Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đêm bệnh viện

Cập nhật: 07:56 ngày 20/08/2022
(BGĐT)- Xuống mua thêm thuốc bác sĩ kê đơn ngoài cho bố nên Vy không theo kịp xe cáng đẩy ông từ phòng mổ về lại phòng cấp cứu. Cầu thang máy đông cứng người, cô lếch thếch xách đồ chạy lên lối cầu thang bộ.

Giường bệnh ga trải trắng toát, ông cụ nằm đuội ra, dây ống truyền loằng ngoằng, tiếng rên rỉ cố kìm vẫn khe khẽ vang lên. Cô thập thò ngoài cửa.

{keywords}

Minh họa: HIỀN NHÂN.

“Trong đó có hai ca đang cấp cứu, cô cứ ngồi tạm xuống đây nghỉ cho đỡ mệt, bao giờ họ cho thì hẵng vào”. “Nhưng bố cháu vừa mới mổ xong, đang đau lắm”. Giọng cô lo lắng. “Ai mổ rồi cũng vậy thôi. Mà ông cụ bị sao, bao tuổi rồi?”. “ Bố cháu bảy tám, mổ u tuyến tiền liệt”. Khuôn mặt người đàn ông có giọng thuốc lào rõ hơn khi cô cúi đặt những túi đồ xuống rìa tường. “Còn ông cụ tôi, sỏi bàng quang, mổ ba hôm nay, vẫn sốt, chảy máu vết mổ”. 

Người đàn bà tóc búi dúm như củ tỏi đang nằm trên tấm ni lông ngồi dậy: “Ông cụ có con trai chăm nuôi, sướng quá. Đây, bà chị tôi dứt ruột đẻ được cậu con trai còn bị hậu sản đến suýt chết. Thế mà đen đủi, con vừa hai tháng thì chồng mắc bệnh đi đột ngột, khi đó chị ấy mới hai mươi tuổi. 

Cũng có mấy người hỏi, chị ấy cũng không chịu, bảo thương con, sợ con khổ, cứ ở vậy nuôi con một mình. Thế mà khi con khôn lớn, dựng vợ cho con, tháng trước tháng sau nó đi nghe vợ, mẹ thành ra rìa, nó chả coi ra cái gì. Giờ mổ nằm phòng cấp cứu đã tám ngày, nó lên hôm mổ, ở lại một đêm, sáng nó về. Ba hôm sau, vợ nó lên thăm nửa buổi sáng rồi cáo bận việc công ty, cũng về. Tôi em gái, chả bỏ được”. Những tiếng thở dài.

***

Ông cụ khẽ mở mắt, cô cúi xuống: “Con bón cháo cho bố ăn nhé!”. “Bố thấy miệng đắng ngắt, không thiết ăn”. “Bố phải cố ăn để mau hồi phục”. Ông cụ cố ăn được mấy thìa cháo, thiu thiu ngủ. Vy lau mặt mũi, chân tay cho ông xong, đi ra ngoài hành lang. Thêm nhiều người kê giường gấp, trải chiếu, trải ni lông. Mấy người đàn bà trùm chăn kín mít để chống muỗi. 

Bác giọng thuốc lào đang ngồi chuyện với bác bệnh nhân tóc hoa râm, thấy cô ra thì vồn vã: “Ông cụ sao rồi cô?”. “Bố cháu đã ăn được ít cháo”. Bác tóc hoa râm ngồi nhích ra mép chiếu: “Cô ngồi tạm xuống đây, rồi đêm có muốn ngả lưng thì trải chiếu gần cửa, tiện theo dõi ông cụ”. “Vâng, cháu cảm ơn bác”.

Vy mong bố cô mau khỏe. Cô đã đổi lịch dạy được hai buổi sáng, một buổi cô được nghỉ, vậy là có trọn vẹn bốn ngày đêm vợ chồng cô có thể thay nhau trực ở bệnh viện chăm bố. Sang tuần, sức khỏe ông cụ ổn định trở lại không phải tiêm truyền nữa, cô có thể tranh thủ lúc giờ làm việc của bác sĩ về đi dạy. Trưa, chiều lên cơm nước lau rửa giặt giũ cho ông cụ, tối ngủ lại. 

