Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hơi ấm miền rừng

Cập nhật: 10:37 ngày 26/02/2023
(BGĐT) - Sau cuộc hội chẩn trước khi tiến hành ca mổ chiều nay, bác sĩ Thu cùng kíp mổ vội vã bước vào thang máy để đi lên khu phẫu thuật. Tấm kính trong suốt của thang máy nhìn ra khuôn viên vườn hoa. Chị chợt nhận ra bên ngoài những hạt mưa xuân đã lắc rắc bay. Một màu xanh non mơn mởn của những chồi non, lộc biếc loang loáng hiện ra.

Mấy chú chim sâu nhảy nhót chuyền cành gợi chị nhớ lại ngày bé thích thú đứng nem nép bên cánh cửa để quan sát đàn chim non ngoài vườn na. Trong đôi mắt sâu thẳm của chị chợt ánh lên niềm hy vọng. Chị bước vào hành lang dẫn đến khu phòng mổ. Trên băng ghế chờ bên ngoài, người phụ nữ mặc bộ quần áo chàm, tóc búi cao, gương mặt hốc hác đầy lo lắng. Ngồi bên cạnh, người đàn ông liên tục đưa mắt tìm kiếm, chờ đợi. Khi thấy bác sĩ Thu đi tới, anh liền kéo tay vợ đứng dậy chào. Chị nhẹ nhàng động viên:

- Anh chị yên tâm, nhất định con bé sẽ ổn thôi.

Bệnh nhân trong ca mổ tim hôm nay là một bé gái 6 tuổi người dân tộc Tày. Ngay từ giây phút đầu tiên gặp con bé, chị đã sững sờ bởi đôi mắt to, đen láy với hàng mi cong vút rất giống bé Na con gái chị. Đôi mắt lúc nào cũng như biết cười ấy, chỉ có điều, nếu như còn sống thì bé Na giờ đã là một thiếu nữ tuổi trăng Rằm rồi. Nỗi đau đớn vì mất con ngày nào bỗng trở về nguyên vẹn như vừa mới hôm qua thôi, bóp nghẹt trái tim chị. Chị ôm chầm lấy con bé trong thảng thốt, rưng rưng. Chị siết chặt đôi bàn tay như thể sợ con bé sẽ vuột mất khỏi vòng tay mình. Con bé thường ngày vốn rất nhút nhát, cứ hễ có người lạ là chỉ nem nép chạy lại đứng nấp sau lưng bố mẹ. Nhưng lần này nó không sợ hãi mà ngoan ngoãn đứng im đó, đưa ánh mắt hết nhìn bố, nhìn mọi người rồi lại nhìn chị. Con bé thế mà hiểu chuyện. Dường như nó cảm nhận được hơi ấm và cả tiếng nấc cố nén vào trong của chị.

Các đồng nghiệp đi cùng hôm đó khi chứng kiến cảnh tượng này đều không khỏi xúc động, len lén quay đi cố ngăn giọt nước mắt. Tất cả lặng đi, không ai nỡ lên tiếng phá tan khoảnh khắc đó bởi hơn ai hết, họ hiểu nỗi đau và nhớ thương khôn nguôi đứa con đã mất trong lòng chị. Phải công nhận con bé có nhiều nét rất giống bé Na. Đôi má có chút lấm lem, vài lọn tóc hoe vàng xòa xuống trước mặt nhưng vẫn lộ rõ vẻ xinh xắn, đáng yêu.

Cả buổi tối hôm ấy, chị và con bé cứ quấn quýt bên nhau như thân thuộc từ lâu. Nó sà vào lòng chị, cười khúc khích khi nghe chị kể chuyện rồi ngủ ngon lành lúc nào không biết. Chị cứ ôm nó trong lòng thật lâu, vỗ nhè nhẹ cho nó ngủ giống như ngày xưa chị vỗ về bé Na. Chị nhớ những ngày con ốm nặng, nằm trong bệnh viện, mọi người động viên chị hãy kiên cường lên để làm chỗ dựa cho con gái nhưng chính sự mạnh mẽ và kiên cường của con lại là niềm an ủi chị. Vẫn biết bệnh tật chẳng trừ một ai nhưng khi đó bé Na của chị còn nhỏ quá, cả tương lai tươi đẹp đang chờ con phía trước. Điều đó càng khiến chị day dứt. Sau này, mỗi lần đối diện với những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, tim chị lại nhói buốt.

