Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nguyệt gác mái đình

Cập nhật: 10:53 ngày 24/01/2023
(BGĐT) -  Tâm tủm tỉm cười. Cái sự ngây thơ của người già dễ thương thật. Chả phải chính cô lập nick và tạo trang cho bà Yên vào giao lưu với mọi người trong nhóm quan họ đấy thôi. Đó là lý do Tâm muốn cả nhà về Giá Sơn. Cô sẽ chụp cho bà những bức ảnh thật đẹp ngay tại sân gạch nhà cụ ngoại, quay cảnh bà hát cùng với các liền chị liền anh...

Hôm ấy, đang nấu cơm trong bếp, Tâm nghe bé Hải Tiên hân hoan khoe. Mẹ ơi, cô Huyền cho con vào nhóm múa của lớp rồi. Tâm sững người không kịp nói gì. Con gái nhìn Tâm và hỏi. Sao hả mẹ, mẹ không thích con múa hát à? Tâm vội vàng trấn an con. Không phải thế. Con gái mẹ hát hay mà. Bé Hải Tiên nhảy chân sáo ra khỏi phòng, rất là phấn khởi.

Từ đầu năm học, Tâm đã gọi điện thoại cho cô giáo của con để xin một việc. Là con bé thích hát múa nhưng cô giáo đừng cho con vào đội văn nghệ. Vì con vừa mới chữa khỏi chứng viêm teo dây thanh, Tâm muốn con có thời gian để nghỉ ngơi sau giờ học và phục hồi. Cô giáo của con đã hứa là sẽ lưu ý. Vậy mà, sao lại có chuyện như thế. Hải Tiên là đứa trẻ nhạy cảm. Tâm không muốn nói qua nói lại về việc này với cô giáo khiến con suy nghĩ. Nhưng nếu im lặng thì Tâm ấm ức vì ý kiến của mình không được tôn trọng. Lơ đi không được, nói ra thì không hay. Nói với mẹ chồng thì bà sẽ nghĩ cô kiếm cớ để đào xới chuyện cũ…

Bà Yên, mẹ chồng Tâm ngày trước vốn là một liền chị xinh đẹp duyên dáng của làng quan họ Giá Sơn. Còn bố chồng Tâm là một ông giáo mẫu mực, hiền lành, chỉ một lần đi hội Kinh Bắc, gặp bà là mê mẩn. Bà Yên theo chồng về vùng đồi núi Yên Thế này là gác lại hết những ngày xuân náo nức, gác lại những làn điệu quan họ đắm say mê hoặc lòng người. Phải có tình yêu dành cho ông lớn như thế nào thì bà mới lựa chọn như thế. Bà tự nguyện giam lỏng tình yêu quan họ của mình vào trong những luật lệ gia phong và bổn phận dâu con. Bà từng kể cho Tâm nghe về những quy ước từ ngàn đời của người làng quan họ Giá Sơn và những làng quan họ khác. Ở những làng quan họ kết chạ (kết nghĩa), liền anh, liền chị của hai làng kết bạn chứ không kết duyên, họ coi nhau như anh em trong nhà, chỉ hát với nhau chứ không lấy nhau. Ai vi phạm tục lệ sẽ bị phạt rất nặng, bị lên án và xa lánh. Họ bảo nhờ có tục lệ này mà mối quan hệ giữa các làng quan họ kết chạ mãi mãi bền chặt, trong sáng. Liền anh liền chị không làm bạn đời cũng là một cách để bảo tồn những tinh túy văn hóa của làng mình. Và vì thế, dù hát quan họ từ rất sớm, gặp gỡ bao nhiêu nam nhân lịch lãm, tài giỏi của làng kết nghĩa nhưng bà không hề vương tơ. Rồi bà chọn ông giáo, chọn mối tình đầu tha thiết, lãng mạn. Ông cũng rất hiểu những hy sinh của bà. Thế nhưng, trong thẳm sâu trái tim của người đàn ông yêu vợ, ông vẫn ghen với những liền anh và ám ảnh bởi những màn đối đáp ngọt ngào tình tứ trong những buổi hát giao duyên trong quá khứ của bà. Ngôi trường ông dạy học cách nhà mười hai kilomet, giáp đất Thái Nguyên. Buổi sáng, ông đạp xe đi từ lúc mặt đất còn mờ sương đến lúc trưa về tròn bóng nắng. Dù gió rét hay nắng nóng, ông không ở lại tập thể bao giờ. Luôn có mặt ở nhà vì biết bà vẫn đợi cơm…

