Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gió đồng lật mở

Cập nhật: 13:21 ngày 22/01/2023
(BGĐT) - Những ngày thằng Thái về quê nghỉ xả hơi là những ngày anh thấp thỏm. Dù đang công tác ở đâu anh cũng vào mạng tra kết quả. Thế nên anh là người đầu tiên trong nhà biết thằng Thái đạt điểm ba môn tuyệt đối....

Anh về nhà sau chuyến đi Tây Nguyên, chị đón từ cổng bằng câu hỏi trĩu âu lo: “Sao anh đi lâu thế, em mong mãi.”

Anh chột dạ: “Con đâu rồi?”

“Nó đi đá bóng. Anh tắm nhanh đi!”

Anh chột dạ, kiểm điểm nhanh. Suốt chuyến công tác mình không lỗi lầm gì. Hằng ngày vẫn thông báo tình hình. Trước khi ra sân bay anh cũng điện thông báo giờ về...

Từ nhà tắm bước ra, anh đã thấy mâm cơm tươm tất với những món anh thích: Đĩa cá rô rán giòn cạnh bát tương gừng đặc khệt. Bát canh với những vẩng gạch cua nâu ngậy nổi bồng bềnh cùng những lát mướp hương trong như ngọc quyện sắc rau rền cơm xanh mướt. Bát cà pháo muối xổi trắng tinh...

“Em muốn bàn một chuyện hệ trọng”. Chị mở lời sau khi đã đơm cho anh bát cơm gạo tám nấu khéo, từng hạt xuê tơi tỏa khói thơm nức.

Anh hơi giật mình, đặt bát xuống mâm, ngó sững chị mấy giây. Chị vội nhoẻn cười:

“Ồ, ý em chỉ là... chúng mình cần cho con đi ôn thi đại học. Em đã nhờ người tìm hiểu rồi. Lò của thầy Chu uy tín nhất thành phố. Thầy có tên trong hội đồng ra đề hằng năm, luyện ở lò ấy bảo đảm đỗ trăm phần trăm.”

“Làm sao phải thế? Không lò liếc gì hết.” Anh chắc giọng.

Mọi lần anh nổi nóng chị đều nín nhịn rồi thỏa hiệp, nhưng lần này thì không.

*

Mình có quá lời không? Ngồi một mình trong phòng viết, anh tự vấn. Trong tất cả những lần tranh luận, anh đều biết cách tiết chế từ ngữ, tránh làm tổn thương vợ. Anh hiểu chị luôn mang cảm tính phụ nữ nên với tâm thế của người đàn ông làm báo, anh luôn dùng lý lẽ để phân tích, thuyết phục chị. Anh đã phản biện chị bằng một câu hỏi: “Thế em và anh đã ôn thi từ lò nào?”

Chị đã ngồi ngớ ra.

Anh chị biết nhau qua một lớp tiếng Anh online. Khi thấy anh đưa lên diễn đàn một câu tâm đắc Self-studying is the best way to success - tự học là con đường tốt nhất dẫn đến thành công – chị thấy đồng cảm, rồi bắt chuyện. Từ chat công khai trên nhóm đến chat riêng qua Yahoo messenger.

“Nhà bạn thế nào?” Chị thăm dò.

Anh tình thật kể. Nhà tôi nghèo lắm, bởi có tới bảy anh em.

“Còn nhà bạn thế nào?” Anh điều tra ngược. Chị bẽn lẽn trần tình, nhà mình cũng nghèo lắm, vì có tới năm chị em, mình là chị cả.

“Thế bạn tự học ra sao?” Chị hỏi.

