hoa phượng cháy lên quầng lửa đỏ rực, rợp một khoảng nhớ thương.

Thuở ấy, cái làng nghèo xác xơ. Bố Bình quê gốc ở đâu chẳng rõ, mẹ mãi trên miền ngược, đưa đàn con bảy đứa dạt về làng. Đói khổ, cơm sắn cũng không đủ. Cậu bé Bình còi cọc, đen nhẻm đi mò cua bắt ốc tối ngày, nhiều hôm ăn vội bát cơm nguội độn sắn mốc rồi đi ngủ. Đêm không có điện tối thui. Tiếng nước óc óc chảy ngay đầu hồi nhà. 

Hình như nước phụt ra từ cái rễ cây. Hai anh em ôm nhau nằm trên cái giường chuồng bèo cũ lắng nghe. Thằng Hải ngay dưới Bình thì thầm,"anh bảo mấy tổ chim ngoài soi Duối có bị ngập không? Lũ chim nhỡ chết thì sao? Hay giờ mình ra đấy đi". Bình cũng đang nghĩ đến mấy tổ chim trong bụi duối nhưng ra đấy giờ này thì không, sợ lắm.

Soi Duối là bãi cát nổi cao sát bờ sông, trên đó mọc toàn duối lá xanh kít. Mùa hè duối chín vàng ươm ăn thơm ngọt. Quả duối y như những giọt ngọc treo trên cây. Gần soi có cái mộ hoang, ngày càng đùn to. Người ta đồn là có ma chúa ở đó, hay dọa trẻ con. Nghe đã sợ. Bình trấn an em, “chắc không sao đâu”. “Cái điếm cô Ngọng ở có bị trôi đi không anh nhỉ? Em thấy lúc mưa có sét. 

Hay cô Ngọng chết rồi. Hải thì thào lo lắng”. Cô Ngọng ư? Bình chợt nhớ ra, hình như, người ta đã lãng quên cô lâu lắm rồi thì phải, có mình Hải vẫn chiều chiều qua chỗ cô mà thôi. Mẹ đi từ buồng ra nói vọng vào giường: “hai anh em ngủ đi mai dậy sớm đi mò khoai về cho mẹ, mưa gió này chắc ngập hết thôi”.

Bình mơ mình bay trên đám cải vàng hôm ấy. Cô Ngọng tắm dưới bến sông cùng anh chủ thuyền cát. Bình chạy một mạch về làng hớt hải. Mẹ Bình lắc đầu, “đàn bà dại khờ khổ thế”. Cô Ngọng đã mất hết cha mẹ, có một người em gái cũng lấy chồng xa, họ hàng không cưu mang được. Cô sống một mình trong điếm canh đê nhỏ xíu của làng. Hằng ngày cô đi mò trai hến ngoài sông và làm thuê cho xóm chợ. Ai thuê gì làm nấy. Cô phốp pháp khỏe mạnh nhưng nói ngọng líu lô, tính tình ngây ngốc, người quen mới hiểu cô nói gì. 

Cô Ngọng sinh em bé trong đêm cuối năm rét mướt. Tiếng gào thét vang một quãng đê. Những người đàn bà trong làng chạy rầm rập mang quần áo, tã lót, đồ dùng, thau chậu chạy ra. Bình được mẹ dặn mang cho cô Ngọng ba bắp ngô luộc. Đói có ngô là tốt rồi. Có chiều, Bình đi kiếm củi về qua điếm canh, cô Ngọng ngồi cho con bú bên bậu cửa, líu lô hát một vài câu gì đó, không thể dịch nghĩa. Cô Ngọng vẫy tay lia lịa. Bình lại gần, cô chỉ xuống dòng sông, ý hỏi về cái thuyền cát ngày nào. 

Bình chịu, lắc đầu, làm sao Bình biết được cái thuyền ấy đã đi đâu, về đâu. Nhất là người đàn ông trên thuyền. Khuôn mặt cô Ngọng đang ngập tràn hạnh phúc bỗng như lá héo, tái đi. Cô Ngọng đưa cho Bình một bát cơm trắng với cà muối. Lần đầu tiên sau nhiều năm Bình được ăn cơm không độn. Bình kể với mẹ, mẹ thở dài. Có một niềm thương cảm trào dâng trong lòng Bình, cứ vài hôm, Bình lại đi qua chỗ cô Ngọng ở, nhìn xem mẹ con cô có ổn không. Bình nhớ buổi chiều đi ngang bãi sắn, cô Ngọng cười như điên dưới bờ sông, xóc xóc rổ hến đầy.

Chiều nọ, người làng xô cả ra trước tiếng gào khóc thê thảm của cô. Ai đó đã đến dụ cô bán con đi, để lại cho cô Ngọng vài bao gạo và một nắm tiền. Cô Ngọng ôm ngực khóc, tiếng khóc như đá tảng hực hực lăn xuống lòng sông. Mọi người hỏi han, an ủi một hồi rồi cũng về. Không ai có cách nào giữ con cho cô hay đi tìm con về cho cô được. Bình đứng khóc bên đám cây dại gần đó. Khuôn mặt cô Ngọng tím bầm. Mẹ kể, sau trận ốm thập tử nhất sinh, cô Ngọng đã không thể làm mẹ thêm lần nào nữa.

