Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hạnh phúc giản đơn

Cập nhật: 08:10 ngày 04/03/2023
(BGĐT) -   Đêm đã về khuya, sương mù nằng nặng như mưa kéo thêm cái lạnh len lỏi giữa núi rừng âm u. Bà Hoa vẫn miệt mài bên chiếc máy khâu cũ tỉ mẩn chạy lại đường chỉ cho những chiếc áo khoác để kịp sáng mai chồng bà mang đi. Với ông bà, hạnh phúc chính là được đi bên cạnh nhau, cùng gắn bó với mảnh đất núi rừng này và được làm những điều tuy giản đơn mà ấm áp.

Hai cô cậu thanh niên vừa từ chiếc xe khách bước xuống liền ghé vào quán nước bên đường để nghỉ tạm sau một chặng đường khá dài. Mới ngang lưng chiều nhưng nơi đây sương mù đã tỏa xuống một màu bàng bạc, âm âm u u. Văng vẳng tiếng những con chim rừng như tìm gọi nhau, hối thúc nhau trở về tổ trước khi bóng tối đổ ập xuống. So với dưới xuôi thì thời tiết trên đây lạnh hơn hẳn. Dù đã mang chiếc áo phao dày mà cô gái vẫn cảm thấy cái lạnh như thấm sâu vào da thịt.

Quán nước đơn sơ nhưng có lẽ nó là điểm dừng chân khá lý tưởng cho khách qua đường bởi nơi đây khá vắng vẻ. Đi cả chặng đường dài mới gặp được lác đác vài quán nhỏ bên đường. Sau khi gọi hai cốc trà nóng, cậu thanh niên liền hỏi bà chủ quán nước:

- Bác ơi, bác có biết nhà bác Trình hay tham gia công tác thiện nguyện ở bản này không ạ?

Có vẻ quen với việc được nhiều người hỏi thăm như vậy nên người phụ nữ trung niên vẫn vừa rót trà cho khách vừa hỏi lại:

- Cô cậu đến tìm ông ấy để làm từ thiện hay viết bài? Nếu từ thiện thì được chứ viết bài là ông ấy không tiếp đâu.

Bị nói trúng mục đích, hai thanh niên tỏ ra lúng túng, ấp a, ấp úng nhìn nhau nom thật tội nghiệp.

- Sao lại thế hả bác?

Bà bán nước buông tiếng thở dài tỏ vẻ cảm thông: Thì ngày trước cũng có người đến viết về ông ấy rồi đăng bài lên mạng xã hội. Lúc đầu, ông ấy cũng vui, hào hứng lắm nghĩ rằng việc làm của mình sẽ được lan tỏa đến nhiều người. Nhưng sau đấy có nhiều bình luận không hay nói rằng ông ấy lợi dụng việc từ thiện để dùng cho cá nhân nên ông ấy tự ái. Từ đó, cứ ai đến bảo viết bài, có nói thế nào ông ấy cũng đuổi hết.

Nghe thấy bà bán nước nói vậy, hai cô cậu thanh niên tỏ ra lo lắng, có vẻ như công việc bước đầu đã không mấy thuận lợi.

- Chắc bác cũng quen biết bác Trình nên mới hiểu rõ về bác ấy như vậy ạ? Cô gái rón rén hỏi như có ý định muốn nhờ người phụ nữ có gương mặt phúc hậu này tìm cách kết nối giúp.

Mấy người phụ nữ ngồi bán hàng xung quanh hóng chuyện từ nãy liền phá lên cười.

- Bà ấy không hiểu rõ thì còn ai hiểu rõ ông ấy nữa. Các cô cậu tìm đúng người rồi đấy.