Đôi khi Tâm tự hỏi, tại sao mẹ chồng lại kể cho Tâm nghe về những chuyện ấy? Bà thấy đời sống hôn nhân của vợ chồng cô đơn điệu, buồn tẻ quá chăng? Hay bà nhớ ông? Khi Tâm về làm dâu thì bố chồng đã không còn. Một căn bệnh hiểm nghèo đã mang ông đi trước lễ khai giảng vài ngày. Bà Yên không phải là người hay chuyện, cũng không dễ dàng thổ lộ những riêng tư. Những gì bà kể với Tâm đều hàm ý. Bà biết vợ chồng Tâm không khuyến khích bé Hải Tiên hát múa như những đứa trẻ khác nên bà cũng ít khi kể cho cháu gái nghe về quan họ. Tâm biết con chưa đủ lớn để hiểu hết về tình trạng sức khỏe của bản thân. Bác sĩ từng nói, bệnh của con cần ít nhất bốn năm nữa để phục hồi. Mỗi lần thấy con ngồi thở mệt nhọc sau khi hát một bài hát yêu thích, lòng Tâm đau nhói và ân hận không nguôi.

Năm ấy, khi Hải Tiên hai tuổi, Điệp làm giám sát công trình cách nhà hơn trăm kilomet. Nghề kế toán của Tâm không quá bận rộn nhưng lại nhiều áp lực. Bà Yên tuy còn trẻ nhưng lại bị chứng đau tiền đình hành hạ. Vì thế mà Tâm thuê người giúp việc một thời gian để trông con bé đến khi đủ tuổi đi mẫu giáo. Bà Yên ở một phòng trên tầng hai, còn cô giúp việc ở một phòng tầng một, giáp phòng khách để tiện trông bé. Chỉ khi con bé ngủ thì cô ấy mới tranh thủ dọn dẹp và cơm nước. Chợ búa thì Tâm lo liệu. Sau nửa năm, Tâm phát hiện con mình mất tiếng, khi nói được thì không đều hơi, đi khám được biết con bị tổn thương thanh quản do la hét nhiều quá dẫn đến viêm thanh quản kéo dài. Tâm đã suy nghĩ rất nhiều và tự đặt câu hỏi. Bà nội đã ở đâu khi cháu la hét gào khóc? Bà có thể không nghe thấy cháu khóc trong suốt một thời gian dài đến thế ư? Đã thế, càng lớn con bé càng quấn bà nội và rất thích múa hát. Ai cũng bảo bé Hải Tiên xinh đẹp và có giọng hát hay giống bà nội. Còn tính nết thì nhẹ nhàng, dịu dàng giống bố. Chính những ngày tháng nuôi con thơ dại vất vả một mình, chồng đi làm xa, mẹ chồng không giúp được gì, đã khiến Tâm khép lòng mình lại. Cô không còn muốn chia sẻ với ai những khó khăn rắc rối của mình. Khi yêu nhau, Điệp nói yêu cô bởi sự chân chất mộc mạc, tính cách gần gũi, hòa đồng và nếp sống giản dị. Nhưng rồi chính Điệp lại thay đổi quan niệm về vẻ đẹp phụ nữ. Anh bắt đầu bóng gió nói đến những người phụ nữ anh gặp có gu ăn mặc hay trang điểm mới mẻ, trẻ trung. Điệp muốn Tâm thay đổi một chút. Đi kèm với đề nghị ấy là những thoái thác mỗi khi Tâm rủ chồng đi chơi đâu đó ngày cuối tuần…

