Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lựa chọn

Cập nhật: 13:35 ngày 23/08/2022
(BGĐT) - Nàng sợ nhất là độ cao, thậm chí những đôi giày cao gót quá 10 cm cũng không dám đi, nàng thấy nó tròng trành, không vững. Thế rồi, ghét của nào trời trao của ấy. Sau khi lấy chồng khoảng ba tháng thì bố mẹ chồng bảo, trước đây họ có mua một căn chung cư, để tiện cho việc đi làm của hai vợ chồng thì hai đứa về đó ở. 

Căn hộ nằm ở tầng thứ 29. Vì sợ độ cao nên mỗi khi về nhà nàng thường kéo tấm rèm nhựa màu mỡ gà lại, lần nào kéo tấm rèm nàng cũng thấy ức chế. Sợ nhất là mỗi lần ra ban công tưới mấy cây hoa đá là tim nàng đập thình thịch, hình như nàng bị bệnh, không biết có bệnh sợ độ cao hay không! Còn chuyện cái rèm cửa nữa, nàng vừa kéo xuống thì Cường lại kéo lên và càu nhàu: “Lúc nào cũng kéo rèm cửa lại, nhà tối như hũ nút”.

{keywords}

Minh họa: Hiên Nhân.

Cường thích nhìn thành phố về đêm, anh để một cái bàn nhựa ngoài ban công, mỗi tối lại ra đó ngồi hút thuốc và ngắm phố sá. Tòa nhà nàng ở cao 35 tầng, chỉ có 6 cái thang máy. Buổi sáng đi làm sốt hết cả ruột vì đợi chờ. Sợ nhất là lúc đợi chờ mà đứng cạnh người có mồ hôi dầu, do vậy lúc nào nàng cũng khư khư cái khẩu trang và khử khuẩn quanh người. Cường bảo: “Hết dịch rồi mà lúc nào em cũng khẩu trang trông thấy gớm”. 

Có thể là sợ dịch và nàng còn sợ gặp người quen. Cô gái đầy kiêu ngạo năm nào giờ lấy chồng trong hoàn cảnh này thấy nó cứ bi đát thế nào ấy. Chưa hết, mỗi lần đi làm về thế nào nàng cũng phải đi qua đoạn đường lớn, chỉ cần đi qua cái cầu vượt xuống phía dưới là xe máy cứ long sòng sọc. Đã bao năm nay, chắc khoảng hai thập kỷ, những sống trâu, sống voi trên đoạn đường này vẫn thế. 

Có những buổi chiều nàng đi làm về, một hai người bán chó, mèo đứng đó (ngay chỗ sống trâu, sống voi), nàng muốn dừng lại, nhưng chợt nghĩ, cái căn hộ bé tẹo ấy đến mình sống còn khó nữa là chó mèo, chúng cần không gian hơn cả mình, chúng cần sự chiều chuộng, âu yếm hơn cả mình… nghĩ đến đó mà nản.

Thời gian lúc nào cũng vội, thoắt cái nàng đã ở căn hộ chung cư này hơn hai năm. Nàng cũng quen dần với độ cao và sự chen chúc như cá hộp ở cái cầu thang máy bé tẹo. Thế mà một thói quen của Cường nàng vẫn chưa thể nào quen được. Đó là cứ đến bữa ăn là nàng dài cổ chờ đợi. Kiểu gì anh cũng tìm được lý do để nàng phải đợi vào bữa ăn, ví dụ như bữa trưa ngày nghỉ chẳng hạn, anh sẽ đi đạp xe và thường về quá bữa trưa, hoặc vừa dọn cơm ra bàn ăn thì anh sẽ đi xuống siêu thị mua đồ, hoặc đi cắt tóc… 

Còn ngày thường thì sao, cứ mỗi bữa tối, dọn cơm ra là anh đi tắm. Cường có những thói quen kỳ lạ thế. Hàng trăm lần nàng mời ngồi ăn cơm thì anh đều nói “ăn trước đi” và vắt cái khăn tắm màu nõn chuối trên vai, lạnh lùng tiến vào phòng tắm. Cường tắm rất lâu. Có lần nàng khẩn khoản: “Nhà có hai người, cứ đến bữa ăn anh lại đi tắm là sao”- Cường bảo: “Quen tắm giờ ấy rồi, cứ ăn trước đi, cũng chỉ là ăn thôi mà”. 