Cuộc gặp gỡ giữa chị với bé Mây như được sắp đặt trước. Hôm đó, bệnh viện có chương trình khám bệnh nhân đạo tại một huyện miền núi. Trước giờ xuất phát thì anh trưởng đoàn có việc gia đình đột xuất không thể đi được nên chị được lãnh đạo bệnh viện cử đi thay. Từ lúc còn là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, chị đã rất hăng hái trong những hoạt động thiện nguyện vì sức khỏe cộng đồng. Mỗi một chuyến đi xa như thế này đều cho chị những trải nghiệm và cảm xúc thật ý nghĩa. Nhưng không hiểu sao trong chuyến đi lần này, từ lúc bước lên xe chị đã có một cảm giác lạ lắm, vừa hồi hộp lại vừa bồn chồn, thật khó tả.

Điểm đến lần này của đoàn là một xã miền núi đặc biệt khó khăn. Ở đây, bà con muốn đi lên trung tâm y tế huyện cũng phải mất gần nửa ngày bởi đường xa xôi lại khó đi. Chiếc xe ô tô chầm chậm men theo lối mòn gập ghềnh lên xuống cuối cùng cũng đến được trạm y tế nằm cheo leo giữa lưng chừng núi. Xa xa là những ngôi nhà lúp xúp thấp thoáng hiện ra giữa bạt ngàn sắc xanh của núi đồi. Theo kế hoạch, đoàn sẽ lưu lại ở đây hai ngày để khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho bà con và tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế. Bà con nghe thông báo có đoàn cán bộ về khám bệnh thì phấn khởi lắm, từ sáng sớm đã có mặt rất đông.

- Người dân ở đây sống chân thật, tình cảm và mến khách là vậy đấy. Anh Trạm trưởng cười nói với cả đoàn.

Chiếc xe rời đi, khi chuẩn bị lên một con dốc, bỗng nó kêu khục khục rồi chết máy. Mấy anh em nam giới cùng với bác tài xế loay hoay hàng tiếng đồng hồ nhưng chiếc xe vẫn không chịu nổ máy. Giữa chốn núi rừng, trời về chiều mây mù âm u giăng kín, tiếng chim rừng gọi nhau về tổ nghe nao nao. Khu vực này dân cư rất thưa thớt. Có lẽ phải đi thêm hàng chục km đường rừng nữa mới ra được đến đường quốc lộ. Giữa lúc cả đoàn đang hoang mang, lo lắng, còn chưa biết xử lý thế nào thì vừa hay lúc đó có một người đàn ông đi tới trên chiếc xe máy cà tàng. Đó chính là bố của bé Mây. Gần 40 tuổi nhưng nét khắc khổ, vất vả khiến anh già hơn nhiều so với tuổi. Thấy chiếc xe gặp chuyện, anh ta vội vàng đỗ lại hỏi han tình hình.

- Nếu mọi người không chê thì mời cả đoàn ghé tạm nhà tôi nghỉ ngơi qua đêm nay, chiếc xe chắc sẽ không thể sửa được xong ngay hôm nay đâu.

- Được thế thì tốt quá nhưng như vậy sợ lại làm phiền gia đình…

Biết mọi người còn e ngại, không chờ bác sĩ Thu nói hết câu, người đàn ông cười tươi nói:

- Không sao đâu ạ, ai cũng có lúc nhỡ nhàng mới phải nhờ tới nhau chứ, phải không nào?

Câu nói của anh xóa tan mọi cảm giác e ngại của mọi người. Cả đoàn xách hành lý theo chân người đàn ông đi tắt qua một con suối nhỏ, nước chảy róc rách. Mấy cô y tá thích thú ngắm khung cảnh thơ mộng của núi rừng.

{keywords}

Minh hoạ: Hiền Nhân.

Ngôi nhà nhỏ nằm giữa đồi chè xanh mướt. Khi họ vào đến nơi thì bé Mây đang tha thẩn chơi đồ hàng ở góc sân. Người phụ nữ mặc bộ quần áo dân tộc đang lúi húi mãi ngoài vườn chè, nghe thấy tiếng chồng gọi liền chạy về.