Anh hào hứng kể. Năm cấp một, mỗi khi về nhà, vừa quăng cặp sách, ăn vội bát sắn là mình phải ra đồng chăn trâu. Ngồi trên lưng trâu, mình đọc bộ sách giáo khoa Tập đọc và Tập tính. Gió đồng mát rượi. Nắng chảy tràn trên từng trang sách. Sách Tập đọc mình học đến thuộc lòng. Ca dao, tục ngữ, những bài thơ nhỏ, những câu chuyện xinh cứ tự nhiên thấm vào hồn mình từ từ. Mình học những bài toán sơ khai qua những hình vẽ sinh động bầy chim, đôi bò, đàn cá... để học đếm từ một đến mười, rồi xòe bàn tay đếm ngón tay cộng trừ thêm bớt. Sách Toán cấp hai mình học thuộc những quy tắc, công thức được viết rất vần kiểu “Muốn tính diện tích hình thang, đáy lớn đáy nhỏ ta mang cộng vào, thế rồi nhân với chiều cao, chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra”. Học xong thì nhìn ngay vào những thửa ruộng để xem nó là hình vuông, hình bình hành hay hình tam giác để áp dụng. Có những thửa ruộng méo, mình phải cắt ra làm nhiều hình, tính riêng, rồi cộng lại. Vì thế mỗi lần hợp tác xã chia lại ruộng, mình luôn được bố tín nhiệm cho đi nhận, kiểm tra xem diện tích có đủ không.

{keywords}

Minh hoạ: Tùng Quân.

Học cấp hai mình ngủ với bố, bố hay đưa những bài toán đố ra để mình giải. Trong các bài toán phương trình bậc hai, mình nhớ nhất bài “Một trâu bốn nghé với hai bò, mỗi ngày mười cân cỏ phát cho, trâu khỏe ăn bằng bò với nghé, bò bằng năm nghé với vừa no. Hỏi mỗi con ăn hết bao nhiêu?” Khi mới nghe đề này, vì nằm trong chăn, không có giấy bút lập phương trình nên mình đã rất mông lung, nghĩ đến đầu óc nóng ran, trời mùa đông mà mồ hôi túa lạnh sống lưng. Nhưng rồi nghĩ mãi thì đã hình dung ra cách lập phương trình và tìm ra cách giải. Từ đấy những bài toán tương tự kiểu “Vừa gà vừa chó, bó lại cho tròn, ba mươi sáu con, một trăm chân chẵn, hỏi có bao nhiêu gà, bao nhiêu chó” trong sách giáo khoa mình giải rất nhàn.

Ngày ấy cả nước thiếu thốn. Không có giấy, khi thả trâu cho ăn trên đê mình thường vẽ những hình và công thức, phương trình lên mặt đất để tự học, rồi nghĩ ra các bài toán mới để giải.

“Thế lên cấp ba thì sao?” Chị tò mò.

Anh lại thật tình. Lên cấp ba, nhà xa trường bảy cây số, không có xe đạp, mình phải chân trần chạy bộ. Mỗi sáng bà nội nướng cho hai củ khoai, vừa chạy vừa ăn. Vào lớp thì hai củ khoai đã tiêu veo, bụng đói cật rét, tai ù, mắt hoa, phải đặt hai bàn tay xuống mông ngồi lên cho hết tê cóng. Nhưng chỉ cần bài học bắt đầu là toàn thân mình ấm sực, có thể học hết buổi, đi bộ về nhà, nhai sắn xong rồi lại vác cuốc ra đồng. Học thế mà thi phát đỗ ngay Đại học Bách khoa. Đang học năm thứ hai thì biên giới phía Bắc căng quá, mình tình nguyện nhập ngũ, tính khi nào hết chiến tranh sẽ trở lại giảng đường. Nhưng làm lính một thời gian mình mới phát hiện ra mình yêu báo chí, văn chương. Mình mượn đứa cháu bộ sách giáo khoa Văn, Sử, Địa cấp ba ôn vội, thế mà đỗ ngay Đại học Tổng hợp. Giờ mình viết văn làm báo ở Hà Nội.

“Bạn giỏi quá!” Chị không giấu giếm sự ngưỡng mộ. “Người như thế chắc nhiều em xin chết lắm nhỉ?”

“Không, đi lính về, học muộn, già rồi, chả cô nào thèm ỏ ê, vẫn ế.”

“Chả tin.”

“Không tin thì thôi. Bạn kể về việc tự học của mình đi!”