Điều này thật khác nhà nàng. Hồi mẹ nàng còn sống, bố thường nói “mẹ nó ra ăn cơm cho con nó ăn đúng giờ” hoặc trong bữa ăn, mẹ có càu nhàu gì, bố sẽ nói: “Trời đánh, tránh bữa ăn, mẹ nó để lúc khác hãy nói”. Trong bữa cơm bố thường kể chuyện vui, thường thì bữa cơm là lúc vui nhất của gia đình. Một thực tế phũ phàng, mỗi lần nàng dọn cơm, Cường lại khoác trên vai cái khăn tắm màu nõn chuối (Cường tự mua trong siêu thị của tòa nhà) đi vào phòng tắm.

* * *

Chiều nay, một cơn mưa lịch sử làm thành phố chìm trong biển nước, ngôi nhà trong ngõ nhỏ của bố cả ngày chưa rút hết nước. Nàng nói với bố, có lẽ phải nâng nền lên. Bố bảo, thỉnh thoảng mới có trận mưa thế này, bố bê đồ lên tầng hai để tạm cũng được. Tự dưng nàng thấy thương bố, đã 16 năm nay ông sống một mình, cảnh gà trống nuôi con, lọ mọ sớm tối thật không dễ dàng gì, nhưng mà bố rất cố gắng. 

Ngoài làm ở công ty, bố còn nhận sửa đồ điện tại nhà, thậm chí đi sửa điện dạo, hễ ai gọi là ông khoác cái túi nặng trĩu đi trong tâm thế vui lắm. Bố nói được làm việc là thấy vui! Bố xoay sở thế nào để nàng không kém cạnh bạn bè. Cũng được đi học thêm hội họa, học thêm tiếng Anh, áo quần cũng tươm tất. Lúc nào bố cũng mỉm cười khi thấy kết quả học tập của nàng. Bố bảo, con gái không cần học thật giỏi nhưng việc nhà phải biết, nhất là mình phải có một nghề nghiệp tinh thông. 

Tuy nhà nàng không giàu có, nàng không đẹp xuất sắc nhưng vẫn có sự kiêu hãnh vì biết mình có một làn da trắng mịn như vỏ trứng và một khuôn mặt ưa nhìn. Thế rồi, không hiểu sao bao chàng trai hào sảng nàng không thích mà lại bị sự chăm sóc tỉ mỉ của Cường đánh gục. Anh chăm sóc nàng rất chi tiết, ví như nàng phàn nàn không hiểu sao dạo này tóc em hay bị rụng là vài hôm sau Cường mang đến bộ dầu Biotin Collagen; hay nàng than phiền cái bàn phím máy tính dạo này bị sao ấy… là có bàn phím mới. Nàng bảo thích ăn cơm cháy Sài Gòn là vài ngày cũng có luôn… 

Nói chung, Cường chăm sóc nàng chu đáo, nói hơi quá có khi gần như một người mẹ. Cường mua cho nàng nhiều thứ lặt vặt, thứ nào cũng đáng yêu. Từ hộp để bút trên bàn làm việc ở trường có gắn những nụ hoa khô, đến hộp đựng đồ trang điểm bọc nhung xanh thêu hình trái tim rất tinh tế, rồi những chiếc cặp tóc rất bánh bèo, rồi một vài chai nước hoa của các thương hiệu hot trend như Tom Ford, Lelabo, Gucci… 

Đôi lúc nghĩ lại hồi đó, nàng thấy sao mình dễ thỏa hiệp và dễ bị mua chuộc thế! Hơn nữa hồi đó Cường còn chiều cả những sở thích oái oăm của nàng như sưu tầm cây hoa đá, sưu tầm tem, đi lang thang ngắm hoa sen vào đầu hè, lang thang quanh phố phường vào đầu tháng mười nghe mùi hoa sữa vừa nồng, vừa ngái.

Hồi đó nàng cứ nghĩ nếu về sống với nhau chắc sẽ rất vui. Cường hiểu và chia sẻ với những thói quen của mình thế thì còn gì bằng. Bỗng dưng về chung một nhà, thế là tất cả sự thất vọng diễn ra ngoài sức tưởng tượng của nàng (một số bạn gái của nàng đã cảnh báo tình trạng này). Tất nhiên, có thể Cường cũng thất vọng về nàng. 

