Bắc Giang: 19/03/2024 10:26:03 (GMT+7)
Trang chủ CƠ QUAN CỦA ĐẢNG BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TỈNH BẮC GIANG TIẾNG NÓI CỦA ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Giữ nghề trăm năm

07:00 | 15/07/2017

(BGĐT) - Ở phố Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có duy nhất một cơ sở làm trống gia truyền của gia đình ông Lê Ngọc Nguyên (SN 1953). Nặng lòng với nghề truyền thống, mang theo niềm tự hào nơi đất mẹ Đọi Tam, ông Nguyên đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức và sự tâm huyết để truyền dạy cho con cháu nhằm gìn giữ một nghề đã tồn tại hàng trăm năm.

Giữ nghề trăm năm

Cha truyền con nối, ba thế hệ trong gia đình ông Nguyên đều thạo nghề.

Đất lành chim đậu

Khi ánh nắng chói chang của ngày hè tháng Bảy còn chưa kịp rọi xuống khu xưởng sản xuất trống, ông Nguyên đã thúc giục con cháu tranh thủ buổi sớm mát mẻ để làm hàng, kịp giao cho khách. Gọi là cơ sở sản xuất chứ thực ra đây chỉ là một cái lán vẻn vẹn hơn chục mét vuông lợp proximang nằm sát mặt đường 1A cũ, chật chội và có vẻ nóng bức. Nhưng cơ ngơi nhỏ bé này lại là “cần câu cơm” đủ nuôi sống cả gia đình, là nơi thỏa mãn niềm đam mê làm trống của ông suốt mấy chục năm qua.

Ông Nguyên kể: “Làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là quê gốc của tôi. Đây là làng nghề làm trống gia truyền, trống Đọi Tam nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, có thương hiệu mạnh trong cả nước. Cũng như nhiều người dân làng trống Đọi Tam, bố tôi là cụ Lê Ngọc Bệ (SN 1912)  không thụ động ngồi nhà chờ khách đến đặt hàng mà các cụ đã chịu khó rong ruổi đi khắp đây cùng đó để làm nghề. Vào những năm 40 của thế kỷ trước, cụ đã đặt chân đến Bắc Giang mang theo nghề làm trống truyền thống của làng. Đất lành chim đậu, cụ quyết định chọn Bắc Giang là nơi an cư, lập nghiệp”.

Nhìn ông và những thành viên trong gia đình tỉ mẩn, cẩn thận đóng từng chiếc đinh tre vào tang trống mới thấy sự kỳ công của nghề. Những thanh tre nhỏ được vót nhọn, chặt chéo ở phía trên, rồi dùng dao phay đóng một, hai nhát vào phần giáp ranh giữa da trâu và tang trống. Cứ hết hàng đinh này đến hàng đinh khác tạo thành một vòng tròn khép kín, bao giờ thấy chắc chắn mới dừng lại chuyển sang công đoạn khác. Vừa làm việc, ông Nguyên vừa kể: Để làm được một cái trống bảo đảm chất lượng phải trải qua ba bước: Thuộc da, làm tang và bưng trống, công đoạn nào cũng quan trọng.

Lập nghiệp tại Phúc Lâm, ngay trong làng có lò mổ trâu bò nên sẵn nguồn da trâu. Da làm mặt trống phải là của con trâu già hơn chục tuổi, đến độ rụng răng càng tốt, sản lượng thịt xẻ độ tạ rưỡi. Đặc biệt, da phải tươi không được dính muối dù chỉ một chút, vì như vậy sẽ bị bở bục, chất lượng kém. Lấy da cũng phải “nghe” thời tiết, trời nắng độ như tháng Sáu, tháng Bảy là không nên, vì khi phơi da sẽ giòn như bánh đa, nổ, nhanh mủn vỡ; trời mưa lại càng không thể vì da gặp nước mưa sẽ bốc mùi, ruồi nhặng bâu kín không thể làm được.

Da mua về sẽ đem bào, phơi dưới trời hanh đúng tầm để da dẻo, mềm, có độ dai vừa phải. Sau đó bào mỏng bỏ hết lớp bì keo, chỉ lấy lớp cật, cất kỹ dùng dần. Gỗ mít làm tang trống gia đình không làm trực tiếp mà đặt sẵn. Đinh đóng phải là tre già hoặc cây mè giàng có nhiều ở vùng núi; đai thít bằng dây song mây. Rất nhiều công đoạn như vậy, công đoạn nào cũng cần sự tỉ mỉ, cẩn thận, kiên trì.

Trải qua bao đời làm trống, kỹ thuật dường như không thay đổi nhiều. Có chăng chỉ là khác nhau về màu sắc, kích cỡ để sản phẩm ngày càng hoàn thiện. Thành công của người làm trống không chỉ đơn thuần ở âm thanh mỗi khi trống được đánh lên mà còn ở con mắt mỹ thuật, người thợ cũng phải cập nhật tình hình để làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Giữ nghề trăm năm

Ông Lê Ngọc Nguyên.

Cha truyền con nối

Cụ Bệ qua đời năm 1976, khi đó ông Nguyên ngoài 20 tuổi cũng đã được cha truyền cho nhiều ngón nghề. Vợ chồng ông Nguyên sinh được 6 người con (ba trai, ba gái), theo lệ làng, nghề này chỉ truyền cho con trai nhưng ba trong số đó chỉ có anh Lê Ngọc Tuyên (SN 1975) là theo nghề của bố. Tuy không mang nghiệp làm trống nhưng các con trai ai cũng biết làm. Những lúc có nhiều đơn hàng, ông đều huy động làm cho kịp tiến độ. 