Cô đã tính thế và mong thuận như thế. Nhà thì neo người, ông bà hiếm hoi có mỗi mình cô. Bà cụ ở nhà cũng yếu do tiểu đường. Thằng con út của cô học thêm suốt, con gái lớn đi học đại học xa nhà. Các chú, cô, em của bố cũng đã dặn trước, nếu vợ chồng cô bấn quá không cáng đáng được thì cứ nói một câu, họ sẽ lên thay. Nhưng cái đó thì hi hữu mới phải nhờ, mấy ông bà đều trên dưới bảy mươi, tuổi cao thức khuya rồi lại ốm ra đấy.

Bác giọng thuốc lào bỗng cười khà khà với bác tóc hoa râm: “Ông anh khỏe. Ai lại mổ xong, hôm sau đuổi sấn vợ con về”. “Đàn lợn nó réo ông ạ”. “Trông bà ấy nhanh nhẹn, chắn vén thế”. “Lúc tôi mới sang sông rước về, bà ấy da trắng, tay mềm, có biết làm việc đồng áng đâu. Bố mẹ bà ấy lúc đầu không cho, chê tôi nhà nghèo. 

Nhưng khi biết tôi là thương binh từng tham gia chiến đấu ở biên giới Vị Xuyên thì đã đồng ý. Sau, quý con rể lắm, tôi cứ về chơi là đè gà ra mổ. Hôm qua, ông bố vợ đòi nhảy xe buýt lên bệnh viện thăm con rể. Tôi điện về bảo con khỏe rồi, chỉ hai hôm nữa là về chăm lợn, chăm lúa, ông cụ mới không đòi lên thăm đấy”.

Một cơn gió thổi dọc hành lang làm dịu đi cái oi bức trong bệnh viện. Vy quay mặt ra hướng gió, cảm thấy dễ chịu. Ông cụ nhà cô cũng hay lo việc như bác tóc hoa râm. Bị bệnh mà lần chần đến hai năm, khi có dấu hiệu bí tiểu mới nói với cô. Lúc đầu ông cụ còn dứt khoát không đi, nói chết thì chết cũng không đi, lo tốn tiền rồi làm con cháu, họ hàng vất vả, lại còn bảo gần tám mươi chết được rồi. 

Cô phải nhờ mấy bà cô, ông chú đả thông tư tưởng, ông cụ mới chịu đi viện khám bệnh. Biết bệnh nặng rồi mà ông cụ còn hoãn lại tới cả hai tuần để chủ trì họp họ, để lo xong lễ giỗ họ mới chịu đi. Trước hôm đi mổ, ông cụ còn ra vườn bón phân cho mấy gốc vải, mài mấy con dao.

Trong phòng cấp cứu, ông cụ chợt lên cơn co giật, ậm ọe muốn nôn. Vy hớt hải chạy vào, vội vã với cái thau nhựa dưới gầm giường hứng. Ông cụ vẫn ho, người rung lên, bụng thắt lại. Cô điều dưỡng đi tới, nhìn ông cụ, nhìn ống truyền, buông câu: “Không lo. Chỉ là do vừa tiêm thuốc kháng sinh nên bệnh nhân bị choáng thôi. Mà cái cô này đến đoảng vị, hết thuốc truyền rồi sao không gọi?”. Vy đỏ mặt. Cô đã ra ngoài lâu quá.

Giường trong cùng bỗng có tiếng kêu la, ông lão mổ sỏi bàng quang đã tuần nay. Người đàn bà tóc bấm vành mệt quá gục bên thành giường giật mình tỉnh dậy, kêu bác sĩ tới. Dì búi tóc thì thào: “Con dâu phải đi nuôi bố chồng đấy, cơ khổ”. “Thế chồng đâu ạ?”. Cô tò mò. “Cô vợ kể vừa chạy cho sang Lào bán kem được tháng, cô vợ ở nhà đi xách vữa. 

Ông cụ có hai cô con gái đều lấy chồng tận Tây Nguyên, có mà mục thất mới ra được. Mọi việc đổ lên đầu cô con dâu”. Hai bác sĩ vào, tay khay, tay kéo. Lau, rửa, thay băng, ông cụ kêu chí chết. Cho uống thuốc, lúc sau ông cụ mềm người ra, nhắm mắt lờ đờ, rồi cũng ngủ thiếp đi.

