Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Việt Yên >> Lịch sử - Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đá thiêng Tiên Lát

Cập nhật: 07:02 ngày 11/02/2018
(BGĐT) - Ngay từ thời Hùng Vương với tâm hồn khoáng đạt, minh triết khi quan sát, hòa cảm cùng vạn vật thiên nhiên, người Việt đã tôn vinh đá, coi đá là một trong những biểu tượng linh thiêng cao quý của non sông đất nước. Nơi thờ đá thiêng đều gắn với những huyền tích thần kỳ xuất phát từ ý tưởng ngưỡng vọng thế giới bao la. Tiên Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) thờ Thạch Linh thần tướng là một trường hợp tiêu biểu.
{keywords}

Miếu thờ Thạch Linh thần tướng trên phiến đá phía sau tòa đại đền (bên ao Thánh). Ảnh: Mai Vân.

Danh ngôn có câu "nhân giả ngạo sơn, trí giả ngạo hải" (người hiền chơi núi, người trí chơi biển) tuỳ theo tâm tính sở thích của mình. Dù lãng du nơi non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình thì cứ thấy đá đẹp, đá quý là kẻ hiền sĩ "bái thạch vi huynh". Không ngưỡng mộ đá sao được khi vô vàn cổ vật ở cõi thế gian này "thọ" lắm chỉ trăm năm hoặc vài ngàn năm, còn đá là "tổng thể ngũ hành" đã trải qua hàng ức triệu năm dâu bể khắc nghiệt khôn cùng mà vẫn tồn tại.

Một trong những nơi nổi tiếng lâu đời về thờ đá thiêng xứ Kinh Bắc là làng Tiên Lát hạ, Tiên Lát thượng (Việt Yên). Chuyện kể rằng: Vào một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp bão bùng kinh thiên động địa thì một khối đá nhám màu nâu có kích thước khổng lồ nổi giữa Ao Miếu mênh mông của làng Tiên Lát Hạ vỡ ra làm ba mảnh xuất hiện trên đó có bé trai khôi ngô tuấn tú. Sáng sớm hôm sau (mồng 10 tháng Giêng) khi trời quang mây tạnh, một người dân trong làng là Nguyễn Hòa ra xem thấy hài nhi bèn ẵm về nhà nuôi và đặt tên là Thạch Linh. Khi Thạch Linh 7 tuổi, cậu bé đã cao hơn 10 trượng có sức khoẻ vô địch đảm đương mọi việc đồng áng giúp cha nuôi.

Lúc bấy giờ, giặc Man nổi lên ở Cao Bằng dẫn đường cho năm mươi vạn quân phương Bắc tới xâm lược nước ta. Nhà vua lo lắng bèn triều nghị bàn kế đánh giặc thì mồng 10 tháng 8,  bỗng từ trên trời bay xuống sân điện lá cờ đỏ đề chữ vàng "Trên trời Thượng đế báo nhà vua, đánh giặc tan tành tựa gió mưa, tìm đến Bắc Hà, Yên Việt xứ, chuyển Hùng Thạch Tướng đánh không thua ". Vua bèn sai một đình thần cùng đội binh 12 người cầm cờ Thiên hoàng tìm đến đất Yên Việt... Nguyễn Hoà thấy lá cờ lệnh có tên Thạch Tướng thì về bảo với con nuôi. Thạch Linh mời sứ giả vào nói: "Về tâu vua làm cho ta một con voi đá cao 10 trượng và trao cả cờ Thiên đế cho ta thì giặc Man sẽ bình". Sứ giả y lời. 

