Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ôi con đê làng mình

Cập nhật: 20:37 ngày 22/01/2023
(BGĐT) - Nhiều người con của làng ra đi, đều ao ước mong được về quê ngày Tết. Về để được đi lại con đê qua làng mình, thấm thía không khí xuân thắp lên từng ngọn cỏ, từng cánh cò, ngọn gió bình yên. Và thế nào, trong những ngày chuẩn bị Tết chả bắt gặp những chuyến xe chở đào quất, hoa đi qua lối đê rẽ vào làng.

Rủ lòng về với những làng quê Bắc Giang, trong tôi bao giờ cũng rộn lên tình cảm của người dân dưới những nếp làng. Họ chân tình, chất phác và hào phóng. Hào phóng như dòng sông Thương bao đời mang dòng nước mát cho những cánh đồng, khu dân cư và chắp nối cảm xúc để các nghệ sĩ chưng cất thành tác phẩm nghệ thuật. Khi về với làng, với sông Thương, tôi cũng được thăng hoa với vẻ đẹp của con đê. Tôi đã nhiều lần về Bắc Giang để lắng nghe tiếng thì thào của sông Thương. 

Vào mùa xuân, sông Thương lạ lắm, cứ xanh mướt mát bởi những lũy tre, những hàng cây. Có đoạn, đê uốn cong như ôm lấy xóm làng, bờ bãi, cứ nhẹ nhàng, bền bỉ, thế mà thấm thía, mà tạo sức sống trong dòng chảy cuộc đời. Tự bao đời, con đê trở thành chốn sinh hoạt văn hóa của những thanh niên làng, của đám trẻ chăn trâu cắt cỏ. Đê là nơi hóng mát, nơi các bà, các mẹ đi chợ, rồi người làng ngồi ngắm trăng. Có chú bé vừa cưỡi trâu vừa thổi sáo. Con đê là ký ức của lũ trẻ thơ cùng nhau thả những con diều thật to lên trời với ước mơ thầm kín. Hay là nơi mà đám trẻ mỗi sáng ra ngóng mẹ đi chợ về để được cho quà bánh.

{keywords}

Đê sông Thương đoạn qua xã Lãng Sơn (Yên Dũng). Ảnh CTV.

Cứ lặng ngắm nhìn, đê duyên dáng được tạo thêm sự sinh động bởi những cánh cò bay la bay lả, dẫn cảm xúc xuôi về một hình dáng thân quen, với rất nhiều người: “Ngày lấy chồng em đi qua con đê/ Con đê mòn lối cỏ về/ Có chú bướm vàng bay theo em…”. Rồi lặng người nghĩ đến Đặng Thế Phong với nhạc phẩm “Con thuyền không bến” đầy tâm trạng, tình cảm tha thiết: “Lướt theo chiều gió một con thuyền theo trăng trong/ Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng/ Biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu? Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu”. Chợt nghĩ, rồi sông Thương và con đê bình dị, đi qua bao bão giông cuộc đời, sẽ còn tạo nhiều cảm hứng nghệ thuật khác cho những người yêu quê, yêu làng.

Một trong những vẻ đẹp lãng mạn của đê sông Thương là mùa hoa gạo. Đã biết bao lần tôi men đê, đi dọc dòng Thương chảy qua địa phận huyện Lạng Giang để ngắm những chùm hoa gạo rực rỡ, soi mình xuống dòng sông hiền hòa, tạo ra bức tranh thiên nhiên yên bình. Hay đoạn đê sông Thương đi qua xã Lãng Sơn (Yên Dũng), nơi nhiều năm qua thu hút đông đảo du khách tới chụp ảnh bên cây gạo.

Nhiều người con của làng ra đi, đều ước mong được về quê ngày Tết. Về để được đi lại con đê qua làng mình, thấm thía không khí xuân thắp lên từng ngọn cỏ bình yên. Và thế nào, trong những ngày chuẩn bị Tết chả bắt gặp những chuyến xe chở đào quất, hoa đi qua lối đê rẽ vào làng. Hình ảnh ấy sao mà thân thương, gần gũi và rất xuân.

Tản văn của Nguyễn Văn Học

Lời hẹn Tết với cây
(BGĐT) -  Người ta nói “nhà là nơi để về”, vậy mà đôi lúc cô tưởng như mình là một kẻ vô gia cư, chẳng tìm được lý do gì để hào hứng trở về, hoặc trở về trong ảo não rồi trở đi trong buồn bực; càng chẳng thể chia sẻ với ai nỗi hụt hẫng, trống rỗng đến xót xa của lòng mình.
Mưa sang xuân
(BGĐT) - Chiều cuối năm. Anh bần thần đứng lặng trên bờ đê cao. Nắng cuối chiều đang lụi dần, hiu hắt một màu vàng nhạt trải mỏng mảnh trên dòng sông quê. Cây si cổ thụ già nua trầm ngâm buông râu chấm xuống tận nước sông. Núi con Rùa thấp thoáng mờ xa trong khói lam chiều kéo anh về với ký ức một thời nhớ nhung da diết.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...