***

Đêm về khuya, trong phòng bệnh những gương mặt mệt mỏi đã gục xuống thành giường, thi thoảng vẫn có tiếng rên khe khẽ. Ngoài hành lang, người nằm chen chúc. Giường xếp, chiếu manh, tấm ni lông, thậm chí cả giấy báo, chỉ còn chừa một lối đi giữa cho những bước chân thắc thỏm vội vã từ phòng bệnh ra khu vệ sinh chung. Mắt căng cứng, lưng mỏi muốn gãy, Vy gục đầu xuống thành giường.

Bỗng có tiếng kêu thất thanh vang lên trong phòng: “Ối giời ơi, cháu van các ông cứu cháu”. Cả phòng tỉnh dậy. Ai nấy nhớn nhác, hoảng hốt, bấn loạn. Nhìn khắp giường không một bệnh nhân nào mấp máy mồm mà tiếng kêu vẫn như vọng lên từ dưới nấm mồ. Vy hoảng, nắm vội tay bố trấn an. Bên ngoài, người đã nhòm vào, vài người chạy xộc tới. 

Bác giọng thuốc lào nhìn khắp lượt không thấy ai bèn ngồi thụp xuống nhòm các gầm giường, bỗng bác kêu thét lên: “A thằng kia, sao mày lẻn chui vào gầm giường bệnh nhân thế này?”. Vài người cùng cúi xuống, tiếng nhao nhao: “Gọi bảo vệ đến bắt thằng ăn trộm đi!”. Vẫn giọng thoảng thốt của gã dưới gầm giường: “Cháu đang bị xã hội đen theo dõi để ám hại, cháu phải trốn”.

Tiếng chân người chạy đi. Nhiều tiếng chân người chạy lại. Dưới gầm giường, gã kia co rúm, lục bục, run rẩy, líu lưỡi. Người ta gọi, giục, đe dọa, gã vẫn không ra, cứ ôm đầu lổm ngổm rúc rúc, chui chui, giường ga bị lưng gã chọc lên bập bùng, rung chuyển. Bệnh nhân trên giường vừa mổ sáng, ông lão rên không ra tiếng. Năm người bảo vệ bệnh viện đến quát tháo, lôi kéo, đùn đẩy, mãi mới lôi được gã áo đen ra khỏi gầm giường. 

Bệnh nhân kia bị gã thúc lên càng đau tợn. Người nhà xót xa: “Đã đau từ sáng tới giờ lại bị thằng ăn trộm thúc gầm giường thế này hả bác sĩ ơi”. Một bác sĩ an ủi: “Có ai muốn thế đâu. Bác ra lấy áo, ga thay đi cho bệnh nhân, chúng tôi sẽ kiểm tra vết thương ngay”. Ngoài cửa phòng, nhiều tiếng xôn xao: “Thằng này ngáo đá rồi, không dưng ăn trộm chui vào gầm giường còn kêu bảo vệ?”.

Gã áo đen vùng vẫy định chạy. Người ta lao vào gã. Gã ngã vập mặt xuống hành lang. Người ta khóa tay gã. Cái ví da trong túi quần gã rơi ra, mấy người vừa chụp ảnh làm bằng chứng vừa chia nhau đếm, tất thảy bốn mươi mốt tờ năm trăm nghìn. Mặt gã áo đen ngẫn ra, lưỡi líu lại: “Cháu không ăn trộm của ai. Tiền này cháu đi nuôi bố cháu, các ông các bà đừng để bọn xã hội đen túm được cháu. Chúng lấy tiền của cháu thì cháu lấy đâu tiền nộp viện phí cho bố hu...hu...”. 

Gã khóc ông ổng, rồi lại vẫy vùng. Mấy bác bảo vệ giằng co, giữ chặt. Bác giọng thuốc lào nhìn sát mặt gã: “Chết rồi, lúc tối tôi thấy gã cứ đứng trong nhà vệ sinh”. Bác tóc hoa râm rẽ người vào nhìn, kêu to: “Đúng thằng này mấy hôm trước nuôi bố cùng phòng tôi. Qua bảo đưa ông cụ đi mổ lại, vì mổ sỏi thận xong vẫn chưa tiểu được phải quay sang mổ u tuyến tiền liệt”. 