Hai anh em mò hết ruộng khoai, chất lên thuyền chèo về. Lũ kiến chạy lụt bám kín trên những lùm cây cao. Nước tràn mênh mông quanh làng. Mấy tổ chim tuy không bị ngập nhưng ướt sũng. Hải đã mang lũ chim non về nuôi. Hè ấy, Bình quyết đi tàu ngược miền núi kiếm củi rừng, xuôi về thị xã bán lấy tiền. Có lần, Bình bị tai nạn. Tỉnh lại, Bình nằm trên tấm giường trắng toát của trạm y tế quân đội. 

Các anh chiến sĩ đi tuần tra đã tìm thấy Bình bị thương cạnh đường. Được chăm sóc, được ăn cơm đầy đủ, một tuần Bình như lớn ra bao nhiêu. Bình mặc bộ quần áo mới các anh chiến sĩ cho rồi lên tàu về nhà. Nhà nghèo đông con, chẳng ai đi tìm Bình. Mẹ hỏi, “củi đâu, có kiếm được đồng nào không”? Bình kể lại tai nạn, mẹ ôm Bình một cái rồi bận việc. Thằng Hải chạy từ bờ sông về đòi quà. Bình đưa cho em nửa cái bánh mì giấu trong áo. Các anh lớn đã đi làm thuê. Bình ở nhà vài hôm rồi xin đi làm thuê cho thuyền cát dưới sông. Vợ ông chủ thuyền vốn là cô giáo đã tiếp chuyện Bình. 

Bà hỏi han quê quán, gia cảnh, cho Bình bộ quần áo mới và mời Bình ăn bữa cơm trên đất liền với cả gia đình. Cơm trắng với cá kho, bữa cơm sang trọng nhất suốt tuổi thơ Bình. Bưng bát cơm lên mà chàng trai xúc động nước mắt vòng quanh. Những ngày tháng thanh niên trẻ trung nhất Bình dầm mưa dãi nắng theo thuyền đi khắp nơi hút cát, lúc thuyền làm thì xúc cát vào thuyền, lúc thuyền im thì lên bờ dùng dây tời khoác qua vai kéo thuyền di chuyển. 

Khi thuyền qua bến cát thì xúc cát cho người mua gánh từ thuyền lên bờ. Nhiều hôm Bình nằm ngắm sao trên mui thuyền và nghĩ, không biết người đàn ông đã có con với cô Ngọng là ai. Có hôm về qua đê làng, thấy cô Ngọng đang ngồi dỗ thằng Hải “con trai của mẹ, con ăn nhiều vào”. Bình thấy chạnh lòng. Hải thương cô Ngọng hay kiếm củi giúp cô, cô có gì lại cho nó ăn, nghĩ nó là con mình.

Một mình trông thuyền, nhất là hôm nào mưa, mặt sông mù mịt, Bình thấy tái tê buồn. Đi qua những tháng năm nhọc nhằn, vất vả, Bình luôn tin có một đấng linh thiêng nào đó đã dìu mình đi. Bình gặp được cô gái xóm chài cao ráo xinh đẹp, hai người thành vợ thành chồng. Chị ngày ngày đi bán cá. Anh nghỉ thuyền làm đủ thứ nghề kiếm sống, nuôi con. Lòng không còn trống trải tủi cực vì đã có vợ con. Hải đã đi bộ đội. Cô Ngọng đã thành bà già, không còn ở điếm canh đê nữa. Bà Ngọng dường như đã đi làm công quả cho một ngôi chùa nào đó dưới hạ nguồn con sông.

Sau khi mẹ mất, Bình trở thành thầy lang bốc thuốc, theo nghề cụ ngoại rồi đưa vợ con đi xa làng, đến một thành phố nhỏ. Vợ chạy chợ buôn bán vặt, Bình đi khắp nơi tìm cây thuốc. Hai con trai của anh đã lớn lên từ tuổi thơ đủ đầy, hạnh phúc hơn bố mình. Những chuyến xa nhà luôn khiến anh day dứt nhớ cái làng nghèo xưa cũ với bến sông, bờ đê, điếm cô Ngọng và cả một tuổi thơ cơ cực.

“Hết mưa rồi đấy bố nhỉ, nước to thế “- chàng trai chừng hai mươi tuổi bước đến nói với người đàn ông. Bình sực tỉnh, mình đã đứng trên bờ này bao lâu nhỉ. Cả một vũ trụ nhân gian biến ảo vừa trôi qua mặt sông. “Ngày xưa, chỗ này là làng cũ đấy con”. Giọng người cha nghèn nghẹn. Người con giục bố lên xe để về. Còn bố ngoái lại nhìn cái bến mưa ban nãy. Hoa phượng như chực bứt ra, rắc thành thảm chói ngời trên cỏ…

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Nghề của cha
(BGĐT) - Tôi đang mải mê suy nghĩ lời kết cho thước phim ngắn đầu tay của mình thì tình cờ được chứng kiến câu chuyện của một nhóm học trò, các em có lẽ đang là học sinh phổ thông.
Nhà mặt phố
(BGĐT) - Lấy nhau đã tám năm, vợ chồng Tăng được bố mẹ mua cho căn hộ mặt phố, vị trí trung tâm. Tăng bàn với vợ để dành tầng một cho thuê kiếm chút thu nhập. Thúy thấy hợp lý nên tìm người có nhu cầu. Đó là một phụ nữ trung tuổi, có đứa con cũng bằng con Thúy, chuyên bán hàng mỹ phẩm, tạp phẩm Thái Lan, Nhật Bản, muốn thuê toàn bộ tầng một để lấy chỗ ăn nghỉ vì nhà chị cách thành phố gần hai chục cây số.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...