Trái ngược với mong muốn của Điệp, Tâm không có suy nghĩ phải nỗ lực làm vừa ý chồng. Cô chỉ nghĩ đến con và lo lắng cho con. Tâm cảm thấy khó chịu khi ai đó nói con xinh đẹp giống bà nội. Và cảm thấy mất lòng tin ở cô giáo của con. Những ngày tháng nặng nề cứ trôi đi trong căn nhà có ba người lớn và một đứa trẻ. Trong bữa cơm tất niên, Điệp nói về chương trình của những ngày Tết, bỗng dưng bé Hải Tiên nói. Con muốn ngày mùng ba, bố mẹ đưa con đến chơi nhà cô giáo Huyền. Bà nội thấy cháu gái nói thế thì phụ họa bằng cách ngân nga một câu ca dao. Phải đấy, các con nên quan tâm đến việc học hành của con, người ta vẫn nói “muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” đấy thôi. Sau câu ấy, bà Yên còn kể ra những kỷ niệm ngày xưa, thời còn là học trò, bà đã cùng các bạn tự đi Tết thầy cô như thế nào. Tâm không có lý do gì để phản đối và hiển nhiên đồng ý. Bé Hải Tiên thấy ý kiến của mình được bố mẹ chấp thuận dễ dàng thì vui lắm. Mẹ ơi, đêm nay con nhất định phải đón Giao thừa. Nếu con có ngủ quên mẹ phải đánh thức con đấy nhé. Con bé dặn dò mẹ rất cẩn thận. Nhưng rồi nó vẫn ngủ tít thò lò và giao thừa trôi qua giấc ngủ say của con. Còn Tâm thì buồn vô hạn. Có đời thuở nào mẹ chồng lại đi giục con trai và con dâu đến chúc Tết người yêu cũ của con trai không?

Sáng mùng ba Tết, Tâm chọn một bộ váy dạ rất đẹp màu rêu. Tất nhiên là Tâm cũng trang điểm nhẹ. Hai vợ chồng Tâm sẽ đưa con đến nhà cô giáo Huyền. Đang tìm cây chì mắt thì Tâm nhìn thấy một cái hộp kẹo bằng sắt hình vuông giấu dưới kệ gỗ. Cái hộp kẹo này đã ở đây từ bao giờ nhỉ? Tò mò, Tâm mở nắp cái hộp ra. Trong hộp có một cuốn sổ bé tí bọc da màu đỏ, phía trong bìa ghi mấy chữ “Nhật ký của Tiên”. Tâm lật nhanh, thấy có vẻn vẹn một dòng chữ con mới viết cách đây một tháng, vào ngày khoe với Tâm về việc vào đội múa. Tiên viết: "Hôm nay cô Huyền cho Tiên múa. Vui quá."

Tâm bần thần một lúc rồi vẫn quyết định đi. Vì hai bố con đã chờ sẵn ngoài sân và mẹ chồng cô cũng đã sửa soạn để đi chúc Tết những người họ hàng bên nội. Tâm nghĩ, đây cũng là dịp để Tâm quan sát thái độ của chồng mình khi đối diện với người phụ nữ từng là mối tình đầu của anh thuở học trò.

{keywords}

Minh hoạ: Thế Đại.

Dù ở trong cùng một thị trấn nhưng hai người rất ít gặp nhau. Thị trấn Phồn Xương mới thành lập, ngôi nhà mới xây của vợ chồng cô giáo Huyền nằm tách biệt trên một khu đất mới chỉ có vài căn đã xây xong. Nghe nói chồng Huyền là bộ đội biên phòng công tác tận Móng Cái. Nghe vậy thôi chứ Tâm chưa gặp bao giờ. Ngồi sau xe chồng, Tâm cứ nghĩ đến tình huống Huyền vắng nhà thì hai vợ chồng sẽ đi chơi đâu đó một lúc, chứ son phấn váy áo thế này mà lại quay về thì rõ chán. Như thế, Huyền cũng không bị động vì Tâm đột ngột đến chơi. Tuy nhiên, xe vừa dừng, nhấc Hải Tiên xuống đất, con bé đã xách tà váy trắng muốt, thon thón chạy lên thềm, ngó vào nhà và gọi to. Cô Huyền ơi. Huyền đi ra, những ngón tay đang đan vào mái tóc sấy dở. Chắc cô ấy vừa gội đầu. Nhìn thấy vợ chồng Tâm và bé Hải Tiên thì Huyền không khỏi ngạc nhiên nhưng lại mừng rỡ. Ôi, chào hai bạn, mời hai bạn vào nhà!