Thay vì một cô gái dễ thương, hóm hỉnh, lúc nào cũng chăm chút cho bản thân bỗng mặc bộ đồ ngủ màu cháo lòng, đầu tóc chẳng buồn chải, lúc nào cũng bị áp lực vì sợ độ cao. Một hôm nàng bảo: "Hay là mình chuyển xuống mặt đất, nhà nhỏ cũng được, hoặc mình mua căn hộ thấp hơn, khoảng tầng 5 trở xuống thôi”. Cường nói: “ Nhà ông bà vẫn đứng tên sổ, bán thế nào được. Ăn mày còn đòi xôi gấc”. 

Tự dưng sự chán nản xâm chiếm tâm trí, nó luẩn quẩn xung quanh làm nàng thấy ngột ngạt và bế tắc. Đúng là đời rất dở nhưng ta vẫn phải niềm nở. Đó là khi bố mẹ chồng gọi điện hỏi thăm, đôi khi trách móc… nhưng vẫn cười và giải thích, đợt này con đang cho sinh viên thi, cũng hơi bận nên mấy ngày rồi con chưa qua thăm bố mẹ…

Nàng không có thói quen cầm điện thoại của Cường nhưng thường thường, có số điện thoại lạ gọi tới giờ giấc cũng bất chợt lắm… Nàng nhớ số điện thoại đó nhưng thỉnh thoảng lại giả vờ hỏi xem ai vừa gọi, kỳ lạ là mỗi lần Cường lại nói khác nhau, lúc thì cậu bạn cùng đại học, lúc lại cô bạn cùng công ty, khi thì số lạ nên không nghe vì không biết là ai. 

Nhưng mà lạ lắm, hầu hết nghe xong điện thoại là Cường đi đâu đó, lần nào cũng đẫy ba tiếng đồng hồ. Ví dụ, ngày Chủ nhật đi lúc 2 giờ 30 phút chiều thì 5 giờ 30 phút anh về; buổi tối Cường đi lúc 7 giờ 30 phút thì 10 giờ 30 phút mới về đến nhà. Cũng không hiểu sao nàng không hề thấy ghen tức hay bực bội gì.

Một lần anh đưa nàng đến hội thảo vì sáng đó nàng bị đau đầu, đến gần trưa Cường đón nàng. Do trong lúc tham luận nàng để điện thoại im lặng nên lúc Cường đến, anh gọi điện nàng không nghe mà lại đứng trao đổi với cậu sinh viên. Lúc cầm điện thoại gọi lại nàng mới biết anh đứng cách đó không xa. 

Anh bảo: “Gọi mãi mà không nghe điện thoại, chỉ mải nói chuyện với giai”. Lúc lên xe, nàng không kìm lòng được, vừa cài quai mũ bảo hiểm vừa nói: “Lúc anh nhìn thấy em đứng nói chuyện là cậu sinh viên, không phải giai ”

Chiều tối hôm đó Cường không về nhà ăn cơm. Nàng qua nhà bố, cây hoa sử quân tử nở đỏ rực, từng chùm, từng chùm rơi xuống trước cái cổng sắt màu xanh thẫm đã han gỉ. Thấy bố đang sơn lại cổng, nàng bảo trông bố ra dáng thợ sơn quá. Ông cười nói: “Con về à, vào nhà đi, đợi bố, cũng sắp xong rồi”. 

Nàng vào nhà, mở tủ lạnh, cất ít đồ ăn cho bố, thấy có túm vải to và ít đồ ăn, lần nào cũng là mấy món ăn truyền thống thịt rang, lạc rang và rau luộc. Ngày còn sống với bố, hai bố con cũng bày vẽ lắm, mỗi hôm một món, thỉnh thoảng họ cũng ra nhà hàng ăn đổi món.

Bố nàng vào nhà, gương mặt lấm tấm mồ hôi, ông nói: “Cường đâu mà nó không sang cùng con?”. “Bố nghỉ tay uống nước ạ, con vừa vắt cốc cam tươi đây ạ!”. Nàng không biết bắt đầu từ đâu, nàng hỏi: “Mấy cây hoa đá của con trên sân thượng thế nào rồi hả bố?”, “Nó vẫn thế thôi, có cây càng cua đang ra hoa đẹp lắm, tí lên mang về nhà con”.