Người đàn ông nói gì đó với vợ bằng tiếng dân tộc của họ. Lúc này, người phụ nữ vẫn ngơ ngác nhìn, khe khẽ gật gật đầu, mỉm cười chào mọi người rồi vội vàng bước vào nhà dọn dẹp bàn ghế để lấy chỗ cho khách ngồi. Đoạn anh quay sang nói với mọi người:

- Giờ cũng muộn rồi, đoàn mình cứ yên tâm nghỉ ngơi, sáng mai tôi sẽ đi đón thợ sửa xe sớm, chứ giờ cũng không kịp.

Qua trò chuyện, được biết họ lấy nhau mãi 14 năm sau mới sinh được bé Mây. Từ lúc sinh ra con bé đã hay ốm đau, còi cọc. Nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên cũng chẳng có điều kiện đưa con về dưới xuôi để thăm khám. Lúc nào ốm thì lại đưa con bé lên trạm y tế xin thuốc về uống thành ra con bé cứ còi cọc như vậy. 6 tuổi nhưng nhỏ hơn hẳn so với chúng bạn cùng lớp. Song được cái con bé rất thông minh và học giỏi. Nó chạy vào bàn học lấy tập vở ra khoe bác sĩ Thu nét chữ nắn nót tròn trịa, sạch sẽ. Lúc bác sĩ Thu đưa chiếc ống nghe lên để khám cho con bé, nó nhồn nhột, cười như nắc nẻ. Nhưng khi thấy bác sĩ cẩn thận nghe đi nghe lại, vẻ mặt không vui như lúc trước, con bé liền hỏi:

- Có phải con có chỗ nào không khỏe phải không ạ?

Câu hỏi của con bé khiến cả bố nó và mọi người đang ngồi trò chuyện rôm rả ở ngay cạnh liền im bặt lại. Tất cả mọi ánh mắt đều hướng về phía bác sĩ Thu như chờ đợi điều gì. Bác sĩ Thu cũng giật mình, lúng túng trả lời con bé:

- À không, bé Mây không làm sao hết. Nhưng sức khỏe thì chúng ta không thể chủ quan được. Bé Mây phải cố gắng ăn thật nhiều nha.

Con bé lại cười tít mắt nói: “Vâng ạ! Sau này con cũng muốn được làm bác sĩ.”

- Vậy con phải cố gắng học thật giỏi nhé. Một chú trong đoàn vui vẻ thêm vào.

Sau khi con bé ngủ say, chị đặt nó xuống giường rồi ra bàn uống nước ngồi nói chuyện với bố mẹ của bé Mây.

- Tôi thấy con bé có chút vấn đề về sức khỏe, ngày mai tiện xe, anh chị có thể đi cùng chúng tôi đưa bé về dưới đó kiểm tra tổng quát sức khỏe xem thế nào, được không ạ?

Bố con bé quay sang truyền đạt lại câu nói của bác sĩ Thu với vợ. Lúc này người phụ nữ hoảng hốt, gương mặt tỏ rõ sự lo lắng, nhìn chị như muốn hỏi điều gì. Chị vội vàng trấn an:

- Đừng lo, con bé sẽ không sao đâu. Nhưng cháu cần được kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.

Được chồng giải thích lại cho, người phụ nữ mới bình tĩnh hơn một chút.

Không ngủ được, bác sĩ Thu lặng lẽ khoác chiếc áo ấm bước ra ngoài sân cảm nhận những hạt sương đêm thấm vào da thịt. Ánh trăng chênh chếch lẩn khuất giữa những làn mây lạnh ngắt. Tiếng côn trùng rỉ rả. Thi thoảng lại vang lên những tiếng âm âm, u u văng vẳng của núi rừng. Sau khi bé Na mất, đang từ bác sĩ nội khoa, chị xin đi học và chuyển sang lĩnh vực nhi khoa. Mỗi khi nhớ con, chị lại lấy ảnh của bé Na ra ngắm và trò chuyện với con. Lúc còn nhỏ, con bé cũng hay nói rằng “Sau này lớn lên con sẽ làm bác sĩ giống mẹ”. Chị cảm nhận rằng con bé vẫn luôn hiện diện bên cạnh chị, luôn theo sát chị bởi vậy mà chị cần phải cố gắng thật nhiều để con bé có thể tự hào về mẹ của nó.

- Bé Na à, mẹ nhất định sẽ cố gắng để xoa dịu những đau đớn của các bạn nhỏ, để các bạn ấy không phải chịu thiệt thòi như bé Na của mẹ.