Chị ngập ngừng. Con gái nông thôn khổ lắm. Vì người quê vẫn nặng quan niệm đàn bà cần gì học nhiều. Thế nên cả làng mình con gái thường chỉ học hết cấp hai là ở nhà lấy chồng. Bố mẹ mình cũng muốn thế nên chẳng quan tâm đến việc học hành của mình. Mình có mấy cuốn vở, mấy cuốn sách giáo khoa, bố mẹ mang ra cho các em chơi, chúng xé nát cả khiến mình khóc ròng rã. Rồi mình phải giấu sách vở vào bồ lúa, chỉ tối mới mang ra học. Học hết cấp ba mình nói với bố, con muốn học đại học. Bố mình ngần ngừ. Nhưng rồi trước sự tha thiết của mình, bố đồng ý nhưng ra điều kiện, chỉ được thi một lần, đỗ thì học, trượt thì phải ở nhà lấy chồng. Mình đạp xe lên hiệu sách huyện mua một bộ sách ba quyển đề thi Toán, Hóa, Sinh về nhà đặt quyết tâm tự luyện thi vào Đại học Y.

Con gái tuổi cập kê, trai làng lượn lờ đánh võng đầy ngõ. Bố mình nuôi mấy con chó rất dữ để dọa những kẻ liều lĩnh. Còn mình phải tìm mọi cách để tránh trai làng. Thực ra để chiến thắng sự quyến rũ của trai làng thì dễ, chiến thắng được sự lười của mình mới khó. Đang tuổi ăn tuổi ngủ, ăn xong là mình chỉ muốn chui vào đâu đó đánh một giấc thẳng cánh. Nhưng phải ra đồng. Tay thoăn thoắt nhổ mạ cấy lúa, miệng vẫn lẩm bẩm tan sin cos; tay tung phân cho lúa mà đầu lại nghĩ đến phản ứng hóa học giữa N, P, K khi gặp H2O; chân lội bùn oàm oạp, tay huơ liềm gặt mà đầu lại nghĩ đến cả một hệ sinh vật với tôm, cua, ốc, ếch cùng trùng cỏ, nấm khuẩn đang hoạt động trên cánh đồng. Tóm lại là những lúc ấy mặt mày mình trông buồn cười lắm í, đến mức bạn bè bảo con điên. Tối về, sau khi khóa chặt cổng, mình ngồi vào bàn học, thực chất là cái bàn uống nước của gia đình. Sau khi ôn nhừ nhuyễn sách giáo khoa, mình giải các đề thi tới ba giờ sáng. Trước khi học mình luôn niệm câu thần chú “Chỉ được thi một lần thôi, chỉ một lần thôi” để có động lực học thâu đêm. Có đêm mệt quá, ngủ gục đầu vào đèn dầu. Bố ngửi thấy mùi tóc cháy khét hốt hoảng chồm dậy kêu lên: Khổ thân con gái tôi rồi!

“Làm sao cụ lại kêu thế?”

“Vì cụ thấy mặt mình đen thui. Con gái đã xấu, giờ mặt bị bỏng sẹo thì ma nó rước. Thế nên mình vẫn ế đấy.”

“Thật không?”

“Không tin, gặp thì biết.”

Thế là gặp nhau. Chị không xấu, mà ngược lại, rất xinh. Anh hỏi vết sẹo do bỏng trên mặt đâu, chị bảo, làm gì có. Nói thế để chặn kẻ háo sắc thôi.

Thế rồi yêu nhau, cưới nhau. Cùng hoàn cảnh xuất thân, tương đồng về ý chí, nên anh chị rất ít khi cãi cọ. Vậy mà...

*

Chị ngồi nơi phòng ăn, nước mắt lặng lẽ tràn. Mình có quá đáng không? Thực ra thì từ trước tới giờ chị luôn tin tưởng anh trong việc nuôi dạy con cái.

Ngày thằng Thái học cấp một, như bao đứa trẻ khác, nó cũng ham chơi. Sách giáo khoa đủ bộ nhưng nó chỉ mở lướt xem hình vẽ. Hậu quả là nó luôn phải ngồi cắn bút trước những bài tập. Anh biết nhưng không hề cáu bực mà mỉm cười kéo con ra khỏi phòng học, sập khóa lại rồi bảo “Con vào phòng đi!” Thằng Thái ngơ ngác nhìn bố, nhưng rồi cũng loay hoay tìm cách. Đến khi bất lực, nó mếu máo nói con không có chìa khóa. Lúc đó anh mới giảng giải “Làm một bài tập cũng như vào một căn phòng, cần phải có chìa khóa. Những quy tắc, định lý, định luật, công thức trong sách giáo khoa chính là chìa khóa”. Chỉ một lần như thế rồi thành nếp, cả ba cấp, thằng Thái đều tự giác học theo phương pháp anh bày, không đợi bố mẹ phải nhắc nhở. Nhờ thế anh mới có thể đi thực tế dài ngày, chị yên tâm với công tác điều trị ở bệnh viện, rồi học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ.