Lại có người đi đến, tiếp: “Đúng nó. Bố nó nằm phòng cấp cứu với ông cụ nhà tôi. Từ chiều tới giờ ông ấy tỉnh nói không biết con trai đâu”. Một bác bảo vệ giục: “Trong phòng kiểm tra xem có ai mất tiền bạc không thì báo. Còn tay này, cứ đưa sang công an đã”. Gã áo đen bị còng đưa đi, chân tay gã run rẩy, mặt mũi tái mét, miệng vẫn lảm nhảm xin cứu khỏi bọn xã hội đen không chúng giết chết.

***

Phòng cấp cứu dần ổn định lại. Cô rót cho ông cụ uống chút nước đỡ khô cổ. Trán ông dấp dính mồ hôi, cô nhẹ lau: “Không biết gã lẻn vào từ bao giờ, may mà qua rồi”.

Đêm đầu thu mà không khí vẫn oi nồng. Hai chiếc quạt trần kêu lạch cạch. Cô cầm quạt nan phe phẩy nhẹ, hình như có cơn gió vừa lùa vào qua ô cửa kính, đem theo mùi hương hoa đại thoảng vào trong phòng. Có ai đó đi dọc hành lang, tiếng vọng vào: “Đêm nay có cháo từ thiện nhà chùa nhé!”. Cô nói nhỏ: “Con ra xin cháo nhà chùa nhé!”. Ông cụ khẽ gật đầu.

Tiếng cặp lồng va lanh canh, tiếng người rủ rỉ, tiếng bước chân khe khẽ. Cô xách cặp lồng ra tới cửa gặp bác tóc hoa râm, tay bê cái bát tô. “Cháo nhà chùa nấu gạo tám thơm với đỗ xanh, bí ngô, thơm ngon lắm cô nhé. À, tôi vừa nghe kể, người nhà gã lúc nãy đã lên nhận rồi. Trước đó, gã từng có tiền sử mất ngủ. 

Vừa đi Đài Loan về, đã thức trắng năm đêm trông bố mổ cấp cứu, lại không ăn được mà đi uống thuốc ngủ, mấy liều, rồi sinh ra loạn thần kinh thế. Người ta đưa gã sang ngay khu A để cấp cứu rồi!”. “Khổ thân quá!”. Vài người đang nằm dọc hành lang vừa nghe bác tóc hoa râm nói thế, nhỏm hết cả dậy hóng chuyện: “Đầu đuôi thế nào chốc về bác kể rõ xem sao nhá”.

Vy bỗng thở phào như trút được gánh nặng. Vài hạt mưa lay phay tạt vào hành lang. Gió không chỉ đem hương hoa đại từ dưới cổng bay lên, gió còn đem theo hương lúa tám thơm vừa chín trên đồng, cả hương hoa đỗ, hoa bí ngoài bãi sông, tất cả đang thoang thoảng khắp quanh đây.

Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng

Một nét mi cong
(BGĐT)- Anh ấy bỗ bã, chưa nói thì đã cười, cũng chẳng biết nấu cơm bếp củi là gì, con xin bái bai. Thủy đỏng đảnh nói với mẹ khi Cường vừa ra khỏi ngõ. Người mẹ lắc đầu. Con còn muốn như thế nào? Bà Vại lắc đầu.
Người lính trở về
(BGĐT)- Từng đám sương cuộn lên trên dải đồi toàn cây sấu đang trổ hoa. Bồng bềnh. Hoang hoải. Màu hoa vàng nhạt tươi sáng làm không gian bừng lên dưới nắng sớm. Sương bắt đầu loang ra rồi tan dần. Hiện ra giữa lớp sương bồng bềnh ấy là một người đàn ông mặc bộ quân phục cũ, đội mũ tai bèo đã sờn, khoác chiếc ba lô nặng trĩu đi rất vội. 
Giấc mơ
(BGĐT) - Đêm qua mưa to. Buổi sáng trở dậy, Hoan lẩm bẩm: Tạnh mưa là phun thuốc được rồi. Năm ngoái cả vườn vải thiều mất hết. Người ta hồ hởi, nhễ nhại mồ hôi chở vải đi bán, rồi hối hả về tranh thủ thồ chuyến nữa, còn cô ngồi nhà, ủ ê, lo bữa ăn đứt đoạn... Đời người sống bằng nghề làm vườn có nhiều nỗi trớ trêu thật khó diễn tả.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...