Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Việt Yên >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát huy lợi thế, mở rộng diện tích cây dược liệu

Cập nhật: 09:46 ngày 17/10/2017
(BGĐT) - Trên địa bàn huyện Việt Yên có nhiều vùng trồng cây dược liệu. Xác định đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân.
{keywords}

Ông Thân Văn Sách, thành viên Ban quản lý HTX Dược liệu Khánh Hoa sơ chế cây dược liệu.

Bước đầu khẳng định hiệu quả

Tại xã Minh Đức, vài năm trở lại đây, bà con chuyển đổi các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu. HTX Dược liệu Khánh Hoa ở thôn Bình Minh, xã Minh Đức được thành lập tháng 8-2015 với 7 xã viên. Theo ông Thân Văn Sách, thành viên Ban quản lý HTX, thời điểm đó, ông cùng 6 xã viên chuyển đổi 2 ha đất nông nghiệp sang trồng kim tiền thảo, nhân trần, đinh lăng, cà gai leo. Bước đầu HTX được huyện hỗ trợ 200 triệu đồng mua giống, phân bón các loại; cử cán bộ chuyên môn thường xuyên xuống đồng ruộng hướng dẫn quy trình chăm sóc, chế biến, bảo quản thành phẩm. Bản thân ông Sách đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm. Ngoài mở rộng diện tích của gia đình và xã viên, ông còn vận động nhân dân liên kết trồng cây dược liệu, thu mua sản phẩm trên địa bàn huyện và vùng lân cận. Nhờ sự kết nối của huyện, sản phẩm của HTX được Công ty cổ phần Dược phẩm OPC Bắc Giang thu mua. Đến nay với diện tích lớn gấp 5 lần hai năm trước, thị trường của dược liệu Khánh Hoa cũng được mở rộng trên khắp cả nước.

Hiện xã Minh Đức có khoảng 13 ha trồng thảo dược, chủ yếu là thành viên của HTX Dược liệu Khánh Hoa, còn lại do một số hộ dân trồng rải rác ở các thôn: Bình Minh, Rèn, Chùa… Bà Hoàng Thị Đáng (SN 1957), xã Minh Đức nói: “Trước đây tôi trồng vài sào kim tiền thảo, kỹ thuật chăm sóc đơn giản nên năm vừa qua tôi tiếp tục chuyển đổi thêm 5 sào ruộng cấy lúa không ăn chắc sang trồng dược liệu. Mỗi năm tôi thu nhập gần 100 triệu đồng”.

Thấy được giá trị kinh tế của cây dược liệu, sau dồn điền đổi thửa năm 2016, anh Giáp Văn Sắc (SN 1972), thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan đã mạnh dạn chuyển đổi những chân ruộng cấy lúa không hiệu quả sang chuyên canh cây đinh lăng. Mới đây, anh đầu tư san lấp, làm rãnh để trồng hơn 7 nghìn cây đinh lăng trên diện tích 1 ha.

Không mở rộng diện tích ồ ạt

{keywords}

Chúng tôi đã đề xuất xây dựng mô hình nhà lưới cung cấp giống cây, nhà sơ chế, đóng gói. Đồng thời sẽ kết nối với một số công ty dược để họ thu mua sản phẩm cho bà con, bảo đảm đầu ra ổn định. Tuy nhiên người dân cần tìm hiểu kỹ các loại giống cây thuốc phù hợp nhu cầu thị trường, chất lượng tốt và trồng theo quy hoạch”.


Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Bắc Giang là một trong 8 địa phương được lựa chọn là vùng sản xuất dược liệu trọng điểm theo Quyết định “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Với quỹ đất dồi dào, trong đó đất nông nghiệp hơn 8 nghìn ha, đất lâm nghiệp có khoảng 1 nghìn ha; chất đất phù hợp, khí hậu nhiệt đới ẩm, thuận lợi cho cây dược liệu phát triển, huyện được chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung. Hiện Việt Yên có gần 20 ha dược liệu tại các xã: Minh Đức, Thượng Lan, Việt Tiến, Nghĩa Trung. Các loại cây chủ lực gồm: Đinh lăng, kim tiền thảo, địa liền, địa hoàng, linh chi, gấc…

Từ chủ trương trên, huyện đang xây dựng đề án phát triển vùng dược liệu. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển các vùng trồng dược liệu có sẵn, chọn xã Minh Đức làm trọng điểm và mở rộng ra vùng lân cận với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 50 ha trồng dược liệu.  Mới đây, huyện hỗ trợ kinh phí mở rộng diện tích đinh lăng tại xã Thượng Lan và Nghĩa Trung. Huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống trên địa bàn, nhằm tạo nguồn giống dược liệu có chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất tại chỗ. Hỗ trợ một phần vốn cho người dân chuyển đổi đất trồng ngô, lúa thu nhập thấp sang trồng dược liệu qua các chương trình giảm nghèo, khuyến nông. Mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc thảo dược; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm. Huyện có cơ chế hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho những cơ sở trồng, thu mua, chế biến sản phẩm có diện tích từ 1 ha trở lên.

Phát triển dược liệu đã mở ra hướng sản xuất hiệu quả cho các hộ dân. Tuy nhiên, quy mô của những mô hình hiện nay chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng diện tích sản xuất cây dược liệu của tỉnh. Diện tích còn lại hầu hết do người dân trồng tự phát, không có thị trường tiêu thụ ổn định. Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được quan tâm đúng mức, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được chuẩn hóa, ít có sự tham gia của nhà khoa học mà mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân...

Nhiều hộ dân mong muốn thời gian tới, các cơ quan chuyên môn phối hợp hỗ trợ nông dân liên kết với các nhà khoa học áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và đầu tư thiết bị bảo quản nguyên liệu. Tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại; khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với người dân theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, sản phẩm khó tiêu thụ.

Nhật Tiến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...