Vợ chồng Tâm theo chân bé Hải Tiên và cô giáo Huyền vào nhà. Căn nhà cấp bốn nhỏ nhưng thiết kế hiện đại, phòng khách bài trí đơn giản, gọn gàng. Trong lúc chủ nhà pha trà thì khách tranh thủ quan sát và Tâm nhận thấy rất ít dấu vết của một người đàn ông trong căn nhà. Điệp cất tiếng hỏi làm xáo trộn những phán đoán của Tâm. Năm nay anh Thành không về ăn Tết à? Huyền mỉm cười, những vết nhăn đã bò ra khóe mắt. Nếu bằng tuổi Điệp thì chị ấy năm nay mới ba tư tuổi. Tâm nghĩ thế. Còn Huyền trả lời: Ông xã mình Tết này trực đến chiều mùng năm, chắc đêm mùng năm có mặt ở nhà. Điệp cười, nói đầy vẻ khách sáo. Thế thì căng nhỉ. Huyền trả lời. Có gì mà căng. Cũng quen rồi mà. Trước Tết hơi vất vả thôi!

Tâm không muốn chồng mình tiếp tục cái màn thăm hỏi mang tính thủ tục nên cô hỏi luôn điều cô cần biết: Thế ông bà nội không ở đây với mẹ con chị à? Huyền rất tự nhiên. Bố mẹ mình ở với bác cả bên Bố Hạ. Chị dâu mới sinh thêm cháu thứ ba nên ông bà ở đó đỡ đần. Còn Nhím nhà mình học lớp hai rồi. Cũng giúp mẹ được khối việc. Tâm không hỏi nữa mà chuyển sang chuyện học hành của con sau khi Huyền đã ngồi hẳn xuống ghế, đang thoăn thoắt tết tóc lại cho Hải Tiên.

Thật ra, Huyền cũng còn rất trẻ nhưng đôi mắt, làn da của người thiếu ngủ cho thấy sức khỏe không tốt. Vì thế Tâm quyết định không đề cập đến chuyện Huyền cho con vào đội văn nghệ nữa. Hai người lại dẫn nhau vào sự kiện lớn liên quan đến giáo dục, y tế học đường, những vụ bạo hành, những vụ ngộ độc... Thấy câu chuyện đã quá dài so với quỹ thời gian ngày Tết của một cô giáo, Tâm chủ động chúc Tết và chào về. Đúng lúc ấy, như sực nhớ ra điều gì. Huyền liền nói. À, hồi trước Tết, mình đã đăng ký cho cháu Hải Tiên vào câu lạc bộ võ thuật của trường. Không biết cháu đã nói với bố mẹ chưa? Bé Hải Tiên nhanh nhảu. Con nói với mẹ rồi mà. Tâm ngạc nhiên vô cùng. Sao con bảo mẹ là con vào nhóm múa? Bé Hải Tiên tròn xoe mắt nhìn mẹ. Thì múa võ mà mẹ. Tâm hỏi Huyền. Con bé không được khỏe chị ạ. Mà võ gì ạ? Huyền trở nên lúng túng. Chết thật, mình quên, mình đã định gọi để trao đổi với Tâm nhưng Tết đến, công việc nhiều quá, quên mất. Là võ sáo. Môn võ của cụ Đề Thám. Trường mình có chủ trương thành lập câu lạc bộ võ sáo cho các cháu có đủ điều kiện sức khỏe và thời gian tham gia từ lúc còn nhỏ. Mình đã triển khai, lớp mình chọn được bảy cháu, riêng Hải Tiên là do con chủ động xin và được thầy Tấn phụ trách câu lạc bộ đồng ý. Tâm cắt ngang lời cô giáo. Nhưng mà con em làm sao đủ sức tập với cây sáo sắt nặng thế? Huyền mỉm cười. Hai bạn cứ nghiên cứu thêm về chuyện này nhé, học sinh thì có loại sáo nhỏ mô phỏng để các con tập luyện chứ. Từ nhiều năm trước đã có những trường tiểu học dạy đại trà cho cả mấy trăm em. Nhiều lò võ dưới thành phố cũng đã đưa võ sáo vào giảng dạy. Chúng ta là người Yên Thế, chúng ta không thể đi chậm hơn. Thế các bạn đã xem võ sư Trịnh biểu diễn “Bóng trăng Phồn Xương” bao giờ chưa? Điệp gật đầu. Có, mình từng xem ông biểu diễn ở sân đền Thề trong khu di tích Hoàng Hoa Thám.