Tia hy vọng lại chợt lóe lên trong ánh mắt của hai cô cậu thanh niên. Bà bán nước lúc này cũng cười tít mắt. Dấu vết thời gian hiện rõ trên gương mặt người phụ nữ, nhưng nụ cười vẫn rất rạng rỡ và ấm áp. Qua những đường nét trên gương mặt có thể thấy hồi trẻ bà cũng phải thuộc diện xinh gái lắm. Bà Hoa, tên người phụ nữ, vốn quê gốc ở Hà Nội. Năm 1997, khi ấy bà mới 20 tuổi đã mạnh dạn vay bố mẹ chút vốn liếng để theo người ta lên vùng cao này thu mua các đặc sản người dân thu hái từ rừng đem về Hà Nội bán. Cô gái xinh xắn lại giỏi giang, tháo vát khi ấy được biết bao nhiêu chàng trai gia đình khá giả ở Hà Nội theo đuổi. Nhưng cô lại phải lòng người thanh niên có nước da ngăm đen, thật thà, chất phác và rất tốt bụng vẫn thường mang măng, mật ong rừng ra bán cho cô. Trước đó họ gặp nhau một vài lần nhưng cô cũng không để ý nhiều đến anh. Cho đến hôm đó, khi cô đang thu mua hàng thì người thanh niên đó bước tới hỏi:

- Chiếc túi này của cô phải không?

Hoa ngạc nhiên nhận ra chính là chiếc túi đựng tiền hàng mà chuyến trước lên đây cô đã đánh rơi ở đâu, lúc nào không biết. Không giấu nổi sự bất ngờ cô lập cập hỏi lại:

- Vâng đúng rồi, anh nhặt được ở đâu vậy? Tôi còn không biết mình đánh rơi ở đâu, cứ nghĩ là mất rồi.

Anh cười: Lần sau cô nhớ cẩn thận. Tôi thấy trong túi có rất nhiều tiền. Cô kiểm tra lại đi.

- Cảm ơn anh, thật may quá. Cảm ơn anh nhiều lắm ạ. Hoa rối rít nói.

Sau lần ấy họ bắt đầu nói chuyện với nhau nhiều hơn. Ban đầu chỉ là những câu chuyện xã giao, nhưng rồi những nhớ nhung, mong ngóng cứ xốn xang trong lòng đôi trai gái. Thấy con gái gần đây mỗi chuyến đi lấy hàng về lại đem theo cả những giò hoa phong lan, rồi chăm chút rất cẩn thận, mẹ cô phần nào nhận ra những thay đổi đó ở cô. Bà gặng hỏi thì được con gái thủ thỉ kể về chàng trai tên Trình mà cô rất cảm mến. Bà nhìn thấy niềm hạnh phúc ngập tràn trong ánh mắt, nụ cười của con gái, nhưng cũng cảm nhận được không ít khó khăn sẽ đến với cô. Hơn ai hết, bà hiểu tính chồng, ông ấy nhất định sẽ không đồng ý để con gái yêu một chàng trai ở xa, mồ côi lại không có gì trong tay như vậy. Mà tính ông từ trước đến giờ đã quyết việc gì thì cả nhà cứ nhất nhất phải theo. Rồi mọi chuyện cũng đến tai bố cô. Không giữ nổi bình tĩnh, ông quăng những giò phong lan vào góc sân, rồi cấm cản cô không được lên đó lấy hàng nữa. Ông bà sinh được bốn người con, nhưng chỉ có duy nhất một cô con gái. Ông lại rất hợp cô con gái này nên lúc nào cũng đau đáu trong lòng lo sợ cuộc sống của cô sau này sẽ khổ. Nhưng Hoa lại không dễ dàng từ bỏ tình yêu của mình. Cuối cùng ông cũng mủi lòng bảo con gái dẫn chàng trai đó về nhà gặp ông. Qua tiếp xúc, ông cũng phần nào yên tâm hơn nhưng trong lòng vẫn còn ngổn ngang suy nghĩ. Đêm trước ngày cưới của con, ông ngồi trầm ngâm dưới ánh trăng chênh chếch ngoài hiên. Mẹ cô thấy vậy liền đến bên cạnh động viên: “Âu cũng là duyên số của con nó. Có thể cuộc sống trên đó sẽ vất vả nhưng miễn là con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc ông ạ”. Trong ánh sáng loang loáng của đêm trăng, bà nhìn thấy đôi mắt ông chớp chớp như cố ngăn những nỗi niềm trào dâng trong lòng.

{keywords}

Minh hoạ: Hiền Nhân.

