Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Việt Yên >> Lịch sử - Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giá trị bản khắc ở chùa Bổ Đà

Cập nhật: 09:37 ngày 24/02/2017
(BGĐT) - Chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) còn lưu giữ gần 2.000 ván mộc bản. Đây là di sản văn hóa quý giá trên nhiều phương diện: Lịch sử, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật, điêu khắc. Trong đó có những ván khắc “Lời ngự phê” của Vua Ung Chính (Trung Quốc) vào tháng 6 năm Ung Chính thứ 11 và “Lời dẫn mới san khắc” của Vua Nguyễn Dực Tông viết năm Ất Mão (1855) niên hiệu Tự Đức.

{keywords}
Mặt ngoài trang sách gỗ - Ván in kinh chùa Bổ Đà.

“Ngự chế văn”- Bài tựa do vua Ung Chính viết cho sách “Vạn thiện đồng quy”. Ván khắc theo lối chữ chân, mỗi mặt gồm 17 cột chữ, chia thành hai trang, mỗi trang tám cột chữ, giữa hai trang có một cột ghi tên sách và ghi số thứ tự mặt khắc trong bộ sách. Đại lược nội dung: Sách "Vạn thiện đồng quy" có ngàn vạn lời đã được truyền tụng trong cả nước và truyền ra cả ngoài nước.“… Phàm hàng nghìn, hàng vạn lời đó đều ở trong Đại tạng, có lưu truyền đến cả hải ngoại. Trẫm đã Ngự phê cho chọn để sao chép, Trẫm không nén được sự kính trọng, vui mừng…  Thiền sư bảo trước tiên phải hiểu rõ Tông phái mới có thể tiến được với đạo… Bản chất của Thiền sư là ý chí. Trẫm đã cho san khắc toàn sách, ban tặng cho Tông đồ. Trẫm lại xem xét chọn cả lời phụ lục ở bản gốc, nhưng sợ người mới học nhầm lẫn nên lại sai bỏ phần đó”. Ngự bút ngày Rằm tháng Sáu năm Quý Sửu, năm Ung Chính thứ 11. 

Tác phẩm “Lời dẫn mới san khắc" viết năm Ất Mão (1855) niên hiệu Tự Đức của vua Nguyễn Dực Tông. Mộc bản được khắc tại chùa Bổ Đà. Bản khắc theo lối chữ chân. Lược trích nội dung như sau: “Văn Trẫm vốn vụng về, không thể làm được, chỉ ghi lại nghĩa của lời tựa cũ, chứ không phải lời tựa của bản gốc, cho nên lấy lời tựa ngự chế của vua Ung Chính biên soạn trong quyển gốc để bổ sung. Nhưng lời soạn có lược bớt hơn một nửa so với bản gốc. Nay tập của Trẫm là viết vào mùa Xuân năm Ất Mão ( 1855) niên hiệu Tự Đức. Trẫm đã từng đến yết bái sư tổ ở chùa Hải Ninh, Kim Thành, Hải Dương (chùa này thuộc Sơn môn Bổ Đà của phái Lâm Tế ở Bắc Giang) tình cờ xem được bộ kinh hay, thấy nhiều tập viết thiếu so với bản gốc, tiêu biểu như tập Vạn thiện đồng quy. Trẫm mượn xem, thấy phía trên là bút ký của tổ Khánh Quang, bèn làm lễ thỉnh xin. Chủ tăng Phổ Huy đại sư vui mừng bố thí, tuy nhiên bị mất quyển 5. Sau khi Trẫm cho đi về các chùa để tìm thì không thấy có người tên là Khánh Quang. Sau nhiều năm, khi Trẫm đến chùa Xuân Lôi để yết kiến Trưởng lão Tâm Hội, được xem bản gốc biên soạn, thấy đó là tập của Vĩnh Minh. Trẫm vui mừng khôn xiết, bèn sắm lễ thỉnh xin mang về sao chép lời văn, cho được liên tục thành 5 quyển...”.

{keywords}

Bản khắc ở chùa Bổ Đà.

Ngoài giá trị ý nghĩa tự thân của tác phẩm, bộ sách còn mang giá trị đặc biệt. Trước hết, đây là những bộ sách quý, đích thân nhà vua đã Ngự lãm và Ngự phê cho tác phẩm. Qua lời Ngự phê cho thấy sự đề cao và quan tâm của triều đình phong kiến xưa đến sự duy trì phát triển đạo Phật trong nước dưới thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Bộ sách còn cho thấy quá trình du nhập đạo Phật từ Trung Quốc và Ấn Độ, hai đất nước có nền văn hoá Phật giáo sớm phát triển, ảnh hưởng tới nền văn hóa Phật giáo ở Việt Nam, trong đó có chùa Bổ Đà- Sơn môn của Thiền phái Lâm Tế ở Bắc Giang. Cùng với mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Chương trình Ký ức thế giới của tổ chức UNESCO, mộc bản chùa Bổ Đà đã góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản tư liệu của tỉnh Bắc Giang nói riêng và kho tàng di sản tư liệu của Việt Nam nói chung.

Với giá trị và ý nghĩa nhiều mặt, cảnh quan thiên nhiên, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là nơi lưu giữ kho Mộc bản kinh Phật của phái Thiền Lâm Tế cổ nhất Việt Nam, di tích chùa Bổ Đà vừa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...