Nói chuyện loanh quanh rồi nàng cũng bắt đầu câu chuyện của mình.

- Bố ơi! Bố có còn nhớ hồi con chuẩn bị cưới chồng không?

- Nhớ gì chứ!

- Bố đã nói là lúc nào không ở được thì về với bố, vậy bố có thấy phiền khi con về nhà với bố không?

Ông không trả lời mà đi về phía chiếc tủ lạnh lấy ra chùm vải đỏ au, những chiếc lá xanh thẫm còn bao quanh quả vải, trông chúng thật hấp dẫn.

- Con ăn vải đi, vải thắp hương đấy. Mỗi năm đến mùa vải, bố lại nhớ những kỷ niệm cũ. Bố mẹ gặp nhau khi cùng là sinh viên, cùng đợt thực tập ở Bắc Giang. Rồi sau chuyến đi đó bố để ý đến mẹ, mà cũng mất gần hai năm trời mẹ con mới nhận lời… Lúc mới sinh con, mẹ con nói muốn đặt tên con là Lục Bảo vì muốn ghi nhớ nơi hai người lần đầu gặp gỡ.

- Con biết rồi, bố kể mãi, mà bố chưa trả lời con.

- Con lúc nào cũng ngang bướng, muốn gì cũng phải thực hiện cho bằng được. Trước đây bố bảo con suy nghĩ kỹ đi thì con không nghe.

- Vâng, con sai rồi. Tại lúc đó con cứ muốn cuộc đời mình sẽ là những cuộc phiêu lưu trong cảm xúc, con muốn đi đến tận cùng của ý niệm, cho dù biết rằng nó rất mơ hồ. Đã bao giờ bố hối hận điều gì đó chưa?

- Có chứ! Bố hối hận vì chưa thực hiện được lời hứa với mẹ. Trước lúc ra đi với ông bà tiên tổ, mẹ dặn bố nhớ chăm sóc con, lúc nào cũng phải nhìn thấy nó trong tầm mắt của mình.

- Bố không phải nghĩ nhiều đâu ạ! Lúc đó con 12 tuổi nên mẹ mới dặn dò thế, giờ con đã chủ động được cuộc sống của mình. Con thấy có một điều bố đã làm được, con rất trân trọng đó là năm nào bố cũng đưa mẹ đến nơi hẹn hò của hai người. Mỗi mùa vải chín con cũng thường nhớ đến mẹ, rất nhớ bố ạ!

- Bố, con về với bố được không?

- Bố đã dự cảm có ngày này. Mỗi người chỉ sống một cuộc đời, sống chân thành với chính bản thân mình, tưởng dễ mà không dễ đâu con.

- Vâng, từ từ rồi tính phải không bố.

- Vậy hôm nào ngày nghỉ, bố con mình đi Bắc Giang nhé?

- Vâng, chốt đơn! Con muốn được ăn vải chín cây. Với lại, con muốn mẹ biết bố luôn yêu mẹ và con cũng vậy!

Truyện ngắn của Đoàn Thị Phương Nhung

Giấc mơ
(BGĐT) - Đêm qua mưa to. Buổi sáng trở dậy, Hoan lẩm bẩm: Tạnh mưa là phun thuốc được rồi. Năm ngoái cả vườn vải thiều mất hết. Người ta hồ hởi, nhễ nhại mồ hôi chở vải đi bán, rồi hối hả về tranh thủ thồ chuyến nữa, còn cô ngồi nhà, ủ ê, lo bữa ăn đứt đoạn... Đời người sống bằng nghề làm vườn có nhiều nỗi trớ trêu thật khó diễn tả.
Đêm bệnh viện
(BGĐT)- Xuống mua thêm thuốc bác sĩ kê đơn ngoài cho bố nên Vy không theo kịp xe cáng đẩy ông từ phòng mổ về lại phòng cấp cứu. Cầu thang máy đông cứng người, cô lếch thếch xách đồ chạy lên lối cầu thang bộ.
Một nét mi cong
(BGĐT)- Anh ấy bỗ bã, chưa nói thì đã cười, cũng chẳng biết nấu cơm bếp củi là gì, con xin bái bai. Thủy đỏng đảnh nói với mẹ khi Cường vừa ra khỏi ngõ. Người mẹ lắc đầu. Con còn muốn như thế nào? Bà Vại lắc đầu.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...