Mỗi kỳ nghỉ hè, trong khi các bạn đứa đến trung tâm học thêm, đứa vùi đầu vào các trò chơi điện tử quên ăn quên ngủ, thì thằng Thái bị bố “đày” về quê. “Ở quê khí hậu trong lành, con sẽ được tham gia vào những trò chơi dân dã.” Thả diều, tắm sông, phi trâu, leo cây, tát cá... những trò chơi ấy chị không lạ, nhưng vẫn lo. Anh cười: “Phải cho con chạy nhảy trong nắng gió để củng cố chân khí. Không trí tuệ nào cư ngụ trong một cơ thể ọp ẹp đâu. Cứ nhìn anh đây này!” Anh vừa nói vừa làm động tác vuốt trán và gồng người. Nhìn vầng trán cao rộng và cơ thể vâm váp của anh, chị chỉ còn biết vớt vát: “Con mà làm sao là em bắt đền anh đấy”.

Mỗi lần con từ quê lên chị thấy nó tuy gầy đen hơn, nhưng dẻo dai, săn chắc, phản xạ nhanh nhạy, giọng nói vỡ vang, ra dáng một người đàn ông mạnh mẽ. So với đám bạn cùng lớp của thằng Thái béo phì trắng nhớt, chị thầm phục anh sáng suốt.

Nhưng đấy là những mùa hè trước. Còn hè này... Kỳ thi bản lề cuộc đời. Dẫu rất tin tưởng vào học lực của con, nhưng chị vẫn không chiều ý anh. Chị đưa cái lý là thời đại công nghiệp hóa, kỷ nguyên công nghệ bốn chấm không, sách giáo khoa mỗi năm mỗi khác, đã cập nhật nhiều kiến thức mà thế hệ anh chị chưa có, không đi lò luyện thi, nhỡ con mình trượt thì chết.

Anh cứng cỏi bẻ lại, nguyên tắc là đề chỉ được ra trong sách giáo khoa. Cứ học cho ngấu thì đề nào làm cũng được. Để chứng minh, anh mở điện thoại tìm bài báo viết về một chàng trai miền núi mang bộ sách giáo khoa vào hang núi tự ôn mà đỗ thủ khoa ba trường đại học danh tiếng.

“Đấy là con người ta không có điều kiện. Còn con mình, vào lò luyện vẫn tốt hơn. Hay là anh sợ... tốn tiền?”

Cảm thấy bị xúc phạm nặng, anh gầm lên “Cô im đi!”

*

Thằng Thái về, bộ quần áo thể thao bó khít thân thể vạm vỡ đẫm mồ hôi. Nó vừa tháo giày vừa huýt sáo vui vẻ từ cửa. Nhưng khi nhìn thấy mẹ ngồi một mình với đôi mắt đỏ hoe, nó lập tức thay đổi thái độ. Chị vội vã mỉm cười bảo “Bố về rồi đấy” rồi tất tả dọn lại mâm bát, bật bếp nấu lại thức ăn. Trong khi thằng Thái trong nhà tắm, chị đã kịp nhắn tin làm lành:

“Em xin lỗi, anh xuống ăn cơm với con”.

Anh vội vã sửa soạn tâm thế đi xuống. Nhưng dù đã cố làm mặt tự nhiên, cả anh và chị vẫn không giấu nổi những nét gượng gạo. Thằng Thái nhìn bố mẹ hỏi giọng khôi hài:

“Có chuyện gì mà đôi trẻ căng thẳng thế?”

Cả anh và chị bật cười. Và chuyện được tường thuật lại. Rằng đang có một vấn đề chưa thống nhất, bố và mẹ mỗi người một ý. Giờ con về rồi, nhà mình sẽ áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, phiếu của con sẽ mang tính quyết định.

