Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Việt Yên >> Lịch sử - Văn hóa
Việt Yên >> Lịch sử - Văn hóa
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Sơn cư - chùm thơ thiền linh kỳ về núi Bổ Đà

Cập nhật: 07:00 ngày 12/03/2017
(BGĐT) - Du khách đến chùa Bổ Đà không chỉ thấy những tòa nhà trầm mặc, cổ kính mà còn xao lòng trước áng thi ca trên hàng trăm bức họa, đối liễn được các sư tổ tạc khắc. Trong đó nổi bật là chùm thơ thiền với 7 bài thất ngôn tứ tuyệt khắc trên gỗ sơn son thếp vàng và được kính trương tại các đại trụ tòa Tổ đường.

{keywords}

Chùa Bổ Đà còn lưu giữ nhiều tác phẩm thơ cổ.  Ảnh: Nguyễn Hưởng

Chùm thơ này vốn không có đầu đề, chúng tôi đặt lấy từ hai chữ đầu của mỗi bài thơ là “Sơn cư”. Mỗi thi phẩm được khắc trên một tấm gỗ giống như đối liễn. Chữ khắc theo lối chân thư, một số chữ viết kiểu đá thảo rất đẹp. Trên đỉnh mỗi bức đều khắc ghi rõ lạc khoản cho biết thời gian tạo tác văn vật này “Hoàng triều Thành Thái Tân Sửu niên tạo” (Tạo năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái triều Nguyễn - 1901). 

Phía dưới mỗi bức đều có dòng chữ khắc chìm “Tứ Ân tự” (chùa Tứ Ân) cho biết đây chính là văn vật gốc của nhà chùa. Như vậy, căn cứ nội dung mỗi bài thơ, ta có thể đoán định tác giả là một vị sư tổ. Cùng với vô vàn di sản Hán Nôm còn lưu ở Bổ Đà, chùm thơ thiền “Sơn cư” góp phần tạo nên vẻ kỳ thú, linh thiêng của thắng tích. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu chùm thơ này:

"Sơn cư bốc trúc ẩn nham a/Miễn đắc tùy lưu trục thế ba/Tri túc An bần thường khoái lạc/Nhân nhân tề xướng thái bình ca" (Ở ẩn trong núi thì chọn chỗ núi cong khuất/ Để bỏ đi sự lôi cuốn của dòng đời/ Biết đủ, yên phận nghèo thì vui sướng/Người người đều hát khúc thái bình). 

"Sơn cư phản chiếu khán tâm điền/Thoái bộ nguyên lai thị thượng tiền/Mật mật công phu vô gián đoạn/Tất đương tham thấu tổ sư thiền". (Ở núi thì trở ra xem ruộng tâm/Bước giật lùi lại chính là lên cao/Công phu chăm chú không gián đoạn/Tất nhiên nên đến tham thiền sư tổ). 

"Sơn cư độc xứ lạc thiên chân/Minh nguyệt thanh phong chuyển pháp luân/Nhất đại tạng kinh đô thuyết tận/Bất tri thùy thị cá trung nhân". (Ở núi riêng mình thì vui hồn nhiên/Gió mát trăng trong, xoay bánh xe pháp/Bộ Đại tạng kinh đều xem hết/Chẳng biết có ai được như thế không). 

"Sơn cư cổ kính cửu mai trần/Kim nhật trùng ma khí tượng tân/Ngấn cấu tịnh trừ quang thủy hiện/ Phân minh bạch kiến bản lai nhân". (Ở núi tấm gương xưa bụi phủ đã lâu/Hôm nay lau lại nên khí tượng mới/Quét sạch bụi bặm, ánh sáng hiện ra/Rõ ràng thấy được diện mạo thực của mình). 

"Sơn cư u uẩn bạch vân thâm/Học đạo tiên đương thỏa thành tâm/Đại tắc phóng chi chu pháp giới/Dưỡng chi tắc thoái bất dung châm". (Ở núi ẩn kín trong sâu thẳm mây trắng/Trước hết được thỏa lòng thành với đạo học/Điều lớn lao là đã đi khắp pháp giới/Muốn dung dưỡng thì lui về chẳng ngại ngần).

"Sơn tự tự cổ viễn hiêu trần/ Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân/Phong nguyệt bá hoài cùng khoái hoạt/Cao ca nhất khúc hòa dương xuân". (Ở núi tự xưa xa lánh chốn ồn ào/ Bỏ học vô vi thành người nhàn với đạo/ Trăng gió gieo vào lòng khoan khoái vô cùng/ Cất cao tiếng hát hòa khúc dương xuân).

"Sơn cư vô sự khả bình luận/Nhật lai châm thời tiện yểm môn/Đương quý luân tha thiên vạn bội/Thanh nhàn hoàn ngã nhị tam phân". (Ở núi chẳng có gì luận bàn/Hàng ngày, cứ chiều tà là cài then cửa/Giàu sang ngàn vạn chuyển đi nơi khác/Phận ta chỉ cần vài chút thanh nhàn).

Phật Sơn 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...