Ngày 13 tháng 8, nhân dân Tiên Lát thiết lập cung đình để vua ngự, nay vẫn gọi là đình Ngự... Thạch Linh tâu với vua: "Quyền hành chốn nhạc phủ, tước mệnh nơi thiên đình, trời sai xuống giúp bệ hạ trừ Man khấu, đâu dám phiền bệ hạ hậu bào..." rồi vươn vai ba lần, trở thành tráng sĩ oai hùng, nhảy lên lưng voi phóng thẳng lên Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng...quét sạch đồn giặc. Ngày 12 tháng 9, ngài khải hoàn về quê hương rồi lên đỉnh núi Phượng Hoàng (Tiên Lát Thượng) bay thẳng về trời. Nghe tin đó, vua bèn truyền trăm quan đến nơi “hóa” của Thạch Linh thần tướng ở Tiên Lát thượng, lên núi cao làm lễ tế long trọng. Vua còn cấp ruộng hương hoả để thờ và gia phong mỹ tự cho Thạch Linh thần tướng. Điều ấy đã thành tục lệ, hàng năm chính quyền và nhân dân xã Tiên Sơn tưng bừng mở lễ hội lớn ở đền Ao Miếu và chùa Bổ Đà vào 3 ngày (từ 16 - 18 tháng 2 âm lịch).

{keywords}

Đá Mẹ sinh ra Thạch Tướng.

Có thể coi khu vực giếng Thánh - ao Thần và đá thiêng ở Tiên Lát Hạ là một biểu tượng sáng, một đài kỷ niệm về sự khai mở - tạo lập Vũ trụ. Đền Ao Miếu với  3 mảnh đá thiêng ở đầm nước không ngoài mục đích thờ Tam Tài (Thiên- địa- nhân).

Thạch Linh thần tướng là con đẻ của Vũ trụ (từ mẹ đá vỡ ra 3 mảnh) sau khi cứu nhân độ thế làm cho quốc thái dân an rồi lại hoà đồng vào Vũ trụ. Hành động thăng hoá của Thạch Linh thần tướng tại ngọn núi cao Tiên Lát Thượng chính là cuộc trở về cội nguồn bản thể thiên nhiên của Con người theo quy luật "cát bụi hoàn cát bụi" nhưng tâm linh đã được siêu thoát không còn bám víu vào cõi đời lắm bả lợi danh hệ lụy.

Nếu xét về không - thời gian lịch sử thì Thạch Linh thần tướng là nhân vật đầu tiên bay về trời trước Thánh Gióng rất lâu. Ngài “hoá” cùng voi đá (có nghĩa Thạch Linh ở thời kỳ đồ đá) còn Thánh Gióng “ hoá” cùng ngựa sắt (biểu thị cho thời kỳ đồ sắt).

Thăm quần thể di tích ở Tiên Lát, nếu "đứng núi này trông núi nọ" du khách có cảm tưởng người Việt sớm am tường nghệ thuật phối cảnh kiến trúc trên bình diện hoành tráng. Ngọn núi có đền thờ Thạch Linh có thể ví như một “ đài sen” nổi bật giữa vùng chiêm trũng kề bên dòng sông Cầu thơ mộng.  Phải chăng đây là một dạng Mạn - Đà - La nguyên thủy theo tín ngưỡng  dân gian bản địa và còn là một cách chơi Non Bộ độc đáo siêu phàm? Không phải ngẫu nhiên thời Lý – Trần người ta dựng chùa Bổ Đà – một cổ tự lừng danh ở nơi địa linh này.

Di tích thờ đá thiêng ở Tiên Lát chứng tỏ chiều sâu lịch sử văn hoá của dân tộc Việt trong công cuộc dựng nước và giữ nước đồng thời thể hiện sự tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh quan môi trường sinh thái của con người. Trong quá trình xây dựng và quy hoạch những trung tâm văn hoá du lịch trên địa bàn tỉnh nhà không thể không tính đến kho tàng thiên tạo và nhân tạo vô giá kể trên. Nếu biết giữ gìn, khai thác đúng đắn và khoa học, di tích thờ đá thiêng sẽ đem lại hiệu quả bổ ích hấp dẫn.

Trương Thị Kim Dung

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...