Thằng Thái dường như đã cảm nhận được vấn đề nên cứ hồn nhiên ăn uống. Sau khi đánh một bữa căng đẫy, nó vuốt bụng nhìn bố mẹ cười cười:

“Ý kiến của con là...” Thằng Thái dừng lại giữa chừng, nhón tay lấy một quả nho đưa vào miệng nhai chầm chậm khiển bố mẹ nín thở chờ đợi.

*

Taxi về đến cổng anh đã thấy mẹ, anh cả và mấy đứa cháu đứng giữa vườn cây sum suê chào đón. Thằng Thái khoác ba lô nhảy xuống ôm chầm lấy bà nội, khoanh tay chào bác và vỗ vai các anh chị. Con Yểng từ ngọn bưởi sà ngay xuống vai thằng Thái reo vang: “Thái về! Thái về!” Thằng Thái đưa ngón tay gại mỏ con chim: “Tao đây, tao đây. Tao về chơi với mày đây”. Bà nội nghiêng mái đầu bạc phơ, nở nụ cười son trầu đỏ thắm: “Cháu về đây bà chăm cho mà ôn thi, khi nào đỗ nghè đỗ trạng thì vinh quy bái tổ, như cụ cố của cháu nhé!”

Cả anh và chị đều cảm thấy mắt cay xè, châng lâng bước vào ngôi nhà cổ xây theo lối đại khoa đã được trùng tu nhiều lần, trong có bức hoành phi và đôi câu đối ghi nhận sự hiếu học được vua ban cho cụ bảy đời của anh khi đỗ tiến sĩ. Đây sẽ là nơi thằng Thái ôn thi trong những ngày nước rút.

*

Ngày thi đã đến. Anh lẳng lặng theo dõi cử chỉ và thái độ của vợ con. Chị mua yến mua sâm để con ăn lấy sức. Thằng Thái dậy sớm, tự bắt xe đến điểm thi. Xong mỗi môn, thằng Thái vừa về đến nhà chị đã vồn vã hỏi con có làm được bài không, áng được bao nhiêu điểm. Bị hỏi nhiều, thằng Thằng gắt: “Mẹ không phải lo!” Nghe thế anh mừng thầm. Khẩu khí lắm, con trai!

Thế nhưng những ngày thằng Thái về quê nghỉ xả hơi là những ngày anh thấp thỏm. Dù đang công tác ở đâu anh cũng vào mạng tra kết quả. Thế nên anh là người đầu tiên trong nhà biết thằng Thái đạt điểm ba môn tuyệt đối. Nhưng anh không hét toáng lên. Kết quả không nằm ngoài tiên liệu. Anh không nhắn tin cho vợ, cũng không gọi điện cho con. Anh đoán có lẽ giờ này thằng Thái đang nằm võng trong vườn cây đọc sách. Một cảm giác rất lạ dâng lên trong anh. Anh như thấy mình bé lại, vụt về tuổi hoa niên với những trang sách thần tiên được gió đồng lật mở giữa miền quê ngập nắng...

Truyện ngắn của Đỗ Tiến Thụy

Giữa non xanh lộc biếc
(BGĐT) - Sớm ngày đông, từ ô cửa sổ trên tầng cao, tiếng chim câu gù trong gió vút bay lên tầng trời. Giàn hoa giấy trước cổng nhà ai nở rực rỡ đung đưa trong ánh nắng vàng dịu dàng của mùa đông.
Bạn cùng lớp
(BGĐT) - Đời con gái ước mơ thì nhiều mà trời cho chẳng mấy. Tôi thường cùng lũ bạn tổ chức những chuyến đi thật xa khi có điều kiện và mơ ước mình sẽ có một người yêu tâm lý, thích xê dịch nhưng vẫn đủ chín chắn để chăm lo cuộc sống riêng. Một vài ước mơ của tôi cũng là của cha mẹ.
Lời hẹn Tết với cây
(BGĐT) -  Người ta nói “nhà là nơi để về”, vậy mà đôi lúc cô tưởng như mình là một kẻ vô gia cư, chẳng tìm được lý do gì để hào hứng trở về, hoặc trở về trong ảo não rồi trở đi trong buồn bực; càng chẳng thể chia sẻ với ai nỗi hụt hẫng, trống rỗng đến xót xa của lòng mình.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...