Hai vợ chồng Tâm mỗi người đem theo một tâm trạng khác nhau về nhà. Điệp có vẻ rất vui. Còn Tâm thì có phần bực bội. Nhà vắng tanh, không có khách khứa. Khi hai vợ chồng vào bếp làm bữa trưa, Tâm vờ hỏi. Ngày xưa, mối tình đầu ấy, vì sao mà chia tay? Điệp bỗng trở nên hứng thú với câu hỏi của vợ. Như thể cuộc gặp gỡ sáng nay khiến Điệp chợt nhớ ra điều gì từ quá khứ. Lần đầu tiên Điệp kể lại chuyện cũ. Hồi xưa, Huyền học giỏi lắm, giỏi nhất môn Văn, nhiều lần kiểm tra, anh phải hỏi bạn ấy vì sau khi đọc đề, anh chả có bất kỳ ý tưởng nào để viết cái mở bài cả. Nhưng vào thời gian cuối cấp thì việc học hành của Huyền sa sút. Nguyên nhân là do mẹ Huyền bệnh nặng, cô ấy phải chăm sóc mẹ ở bệnh viện, không còn thời gian cho bài vở. Cô giáo chủ nhiệm thì tưởng rằng vì Huyền yêu đương sớm, không tập trung học hành nên như thế. Cô đã gặp anh để nhắc nhở. Và rồi hai đứa tự tách nhau ra bằng cách đổi chỗ ngồi và Huyền chọn con đường khác để về nhà. Huyền không thi đại học năm đó, tận hai năm sau, bệnh tình của mẹ ổn hơn, cô ấy mới thi sư phạm tỉnh nhà. Thời gian là sinh viên, Huyền cũng tự học và làm thêm sản phẩm thủ công mây tre đan để có tiền học phí và trang trải mọi thứ. Anh cũng có gặp lại Huyền vài lần trong quãng thời gian ấy, nhưng hai đứa đều im lặng…

Vậy tại sao khi đã trưởng thành, chín chắn hơn, hai người không nối lại? Tâm hỏi. Điệp cúi xuống. Tình yêu học trò giống như bông hoa phượng. Nó rực lên, đỏ chói và rụng xuống, được ép khô trong những trang lưu bút, khi nào đó tình cờ mở ra lại thấy, để nhớ về nhau thôi. Với lại, khi anh trưởng thành thì lại gặp em rồi. Thôi, không phải nịnh. Ừ, không cho nịnh thì cho anh khen cái váy vậy. Cái váy đẹp quá, người mặc cái váy cũng đẹp. Tâm nguýt chồng một cái và nghĩ thầm, để làm vừa lòng người đàn ông mình yêu thương, đâu có khó khăn gì. Cô thấy lòng nhẹ nhõm chưa từng thấy. Bao nhiêu những vất vả của cô đâu có thấm tháp gì với Huyền. Đúng là trời đất run rủi, Huyền lại là người dạy con gái Tâm những nét chữ đầu đời. Mà sao chị ấy mạnh mẽ đến thế. Còn Tâm thì cứ tự làm tổn thương mình bằng những nỗi buồn có thể gạt ra, quên đi. Tâm cầm lấy điện thoại và gọi mẹ chồng. Mẹ đang ở đâu đấy? Mẹ về ăn trưa ạ. Mẹ... mẹ ở trong phòng, các con về rồi à?