Cuộc sống nơi vùng cao những ngày đầu quả thực không mấy dễ dàng đối với cô thiếu nữ Hà Nội. Cô phải tập làm quen từ bóng tối âm u nơi miền sơn cước, đến công việc đi rừng vất vả, cả những con rắn, con rết mà trước kia chỉ nghe thôi cũng khiến cô khiếp sợ rồi. Sau này mỗi khi nhớ lại, bà Hoa vẫn bảo với chồng đúng là sức mạnh tình yêu đã giúp bà vượt qua nỗi sợ và những vất vả để cùng ông đi qua những năm tháng ấy. Thậm chí, khi ấy thấy ông quá nặng lòng, gắn bó với mảnh đất này nên bà cũng không nỡ ngỏ ý bảo ông chuyển về Hà Nội sinh sống.

***

Hai cô cậu thanh niên đang chăm chú nghe bà Hoa kể về câu chuyện tình yêu đẹp vượt không gian của bà với ông Trình, thì có tiếng xe máy phành phạch đi tới.

- Đấy, ông ấy đã về rồi đấy.

Người đàn ông dáng cao gầy ngồi trên chiếc xe máy cũ rích chất đầy đằng trước, đằng sau những bao tải lớn nhỏ. Hôm nay, ông đi lên trung tâm huyện từ sáng để nhận đồ từ thiện. Từ đây lên đấy cũng ngót nghét mấy chục cây số. Hai cô cậu thanh niên nhanh nhảu chạy ra giúp ông đỡ những chiếc bao nặng trịch xuống. Ông luôn miệng nói “Cảm ơn các cháu”. Gương mặt ông hồ hởi, phấn khởi lắm. Vừa dỡ bao xuống ông vừa khoe với vợ:

- May quá, hôm nay xin được toàn quần áo ấm bà ạ. Lát bà giúp tôi phân loại, đóng gói cẩn thận để sớm mai tôi mang lên luôn cho bọn trẻ không rét mướt thế này khổ thân lắm. Bà xem có cái nào cần sửa chữa gì bà sửa luôn nhé.

- Vâng, tôi biết rồi, nhưng từ sáng tới giờ ông đã ăn gì chưa?

Thấy ông cười hề hề, bà biết ngay ông lại mải mê làm mà quên ăn uống. Giọng bà có chút giận dỗi: Giờ ông có tuổi rồi cũng hạn chế đi lại thôi, không còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn như trước nữa đâu. Ông nhìn vết thương ở tay bị ngã hôm trước còn chưa khỏi hẳn kìa.

- Được rồi, được rồi, tôi không sao. Tí tôi ăn bù bốn bát được chưa. Nói rồi ông lại phá lên cười, chả mấy để tâm đến những lời bà vừa nói. Chỉ có niềm vui vẫn ánh ngời trên đôi mắt ông.

Bà Hoa quay sang nói với hai cô cậu thanh niên:

- Đấy các cháu thấy bác nói có sai không, ông ấy nhận được quần áo ấm cho mấy đứa nhỏ mà vui như Tết vậy.

Rồi lúc này như sực nhớ ra mục đích đến đây của hai cô cậu thanh niên, bà Hoa liền nói với ông Trình:

- À, ông ơi, có hai cô cậu này đến tìm ông, ngồi đợi từ chiều tới giờ.

Ông Trình dừng tay ngẩng đầu lên nhìn hai cô cậu thanh niên. Nãy giờ ông chỉ nghĩ họ là khách qua đường vào ngồi uống cốc nước nghỉ ngơi thôi. Ông đưa mắt nhìn xung quanh như dò xét điều gì. Khi thấy chiếc túi đựng máy ảnh đặt ngay cạnh hai chiếc ba lô ông hiểu ngay vấn đề, liền thay đổi sắc mặt quay vào nhà. Vừa đi ông vừa nói:

- Tôi đã bảo với bà bao nhiêu lần rồi.

Bà Hoa vội nói với theo: - Các cô cậu ấy là sinh viên từ Hà Nội lên đấy ông ạ.

Nghe thấy vợ nói vậy, ông Trình chợt khựng lại có chút phân tâm. Chỉ chờ có vậy bà Hoa liền nói thêm:

- Các cháu nó đang phải làm một phóng sự tốt nghiệp, ông giúp các cháu nhé.

Ông Trình lặng lẽ quay lại nhìn hai cô cậu sinh viên, hình ảnh đứa em gái bé bỏng của ông ngày xưa lại hiện về với những ước mơ vẫn còn dang dở.