Tiếng thổn thức của chị tan vào trong màn sương bàng bạc xa thăm thẳm của núi rừng. Cành mận trắng góc sân khe khẽ đung đưa, mơn man tựa hồ như bàn tay bé bỏng của con gái đang ôm lấy chị. Bao nhiêu năm rồi chị vẫn không thể quên được cảm giác ấm áp, thân thương ấy.

- Bác sĩ lạ nhà không ngủ được hay sao mà đã dậy rồi vậy?

Câu hỏi của bố bé Mây làm chị giật mình.

- Tôi tỉnh giấc rồi không ngủ lại được nữa, nên ra đây. Mà vẫn còn sớm sao anh đã dậy rồi ạ?

- À, tôi dậy để chuẩn bị đi lên trên huyện đón bác thợ sửa xe về cho sớm.

Bác sĩ Thu lặng lẽ nhìn theo người đàn ông đang lầm lũi dắt chiếc xe máy ra mãi ngoài xa rồi mới từ từ nổ máy, mất hút vào trong bóng tối. Tuy không nói ra nhưng chị cũng cảm nhận được những lo lắng, bồn chồn trong tâm can của người làm cha. Cả đêm bố của con bé cũng không tài nào chợp mắt được, anh thực sự rất lo cho sức khỏe của đứa con gái bé bỏng. Anh nằm đếm thời gian, tiếng kim đồng hồ tích tắc càng như muốn thử thách sự kiên nhẫn của lòng người. Cuối cùng, anh cũng không thể chờ được đến lúc trời sáng, lập cập trở dậy lao vào trong màn đêm.

Ngay trong ngày hôm đó, bé Mây được cha mẹ đưa về dưới xuôi cùng bác sĩ Thu để khám bệnh. Đúng như chẩn đoán ban đầu, con bé bị tim bẩm sinh. Sau khi cùng các đồng nghiệp tiến hành hội chẩn, bé Mây sẽ được sắp xếp lịch để được phẫu thuật trong thời gian sớm nhất. Biết chi phí cho ca phẫu thuật vượt quá khả năng của gia đình bé nên bác sĩ Thu và bệnh viện đã tìm cách xin các nguồn hỗ trợ để bé được phẫu thuật miễn phí. Sau khi ăn Tết, con bé được bố mẹ đưa trở lại bệnh viện để tiến hành phẫu thuật. Được gặp lại bác sĩ Thu, bé Mây cười tươi hớn hở. Buổi trưa hôm đó, chị còn mang rất nhiều quà vào phòng bệnh thăm nó. Lúc tạm biệt con bé để đi chuẩn bị nốt những khâu cuối cùng trước khi tiến hành ca phẫu thuật chiều nay, con bé vội ôm chầm lấy chị không muốn rời. Chị vỗ về, thì thầm vào tai nó: “Dũng cảm lên nhé, con gái!”

Thấm thoắt mới đó mà đã 5 năm rồi. Hôm nay, vợ chồng chị lại cùng cậu con trai về thăm gia đình bé Mây. Cô con gái nuôi mà chị hết mực thương yêu ấy đã bước vào cuộc đời chị như một sự bù đắp mà ông trời ban cho chị. Sau khi phẫu thuật, con bé hồi phục rất nhanh. Giờ đã lớn phổng phao hơn rồi, còn học rất giỏi, nó bảo: “Con học giỏi để sau này làm bác sĩ”.

Chị cười hạnh phúc trong ánh nắng chan hòa của mùa xuân nhảy nhót trên những vạt rừng nở trắng hoa mai, hoa mận.

Truyện ngắn của Ngân Hà

Lời xin lỗi
(BGĐT) - Đó là buổi học thứ chín của An ở trường mới. Kết thúc giờ thể dục, cô bé An trở về phòng thay đồ và nhìn thấy một đám đông đang xúm xít trước hộc để đồ của cô. 
Nối nghiệp
(BGĐT) - Ly bước vào lớp 12, cả nhà tất bật với việc chọn nghề, chọn trường cho con. Vợ chồng chị không muốn áp đặt mà chỉ định hướng rồi cho con tự chọn nghề nghiệp theo sở thích của mình. 
Thung Mây
(BGĐT) - Thung Mây, mùa xuân. Những ngọn gió núi như đôi cánh vô hình lướt êm qua những triền lau hoang liêu, bàng bạc khói. Mây mỏng phủ mờ đỉnh núi, chùng chình len lỏi vào đường đá quanh co, tràn ra như suối bềnh bồng phủ kín ngực đồi, thung lũng.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...