Tâm chạy lên tầng, xoay nắm đấm cửa phòng mẹ chồng, cảnh tượng trước mắt làm Tâm ngỡ ngàng. Mẹ chồng cô đang đeo tai nghe và tự thu âm giọng hát của mình qua điện thoại. Bà đang hát quan họ một mình. Giờ cô hiểu vì sao bà không nghe thấy tiếng cháu gào khóc mỗi khi người giúp việc cố bón cho cháu ăn. Cô cũng hiểu vì sao bà tán thành ngay việc con cháu đi chơi Tết nhà cô giáo, để bà còn có không gian riêng cho những đam mê. Tâm ngồi xuống cạnh bà và khích lệ. Mẹ hát hay lắm. Hay là mai cả nhà mình về Giá Sơn nhé. Bà tháo tai nghe ra, hỏi lại con dâu. Con vừa nói gì. Con nói ngày mai cả nhà mình về Giá Sơn. Mắt bà lóe lên tia nhìn vui sướng xong mà lại thoắt thở dài. Nhưng chồng chị có thích đâu mà. Nó giống bố nó, không yêu quan họ đâu. Có chứ. Con biết cách làm cho nhà con thích. Giờ mẹ về Giá Sơn mẹ là khách rồi. Mẹ có phải là người của câu lạc bộ đâu, về ngại lắm. Ôi trời, mẹ là gái làng. Các bác bạn mẹ vẫn nhiều người ở làng đấy thôi. Con nhớ có bác gì đấy lấy chồng tận Sơn La mà năm nào hội cũng về đấy, bác ấy hát rất hay. Bà Yên ngạc nhiên vô cùng. Vì sao con biết bà ấy hát hay? Hồi xưa, lúc mới tập, nhiều chỗ bà ấy còn vấp, mẹ phải chỉ cho đấy. Như cái bài trăng gác mái đình là khó hát lắm…

Tâm tủm tỉm cười. Cái sự ngây thơ của người già dễ thương thật. Chả phải chính cô lập nick và tạo trang cho bà Yên vào giao lưu với mọi người trong nhóm quan họ đấy thôi. Đó là lý do Tâm muốn cả nhà về Giá Sơn. Cô sẽ chụp cho bà những bức ảnh thật đẹp ngay tại sân gạch nhà cụ ngoại, quay cảnh bà hát cùng với các liền chị liền anh, làm thành video, đăng lên mạng. Tuy nhiên, để bà không đoán được, Tâm bảo đêm qua con nằm mơ thấy mẹ và các bác U60 bạn của mẹ hát quan họ với nhau tình tứ lắm. Giọng mẹ hay nhất. Mẹ mặc cái áo mớ ba, lớp ngoài màu sô cô la, lớp trong màu thiên thanh, trong cùng là yếm màu cánh sen đính đá óng ánh, đầu đội nón thúng quai đỏ, chân đi guốc cao quai viền kim tuyến…

Bà Yên đập nhẹ tay vào mông con dâu. Mơ thế ai chả mơ được!

Bé Hải Tiên đứng ở cửa phòng cười toe toét. Con mời bà và mẹ xuống ăn cơm ạ. Đêm qua con mơ thấy con múa võ oách cực, mẹ mà nhìn thấy mẹ phải vỗ tay ý. Còn bây giờ, con mơ thấy bố Điệp đói lả ra ghế rồi kia kìa…

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân

Lời hẹn Tết với cây
(BGĐT) -  Người ta nói “nhà là nơi để về”, vậy mà đôi lúc cô tưởng như mình là một kẻ vô gia cư, chẳng tìm được lý do gì để hào hứng trở về, hoặc trở về trong ảo não rồi trở đi trong buồn bực; càng chẳng thể chia sẻ với ai nỗi hụt hẫng, trống rỗng đến xót xa của lòng mình.
Mưa sang xuân
(BGĐT) - Chiều cuối năm. Anh bần thần đứng lặng trên bờ đê cao. Nắng cuối chiều đang lụi dần, hiu hắt một màu vàng nhạt trải mỏng mảnh trên dòng sông quê. Cây si cổ thụ già nua trầm ngâm buông râu chấm xuống tận nước sông. Núi con Rùa thấp thoáng mờ xa trong khói lam chiều kéo anh về với ký ức một thời nhớ nhung da diết.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...