Hai sinh viên được vợ chồng ông Trình mời ở lại luôn nhà ông bà trong những ngày lên đây thu thập tư liệu viết bài. Chúng cũng chạc tuổi cô con gái út của ông bà đang học đại học năm cuối ở dưới đó, nên ông bà càng quý mến hơn. Có gì ngon cũng mang ra giục ăn nhiều vào để có sức ngày mai còn trèo đèo, lội suối vào trong bản.

***

Đêm ấy, dưới ngọn lửa bập bùng trong gian nhà nhỏ, họ được nghe ông Trình kể chuyện về những mất mát, những trăn trở thẳm sâu trong tâm khảm của ông, cũng là điều đã thôi thúc ông dành cả cuộc đời của mình cho các hoạt động thiện nguyện đến với trẻ em nghèo nơi vùng cao này. Cha mẹ ông mất sớm, để lại ông và đứa em gái nhỏ bơ vơ khi ấy cả hai mới lên 9, lên 10. Nhà chẳng có gì, hai anh em sống nương nhờ vào cánh rừng, bữa đói, bữa no. Hằng ngày ông vào rừng bẻ măng, hái rau, đào củ rồi đem ra đổi lấy gạo, ngô. Khi đó cô em gái rất thích đi học và cũng rất sáng dạ, lúc nào cũng dẫn đầu lớp. Mỗi buổi đi học về, cô bé lại lấy sách ra đọc cho anh trai nghe, cô còn nói: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để được về Hà Nội học đại học. Em sẽ đón anh về dưới đó, dẫn anh đi thăm thủ đô. Sau này, em sẽ đi làm kiếm thật nhiều tiền để nuôi anh”. Ông Trình thấy cay xè nơi sống mũi, hai mắt ông đỏ quạch mỗi khi nhắc đến em gái. Năm đó trời lạnh khủng khiếp, có bao nhiêu tấm áo ông dành hết cho em mà con bé vẫn bị nhiễm lạnh, đổ bệnh rất nặng rồi không thể qua khỏi. Đã bao nhiêu năm rồi, nỗi đau ấy vẫn vò xé tâm can ông. Giá như ngày ấy có thêm chiếc áo ấm, tấm chăn ấm thì có thể em gái ông đã không bị như vậy, đã có thể viết tiếp những ước mơ. Mỗi lần nhìn thấy những đứa trẻ mặc không đủ ấm, đi chân trần mà tim ông cứ quặn thắt lại.

Đêm đã về khuya, sương mù nằng nặng như mưa kéo thêm cái lạnh len lỏi giữa núi rừng âm u. Bà Hoa vẫn miệt mài bên chiếc máy khâu cũ tỉ mẩn chạy lại đường chỉ cho những chiếc áo khoác để kịp sáng mai chồng bà mang đi. Với ông bà, hạnh phúc chính là được đi bên cạnh nhau, cùng gắn bó với mảnh đất núi rừng này và được làm những điều tuy giản đơn mà ấm áp.

Truyện ngắn của Việt Nga

Hơi ấm miền rừng
(BGĐT) - Sau cuộc hội chẩn trước khi tiến hành ca mổ chiều nay, bác sĩ Thu cùng kíp mổ vội vã bước vào thang máy để đi lên khu phẫu thuật. Tấm kính trong suốt của thang máy nhìn ra khuôn viên vườn hoa. Chị chợt nhận ra bên ngoài những hạt mưa xuân đã lắc rắc bay. Một màu xanh non mơn mởn của những chồi non, lộc biếc loang loáng hiện ra.
Về giữa mùa hoa
(BGĐT) - Lữ ngồi đã lâu trước nhà, ngó ra sông. Chiều xuống, gió bời bời thổi, mang theo hơi nước và vị ngòn ngọt của phù sa. Bãi bồi có những vạt ngô, luống khoai chạy dọc triền sông. Ngô sắp thu hoạch, khoai cũng chuẩn bị cuốc vồng lấy củ.
Sớm nay xuân về
(BGĐT) - Bắc Giang là miền đất được mệnh danh phên giậu của kinh đô Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Niềm tự hào ấy vẫn lấp lánh trong lòng không chỉ riêng tôi.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...