Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Việt Yên >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Việt Yên liên kết sản xuất: Thuận đầu ra, nâng giá trị nông sản

Cập nhật: 13:00 ngày 06/08/2019
(BGĐT) - Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã có cơ chế khuyến khích sản xuất theo chuỗi liên kết để tạo thuận lợi trong tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản.

Hiệu quả rõ rệt

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân, thôn Chùa, xã Minh Đức được thành lập từ năm 2016. Đến nay, có 8 thành viên tham gia với tổng diện tích sản xuất hơn 5ha, trong đó có 4 nghìn m2 nhà màng. 

{keywords}

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân chăm sóc dưa hấu.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc HTX cho biết: Qua nghiên cứu nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, HTX lựa chọn phát triển các cây trồng chủ lực là: Dưa hấu, dưa chuột và các loại rau vụ đông như su hào, súp lơ, bắp cải. 

“Các khâu từ chuẩn bị vật tư, cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm đều được liên kết chặt chẽ với nhau trên diện tích canh tác tập trung giúp giá trị sản phẩm tăng đáng kể. Như vụ này, HTX trồng dưa hấu, dưa chuột, dự kiến thu hoạch vào tháng 9, năng suất ước đạt 1-1,3 tấn/sào, tăng 20% so với trước. Cùng đó, giá bán từ 10-15 nghìn đồng/kg, tăng từ 3-5 nghìn đồng/kg so với trước”, ông Quyết nói.

Trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản luôn là khâu quan trọng. Chính vì thế, từ năm 2017 đến nay, HTX Dịch vụ và Thương mại nông nghiệp công nghệ cao Khang Thịnh, thôn Đầu, xã Tự Lạn liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Bắc Ninh) để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm chủ lực là khoai tây. 

Vụ đông sắp tới, HTX canh tác hơn 20 ha khoai tây giống Atlantic và Đức cung cấp nguyên liệu cho chế biến khoai tây chiên cắt lát của doanh nghiệp tại thôn Thượng, xã Thượng Lan. 

“Mấy năm nay, giá thu mua của DN ổn định với giá khoảng 7,2 nghìn đồng/kg. Như vậy, lãi mỗi ha canh tác đạt 27 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Kim Quyên, Giám đốc HTX cho hay. Được biết, từ cuối năm 2017, HTX được cấp chứng nhận rau an toàn VietGAP, rau, củ thu hoạch đến đâu được bao tiêu đến đó.

Ứng dụng công nghệ cao, tăng tính bền vững

Huyện Việt Yên triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ năm 2015 với một số sản phẩm chính như: Cây dược liệu; các loại rau, củ, quả; hoa, cây cảnh. Toàn huyện hiện có 10 mô hình liên kết theo chuỗi, chủ yếu là HTX nông nghiệp.

Trao đổi với ông Thân Văn Bằng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện được biết, tuỳ loại cây trồng, việc tham gia chuỗi liên kết có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%/ha và sản lượng tăng từ 20-25% so với sản xuất truyền thống. 

Từ năm 2017 đến nay, huyện bố trí kinh phí hỗ trợ hơn 5,1 tỷ đồng cho các HTX đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương, đường vào khu sản xuất; xây dựng hạ tầng, nhà màng, nhà lưới; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác cho một số sản phẩm như: “Rau Quyết tâm” của HTX Dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân; “Khoai tây, khoai lang Khang Thịnh” của HTX Dịch vụ và Thương mại nông nghiệp công nghệ cao Khang Thịnh.

Qua sản xuất, cái được rõ nét nhất của hình thức sản xuất này là nông dân được cung ứng giống, tập huấn khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm đầu ra và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn bởi việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật của một số thành viên HTX hạn chế, trình độ nhận thức không đồng đều. 

Hầu hết các mô hình mới được thành lập vài năm nên việc cân đối kinh phí để đầu tư mở rộng quy mô, phát triển hạ tầng, ứng dụng kỹ thuật cao chưa thực hiện được; thị trường cũng chưa thực sự ổn định, chủ yếu là các doanh nghiệp bao tiêu nhỏ hoặc thương lái ở các chợ đầu mối. 

Ông Nguyễn Hữu Tuyển, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hà Anh, thị trấn Nếnh thông tin: Từ tháng 8-2018, HTX được huyện hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng 2 nghìn m2 nhà lưới để trồng các loại hoa như hồng, ly, lay ơn, phong lan. Tuy nhiên, hiện nguồn thu từ diện tích này chỉ là “lấy công làm lãi”. Mở rộng diện tích thì khó ở chỗ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, muốn đầu tư sản xuất theo mô hình công nghệ cao lại thiếu vốn.

Theo ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện, trước thực tế hiện nay, huyện xác định tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất bởi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp trong khi nhu cầu sử dụng nông sản an toàn ngày càng tăng. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ về hạ tầng, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh từng địa phương. Xây dựng kế hoạch cụ thể quảng bá, giới thiệu ưu điểm của vùng, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết tiêu thụ. Từ đó, tăng giá trị nông sản và tính bền vững trong sản xuất. Huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn lựa chọn các loại cây giống phù hợp, thường xuyên tập huấn kiến thức để người dân ứng dụng hiệu quả tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ: Nâng giá trị cho nông sản
(BGĐT) - Sở Công Thương Bắc Giang đã hỗ trợ nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng giá trị sản xuất nông nghiệp.  
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
(BGĐT) - Ngày 30-11, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tổ chức tổng kết đề án xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2018.
Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất vải thiều
(BGĐT) - Sản xuất theo quy trình bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp nông sản dễ tìm đầu ra, giá ổn định là lợi ích của các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ (SXTT) vải thiều đang được triển khai hiệu quả trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Với nhiều ưu điểm, mô hình này đang được nhân rộng.
Tăng cường chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản
(BGĐT) - Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ nông sản, thời gian qua, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã vận động các doanh nghiệp, hộ nông dân liên kết hình thành các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...