Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Việt Yên >> Lịch sử - Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tài năng quân sự xuất chúng của Tể tướng Trần Đăng Tuyển

Cập nhật: 08:00 ngày 11/02/2018
(BGĐT) - Làng Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có lịch sử truyền thống khoa bảng từ lâu đời. Nhiều nhà khoa bảng địa phương đã trở thành danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc, trong đó có Tể tướng Trần Đăng Tuyển.
{keywords}

Lễ dâng hương các nhà khoa bảng Bắc Giang tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội.

Trần Đăng Tuyển, nhiều tài liệu ghi là Trần Văn Tuyển, sinh năm 1614, người xã Hoàng Mai, huyện Yên Dũng nay là thôn Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh (Việt Yên). Từ nhỏ ông đã thông minh, chuyên cần, ham học. Năm 27 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa thứ 6 (1640) đời vua Lê Thần Tông. Khoa thi này có tới 6.000 người dự thi nhưng chỉ lấy đỗ 22 người trong đó có Trần Đăng Tuyển đỗ Đại khoa. Từ đây ông bắt đầu tiến thân bằng con đường binh nghiệp. 

Thời kỳ này, nhà Lê - Trịnh truy quét tàn quân nhà Mạc ở Cao Bằng, đồng thời tập trung binh lực mở nhiều cuộc tấn công vào thế lực họ Nguyễn ở phía Nam. Năm 1656, Trần Đăng Tuyển đã là một võ tướng được phong Lễ khoa cấp sự Trung Dũng xuyên nam và được cử làm đốc thị, theo Tả quốc dinh phó đô tướng Thái bảo Phó quận công Trịnh Căn thống lĩnh các tướng, tiến quân đánh nhà Nguyễn ở vùng Nghệ An. Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Tháng 6 sai Tả quốc dinh phó đô tướng Thái bảo Phủ quận công Trịnh Căn thống lĩnh các tướng đến xứ Nghệ An hiệp đồng với Ninh quốc công Trịnh Toàn đánh giặc. Ngày 18 tiến đến An Trường đóng dinh. Cho Thái bộc tự khanh Phan Hưng Tạo và lễ khoa cấp sự trung Dũng xuyên nam Trần Văn Tuyển làm đốc thị”.

Năm Mậu Tuất (1658) triều đình Lê - Trịnh lấy Nguyễn Tính, Trịnh Đăng Đệ cùng với Trần Đăng Tuyển, Phạm Kiêm Toàn hợp đồng bàn việc quân cơ giúp chúa Trịnh đánh dẹp thế lực của nhà Nguyễn ở phía Nam. Đến năm Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659) dưới quyền chỉ huy của Trịnh Căn, Trần Đăng Tuyển cùng các tướng đánh quân Nguyễn ở cửa biển Hội Thống (Nghệ An) phá được thành lũy của nhà Nguyễn, đốt cháy hết doanh trại, bắt được voi ngựa khí giới không kể xiết. Đến năm Tân Sửu (1661) dẹp yên, triều đình phong cho Trần Đăng Tuyển làm Ngự sử Đài đô ngự sử Xuyên quận công- vị trí đứng đầu trong hàng võ tướng. Sự kiện này sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Mùa hạ tháng 4, xét công dẹp giặc thu lại bờ cõi… cho bọn Trần Văn Tuyển, Nguyễn Năng Thiệu, Phan Kiêm Toàn có công bàn mưu bày kế thăng Văn Tuyển làm Ngự sử đài đô ngự sử Xuyên quận công…”.

Từ một võ tướng của nhà Lê -Trịnh, Trần Đăng Tuyển được thăng cấp và hoạt động trên lĩnh vực chính trị. Năm 1664, ông được giữ chức Thượng thư Hộ bộ. Đến năm 1665, do có lỗi, ông bị giáng xuống làm Tả Thị lang Hộ bộ. Năm 1669, tháng 6, triều đình lại cho Trần Đăng Tuyển làm Thượng thư Binh bộ gia hàm Tham tụng Tể tướng. Sự thăng cấp này cho thấy tài năng quân sự xuất chúng của Trần Văn Tuyển và sự tin tưởng của vua Lê chúa Trịnh về sự mẫn cán của ông trong các trọng trách được giao trên lĩnh vực chính trị, quân sự.

Tháng 12 năm 1673, Trần Đăng Tuyển qua đời. Sự kiện lịch sử này cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét: “Tham tụng Tể tướng Thượng thư Binh bộ Xuyên quận công Trần Đăng Tuyển là người trầm nghị đúng đắn, học thức sâu rộng, trong việc nam chinh bàn giúp việc quân, trù hoạch có công. Đến đây chết, tặng Thượng thư Hộ bộ, thiếu bảo, cho thụy là Nhã Lượng”.

Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Trần Đăng Tuyển có nhiều đóng góp cho sự nghiệp kinh bang tế thế, góp phần củng cố vương triều Lê -Trịnh, đưa đất nước phát triển ổn định giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII. Sự nghiệp, công lao của Trần Đăng Tuyển được lưu trong Quốc sử triều Lê và trên bảng vàng bia đá của Văn chỉ hàng huyện xưa, bia đá “Kim bảng lưu phương” còn lưu giữ ở Văn Miếu Bắc Ninh, bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám- Hà Nội và các trang sử địa phương, công trình khảo cứu về lịch sử khoa cử Hán học Việt Nam. Tại phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) có tuyến phố mang tên ông.

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...