Để giữ nghề, ông Nguyên cũng tiếp tục truyền dạy cho cháu nội Lê Ngọc Tâm (SN 1999). Tâm tuy nhỏ tuổi nhưng có thể tự mình đảm nhận được tất cả các công đoạn từ chọn nguyên liệu cho đến khi làm trống thành phẩm. Có một thời gian dài, anh Tuyên cũng bỏ nghề làm trống đi làm công nhân, ông phải thuyết phục mãi anh mới quay về. Giờ đây ông và gia đình có thể tự hào về nghề nghiệp của mình với ba thế hệ, không hổ danh với cụ Tổ nghề.

Kéo thấp cặp kính lão xuống, ông Nguyên hồ hởi giới thiệu từng loại trống. Tôi nhìn quanh xưởng có đủ kích cỡ, nhỏ bằng cái bát tô cũng có, to thì tùy nhưng kích cỡ chủ yếu gia đình làm là đường kính khoảng 0,8 m, cao khoảng 1 m. Bộ trống thiếu nhi thường có ba chiếc. Bộ trống văn 5 chiếc, mỗi chiếc một âm thanh khác nhau. Riêng ở đình, chùa thường chỉ có một cái. Nhìn bề ngoài, mấy chiếc này có vẻ giống nhau nhưng không phải vậy, nếu không phải là người trong nghề thì rất khó phân biệt, bởi mỗi loại trống có một âm thanh riêng phục vụ cho mục đích khác nhau, cũng không có một thước đo “chuẩn” nào. Cái này đòi hỏi bí quyết gia truyền của người thợ.

Vừa giới thiệu, ông vừa dùng dùi đánh lên hàng loạt trống. Khi đó cảm giác trong tôi thật thú vị, mỗi loại lại có âm thanh khác nhau. Trống dùng trong trường học, cho hoạt động của thiếu nhi âm thanh khác với trống đặt nơi đình chùa, điện đền; càng khác với dàn trống hát văn, chèo, tuồng, nghi lễ..."Khách hàng yêu cầu thế nào thì chúng tôi làm thế đó, tiền nào của nấy"- ông Nguyên trò chuyện. Thông thường gia đình ông làm ba loại. Loại tốt nhất được làm từ gỗ mít đặc lõi, da bọc trống là phần lưng của con trâu to, đen nhẫy, bóng mượt. Loại này thường được các cụ đặt hàng dùng trong đình, chùa, giá khoảng 2 triệu đồng/chiếc. 

“Chốn tâm linh mình không được làm dối, nói nào làm thế, phải chuẩn”- ông Nguyên cho biết. Loại hai tang trống thường nửa rác, nửa lõi dùng trong trường học; giá rẻ hơn, khoảng 1,5 triệu đồng/chiếc. Một bộ trống thiếu nhi ba chiếc có giá 1,2 triệu đồng. Loại ba là hàng chợ, giá thấp nhất. Nói tóm lại, nghề làm dâu trăm họ nên ai đặt gì làm nấy tương xứng với giá tiền. Có khách đặt làm trống mới, có khách lại sửa chữa căng lại da, siết chặt đai... ông cũng nhận làm. Trung bình mỗi tháng gia đình ông Nguyên làm khoảng 30 chiếc trống với kích cỡ khác nhau. Thu nhập tuy không cao như nhiều ngành nghề khác ở làng Phúc Lâm nhưng ông lại có niềm vui riêng là giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại.

Từ bao đời nay, tiếng trống gắn liền với văn hóa dân tộc Việt Nam, ăn sâu vào đời sống tâm linh của bao thế hệ. Thế nhưng, nghề làm trống không phải không có lúc thăng trầm, có thời điểm ông Nguyên tưởng chừng phải bỏ nghề. Bởi lẽ một cái trống có khi dùng đến cả chục năm mới hỏng hoặc có chăng chỉ phải căng lại da, thay tang mà thôi. Nhưng đã mang cái nghiệp của cha ông, ông lại cố gắng vực dậy, lấy uy tín, chất lượng đặt lên hàng đầu. Chí ít bây giờ gia đình ông cũng đã có ba thế hệ thạo nghề.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, ấn tượng nhất là năm 2010, ông được Ban Tổ chức lễ kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long Hà Nội đặt một cái trống có đường kính mặt gần 1,6 m, cao 1,9 m. Rồi một Việt kiều bên CHLB Đức đặt ba chiếc trống, người khách phải nhờ đo cả cửa máy bay để mang sang Đức dùng. Đây là niềm tự hào mà không phải người làm nghề nào cũng vinh dự có được. Điều đó càng thôi thúc ông bằng giá nào cũng phải giữ lấy nghề.

Thu Phong

Giữ nghề trăm năm
 
Bình luận mới vừa được thêm vào. Click để xem
Mới nhấtHay nhấtXếp theo:
 
 
 
 
 
     
 
Địa danh Việt Yên
  • Các phường gồm: Bích Động, Hồng Thái, Nếnh, Ninh Sơn, Quang Châu, Quảng Minh, Tăng Tiến, Tự Lạn, Vân Trung
  • Các xã gồm: Hương Mai, Nghĩa Trung, Minh Đức, Thượng Lan, Tiên Sơn, Trung Sơn, Vân Hà, Việt Tiến
Thông tin liên hệ Tòa soạn
Chuyên trang có sự phối hợp của UBND huyện Việt Yên

© Bản quyền thuộc Báo Bắc Giang. Địa chỉ: Số 49 Nguyễn Văn Cừ - TP Bắc Giang - Tỉnh Bắc Giang.
@ Tổng Biên tập: Trịnh Văn Ánh - Tòa soạn ĐT:84.0204.3856.624
Email: toasoanbbg@gmail.com
Giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử số 605/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 29/12/2022.
® Đề nghị ghi rõ nguồn "Báo Bắc Giang điện tử" khi phát hành lại thông tin từ website này.
Mạng xã hội